Suy tư của nhà văn Ngô Khắc Tài: “Cõi cực lạc có thật không? Nó là thực hay đó chỉ là ảo ảnh? Trong khi nhiều người đang hướng mắt về nó, thì một số lại sinh lòng nghi ngờ. Người đời nghi ngờ vì bệnh chủ quan luôn cho mình là số 1 làm chủ muôn loài, say sưa chinh phục thiên nhiên và chinh phục vũ trụ nữa. Thấy được mới tin, người đời lao vào những cuộc tìm kiếm. Thí dụ tìm ra được cõi cực lạc, thiên đường đi nữa lập tức họ lại tìm cách khai thác đá quý, kim loại ngay (cũng như hiện nay đang tìm cách khai thác mặt trăng, sao hỏa). Đấy là bản chất của người đời nên cõi cực lạc trở nên xa vời – như ánh trăng ở ngay trước mắt đưa tay vói bắt mà không chạm tới…”

THỰC ẢO CỰC LẠC TỪ ĐÔI MẮT BÉ
NGÔ KHẮC TÀI

Gần đây báo chí đưa tin. Một bà già làm bún khô, làm miến bỏ mối bán dạo các khu chợ nhỏ ai ngờ lại là bà tỷ phú tài sản hơn 1.000 tỷ đồng. Thật khó tưởng tượng, kiểm kê sổ sách giấy tờ hai tháng trời mới xong. Bà có cô con gái nuôi lai miên, để gia tài khủng lại cho cô mà không cho con cháu họ hàng bộ quên hay sao, do đó phát sinh ra vụ tranh chấp, kiện tụng. Xã hội lập tức chú ý ngóng xem tòa phân xử. Tôi cũng tò mò nhưng không phải tò mò chuyện kiện tụng, tiền bạc cho dù nó nhiều cở nào đi nữa. Tiền bạc chẳng qua là tạm cất giữ rồi lúc nào đó nó cũng chuyển từ túi nầy qua túi kia tiền bạc đôi khi mang tới tai họa. Mình nghèo chịu quan tâm đến những món không thuộc về mình mà chi. Sao không nghĩ tới cái gọi là duyên nghiệp, phước đức của một người. Vì sao người suốt đời long đong, vất vả, kẻ lại được số phận may mắn mỉm cười. May sao các phóng viên tìm hiểu giùm… thì ra lúc còn sống bà già tìm đến nhà trẻ mồ côi tìm xin đứa con nuôi. Bà đi qua đi lại quan sát bao đứa trẻ bà chẳng vừa bụng đứa nào. Để rồi lại có một đứa đưa gương mặt thơ ngây nhìn bà nhoẻn nụ cười. Và đôi mắt của đứa bé mới lạ làm sao. Nó có điều gì đó như phát ra ánh sáng níu kéo đôi chân không cho người đi. Bà đứng lại nhìn rồi ẳm nó lên.

Câu chuyện thứ hai năm 1965. Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc lúc còn sinh viên vào nhà thương thực tập. Nhưng gương mặt và đôi mắt bé đã làm cho chàng sinh viên trẻ tuổi cảm xúc viết bài thơ “Thư gửi bé sơ sinh”.
