Nghe có vẻ ngây ngô, ở đời ai chả thích cười. Thế nhưng, Nam Cao có thể là một trường hợp ngoại lệ. Được xem như một nhà văn tiêu biểu của dòng văn học hiện thực phê phán, cuộc đời 36 năm của Nam Cao (1915-1951) chỉ viết về trí thức nghèo và nông dân nghèo, với bao nỗi buồn thương dằng dặc. Đọc tác phẩm Nam Cao, chỉ muốn… khóc cho “một bữa no” của những kiếp người bần cùng và đói rách. Ấy vậy mà, ngay giai đoạn bút lực sung mãn nhất, Nam Cao lại thích… cười. Tháng 9- 1943, Nam Cao in truyện ngắn “Bực mình” trên tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, sau đó tự mình sửa  lại thành “Cười”, và lấy “Cười” làm tên chung cho tập truyện ngắn xuất bản cùng năm. Rõ ràng, Nam Cao có tâm đắc thực sự với “Cười”.





NAM CAO CŨNG THÍCH CƯỜI

LÊ THIẾU NHƠN

Trong di sản của Nam Cao, “Cười” không nổi trội như “Đời thừa”, “Sống mòn” hay “Trẻ con không được ăn thịt chó”, nhưng đó là một tác phẩm lạ. Những ai mến mộ Nam Cao đều dễ dàng nhận ra, ông rất quan tâm đến việc đặt tên cho nhân vật. Và cái tài đặt tên cho nhân vật của Nam Cao ít nhiều giúp tác phẩm mở rộng biên độ thẩm mỹ. Ngoài hai nhân vật Chí Phèo và Thị Nở lừng lẫy, Nam Cao hay dùng tên nhân vật mà mình yêu mến để đặt cho tác phẩm như “Dì Hảo”, như “Lão Hạc”... Ngược lại, những nhân vật phản cảm thì Nam Cao đặt tên khá quái dị, ví dụ Trạch Văn Đoành trong “Đôi móng giò”, “Thiên Lôi” trong “Nửa đêm”. Hoặc nhân vật ông thầy lang đáng chê trách thì Nam Cao đặt tên là... Rận, để thành truyện ngắn “Lang Rận”!

Truyện ngắn “Cười” không nhân vật nào có tên. Vì Nam Cao quan niệm tiếng cười là của chung thiên hạ, không thuộc về riêng ai chăng? Trong truyện ngắn “Nhìn người ta sung sướng”, Nam Cao đã một lần lý giải ý nghĩa của “tiếng cười nảy lên đành đạch” rằng “họ cười ầm ĩ như thế chỉ là để đẩy bớt chua cay ra khỏi lòng”. Còn trong truyện ngắn “Cười”, Nam Cao phân tích tiếng cười một cách cụ thể và mạch lạc: “Khi người ta cáu, mặt người ta co rúm lại. Cổ người ta bị tắc. Máu tiết ra chất độc. Có hại cho sức khỏe ghê lắm đấy! Nhưng nếu ngay lúc ấy người ta cố mỉm cười một cái thì mọi sự tiêu tan hết. Mặt tươi ra. Có thoang thoáng chất độc trong người theo hơi thở thoát ra ngoài hết. Người trẻ lại. Nụ cười chính là một vị thuốc tiêu đàm, tẩy độc, lượng huyết và bổ tâm, phổ phế, bổ tì, bổ vị, bổ can, bổ thận, chẳng cái gì không bổ. Tiên dược đấy. Nó cải lão hoàn đồng rất mạnh.”

Nhân vật người chồng trong truyện ngắn “Cười” cảm thấy “khổ hơn bị người ta chặt cổ” vì có đứa con “hơi một tí đã nhè mồm ra khóc”, còn người vợ “rủa con và rủa luôn kiếp mình”. Thế nhưng, “không bao giờ hắn dám tức lâu. Bực tức hại người. Gặp lúc khó khăn, thức ăn tẩm bổ đã chẳng có, hơi đâu mà chuốc lấy những nỗi cáu kỉnh để phí sức đi… Bởi thế, mỗi lần tức giận, hắn vội tìm ngay ra một ý gì ngộ nghĩnh để mà cười cho đỡ khổ”.

Vì sao người chồng chọn giải pháp… cười, mà không phải cách khác? Vì đã thử nhiều cách, kể cả cách tự… thôi miên mình. Mỗi tối trước khi ngủ, “hắn nhắm hai mắt lại, tập trung tư tưởng. Hắn bắt đầu tự bảo: “Tôi khỏe lắm, tôi vui lắm. Tôi sung sướng lắm. Vợ tôi thật đáng yêu” với hy vọng mong manh rằng ‘hắn cứ cố kêu mãi, tất có ngày hắn sẽ khỏe lắm, vui lắm, sung sướng lắm, và vợ hắn đáng yêu lắm thật”. Tuy nhiên, cái phương pháp tự kỷ ám thị mà người chồng nghĩ ra cũng phá sản khi người vợ báo tin nhà hết tiền, phải bán bớt năm thùng thóc. Nhẩm tính gia đình mình chỉ còn lại hai mươi thùng thóc “ăn từ nay đến Tết, có lẽ ngoài Tết, đến tận vụ chiêm sang năm nữa”, người chồng lại cảm thấy chới với ở bến khổ!

Luôn dằn vặt “giời bắt anh ốm đau đến thành một phế nhân ăn hại vợ”, nên người chồng quyết tâm đi kiếm tiền bằng nghề dạy học. Người chồng ngỡ nói ra ý định thì được bạn đời ủng hộ, ai dè người vợ nhất mực ngăn cản “dạy học hại người lắm” phải nghỉ ngơi theo lời dặn của bác sĩ. Đôi co một hồi, thành cãi nhau ầm ĩ. Người vợ hầm hầm bế con đi, người chồng mím chặt môi tức giận. Và ngay khoảnh khắc bi đát và ngột ngạt ấy, thần dược đã phát huy tác dụng: “bỗng nhiên anh cười khanh khách. Bởi vì anh chợt nghĩ rằng: vợ anh nghiện cãi nhau, nếu không được cãi nhau thì đời sẽ buồn lắm lắm… Ở nhà để thỉnh thoảng cãi nhau với thị. Cãi nhau hai người thì mới đúng phép và mới thích, cũng như đánh quần vợt, đánh cờ hay đấu kiếm, một người không thành cuộc…”

Truyện ngắn “Cười” kết thúc bằng hình ảnh người chồng cười rũ rượi, cười ngặt nghẽo “ấy là anh lại dùng đến liều thuốc giải uất dùng mọi khi: tiếng cười”. Hơn 60 năm đã trôi qua, “liều thuốc giải uất” mà Nam Cao phát hiện trong “Cười” dường như vẫn còn nguyên giá trị trong bối cảnh lắm bề bộn nhiều nghiêng ngả hôm nay. Tết Ất Mùi 2015, nếu còn sống, nhà văn Nam Cao tuổi 100 có lẽ sẽ khuyên nhủ công chúng đương thời tiếp tục khai thác triệt để tiếng cười “không tốn kém một đồng xu nhỏ. Chỉ cần nhếch môi một cái. Dễ dàng hết sức. Vậy thì tội gì mà không cười. Cứ cười đi, cười nhiều đi…”.
                                         Sài Gòn, 12-2014