Gặp nhau những ngày này mừng khôn xiết. Vui quá, cùng nhau nhắc đi nhắc lại từ “đã chiến thắng!” “đã chiến thắng!” chứ không còn “sẽ...” nữa. Chúng tôi cùng nhau hai tay bợ miệng làm loa hướng vào nhà dân kêu gọi “Hỡi đồng bào! Hôm nay bộ đội Giải phóng tiến về tiếp quản chính quyền. Bà con hãy mau mau nổi dậy giúp đỡ quân cách mạng trấn áp bọn tàn quân, ủng hộ chính quyền cách mạng!”. Không ngờ loa miệng nối tiếp loa miệng truyền đi khắp nơi trong làng mạc, ngoài ruộng đồng. Dân chúng tràn ra hai bên đường mỗi lúc một đông. Được biết trong đó có dân từ các nơi, Sông Bé, Đồng Nai, Phước Long ... lánh đạn đến đây cả tuần rồi. Nhiều bà con địa phương đang làm vườn, làm ruộng quần ống thấp ống cao cũng chạy ùa lên đường. Họ bẻ hoa ôm theo hàng ôm tặng cho chiến sĩ Giải phóng, những quả khớm, dứa vàng rộm mọng nước cũng được đem ra mời...



KỶ NIỆM KHÓ QUÊN VỀ NGÀY 30-4

TUYẾT SƯƠNG

            Cuối cùng rồi cũng đến ngày giành lấy chính quyền về tay nhân dân sau hai mươi mốt năm trông đợi với bao hy sinh, gian khổ, ác liệt, đói cơm lạt muối mới có được. Theo chỉ thị của Trung Ương, các địa phương phải quán triệt nhiệm vụ cụ thể khi dứt tiếng súng, trước mắt là thành lập ngay Ủy Ban Quân Quản Tỉnh, Thành. Kịp thời làm chủ tình hình, trấn áp bọn tàn quân và bọn phản cách mạng. Trấn áp bọn du côn du đãng thừa cơ lúc chính quyền ngụy không còn, chính quyền cách mạng chưa hình thành chúng cướp bóc của cải tài sản nhân dân. Đồng thời liên lạc với cơ sở cách mạng để kết hợp với chính quyền mới vận động quần chúng quản lý, giữ gìn tài sản Quốc gia. Phát động quần chúng tố cáo, phát hiện bọn tề ấp, tàn quân đang ẩn nấu, mật thám mật vụ địch cài lại, để tập trung cải tạo. Lập lại trật tự xã hội, ổn định cuộc sống, sinh hoạt và sản xuất của nhân dân. Đó là KIM CHỈ NAM trong giai đoạn này. Và cũng là giai đoạn với bao kỷ niệm mà tôi khó quên.

ÁNH MẮT NGƯỜI CHẠY LOẠN 
Cuối tháng 3 đầu tháng 4/1975, các đơn vị thuộc E.300 Tỉnh Lâm Đồng (cũ) chiến trường Miền đông Nam bộ được lệnh tiến ra phía trước, chuẩn bị tiếp thu, thành lập chính quyền mới. Cơ quan chúng tôi từ Đồi Bồ, khu trung tuyến đi dọc theo đường be - đường xe be chở gỗ, ra đường 14bis, tiến sát bàn đạp, đóng quân tại ấp Tân dân, huyện Di Linh, Lâm Đồng để nhanh chóng tiến vào tiếp thu chính quyền khi có lệnh. Trong khi chờ ngày N giờ G. Tôi và anh Đức Thu (Sau này là giám đốc Sở Nội Vụ Bà Rịa Vũng Tàu) cùng một số anh em nữa được phân công quay lại trung tuyến lấy máy móc, tài liệu quan trọng phục vụ cho chiến dịch. Anh Thu mang cây súng ngắn K54 còn tôi cây cac-pin, đuổi theo mãi mà không kịp toán đi trước. Có lẽ họ tưởng chỉ chừng ấy người đi chứ không có tôi và anh Thu của bộ phận văn phòng và điện đài chăng? Cũng có thể tại chúng tôi xuất phát chậm. Bởi anh Thu thì đợi tôi. Còn tôi gặp sự cố thế này:
Khi tôi khoát súng chuẩn bị đi thì thấy chị nuôi vét những hạt cơm sót lại trong cái nồi lớn dùng để nấu cơm của đơn vị cho vào cái tô, lấy nồi đem đi vo gạo. Bỗng xuất hiện người đàn bà trông lôi thôi lếch thết bế đứa bé hơn hai tuổi, cử chỉ rụt rè, rồi nhìn chầm chầm vào tô cơm với ánh mắt như bị thôi miên. Đứa bé gầy guộc lem luốc thì cố chùi người muốn tuột khỏi đôi tay để nhào tới tô cơm. Nhưng chị nuôi không thấy nên bỏ đi làm công việc của mình. Tôi bước tới lấy tô cơm đưa cho chị ta, nghĩ bụng, chắc là vợ con tàn binh chạy loạn  bị đói khát, biết chúng tôi là “Việt cộng” phe đối kháng với chồng mình nên chị ta sợ trả thù chăng?
