Rất nhiều giai thoại về niềm say thơ của nhà thơ Tô Hà. Ví dụ, gặp bạn thơ, Tô Hà mải nói chuyện thơ, quên cả giờ đón con ở nhà trẻ. Một sớm, người vợ mua bát phở về mời nhà thơ ăn sáng, mải nói chuyện thơ với người khách đến chơi, bát phở để nguội trương phềnh cho đến tận trưa. Gặp người bạn thơ trên đường, Tô Hà hoan hỉ nói về bài thơ mới viết, mải chuyện, quên cả đèn đỏ, công an phải tuýt còi. Anh có thể xắn tay áo sẵn sàng đọ sức với kẻ rèm pha, lăng mạ một nhà thơ nào mà anh yêu quý. Còn khá đặc biệt nữa, là anh em ở báo Người Hà Nội thường xuyên thấy Tô Hà say mê đọc thơ, nói chuyện thơ thay bữa ăn trưa.




TÔ HÀ CÒN CÁI BÓNG NƠI ANH NGỒI VIẾT

VŨ TỪ TRANG


               Mỗi lần đi qua tòa nhà 19 Hàng Buồm, trụ sở Hội nhà văn Hà Nội, tôi lại chợt nghĩ nhà thơ Tô Hà vẫn đang ở trong đó. Có thể anh đứng trao đổi cùng bạn viết về một cuốn sách nào mới ra. Hoặc anh ngồi lặng lẽ đâu đó, để sửa lại câu thơ trong bài thơ anh viết dở dang.
              Tuổi thơ, nhà thơ Tô Hà sống cùng cha mẹ ở Hải Phòng. Còn quê của anh, lại là làng Nhị Khê, Thường Tín, Hà Nội. Đấy là quê của thi hào Nguyễn Trãi, nhưng làng có nghề tiện gỗ nổi tiếng tự lâu đời. Chả biết cái bàn tiện gỗ thủ công đạp chân xè xè và phoi gỗ tiện bay mù mịt có ám ảnh tuổi thơ của Tô Hà không, chứ có lần anh nói, nếu không đi làm báo, viết văn làm thơ, thì anh có thể trở thành một tay thợ tiện gỗ cao thủ của làng.
             Tất nhiên, lớn lên, anh không theo nghề tiện gỗ, mà lên Hà Nội học, để gắn với nghiệp chữ nghĩa. Mộng văn chương anh đeo đuổi từ thưở thiếu thời. Ngay từ thời còn ngồi học trong nhà trường phổ thông, anh đã có thơ in báo. Mà bài thơ ấy, anh lại ký tên mình ghép với tên một cô bạn gái. Cô bạn gái này, nay cũng là nhà văn có danh vị trên văn đàn nước nhà. Hơn ba mươi năm gắn với nghiệp chữ nghĩa, đã từng chuyển công tác từ cơ quan này cơ quan kia, nhưng nhà thơ Tô Hà gắn bó với Hội văn nghệ Hà Nội lâu hơn cả. Đã nhiều năm, anh biên tập, rồi làm trưởng phòng biên tập của báo Người Hà Nội. Thế hệ anh em cầm bút ở Hà Nội, giai đoạn chống Mỹ cứu nước, thì ai cũng biết Tô Hà. Anh là người nồng nhiệt với bạn bè, với các cộng tác viên của báo. Và đặc biệt, niềm say mê thơ, thì hình như ít người sánh bằng.
             Thời làm biên tập báo Người Hà Nội, hễ bất kỳ một nhà thơ, người yêu thơ nào đến tòa soạn, gặp anh, thì chuyện thơ không thể dễ dứt ra được. Chuyện đời, chuyện xã hội, anh như người ngu ngơ, nhưng hễ nói đến thơ, anh bỗng trở thành người tỉnh táo, thông tuệ và đam mê lạ kỳ. Thơ anh sớm định hình phong cách riêng. Tuyển thơ “Sức mới”, “Thơ chống Mỹ cứu nước, 1965-1967” do Nhà xuất bản Văn Học ấn hành những năm đầu cuộc chiến tranh chống Mỹ, đều có in thơ của Tô Hà. Giai đoạn đó, ai được in thơ trong các tập thơ này, là niềm vinh dự lớn và vị thế thơ ca đã như được khẳng định. Nhà thơ Chế Lan Viên, người tuyển chọn và viết lời giới thiệu tập thơ này, đã không dè dặt khi khen ngợi bài thơ “Chuyện không có trong thư” của Tô Hà.