“Khi em cất tiếng chào đời – Anh đại diện đời chào em bằng nụ cười – Lớn lên đừng hỏi vì sao có kẻ cười người khóc – Trong cùng một cảnh ngộ nghe em/ Anh nhỏ vào em thứ thuốc màu nâu – nói là để ngừa đau mắt… ngay lúc đó em đã không nhìn đời với đôi mắt thực – Nhớ đừng hỏi vì sao cuộc đời tối đen/ Khi anh cắt rún cho em – Anh đã xin lỗi chân thành  rồi đó nhé – Vì từ nay em phải cô đơn. Em phải xa địa đàng lòng mẹ…”
Một bài thơ hay dài được dịch ra nhiều thứ tiếng nước ngoài, được phổ nhạc. Năm mươi năm trôi qua, ai đọc lại thấy vẫn còn bùi ngùi nguyên cảm xúc buổi đầu tiên. Thư gửi bé sơ sinh còn có những câu “Nhớ đừng hỏi tôi là ai khi lớn khôn – cũng đừng ngạc nhiên sao đời nhiều nhãn hiệu”. Qua hai thí dụ câu hỏi đặt ra. Đó là cảm xúc thiêng liêng của người khi nhìn đứa trẻ mới chào đời hay là có điều gì khác… Xin mạn phép nói nhanh hay đó là sự ngộ của người. Ngộ từng phần để rồi đi đến giác ngộ lớn để gặp được Phật. Thế nào là ngộ từng phần. Tình cờ đọc Ekhart Toll thấy một ý mới lạ. “Xã hội loài người được dẫn dắt bởi “ba vật thể giác ngộ” đó là hoa, pha lê và chim. Pha lê tượng trưng cho sự thanh khiết. Chim tượng trưng cho khát vọng và ý chí bay lên cao thoát khỏi chính mình. Hoa được cho như một tạo vật đầu tiên của tự nhiên có khả năng hấp dẫn và thu hút con người. Không liên quan đến sự sống, sinh kế của con người nhưng hoa là nguồn cảm hứng bất tận cho người cho thơ ca. Sao chỉ có “ba vật thể” giác ngộ, có lẽ Ekhart Toll không liệt kê hết để cho chúng ta  tự tìm. Người có tâm đạo thì mỗi thứ cũng đều là pháp”. Thí dụ như nước nhìn nước nhận ra sự trôi chảy mãi không ngừng nghỉ. Khởi đi từ con suối nước trong xanh chảy đi hòa tan bao nhiêu tạp chất để rồi bốc hơi bay trở về với nguồn, nước trở lại trong xanh như cũ. Thì dụ như nhìn ánh trăng gầy hao khuyết thấy nó khuyết đồng thời cũng tự mình làm đầy. Đúng hạn kỳ mùa trăng đến ánh trăng sáng viên mãn phủ trùng. Bây giờ trở lại với đôi mắt trẻ sơ sinh người ta nhận thấy điều gì… Sự ngây thơ hồn nhiên khóc cười… Vì nhu cầu tồn tại đói thì kêu lên chớ không biết ngon dở. Mặc cũng vậy do ấm lạnh chớ không phân biệt xấu đẹp. Nuôi một em bé chẳng hề dễ, rất là vất vả, mọi người bận rộn lên vì nó tè bậy ra giường hay nửa đêm khóc phá giấc ngủ cả nhà. Tuy nhiên sự hiện diện của em bé làm cho nhà cửa ấm áp vui lên. Mọi người gắn kết lại với nhau chung tay chăm sóc bảo vệ nó nữa. Đứa trẻ có quyền năng, quyền lực gì đặc biệt vậy. Lại thêm một câu hỏi. Hóa ra đứa trẻ chẳng có quyền năng gì, chẳng qua đôi mắt bé bỏng kia phản xạ khao khát thầm kín sâu trong tâm hồn người. Làm người rất là khó phải vật lộn bươn chải để kiếm ra cái bỏ vô miệng. Do cuộc sống buộc phải lắc lư giao đải để rồi trắng đen vàng thau lẫn lộn với tham, sân, si, nghi ngờ lẫn nhau. Qua đôi mắt bé người bỗng trực nhận ra. Ký ức xa xăm cho người biết có một cõi mà người đã từng đến đó sống vui. Không đến sao ký ức lại ghi nhận. Bà già tỷ phú nhận cô con gái nuôi vì điều này. Bài thơ của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc thật ra là bài thơ viết cho mình. Nhìn đôi mắt bé với trình độ của một sinh viên lúc đó, bác sĩ đủ nhận ra mình người lớn là tù nhân của thực tại, của cuộc sống. Người nô lệ cho cái thấy và cái biết (lớn lên đừng hỏi tại sao kẻ cười, người khóc. Trong cùng một cảnh ngộ nghe em. Nhớ đừng hỏi tôi là ai khi lớn khôn. Cũng đừng ngạc nhiên sao đời nhiều nhãn hiệu.)