 Được biết khi bị mất Ban Mê Thuật, Kiến Đức, ngụy quân ngụy quyền Sài Gòn ở Gia Nghĩa, sân bay Liên Cơ tự động tan rã. Những tiểu đoàn bảo an, biệt kích, dân vệ vv … tháo chạy hoảng loạn, một số tên đùm túm vợ con theo. Chúng cắt rừng đi về hướng Di Linh, ra Quốc lộ 20 hòng chạy về thủ phủ Sài Gòn.
Thật kỳ lạ, khi tôi đưa tô cơm tới, họ không đỡ lấy cái tô mà tranh nhau bốc lia bốc lịa bỏ vào miệng mình ngốn ngấu, không có ý nhường nhịn. Tôi phải dùng cả tay còn lại đỡ cái tô không thì đã rơi xuống đất. Chỉ một loáng không còn những hạt cơm đáng kể dính lại trong tô. Thế rồi chị ta tất tả bỏ chạy sau khi kịp để lại phía tôi một cái nhìn thật khó tả, vừa biết ơn vừa rất sợ hãi… Ánh mắt ấy vẫn còn nguyên trong tôi mỗi khi nhắc lại những kỷ niệm.
Bấy giờ tôi thấy lòng mình quặn lại, thương cho hoàn cảnh khốn cùng của mẹ con họ. Khốn cùng đến làm lạ, mẹ tranh ăn với con thơ, điều hiếm thấy ở tấm lòng người mẹ. Và tôi nghĩ, cần phải cho họ thời gian để hiểu về con người cách mạng. Chừng ấy thay vào ánh mắt sợ hãi kia bằng sự yêu quí kính trọng.

DÒNG SÔNG NHUỘM MÁU        
Khi chúng tôi đi sâu vào vùng trung tuyến thì gặp năm lính VNCH đi ngược chiều. Họ rất sơ, run bây bẩy nhưng không có ý trốn chạy, còn chìa tay ra xin ăn. Trông họ thật thảm hại, chỉ còn mỗi cái quần rằn ri rách bươm, tay không, chẳng súng đạn. Tuy rất căm thù bọn tay sai bán nước nhưng khi thấy hoàn cảnh như thế thì lòng chúng tôi cũng mềm lại. Trong khi họ cùng nhau ngấu nghiến xuất mì lát của tôi, chúng tôi thuyết phục họ nên quy hàng, đi cùng chúng tôi để được đưa về trại tập trung của Quân Giải Phóng Miền Nam, sẽ được hưởng chính sách khoan hồng của cách mạng. “Chính sách của chúng tôi là đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại”. chúng tôi nói thế. Không biết họ tin hay ngờ vực như người phụ nữ kia. Song chắc họ cũng biết núi rừng là lãnh địa của chúng tôi. Và nếu chạy, chúng tôi sẽ nổ súng, cho dù có chạy thoát đi nữa thì cũng bị lạc đường và chết đói. Cuối cùng số tàn binh chịu để chúng tôi dẫn đi, giao cho tổ canh giữ tàn binh đầu hàng mà không phải cột trói chi cả. Đó là lần đầu tiên tôi thấy dẫn giải tù binh mà không cột trói. Đến bến sông, tôi ngồi chờ anh Thu và một du kích đưa họ đến nơi trung chuyển. Nơi này do đồng chí Hoành phụ trách nên thường gọi “trạm ông Hoành”, từ đấy anh em lại dẫn họ đến một địa điểm tập kết khác, sâu trong vùng căn cứ cách mạng hơn.