            Phút nhẹ nhàng đậu xuống góc phong thư
            Là phút con tem bắt đầu có cánh...
           Có thể bây giờ, người đọc thấy câu thơ tả thực, có phần thô sơ ấy, nhưng ở thời điểm bài thơ công bố trên báo, đã làm bao anh em cầm bút trẻ xôn xao bàn tán, với một giọng điệu thơ hiện thực mới mẻ. Bài thơ nói về nỗi hy sinh vất vả và lặng lẽ của người bưu chính thời chiến tranh khốc liệt. Đấy là thời kỳ Tô Hà và Nguyễn Mỹ rất thân nhau. Rồi họ cùng làm việc ở một nhà xuất bản. Khi ấy Tô Hà và Nguyễn Mỹ còn rất trẻ, họ như cặp bài trùng, làm việc cùng nhau, ăn ngủ cùng nhau. Ngày ấy, Nguyễn Mỹ đã có những bài thơ tình đắm say. Tôi nhớ loáng thoáng, anh viết: nắng rót trên đường nghe reo như tiếng chuông. Thơ ca, làm hiện thực lung linh, huyền ảo. Rồi anh thật nổi tiếng với bài thơ “Cuộc chia ly màu đỏ”. Cái bếp tập thể Vân Hồ khi ấy là nơi gặp gỡ của những người sống tập thể, đa phần chưa có gia đình. Những người mua vé ăn cơm bếp ăn Vân Hồ ngày đó, chiều chiều thường chứng kiến cảnh hai chàng trai vừa ăn cơm, vừa tranh giành phân tích về một câu thơ hay của bạn bè hoặc chính họ viết ra. Có mấy cô gái trẻ cùng ăn bếp ăn tập thể đó thầm mê đắm hai chàng trai, vì say thơ phú của họ. Ngày đó, vị thế nhà thơ rất được đề cao. Đài tiếng nói Việt Nam, tuầnânhf hai buổi tiếng thơ. Hễ đến giờ phát tiếng thơ, nhiều người đi trên đường liền dừng lại bên cột điện có mắc chiếc loa công cộng, để lắng nghe các nghệ sỹ ngâm thơ. Thơ ca, khi đó như một thánh địa. Vì thế, hai nhà thơ trẻ kia dù chưa phải quá nổi tiếng gì, nhưng đã được nhiều người quý trọng lắm. Người làm thơ giữa xã hội tôn thờ thơ như thế, hỏi làm sao chả cố gắng dốc hết cảm xúc mình vào những vần thơ chứa chất yêu thương?
             Tô Hà càng chộn rộn, khi người bạn thân là Nguyễn Mỹ khoác ba lô vào chiến trường. Khi ấy, Tô Hà khát khao ra trận theo bạn, nhưng công việc cơ quan yêu cầu anh ở lại. Đấy là những ngày vô cùng hồi hộp khi chờ đợi và nhận được những lá thư của người bạn từ chiến trường gửi về. Những mẩu chuyện ngoài chiến trường, những vần thơ bạn mới viết còn nồng đặc khói bom, khói thuốc súng như thôi thúc Tô Hà nhiều hơn. Thưở sinh thời, Tô Hà đã từng thốt lên, đó là những ngày rừng rực tâm huyết với đất nước của một thế hệ cầm bút. Khi chuyển sang làm việc ở báo Người Hà Nội, thửơ ban đầu là tạp chí Sáng tác Hà Nội, Tô Hà sốt sắng đi kiếm tìm những vần thơ mới của bạn bè viết từ chiến trường gửi ra, anh muốn bạn đọc được đọc những vần thơ mới nhất, nóng hổi nhất của bạn bè anh cầm súng cầm bút ngoài chiến trường.

