Theo nhà thơ Phan Hoàng, có thành viên ít gắn bó với hoạt động Hội vì đảm đương nhiều công việc, chức vụ khác. Có những thành viên chưa nhiệt tình, chủ động trong công tác Hội. Các ban và hội đồng chuyên môn không tổ chức được hoạt động sáng tác hoặc hội thảo văn học nào đáng kể. Thường trực Văn phòng Hội cũng có những hạn chế, chưa thực sự tạo được mối quan hệ tốt với lãnh đạo cấp trên cũng như những cây bút chuyên nghiệp có uy tín. Đến nay vẫn chưa xin được giấy phép hoạt động cho trang web của Hội. Lãnh đạo Thành uỷ đã có chủ trương hỗ trợ trang web hơn nửa tỉ đồng cho hoạt động ban đầu nhưng Thường trực Hội vẫn chưa tiến hành giải ngân được. Nhà thơ Phan Hoàng cũng gửi lá thư đến từng thành viên BCH Hội thông báo sẽ ngừng hoạt động trang web của Hội thời gian tới nếu Thường trực Hội không trả kinh phí cho việc thiết kế và hoạt động thời gian hơn 1 năm đầu…



BCH HỘI NHÀ VĂN TPHCM HỌP CHUẨN BỊ ĐẠI HỘI 7

Vào lúc 14g chiều ngày 22.4, tại trụ sở Hội Nhà văn TP.HCM đã diễn ra cuộc họp Ban Chấp hành Hội khoá VI để góp ý, sửa đổi một số văn kiện chuẩn bị cho Đại hội nhiệm kỳ VII của Hội dự kiến diễn ra vào giữa tháng 6.2015. Nhiều ý kiến thẳng thắn được phát biểu, nhất là hoạt động của BCH...  Cuộc họp BCH Hội do Chủ tịch Lê Quang Trang chủ trì với sự tham gia của 6 Uỷ viên BCH Hội gồm các nhà văn nhà thơ: Trần Văn Tuấn, Phạm Sỹ Sáu, Hoàng Đình Quang, Trương Nam Hương, Bích Ngân, Phan Hoàng; 1 Uỷ viên BCH vắng mặt là nhà văn Huỳnh Dũng Nhân. Chánh văn phòng Hội Phan Trung Thành làm thư ký cuộc họp.

Thay mặt Ban Thường vụ Hội, trước tiên nhà thơ Lê Quang Trang trình bày về dự thảo Báo cáo Tổng kết công tác nhiệm kỳ VI và phương hướng nhiệm kỳ VII, tiếp đến nhà thơ Phạm Sỹ Sáu trình bày hai dự thảo Sửa đổi Điều lệ Hội và Quy chế Đại hội nhiệm kỳ VII (2015-2010), nhà văn Trần Văn Tuấn đọc dự thảo Báo cáo công tác Kiểm tra Hội và Báo cáo Tài chính 5 năm nhiệm kỳ VI. 
Theo dự thảo báo cáo tổng kết do Chủ tịch Lê Quang Trang trình bày, nhiệm kỳ vừa qua Hội đã tổ chức nhiều hoạt động thâm nhập thực tế và đầu tư trực tiếp xây dựng tác phẩm; định hướng, khuyến khích sáng tác tốt thông qua việc trao các giải thưởng, thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị… (Khi bản dự thảo được góp ý, sửa chữa hoàn chỉnh, sẽ đăng tải trên trang web này). 

Sau khi nghe các bản dự thảo, từng thành viên BCH Hội đã phát biểu ý kiến. Đầu tiên là ý kiến của nhà văn Hoàng Đình Quang đồng ý với báo cáo tổng kết mà nhà thơ Lê Quang Trang đề ra. Theo anh, trong nhiệm kỳ vừa qua Hội kết nạp được trên 100 hội viên mới, rất nhiều tác phẩm của hội viên được xuất bản, đồng thời Hội đã xét trao giải thưởng cho các tác phẩm xứng đáng. Việc kết nạp hội viên và trao giải thưởng không để xảy ra việc kiện tụng. Đó là thành quả quan trọng của Hội. Nhà văn của Hoàng Đình Quang cũng đã góp ý một số đề mục dự thảo Sửa đổi Điều lệ Hội và Quy chế Đại hội nhiệm kỳ VII.

Đến lượt nhà thơ Phan Hoàng phát biểu, đã không hoàn toàn đồng tình với ý kiến của nhà văn Hoàng Đình Quang về cái gì trong bản dự thảo tổng kết cũng tốt. Bản dự thảo mới nêu lên những việc làm được của BCH Hội nhiệm kỳ vừa qua, còn khuyết điểm thì chưa phản ánh rõ. Chẳng hạn, 5 năm vừa qua Hội kết nạp được số lượng hội viên nhiều nhất từ khi thành lập Hội đến nay, nhưng chất lượng hội viên phần lớn không cao, có những người sáng tác còn rất yếu. Tuy không xảy ra việc kiện thưa chính chức, nhưng vẫn có những điều tiếng không hay trong dư luận về việc kết nạp hội viên. Nhiều cây bút có uy tín ít gắn bó với Hội, do hội viên hay lỗi của BCH Hội? Anh cũng đề nghị phải đưa vào bản dự thảo sửa đổi Điều lệ Hội rằng, trừ những người cao tuổi, nếu 3 năm hội viên không đóng hội phí, không tham gia các hoạt động Hội thì sẽ tự nhiên bị xoá tên khỏi Hội.
Về hoạt động của BCH Hội, theo nhà thơ Phan Hoàng, có thành viên ít gắn bó với hoạt động Hội vì đảm đương nhiều công việc, chức vụ khác. Có những thành viên chưa nhiệt tình, chủ động trong công tác Hội. Các ban và hội đồng chuyên môn không tổ chức được hoạt động sáng tác hoặc hội thảo văn học nào đáng kể. Thường trực Văn phòng Hội cũng có những hạn chế, chưa thực sự tạo được mối quan hệ tốt với lãnh đạo cấp trên cũng như những cây bút chuyên nghiệp có uy tín. Đến nay vẫn chưa xin được giấy phép hoạt động cho trang web của Hội. Lãnh đạo Thành uỷ đã có chủ trương hỗ trợ trang web hơn nửa tỉ đồng cho hoạt động ban đầu nhưng Thường trực Hội vẫn chưa tiến hành giải ngân được.