Tại sông Kênh Đạ, trong khi ngồi chờ anh Thu, tôi được nghe kể và chứng kiến cảnh người chết thật là khủng khiếp.
Trên đường thỉnh thoảng tôi nghe những tiếng súng nổ “đốp! đốp!” rời rạc từng viên một. Thì ra đó là tiếng súng của quân ta bắn bọn hỗn hợp tàn quân ngoan cố không chịu buông súng bơi qua sông đầu hàng Quân Giải Phóng. Đoàn quân hỗn hợp tìm đường tháo chạy này có cả quân thất trận ở tỉnh Phước Long trước đó vài tháng. Số khác là do các tỉnh, thành, thị xã ở Tây Nguyên được giải phóng, chúng bị cô lập hoàn toàn nên tự rã ngũ, mạnh ai nấy tháo chạy, có người đem theo gia đình vợ con, cọng lại quân số có tới trung đoàn chứ chẳng ít. Khi tới dòng sông Kênh Đạ chúng bị quân du kích chặn lại, không cho qua sông. Lúc bấy giờ lực lượng ta đã dồn hết ra phía trước để tiến vào giành chính quyền, hơn nữa đâu biết có chuyện xảy ra đột xuất thế này nên không có quân trấn giữ ở đây. Ta chỉ có một nhóm người ở bên nầy sông, bắc loa kêu gọi họ bỏ súng đầu hàng để được hưởng chính sách khoan hồng của cách mạng. Vì ít người nên phải thay phiên nhau suốt ngày phổ biến đến rát cổ họng vài điểm trong chính sách khoan hồng của ta đối với ngụy quân ngụy quyền đã bỏ súng đầu hàng, cho họ thông suốt.
Sau đó ta kêu gọi ai chịu đầu hàng thì trút bỏ súng đạn bơi qua sông. Ai không biết bơi có thể kết bè qua sông nhưng với điều kiện không mang theo vũ khí. Nếu có mang theo bất cứ vũ khí gì ta sẽ không đảm bảo tính mạng cho họ, và chỉ được qua hai, ba người một chuyến. Sợ chúng qua một lúc nhiều tên, khi biết anh em ta lèo tèo có mấy người chúng sẽ cướp súng chống lại.
Một số binh sĩ hiểu và tin chính sách khoan hồng của ta, họ bỏ súng bơi qua. Song mấy tên sĩ quan ngoan cố không chịu đầu hàng, thấy anh em binh sĩ bỏ súng qua sông, chúng ném lựu đạn, xả súng bắn chết họ giữa dòng. Môt số tên cố tình mang vũ khí vượt sông, ý định chống cự rồi chạy thoát thân, buộc lòng quân ta đành phải tỉa từng tên ngay giữa dòng nước, không để chúng kịp lên bờ. Có những tên ngoan cố tận cùng, khi nghe “tiếng loa” tuyên truyền, chúng nhằm mục tiêu mà bắn. Vì vậy quân ta không thể chủ quan, phải đào hầm cho mình và cả cho những binh lính đã đầu hàng khi vừa được lên bờ mà ta chưa kịp đưa đi. Ta chuẩn bị sẵn dây rừng, chứ lấy đâu ra dây thừng cho đủ, hễ tên nào sang sông là ta trói ngay, cho ngồi dưới hầm, chừng được bảy tám tên, ta cho người áp giải về “trạm ông Hoành”.
Nhiều binh sĩ thật tình muốn đầu hàng quân Giải Phóng, nhưng không dám qua sông, sợ bọn sĩ quan ngoan cố ẩn núp bắn chết. Ta đoán được điều đó nên kêu họ lưu ý: “Để bảo vệ bản thân và gia đình, anh em binh sĩ hãy đoàn kết, tiêu diệt bọn ác ôn ngoan cố, sang sông về với cách mạng”. Những ngày sau đó có những loạt súng tự khử giữa bọn chúng rồi quăng xác xuống sông. Nhưng đông quá nên khó điểm mặt hết những tên sát hại anh em binh sĩ chịu về với cách mạng. “Cái khó ló cái khôn” tự họ nẩy sinh sáng kiến, đoàn kết, bí mật bằng cách cho hai, ba người bơi qua sông, nhóm đứng trên bờ chia nhau bí mật theo dõi, thấy tên nào có hành động bồng súng lên ngắm hay rút lựu đạn, họ lập tức nổ súng khử trước. Từ đó anh em binh sĩ mới mạnh dạn bơi qua sông về với cách mạng.