Từ trong chấn song nhà tù nhìn ra ngoài cuộc sống, những lượn sóng từ  chiếc hồ xa bờ ký ức từ đâu đưa về. Chẳng phải mình đã từng sống cuộc đời tự do, một cõi gió mát trăng thanh tràn ngập tiếng chim, tiếng trẻ reo cười hồn nhiên. Đấy là mơ ước là ảo ảnh hay là mình đã từng trải nghiệm những gì từ trong ký ức. Tôi có vẽ lạc đề, từ đôi mắt của đứa trẻ dẫn đến đây. Vâng. Có những điều trực nhận nhưng khi diễn tả phải vòng vo, đi lạc rồi mới tìm thấy lối vào cửa chính. Người luôn mang trong lòng nhiều câu hỏi. Có câu hỏi theo trở đi trở lại với người, lắm khi nó biến mất đợi khi người về già. Đợi đúng lúc nó xuất hiện trở thành câu hỏi cuối cùng. Có chăng thiên đường địa ngục. Địa ngục thì dễ trả lời vì hầu như ai cũng biết chuyện của mình làm là trả nghiệp ra sao, trừ những kẻ không biết mắc cỡ, riêng với thiên đường lại đa dạng. Các nền văn hóa, các tôn giáo đã chỉ ra nó qua nhiều tên gọi mặt dù bản chất chỉ là một. Dân gian gọi đó là thiên thai. Là thiên đường của đạo Hồi. Thiên chúa ngoài thiên đàng còn có vườn địa đàng. Phật Thích  ca mâu ni giới thiệu cho chúng sinh biết cõi cực lạc của Phật A Di Đà. Riêng Phật có cảnh giới Niết Bàn. Vì muốn chúng sinh giác ngộ hơn là vì mong cầu lợi ích khi nói về Niết Bàn Phật không mô tả hứa hẹn gì khung cảnh bên ngoài mà Phật chỉ con đường đến với Niết Bàn từ bên trong. Đấy là chốn nói gọn chỉ có vui, lạc vô dư (vui không dứt) vì đã xóa bỏ tự ngã. Tâm thanh tịnh khống chế tham, sân, si. Người vượt ra ngoài lý luận, không thể nói không có mà cũng không nói không, nó là con số không kỳ diệu, không là gì cả lại là tất cả đứng sau một số nào đó nó làm tăng cấp độ của số  đó lên. Trong khi đó hình ảnh của thiên đường cõi cực lạc của Phật A Di Đà được mô tả cụ thể. Đó là một cõi nhà cửa được dựng lên bằng những thứ báu như vàng, ngọc, lưu ly, pha lê, mã não (trùng hợp những “vật thể giác ngộ” của Ec Khart Tol). Đất trời tràn ngập hương thơm bốn mùa hoa nở, nhạc dìu dặt. Thời gian như ngừng trôi, một ngày ở cõi cực lạc bằng một trăm năm dưới trần, xung quanh lại là món ngon vật lạ. Người ở cõi cực lạc ăn mặc có sẵn nên không ai tranh dành nên không còn tham, sân, si. Họ là những bậc thiện nhơn thân thiện quí mến nhau không phân biệt thấp cao. Tóm lại người của cõi cực lạc và Niết Bàn có đặc điểm chung là xóa bỏ tự ngả, tâm thanh tịnh, vắng lặng như vầng trăng không bị mây che phủ sáng vằng vặt giữa trời. Nói chung qua đặc điểm này ta thấy người ở hai cõi cực lạc và Niết Bàn do từ tâm mà nó có. Mỗi mỗi từ tâm mà ra. Vì sao người lạc bước đến đây đến rồi thần tiên gãy cánh trở lại cõi trần. Hầu như các nền văn hóa nào cũng có những câu chuyện để kể lại. Thí dụ Trung Quốc có Lưu, Nguyễn. Việt Nam có Từ Thức từng lạc bước dến thiên thai. Nàng tiên Giáng Hương làm rớt bể chén ngọc bị trời đày xuống trần gian. Kinh thánh của thiên chúa giáo có chuyện vườn địa đàng với hai ông bà ADam và Eva, chuyện có nguồn gốc từ xứ sở Trung Đông. Những câu chuyện theo cái nhìn của đạo Phật do người ở một cõi vui ơi là vui