Nhà thơ Phan Hoàng cũng gửi lá thư đến từng thành viên BCH Hội thông báo sẽ ngừng hoạt động trang web của Hội thời gian tới nếu Thường trực Hội không trả kinh phí cho việc thiết kế và hoạt động thời gian hơn 1 năm đầu. Anh cũng đề nghị Thường trực Hội gửi báo cáo tài chính và báo cáo kiểm tra hoạt động Hội đến từng thành viên BCH Hội để nghiên cứu kỹ hơn trước khi trình bày ở Đại hội nhiệm kỳ VII. Đồng thời, nhà thơ Phan Hoàng cũng đề nghị Thường trực Hội trả lời về việc đề cử danh sách đại biểu đi dự cuộc gặp gỡ văn nghệ sĩ tiêu biểu do lãnh đạo Thành uỷ TP.HCM tổ chức vừa qua mà phần lớn các thành viên BCH Hội không hề hay biết. Dựa vào tiêu chí nào để cử đại biểu và những đại biểu đó đã có những đóng góp gì lớn lao cho đời sống văn học thành phố 40 năm qua?

Sau khi nghe nhà thơ Phan Hoàng phát biểu, nhà văn Bích Ngân cũng tỏ ra bức xúc, chị cho rằng phần kiểm điểm của BCH Hội còn sơ lược, chưa phản ánh rõ trách nhiệm của từng thành viên BCH trong nhiệm kỳ vừa qua. BCH Hội cần nhìn thẳng vào sự thật, tự phê bình, công khai minh bạch mọi hoạt động của Hội, ngoài những gì làm được còn phải nhận khuyết điểm những việc chưa làm tốt, chứ không chỉ tự khen nhau. Từng thành viên BCH cần phải tự kiểm đã và chưa làm được việc gì mà hội viên tin tưởng giao phó. Nếu BCH không tự phê bình thì ra Đại hội sắp tới, có thể nhiều hội viên cũng sẽ phát biểu chất vấn trách nhiệm. 

Nhà văn Bích Ngân cũng cho rằng, số lượng hội viên mới được kết nạp nhiều nhưng chất lượng không cao. Một số thành viên BCH Hội còn công nhận là đã tự hạ thấp tiêu chuẩn trong việc xét kết nạp hội viên mới. Số đầu sách của hội viên được đầu tư xuất bản cũng không phải là nhỏ nhưng chưa có tác phẩm chất lượng cao, chưa đầu tư chiều sâu, trong khi số tiền được lãnh đạo thành phố cấp cho hoạt động sáng tác của Hội nghe qua báo cáo là khá lớn. Một số hội viên xuất bản tác phẩm có giá trị nhưng không gửi tới tham dự giải thưởng hàng năm của Hội. Cả nhiệm kỳ Thường trực Hội không tổ chức được cuộc hội thảo, toạ đàm nào về tác giả, tác phẩm. Đáng lẽ hàng năm Hội phải đăng báo cáo tài chính công khai trên trang web của Hội, để hội viên biết đã được cấp đầu tư vấn đề gì, mục đích gì, kết quả ra sao. 

Theo nhà văn Bích Ngân, nhiệm kỳ vừa qua Hội cũng chưa thu hút được nhiều cây bút chuyên nghiệp có uy tín tham gia sinh hoạt Hội, chưa quy tụ được tác giả có tâm có tài. Phải tự đặt vấn đề vì sao như vậy? Thực ra, công việc đáng nói trong 5 năm qua là thành lập và trao được Giải thưởng Nhà văn trẻ, thiết lập được trang web. Riêng trang web là bộ mặt hoạt động của Hội, là diễn đàn quan trọng nhưng trong 5 năm qua chỉ để 1 thành viên BCH gánh vác, không ai chia sẻ trách nhiệm, lại không có kinh phí để hoạt động. Chị cũng nghẹn ngào nói rằng mỗi thành viên BCH Hội cần phải thấy rõ trách nhiệm của mình đối với trang web, trong lúc số tác phẩm được đầu tư xuất bản không nhỏ nhưng chất lượng không cao, thì 5 năm qua Hội gầy dựng được trang web, đó cũng là kết quả đáng kể còn lại của nhiệm kỳ này, thì lẽ nào để ngừng hoạt động? Chúng ta sẽ ăn nói thế nào với hội viên, với bạn đọc và đồng nghiệp cả nước?