Không có dụng cụ đào hố nên bọn tàn binh tuồn tất cả các loại xác chết vì bệnh, chết do mâu thuẫn giết nhau, chết đói, chết do chống đối, đầu hàng vv... xuống sông. Ngoài ra còn có xác chết của bọn ngoan cố mang vũ khí qua sông bị ta bắn chết giữa giồng. Vì vậy, những ngày ấy con sông nhuộm máu đỏ quạch. Xác chết trôi lềnh bềnh trên sông. Có những xác ruột gan vướng vào rễ cây dọc hai bên bờ, nhiều xác gặp vũng nước xoáy, không trôi được dồn vào một chỗ, trương phình nổi lềnh bềnh ngày này qua ngày khác, che kín mặt nước cả một vùng.
Anh du kích vừa làm nhiệm vụ quan sát, canh chừng xem có  tàn quân nào ngoan cố mang súng qua sông vừa kể cho tôi nghe câu chuyện mới lúc sáng gặp đoàn cán bộ từ trên “Khu” ,“ R” hành quân cấp tốc chỉ đạo chiến dịch tiếp thu chính quyền thành phố Đà Lạt tỉnh Tuyên Đức (cũ) và thị xã Bảo Lộc tỉnh lỵ Lâm Đồng. Anh kể:
 “Họ nói đoàn hành quân cả ngày lẫn đêm, leo đèo lội rừng, không được ngơi nghỉ. Lúc nào đói thì dừng, nấu cơm ăn, đó cũng là giờ phút nghỉ ngơi. Ăn xong mỗi người tự vắt cơm cho bữa tiếp theo. Mỗi tối anh em chỉ chợp mắt một tiếng rồi đánh thức nhau lục tục đi tiếp. Hôm qua, họ đi cả ngày không gặp nước để nấu ăn, đến sẩm tối bỗng nghe từ xa có tiếng thác đổ, anh em mừng quá, động viên nhau cố gắng đi đến con sông đó để có nước nấu cơm và nghỉ một đêm cho lại sức. Mãi nửa đêm mới đến nơi, thấy con sông rộng lớn, nước có vẽ rất sâu ai cũng thích, nghĩ bụng “lát nữa xuống bơi tắm cho đã, bù mấy ngày không được tắm”. Thế rồi mỗi người mỗi việc, làm chỗ mắc võng tạm, kiếm củi, dựng bếp, lặt mấy lá rau nhặt nhạnh dọc đường, vo gạo nấu cơm... Xong xuôi, mọi người ngồi chồm hổm quây quần bên bếp lửa sát bờ sông ăn cơm. Trời tối như mực, lửa bếp chập chờn anh em cứ việc cho cơm canh vào ca Mỹ mà múc ăn trong cơn đói. Đang ăn giữa chừng có người nói: “Nghe cơm canh có mùi tanh tanh”. Người khác đồng tình “Ừ, tôi cũng thấy như vậy”. Rồi lại đoán, chắc mùi tanh của nước có phèn. Họ đâu ngờ...”
Anh du kích đang kể bỗng hỏi người đồng đội mà mắt vẫn phóng qua phía bên kia bờ sông: 
- Có nhóm mang súng phải không?
- Ừ, đúng rồi!”.
Trả lời như thế rồi anh bụm tay làm loa kêu lớn:
- Nhóm người mang súng, quay lại ngay! Không sẽ bị bắn.
