Điều dễ nhận ra trong Cỏ ướt là mảng đề tài và chủ đề chính mà tác giả quan tâm phần lớn là tình cảm gia đình, người thân, bằng hữu. Trong 102 bài được tuyển chọn từ 4 tập thơ và 9 bài được rút ra từ trong di cảo (chưa công bố trước đây), không hề thấy nhà thơ Trần Quốc Thực viết về những chuyện đại sự, to tát như nhiều nhà thơ mà chúng ta thường gặp. Đấy là một trong những nét khu biệt ông với các nhà thơ Việt Nam đương đại. Và xem ra làm được như thế và chỉ ngần ấy thôi cũng đủ làm nên tên tuổi một Trần Quốc Thực thơ theo đúng nghĩa của từ này trong làng thi ca Việt cũng như trong lòng những người yêu thích thơ ca đích thực.



Quệt quạc bóng người thơ
VIÊN AN
Tuyển tập thơ “Cỏ ướtcủa nhà thơ Trần Quốc Thực, gồm 135 trang thơ và 60 trang bài viết của các thi hữu trước và sau khi người thơ đã về cõi vĩnh hằng, cách đây 8 năm, mới được xuất bản gần đây. Sau khi đọc, tôi chợt ngộ ra một điều tưởng chừng như hết sức giản đơn mà các cụ ta đã dạy từ lâu, rằng đối với văn chương - nghệ thuật nói chung, đặc biệt là thơ thì quí hồ tinh bất quí hồ đa. Nhưng tiếc thay điều ấy đối với làng thơ Việt, không phải ai cũng nhập tâm được, trừ một số ít người trong đấy có cố nhà thơ Trần Quốc Thực.
Sinh thời nhà thơ Trần Quốc Thực viết không nhanh và cũng không nhiều so với một số người khác. Cả nghiệp thơ của ông vỏn vẹn chỉ có bốn tập thơ mỏng. Ấy vậy mà ba trong bốn tập ấy đều đã được giải thưởng, cụ thể là: Miền chờ (Nxb Tác phẩm mới, 1989, Giải thưởng văn học Nguyễn Khuyến); Nét khắc (Nxb Văn học, 1995, giải A Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam); Tháp cúc (Nxb Hội Nhà văn, 2003, Tặng thưởng Hội Nhà văn Việt Nam) và Trái tim hoa bìm (Nxb QĐND, 1988).
Đối với không ít người, giải thưởng là một cái gì đấy góp phần tạo nên danh hiệu văn chương cá nhân hay chí ít cũng kéo dài thêm vài dòng trong tờ khai lý lịch. Chả thế mà cứ sau mỗi lần trao giải thưởng văn chương, dư luận lại ầm lên những chuyện này nọ. Thậm chí trong làng văn còn nhiều người truyền tai nhau rằng, trời đất có bốn mùa, còn giới văn chương có thêm mùa thứ năm, đấy là mùa giải thưởng và kết nạp hội viên mới.
Nhưng với nhà thơ Trần Quốc Thực, dường như điều ấy chỉ là có cũng nên quên cũng thôi. Bởi lẽ, theo nhận định, đánh giá của thi hữu đồng thời, đồng môn và đồng nghiệp thì ông Thực không làm thơ, viết thơ mà là sống thơ. Tôi cũng hoàn toàn chia sẻ với ý kiến này. Vì đã là sống thơ thì mọi sự khen, chê, bình phẩm hay giải thưởng này nọ đều ở ngoài thơ, tức là không nằm trong sự bận tâm, để ý của Trần Quốc Thực. Thậm chí nhiều người còn cho rằng ngay cả cuộc sống cá nhân thường nhật Trần Quốc Thực không mấy bận tâm nữa là những thứ ấy. Thế nhưng, để dốc toàn tâm sức, trí lực và tình yêu cho thơ phú thì trong làng văn chương lâu nay hà dễ mấy người được như ông.
Đọc Cỏ ướt có lẽ không quá khó để nhận ra điều ấy. Thơ Trần Quốc Thực không nuột nà, trôi chảy vần điệu, không trau chuốt, lên gân ngôn từ, cũng không suy diễn vòng vo, triết lý cao siêu, không lên lớp, dạy dỗ ai bất cứ điều gì. Ông kiệm lời cả trong đời sống lẫn thi ca, tinh giản đến mức tối đa những gì có thể tinh giản được. Nhiều khi người ta thấy ông ngồi trước bạn bè hay trước chén rượu rất lâu, có khi cả buổi mà không thấy nói gì và làm gì, như thể ông ngồi đấy chỉ để ngắm bạn và thưởng lãm rượu. Những ai không am hiểu tính nết người thơ thường cho rằng ông Thực thích uống rượu. Thế nhưng theo một người bạn thân ở cùng phòng với ông từ hồi còn là học viên khóa II, Trường viết văn Nguyễn Du là nhà thơ Nguyễn Trác cả quyết rằng Trần Quốc Thực nếu có thích là thích thưởng lãm, chứ không thích uống rượu để lấy say. Tôi tin điều ấy. Vì một tính cách như ông rượu chỉ là chất xúc tác để thơ thăng hoa.  
