Hồi ức của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn: Sau khi tôi vào Sài Gòn mấy hôm, nhà văn Lê Minh Khuê cũng vào và được hội văn nghệ cho ở cùng phòng với tôi. Hai chị em bắt đầu chuỗi ngày đầy kỷ niệm. Chiều ba mươi Tết,chúng tôi được các anh ở Hội văn nghệ thành phố cho lên ô tô đi một vòng quanh Sài gòn. Thành phố tấp nập, tưng bừng đón cái Tết đầu tiên sau giải phóng. Nhà nhà treo từng dây pháo dài hàng mét trước cửa, bày cỗ  trước nhà chuẩn bị đón giao thừa. Các chị mặc áo dài lửng, tức là tay ngắn và loe, vạt áo dài hẹp và ngắn, gần như ngang gối xúng xính dắt con dạo chơi ngoài phố , bọn trẻ thì tung tăng ôm búp bê, bánh kẹo, thú nhồi bông chạy tung tăng. Sài Gòn Tết năm 1976 cái gì cũng mini: xe đạp mini, váy mi ni, áo dài mini, tóc các cô gái cũng mini...thật là vui mắt.


 ĂN TẾT SÀI GÒN ĐẦU TIÊN SAU GIẢI PHÓNG

PHAN THỊ THANH NHÀN

 Sau ngày 30-4 năm 1975, là hội viên hội nhà văn VN, tôi xin cơ quan mà mình đang làm việc là báo Hà Nội Mới cho đi Sài Gòn và các tỉnh miền Nam ba tháng theo chế độ sáng tác của hội viên, kết hợp viết cho báo hàng ngày, và được đồng ý.Thế là ngày 8-1 -1976, tôi được ông xã và cô bạn thân Phạm Hồ Thu xuống Hải phòng, lên chiếc tàu biển chạy chuyến đầu tiên vào Sài Gòn (lúc ấy chưa có tàu hỏa chạy tuyến Bắc- Nam)
 Hội văn học nghệ thuật Sài Gòn chotôiở một phòng nhỏ trong cơ quan của Hội ở 81 Trần Quốc Thảo. Tối đầu tiên, tôi đang cặm cụi ngồi ghi chép gì đó thì một chú lớn tuổi, ăn mặc nghiêm chỉnh thò đầu nói qua khung cửa sổ:
-       Cháu ơi, các cô chú họp để bàn về việc tết nhất, mà không có nước uống. Cháu đun giúp chú với.
Mình ngẩng lên:
-       Việc này chú phải sang nói với chị Cúc ở phòng phía trong chú ạ.
Ông ấy cười cười:
-        Chú biết Cúc là nhân viên trực ở đây , nhưng hôm nay cô ấy đi đâu, tìm không ra. Cháu giúp chú nhé.
Mình cũng mỉm cười:
-       Nhưng đó không phải việc của cháu. Cháu không rõ ấm đun nước với bếp ở dâu chú ạ.
 Ông ta làm mặt nghiêm:
-        Cháu nhớ nhé. Chú đã nhờ mà cháu không chịu giúp. Cháu có thể cho biết tên không?
Mình vẫn mỉm cười:
-       Được chứ ạ, nhưng cháu lại có cái tên rất lười: Nhàn.... Khổ vậy đó!
Ông ấy cau có bỏ đi, còn mình nghĩ, chắc mình có dáng đun nước quét nhà! Nhưng một lát sau, ông ta quay lại cùng vài người nữa, mặt rất vui, rối rít:
-       Chị cho xin lỗi nhé. Chị là nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn từ Hà Nội vào phải không?
Kỷ niệm đầu tiên của mình ở Sài Gòn dịp tết năm 1976 là vậy.Sáng hôm sau, mình đem quà của cô em gái cho bà chị dâu của em,  chị nhận cuốn lịch và măng miến gì đó, dò hỏi:
-       Thế Hà Nội cũng có chợ hả em? Chị nghe trong này nói, ngoài đó cái gì cũng phân phối. Tết này nghe đâu mỗi gia đình được một gói chè, hai gói kẹo với mấy lạng thịt mà?...
Lúc đó vừa tiếp quản được mấy tháng, đi lại giữa Hà Nội và Sài Gòn còn rất khó khăn, tin tức toàn là nghe nhau nói lại. Dạo đó có câu: “Miền Nam nhận họ- Miền Bắc nhận hàng”, cũng vô cùng chính xác!
Hôm sau nữa, mình đến số 90 Nam Kỳ Khởi Nghĩa,trụ sở của Hội nhà văn thành phố,  lơ ngơ trước cửa cái thang máy mà mình chưa hề đi bao giờ. Bỗng nhà văn Nguyễn Đình Chính bước đến, bấm máy rồi kéo mình vào.Thấy mình co lại vẻ hoảng hốt, Chính cười:
- Bà nhà quê ơi, tôi mời bà đi lên rồi lại đi xuống mấy lần liền cho quen nhé!
Và thế là hắn cứ bấm cho thang máy chạy lên rồi lại bấm xuống, mấy lần liền! Tôi kêu lên:”Không đùa đâu. Tớ quen rồi mà”.Lúc ấy hắn mới mở cửa thang, hỏi:
-Thế bà định đến nhà ai?
-Tớ muốn thăm gia đình Trần Nhật Thu.
-Thế thì cũng giống tớ rồi!
 Vào nhà, có khách, nhà thơ Trần Nhật Thu giới thiệu:
- Đây là nhà văn Nguyễn Đình Chính, con trai nhà văn Nguyễn Đình Thi.
 Lúc ra về, Chính nhăn nhó:
-Tức không chịu được, đi đâu cũng “con Nguyễn Đình Thi”! Tớ sẽ cố gắng để sau này ông Thi phải chịu cảnh người ta giới thiệu:”Đây là bố Nguyễn Đình Chính”! Bà ngồi xuống đây, để tôi bắt chước chữ của cụ cho bà xem nhé. Nói rồi, Chính kéo tôi ngồi xuống cái ghế ở phòng trực, lấy ra tờ giấy nhỏ, nắt nót chầm chậm mấy dòng: “Cô Nhàn, cô vào Sài Gòn nhớ chăm chỉ viết, đừng có đi nhậu nhiều-Nguyễn Đình Thi”. Chính thật là vui tính, cứ nhất định bắt tôi cùng đến chị Anh Thơ để chị xem tờ giấy, sẽ thấy Chính viết giống chữ anh Thi như thế nào! Đến chị Anh Thơ, tôi đưa tờ giấy cho chị xem và nói:
- Trước khi em đi, anh Thi dặn em thế này, chị thấy buồn cười không?
Chị Anh Thơ đọc kỹ, cũng ngạc nhiên:
-       Tính Thi có hay đùa thế này đâu nhỉ, nhưng đúng là chữ của Thi rồi.
(Mấy tháng sau, đến Hội nhà văn VN, gặp anh Thi, tôi cũng đưa anh tờ giấy và hỏi: “Anh có nhớ đã viết cho em như thế này bao giờ không ạ?”. Anh Thi chăm chú đọc rồi lắc đầu: “Lại ông con tôi đây mà! Tôi đã xin nó nghiêm túc cho, kẻo ảnh hưởngkhông hay đến tôi, mà nó cứ nghịch ngợm mãi thôi!”)
Sau khi tôi vào Sài Gòn mấy hôm, nhà văn Lê Minh Khuê cũng vào và được hội văn nghệ cho ở cùng phòng với tôi. Hai chị em bắt đầu chuỗi ngày đầy kỷ niệm.Chiều ba mươi Tết,chúng tôi được các anh ở Hội văn nghệ thành phố cho lên ô tô đi một vòng quanh Sài gòn. Thành phố tấp nập, tưng bừng đón cái Tết đầu tiên sau giải phóng. Nhà nhà treo từng dây pháo dài hàng mét trước cửa, bày cỗ  trước nhà chuẩn bị đón giao thừa. Các chị mặc áo dài lửng, tức là tay ngắn và loe, vạt áo dài hẹp và ngắn, gần như ngang gối xúng xính dắt con dạo chơi ngoài phố , bọn trẻ thì tung tăng ôm búp bê, bánh kẹo, thú nhồi bông chạy tung tăng. Sài Gòn Tết năm 1976 cái gì cũng mini: xe đạp mini, váy mi ni, áo dài mini, tóc các cô gái cũng mini...thật là vui mắt.
Đêm giao thừa, chúng tôi thức suốt, có anh Lê Dân, anh Nguyễn Lâm, anh Trịnh Công Sơn, anh Huy Thành...đến chơi. 12h giờ đêm, pháo nổ râm ran, và có chàng  công an hay bộ đội nào đó cao hứng rút súng bắn pằng… pằng… mấy phát ngay cạnh nhà 81, làm cả bọn giật bắn cả mình!
 Sáng mồng một, tôi và Khuê được chị Anh Thơ mời đến nhà chơi… Nhưng trước khi đến chị,chúng tôi mượn xe honda đi lên Lăng Cha Cả. Ở đây, các cô cậu trẻ trung cắm cúi khấn khứa xin Cha-Tả quân Lê Văn Duyệt  ban cho phúc lộc. Mà cô nào cô nấy đều đánh mắt đánh môi, sơn móng tay móng chân, váy áo tưng bừng màu sắc và phần lớn đều mini vui mắt.
Dân Sài thành có vẻ giàu có, nhà nhà sắm sửa, người người vui tươi ăn diện, mặc dù còn mối nghi ngại khó nói thành lời. Như hôm nhận cuốn lịch từ tay tôi, chị dâu cô em gái lật xem chăm chú rồi thở dài:
- Lịch ngoài nớ không có ngày tốt ngày xấu sao em? Ngoài đó không còn cúng lễ, phá hết chùa chiền rồi phải hôn?...
Anh Vũ Hạnh mời bọn tôi đi xem ca múa nhạc. Và tôi đã vô cùng thích thú thấy các ca sỹ vừa bài trước hát giọng miền Nam ngọt ngào, bài sau đã thánh thót dân ca quan họ với tiếng Bắc ấm áp và tha thiết. Hai miền đã bắt đầu giao lưu, thương mến và thân thiết quá.Cái Tết đầu tiên của Tôi ở Sài Gòn sao mà dễ thương đến thế.
PHAN THỊ THANH NHÀN