Những tên tàn binh khựng lại, rồi tiếp tục sải những sải tay bướng bỉnh về phía trước. Tôi thấy nôn nao, mong sao nhóm tàn binh kia quay lại vào bờ, trút bỏ vũ khí trước khi bơi qua sông. Nhưng không, họ sải tay nhanh hơn về phía trước. Khi họ ra đến giữa sông thì từng phát súng một vang lên, đầu đạn găm vào họ, bắn lên những vệt nước màu đỏ, tôi thấy lạnh xương sống. Những sải tay kia không còn sải nữa mà trôi xuôi theo dòng nước nhuộm một màu đỏ tươi. Xác định chắc chắn không còn cánh tay nào sải qua bờ bên đây nữa, người du kích ngồi xuống, thảng nhiên kể tiếp:
“Sau khi cùng nhau xì xụp ăn hết mấy ăng-gô cơm, và nồi canh lá bép, người tên Vi và người nữa tên Dũng tranh thủ cởi quần áo nhảy ùm xuống sông, nhoài người đến vũng nước bình bình không chảy xiết để tắm. Thấy nước lớn, ham quá Dũng bơi, lặn thỏa thích, rồi anh tò mò lặn thử xem sông sâu cỡ nào, và cũng để thử sức mình. Hít một hơi không khí căng đầy hai lá phổi rồi nín thở lặn sâu đến chạm đất, Dũng thầm nghĩ  “cùng hơi sâu đấy chứ”  rồi anh chùn gối nhún mạnh chân, chòi mình trồi lên mặt nước. Bỗng thấy đầu mình chạm phải vật gì mềm mềm nhầy nhụa và nặng nặng bồng bềnh trên mặt nước. Dũng lách đầu chen qua mớ nhầy nhựa, trồi lên khỏi mặt nước. Anh đưa tay vuốt mắt nhìn xem vật gì. Mặt nước bàng bạc ánh lên thứ ánh sáng nhờ nhợ ma quái. Mắt anh lờ mờ nhìn thấy vây quanh mình là những xác chết trương phình trong bộ quần áo rằn ri, một số chỉ mỗi quần xà lỏn, nằm sấp có, ngửa có. Có xác ruột gan trồi ra khỏi bụng, lòng thòng theo cái xác. Tất cả những thứ nhầy nhụa sợn người ấy cứ bồng bềnh theo sóng nước cọ xát vào da thịt. Dũng hoảng loạn ré lên một tiếng thất thanh. Vi tắm cách xa chỗ Dũng hơn chục mét, không biết chuyện gì, anh kêu to “Gì thế? Dũng?” Làm mọi người ở trên bờ đã hoảng lại càng hoảng hơn.
Kêu vậy rồi Vi bơi gần lại chỗ có tiếng ré. Trong lúc những người trên bờ chụp súng, bấm đèn lao ra sát mép nước chạy dọc theo bờ sông. Mấy quầng tròn của đèn pin sáng choang quất qua quất lại  chỗ có tiếng ré. Nhưng xa quá họ chưa kịp thấy rõ những gì. Trong lúc Dũng điếng, hụp sâu dưới nước rồi bơi vô bờ, leo lên trong tư thế “trần như nhộng”. Không chút e thẹn ngượng ngùng, Dũng đứng run như cầy sấy, ngơ ngác, thần sắc biến đâu mất, để lại bộ mặt đầy vẻ mụ muội cõi trên.
“Cậu làm sao vậy hả? Dũng!” - Một người trong đoàn vừa hỏi vừa tát cái “bốp!” vào mặt Dũng, khiến anh ta sực tỉnh. Rồi thấy mọi ánh mắt đang soi vào mình, anh nhìn xuống giật thót, ớ lên một tiếng,  hai tay chụp vội như sợ nó vỗ cánh bay đi, làm ai cũng bụm miệng cười.
Vi cũng đã lên bờ, anh đang nép vào góc khuất để mặc quần áo. Sau đó anh kể cho mọi người biết nguyên nhân khiến Dũng hoảng. Nhờ lúc nãy Vi bơi tới gần và có mấy chiếc đèn pin sáng quắc của những người trên bờ đã cho Vi thấy và biết chuyện gì đã xãy ra với Dũng,  bây giờ thì cả nhóm đã tỏ tường.
Họ không ngủ lại đó nữa mà đi luôn. Con đường nhỏ như sợi chỉ dài vô tận, chạy ngoằn ngoèo cập theo dòng sông. Và họ đã gặp anh em du kích chúng tôi ở đây, hồi sáng”.
Tôi nghe kể mà cảm thấy ớn lạnh, rùng mình. Giờ nhắc lại còn rợn người, nổi da gà.

TIẾN VÀO TIẾP QUẢN CHÍNH QUYỀN
Các cơ quan thuộc E.300 được lệnh hành quân ra thị xã Bảo Lộc, tỉnh lỵ Lâm Đồng để tiếp quản chính quyền.