như vậy lại không làm chủ được thân tâm. Từ thức ở trên thiên thai mà còn luyến tiếc nhớ nhà là do tâm ái vẫn còn, ái sinh ra dục. Cõi trời châu báu chẳng thiếu món gì, lẻ nào vì cái chén ngọc lưu ly nhỏ xíu mà cô tiên bị đày xuống trần. Chẳng qua tiên Giáng Hương bị đày với lý do cô vẫn còn tâm mê, không có chánh niệm nên di đứng không nhẹ nhàng tay chân không làm chủ được nên làm rớt cái chén. Nhiều người thắc mắc vì sao ông ADam và bà EVa nghe lời con rắn xui ăn trái cấm của cây hiểu biết mà bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng. Chẳng qua bên cạnh hiểu biết là trạng thái xả bỏ, giải trừ. Hiểu biết mà không giải trừ  sẽ sinh ra tham lam, cố chấp tâm phân biệt, so sánh đủ thứ chuyện trước sau gì vườn địa đàng sẽ rối loạn lên. Thôi thì mời hai ông bà xuống dưới trần gian vậy. Người của cõi cực lạc với bao nhiêu món ngon vật lạ, không cần lo lắng bận tâm. Giống như một em bé không đòi hỏi mà vẫn được cha mẹ chăm sóc từ miếng ăn đến manh quần tấm áo. Mọi sự so sánh thường khập khểnh tuy nhiên các nền văn hóa xác nhận tâm của em bé với tâm người ở cõi cực lạc có mối liên hệ. Và khẳng định người lớn tìm tới  thiên đường cực lạc khó hơn đứa trẻ, đôi khi tới đó nhưng cửa thiên đường khép kín, gõ mãi không chịu mở.

Cõi cực lạc có thật không. Nó là thực hay đó chỉ là ảo ảnh. Trong khi nhiều người đang hướng mắt về nó thì một số lại sinh lòng nghi ngờ. Người đời nghi ngờ vì bệnh chủ quan luôn cho mình là số 1 làm chủ muôn loài, say sưa chinh phục thiên nhiên và chinh phục vũ trụ nữa. Thấy được mới tin, người đời lao vào những cuộc tìm kiếm. Thí dụ tìm ra được cõi cực lạc, thiên đường đi nữa lập tức họ lại tìm cách khai thác đá quý, kim loại ngay (cũng như hiện nay đang tìm cách khai thác mặt trăng, sao hỏa). Đấy là bản chất của người đời nên cõi cực lạc trở nên xa vời – như ánh trăng ở ngay trước mắt đưa tay vói bắt mà không chạm tới. Quý thầy sống trong thế giới tâm linh không có biên giới nên cao hơn người đời, không tìm kiếm cực lạc kiểu như vậy. Nhưng là bậc tu hành còn có lòng nghi ngờ lau vào tranh cãi hơn thua có hay không thiên đường cực lạc nữa là sao. Tuổi sáu mươi tai đã thuận nhỉ huống chi là chân tu. Hàng ngày đối diện trước Phật, đối diện với chân tâm. Chắc là quý thầy cũng nhận thấy, trên cao xanh trật tự bình yên tốt đẹp bao nhiêu, cõi nhân gian lộn xộn hầm hố gai chông bấy nhiêu. Có phải tục ngữ đã có câu “bình thiên không bình địa” vậy thì quý thầy hướng dẫn tâm linh người không chỉ người nhìn lên mà lại chỉ ngó xuống. Giả sử như không có cõi cực lạc đi nữa theo lời Phật dạy “không thể nói không có, mà cũng không nói không” sao không hình dung ra cõi cực lạc  để đề cao và tán tụng. Người hướng về cõi cực lạc để tìm sự bình an trong tâm hồn phát sinh bồ đề tâm trở thành bậc thiện nhơn như vậy không tốt hơn cái tâm không biết đi đâu về đâu. Đúng là có nhiều người chỉ có lớp vỏ áo bên ngoài, nói mình tu hành nói mình hiểu biết mà thật sự không biết mình đi đâu về đâu… lênh đênh những cánh buồm nâu cánh buồm.