Đối với thơ, Trần Quốc Thực là người khá hiếm hoi kiệm lời đến thế, từ ngôn ngữ, vần điệu, cấu tứ, khúc thức hay độ dài ngắn của mỗi câu, mỗi bài đến mỗi tập thơ:
Mưa cứ như không. Trên đê
Nhìn xa, ai hay cỏ ướt?
Chỉ thấy nắng lên thoa mát
Không gian, mặt cỏ, dáng mình
Em ngắm hoài lên đê xanh
Anh ngó hoài sang con mắt
Chỉ thấy bờ mi em rung
Bấy giờ mới tin cỏ ướt.
(Cỏ ướt)
Có người còn bảo rằng viết như thế cũng là thơ ư, ai mà chẳng viết được? Còn tôi lại nghĩ khác, đấy mới đích thực là thơ. Thơ đến mức đối với những người không tinh tường trong thưởng lãm loại hình nghệ thuật cao diệu này tưởng như đấy là những ngôn từ bình thường của đời sống được sắp xếp lại một cách ngẫu nhiên. Vâng, có thể là như vậy? Nhưng cái có thểấy lại chỉ dành cho những người thực sự sống thơ, đã đi qua mọi sự rườm rà, rối rắm, nếm đủ mọi ngọt bùi, đắng cay, lẽ trái ngang ở đời. Đối với không ít người mới tập tọng làm thơ thích dùng câu từ mới lạ, giật gân, giải thích vòng vo, sợ thiên hạ không hiểu, hóa ra chính anh ta mới là người không hiểu đâu là điều tối kị nhất đối với thơ. Bất luận đông hay tây, cổ hay kim thơ luôn và mãi cần ý tại ngôn ngoại và trải nghiệm cá nhân của chủ thể sáng tạo. Ngẫm ra trong thơ Việt không có được nhiều người làm được điều đó.
Điều dễ nhận ra trong Cỏ ướt là mảng đề tài và chủ đề chính mà tác giả quan tâm phần lớn là tình cảm gia đình, người thân, bằng hữu. Trong 102 bài được tuyển chọn từ 4 tập thơ đã nói trên và 9 bài được rút ra từ trong di cảo (chưa công bố trước đây), không hề thấy nhà thơ Trần Quốc Thực viết về những chuyện đại sự, to tát như nhiều nhà thơ mà chúng ta thường gặp. Đấy là một trong những nét khu biệt ông với các nhà thơ Việt Nam đương đại. Và xem ra làm được như thế và chỉ ngần ấy thôi cũng đủ làm nên tên tuổi một Trần Quốc Thực thơ theo đúng nghĩa của từ này trong làng thi ca Việt cũng như trong lòng những người yêu thích thơ ca đích thực.
Viết về mẹ, Trần Quốc Thực bộc lộ tình cảm của mình một cách đủ đầy, chân thành đến mức trơ thuồi luội, tưởng không gì có thể giản đơn hơn. Mẹ là người sinh thành, nuôi dưỡng và gần gũi ta trong suốt cả cuộc đời, có gì đâu mà khó nói, mà phải vòng vo dài dòng. Con mất mẹ là mất tất cả, cũng đồng nghĩa với việc một
mình con phải đối mặt với cái sự đời đầy nghiệt ngã và trớ trêu này:
Con đếm trên đầu ngón tay
Những lần về thăm mẹ
Như bình ắc-quy sắp hết điện
Con sắp mất hết Mẹ trong người
Con sắp trơ ra trước sự đời
(tự thú)
Sau ngày mẹ đã đi, dù đấy là điều con không muốn bao giờ. Nhưng lẽ trời sinh, lão, bệnh, tử ai mà cưỡng lại được. Thế cho nên, ngay cả trong giấc chiêm bao, mẹ vẫn luôn hiển hiện, bởi chỉ có mẹ về mới làm cho con bớt đi sự trống vắng:
mẹ đi sông ngày đông không lại
mẹ qua ngõ bữa đó không về
từ đận ấy con ngóng mãi
bến mẹ ngõ mẹ mang mẹ đi
con thiêm thiếp, mẹ về trước cửa
mẹ loay hoay giọi lại mái nhà
rạng sáng, con mang mang cuốc
mộ mẹ, góc cỏ trâu sạt qua
con thiêm thiếp, mẹ về lối ngõ
bậu cửa trơn, mẹ ngã, mặt sưng vêu
tỉnh giấc, bàng hoàng con dụi mắt
hình mẹ trên ban bão đánh xiêu
mẹ ơi âm dương cũng nhà ta
ai làm mẹ đau, con từ mặt
mẹ ơi âm dương không chia xa
thỉnh thoảng mẹ về, con đỡ khuyết!
(thần cảm 2)
Mẹ trong tâm khảm nhà thơ là thế đấy, còn con thì sao?