Tỉnh nhà được giải phóng. Tin vui đến trong sự mong đợi nhưng không sao khỏi bất ngờ, ai nấy mừng trào nước mắt, cứ như liều thuốc bổ, làm cho sự vất vả, mệt nhọc của những ngày qua tan biến đâu hết. Ai nấy trong lòng khắp khởi, vui phơi phới, bồn chồn khó tả, người nhẹ như được chắp cánh, đi nhanh như bay về đích. Lúc này chúng tôi cứ nhao ra đường lớn, đường nhựa láng bóng mà đi chứ không cần cắt rừng lội suối nữa. Hiên ngang mà đi, không phải lo dưới đất địch phục kích, trên trời máy bay bỏ bom chi cả, nghe sung sướng vô cùng. Ngoài những đơn vị thuộc E.300 còn có một số đơn vị lực lượng vũ trang khác, cứ thế chúng tôi cùng nhau thẳng tiến.
Gặp nhau những ngày này mừng khôn xiết. Vui quá, cùng nhau nhắc đi nhắc lại từ “đã chiến thắng!” “đã chiến thắng!” chứ không còn “sẽ...” nữa. Chúng tôi cùng nhau hai tay bợ miệng làm loa hướng vào nhà dân kêu gọi “Hỡi đồng bào! Hôm nay bộ đội Giải phóng tiến về tiếp quản chính quyền. Bà con hãy mau mau nổi dậy giúp đỡ quân cách mạng trấn áp bọn tàn quân, ủng hộ chính quyền cách mạng!”. Không ngờ loa miệng nối tiếp loa miệng truyền đi khắp nơi trong làng mạc, ngoài ruộng đồng. Dân chúng tràn ra hai bên đường mỗi lúc một đông. Được biết trong đó có dân từ các nơi, Sông Bé, Đồng Nai, Phước Long ... lánh đạn đến đây cả tuần rồi. Nhiều bà con địa phương đang làm vườn, làm ruộng quần ống thấp ống cao cũng chạy ùa lên đường. Họ bẻ hoa ôm theo hàng ôm tặng cho chiến sĩ Giải phóng, những quả khớm, dứa vàng rộm mọng nước cũng được đem ra mời. Những bà mẹ người dân tộc thiểu số chạy theo kêu, giọng lơ lớ: Chào an Giải Phón! Chào an Giải Phón! (Chào anh Giải Phóng!) Họ tháo chiếc vòng đồng đeo tay, đeo vào cho chiến sĩ Giải phóng ý “cầu mong mọi điều may mắn!”  Nhiều chàng trai cô gái trẻ măng, quần ống treo ống trễ, chân trần chưa kịp xỏ dép, cứ thế chạy theo quân Giải Phóng bắt tay cười nói, vui như hội.
Khi đến huyện lỵ Di linh thì trời đã tối, có đơn vị bộ đội ta trấn giữ nơi đây. Đêm đó đơn vị chúng tôi nằm tạm trên những chiếc bàn, chiếc ghế học trò của một trường tiểu học. Đó là đêm đầu tiên chúng tôi rời “chiếc võng kháng chiến” vì không có chỗ mắc võng. Không quen nên rất khó ngủ. Tuy nhiên phần vì rạo rực niềm vui chiến thắng nên chẳng ai ngủ được. Tờ mờ sáng hôm sau, khi những tia nắng hừng lên trên bầu trời thanh bình khiến ai nấy đều tươi tắn, nụ cười luôn nở trên môi. Không ai bảo ai, tự dưng câu cửa miệng buổi sáng gặp nhau ai cũng nói “Hòa bình rồi!”. Chúng tôi được xe GMC “chiến lợi phẩm” chở về Bảo Lộc. Dọc theo quốc lộ 20, những chiếc GMC chở chúng tôi đến đâu cũng được bà con đứng hai bên đường cầm trên tay lá cờ nửa xanh nửa đỏ chính giữa ngôi sao vàng (cờ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam) và ảnh Bác Hồ huơ lên chào đón như chào đón người thân trở về. Niềm vui cứ thế nhân lên, phơi phới, tràn ngập.
Đã bốn mươi năm rồi, giờ nhắc đến tôi còn cảm thấy rạo rực , khắp khởi trong lòng.
Sau này tôi được biết những lá cờ, ảnh Bác Hồ mà bà con tự hào giơ cao chào đón chúng tôi trong ngày chiến thắng, có cả những lá cờ và ảnh Bác Hồ chỉ vì cất giấu nó mà người dân đã bị địch đánh đập, tù đày, thậm chí có người phải mất mạng nhưng họ vẫn không giao nộp cho địch cái lá cờ - hồn cốt của Tổ Quốc, của Dân Tộc mình.