Sương mù tháng Giêng là bản giao hưởng nhiều bè, nhiều giọng điệu, nhiều tâm trạng với một âm hưởng chung là nỗi buồn man mác về thế sự hòa cùng sự hào sảng của không khí chiến trận. Tác giả đã đưa các anh hùng dân tộc về gần hơn với đời thường, bên cạnh những chiến công vĩ đại là những đau thương, bì kịch của đời mìnhCuốn tiểu thuyết đan xen giữa giọng điệu hào sảng của sử thi với những trang viết phản ánh nội tâm con người cá nhân, để kể về một thời đại con người vẫn chưa hoàn toàn lệ thuộc vào khuôn khổ Nho giáo cứng nhắc, thời nước Việt vẫn là của những người khảng khái, lẫm liệt mà đầy đam mê, khao khát.








LỊCH SỬ THỜI TRẦN NHÌN QUA “SƯƠNG MÙ THÁNG GIÊNG”

                                    VĂN THÀNH

Là cây bút có thế mạnh về truyện ngắn lịch sử, lần này Uông Triều phát huy sở trường của mình ở thể loại tiểu thuyết lịch sử qua Sương mù tháng Giêng.
Tiểu thuyết Sương mù tháng Giêng xoay quanh những mối quan hệ nhiều bất trắc của vương triều nhà Trần ở giai đoạn kháng chiến chống quân Nguyên Mông, tác giả đã xây dựng nên không khí một thời đại hào hùng của nước Đại Việt. Những nhân vật lịch sử như Trần Khánh Dư, công chúa Thiên Thụy, vua Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông hay Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo hiện lên với tâm tư, tình cảm của những con người cụ thể, họ mang những nỗi niềm của dòng tộc mâu thuẫn với lợi ích quốc gia, và thậm chí cả những sân si dục vọng của con người thông thường. Vì nguyên tắc đạo đức và rường mối triều chính, nhà vua phải trừng trị kẻ thông dâm với công chúa, nhưng vì xã tắc, nhà vua vẫn để tướng tài Trần Khánh Dư được sống để sau đó lập công chống giặc. Vì sự hưng vong của quốc gia, Hưng Đạo vương phải bỏ qua hiềm khích đời trước để phụng sự hai vua đánh thắng giặc.

            Cuốn tiểu thuyết đan xen giữa giọng điệu hào sảng của sử thi với những trang viết phản ánh nội tâm con người cá nhân, để kể về một thời đại con người vẫn chưa hoàn toàn lệ thuộc vào khuôn khổ Nho giáo cứng nhắc, thời nước Việt vẫn là của những người khảng khái, lẫm liệt mà đầy đam mê, khao khát.
Trong tiểu thuyết là tác giả có những thể nghiệm táo bạo về mặt kết cấu với bốn màn kịch ngắn, hai truyện ngắn và khá nhiều đoạn cắt dán mang dấu ấn hậu hiện đại. Lối viết của tiểu thuyết là đa điểm nhìn và hầu như không có nhân vật trung tâm, mỗi nhân vật của tiểu thuyết tự có một cách nhìn,  một quan điểm độc lập với tác giả. Cũng có thể nhận thấy những yếu tổ huyền ảo, ma quái xuất hiện dày đặc trong tiểu thuyết, những bóng ma vô hình ám ảnh, những binh sĩ tử trận đau đớn với những vết thương trần thế, những cuộc nhập xác đổi hồn…

Với quan điểm viết những gì “lịch sử có thể xảy ra”, tác giả đã dành khá nhiều chương cho những nhân vật vẫn được coi là khuất lấp, “có vấn đề” trong lịch sử được tự do đưa ra tiếng nói cá nhân của mình.  Trần Ích Tắc được khắc họa với những bi kịch về tham vọng và tài năng của mình, công chúa An Tư kể lại tấn bi kịch của mình khi nàng phải hiến mình cho Thoát Hoan và cuối cùng cũng không trách khỏi cái chết, Thiên Thụy đến cuối đời vẫn ân hận, day dứt vì mối tình ngang trái với Trần Khánh Dư, Thoát Hoan dằn vặt vì hồn ma An Tư và  Hốt Tất Liệt căm tức khi vì mộng bá chủ tan vỡ khi mấy lần đánh Đại Việt không thành.

Sương mù tháng Giêng là bản giao hưởng nhiều bè, nhiều giọng điệu, nhiều tâm trạng với một âm hưởng chung là nỗi buồn man mác về thế sự hòa cùng sự hào sảng của không khí chiến trận. Tác giả đã đưa các anh hùng dân tộc về gần hơn với đời thường, bên cạnh những chiến công vĩ đại là những đau thương, bì kịch của đời mình. Các nhân vật lịch sử không phải chỉ đứng ở xa để mà chiêm bái mà có thể lại gần họ để quan sát, thấy cả cuộc sống, tâm hồn bình dị và rất đời thường của các bậc vĩ nhân.