Ai đã từng xa đứa con thơ dại của mình dù chỉ một ngày, một tuần thôi mới thấu hiểu và chia sẻ được với Trần Quốc Thực, nhất là sự xa cách ấy có nguyên nhân từ phía người lớn, những bậc sinh thành ra chúng. Con trẻ đã biết gì đâu, sa người lớn lại cứ làm điều trái ngang thế, để rồi chính người lớn phải chịu hứng lấy hậu quả khi phải chia xa chính khúc ruột dứt ra của mình. Vẫn biết rằng cuộc chia tay là do trời đất sắp đặt cả, các bậc cha mẹ không cưỡng lại được để rồi chính họ lại nhận lấy một cuộc chia xa khác còn lớn lao và thống thiết hơn. Nỗi nhớ nhức buốt tâm can, cồn cào gan ruột khiến người thơ không thể giữ yên trong lòng, đến nỗi đất trời này dường như cũng nghiêng ngả. Cái sân trường hằng ngày con vẫn nô đùa chạy nhảy với bạn bè, mà so hôm nay bố bỗng thấy nó nghiêng đi:
Con ơi, bố biết mọi cuộc chia tay Trời đều định trước
bố tự nguyện lùi ra rất xa để mẹ được toàn quyền về con
bố lặng lẽ đến trường con học để được nhìn con từ rất xa, nhìn con rất gần,
rồi bố gọi
con ào đến bố một lúc rồi chạy ra chơi với bạn bè
con chơi với sân trường. Cái sân trường cứ nghiêng nghiêng thế nào ấy trong mắt bố
sân trường cứ nghiêng nghiêng mà bố không dám hỏi vì sao.
(sân trường nghiêng)
Sân trường nghiêng hay trái tim bố không đứng vững vì nỗi nhớ con, bố biết hỏi ai bây giờ?
Và Em, có thể là người yêu dấu, người vợ, cũng có thể là một em nào đấy hết sức mơ hồ, nhưng trong tư cách là nhân vật trữ tình của quá trình sáng tạo của chủ thể thi ca của nhà thơ. Dù trong tư cách nào, Trần Quốc Thực cũng đã dành cho họ một vị trí trân trọng, xứng đáng là những người cần được tôn vinh và để ông gửi gắm bao nỗi niềm, tâm sự cá nhân.  
Anh đã tặng em khúc ca sầu muộn
khúc ca em chưa từng nhận nơi ai
khúc ca cay đắng khúc ca số phận
khúc ca nguyên xanh chiếm đoạt kiếp người
anh đã tặng em mắt nhìn đăm đắm
ánh mắt em chưa từng nhận nơi ai
ánh mắt luân hồi trần gian lận đận
trần gian mang đất trần gian mang trời
anh đã tặng em chiếc hôn vĩnh phúc
chiếc hôn em chưa từng nhận nơi ai
chiếc hôn đẫm sương chiếc hôn bừng thức
ta lót con ta sáng một góc trời
(khúc hát)
Phần lớn những cặp vợ chồng dù đang sống trong hạnh phúc ngập tràn hay đã đắng lòng chia xa, đọc những câu thơ này đều như cảm thấy nhà thơ đã nói hộ một phần nào đấy của lòng mình một cách chân thực nhất. Dù trong hoàn cảnh nào ông cũng luôn hướng đến một tương lai tươi sáng khi đứa con chung ra đời, họ cảm thấy một góc trời như được bừng sáng lên.   
Với bằng hữu có lẽ chỉ cần đọc những câu thơ này đủ nói lên tất cả tình nghĩa bạn bè đối với Trần Quốc Thực sâu nặng biết nhường nào:
Bạn đi nhé, thôi không tiễn nữa
một tay nâng chén dâng ngang mày
Bạn đi nhé, thôi, không giấu nữa
một tay còn bận giấu khăn tay...
Tiễn nhau một bận qua bậu cửa
Tiễn nhau lần nữa trong chiêm bao
Xa ngoắt ngõ xanh bạn biến mất
Tôi đã gói khăn ở kiếp nào
(tiễn)
Không ít người cho rằng câu thơ một tay nâng chén dâng ngang mày... là hành động thể hiện khí phách nhất của Trần Quốc Thực. Còn lại tất cả sự đời ông mặc kệ, muốn sao cũng được. Nhưng hai câu thơ ám ảnh nhất, mang tính chất tiên lượng về sự hữu hạn của cõi người nơi trần thế, bởi lẽ không ai có thể biết trước được mình còn sống đến bao giờ, nên khi còn sống gặp được nhau là quí, là mừng lắm rồi:
Tiễn nhau một bận qua bậu cửa
Tiễn nhau lần nữa trong chiêm bao
Nhờ có Cỏ ướt mà người viết bài này thêm một lần nữa hiểu con người và thế giới thơ của Trần Quốc Thực hơn. Cầu chúc cho linh hồn ông siêu thoát dưới suối vàng ngàn năm!


Nguồn: Văn học quê nhà