           Một dạo, anh em viết ở Hà Nội, rất nể trọng bộ ba “Hà-Thông-Phương”, họ chơi thân với nhau và cổ súy nhau sáng tác. Tô Hà ngày ấy, đã từng làm biên tập của cơ quan xuất bản, nên tỏ rõ tư chất cán bộ lắm. Trúc Thông thì đang là lính nghĩa vụ, nhưng đã có chủ trương cách tân câu chữ trong thơ của mình. Vũ Quần Phương thì còn là sinh viên chỉn chu ở trường y. Nhưng khi bài thơ “Phăng-xi-păng ta lên đến đỉnh” của anh công bố trên báo, câu thơ ám ảnh người đọc “Lá ải bay mùi men cổ sơ...” thì càng làm tăng phần tăm tiếng của nhóm thi sỹ trẻ bộ ba này. Anh em truyền miệng rằng, nhóm ba thi sỹ trẻ này, thiêng liêng với thơ lắm. Họ thường đốt hương trầm trước khi đọc thơ. Họ còn làm cuốn sổ thật đẹp chép thơ chung của nhau, để lưu với thời gian. Mỗi người chép thơ của mình bằng màu mực riêng. Người khởi xướng trò chơi thơ này, là Tô Hà. Tô Hà còn tuyên bố rằng, những vần thơ trong cuốn thơ này sẽ bất tử. Chả biết thực hư ra sao, sau này, tôi có đem chuyện đó hỏi nhà thơ Vũ Quần Phương, thì được nghe trả lời, đúng là một dạo ba anh em rất quý nhau. Mọi người quý và đặt giai thoại đẹp về chúng tôi đấy, chứ làm gì có việc đốt hương trầm khi đọc thơ và đâu có sổ chép thơ bất tử với thời gian đâu. Nhưng quả thật, tình cảm say mê và thiêng liêng với thơ, với ba nhà thơ này, tôi thấy đúng với suốt đời của họ.

           Rất nhiều giai thoại về niềm say thơ của nhà thơ Tô Hà. Ví dụ, gặp bạn thơ, Tô Hà mải nói chuyện thơ, quên cả giờ đón con ở nhà trẻ. Một sớm, người vợ mua bát phở về mời nhà thơ ăn sáng, mải nói chuyện thơ với người khách đến chơi, bát phở để nguội trương phềnh cho đến tận trưa. Gặp người bạn thơ trên đường, Tô Hà hoan hỉ nói về bài thơ mới viết, mải chuyện, quên cả đèn đỏ, công an phải tuýt còi. Anh có thể xắn tay áo sẵn sàng đọ sức với kẻ rèm pha, lăng mạ một nhà thơ nào mà anh yêu quý. Còn khá đặc biệt nữa, là anh em ở báo Người Hà Nội thường xuyên thấy Tô Hà say mê đọc thơ, nói chuyện thơ thay bữa ăn trưa. Chả là báo ngày đó, Tô Hà và Chử Văn Long là hai nhà thơ khá tâm đầu hợp ý với nhau. Gia cảnh Tô Hà ngày đó, người vợ là bác sỹ đi làm chuyên gia ở Châu Phi. Còn nhà thơ Chử Văn Long, quê tận làng Vạn Phúc, ven bờ sông Hồng, cuối huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội. Buổi sáng, Tô Hà thường điểm tâm bằng bát mỳ sợi tự nấu, còn Chử Văn Long lại lót dạ bằng bát xôi ngô, sản phẩm đồng bãi quê anh. Thời khó khăn, chả ai quan tâm gì chuyện vật chất. Buổi trưa, mọi người trong tòa báo thường về nhà, chỉ còn lại hai nhà thơ ở lại tòa soạn, họ uống nước chè nhạt, nói chuyện thơ cho qua bữa. Chả biết thơ ca có sức huyền diệu gì, chứ tôi đã mấy lần chứng kiến cảnh hai nhà thơ đàm đạo thơ thay bữa cơm trưa, vì tôi chợt đến chơi và cùng hòa đồng không khí thơ ca quên cơm như thế.

            Bình thường, Tô Hà là người hiền lành, dễ tính. Nhưng hễ tranh luận về thơ, anh như biến thành người hào sảng và khắt khe vô chừng. Tô Hà là người không chấp nhận sự dễ dãi trong thơ. Ngay khi anh soạn và in cuốn “Những câu thơ trong trí nhớ”, gây ít nhiều không bằng lòng cho người này người kia. Bởi lẽ, có nhà thơ cao tuổi làm thơ lâu năm, có nhà thơ giữ chức sắc trong Hội nhà văn, có nhà thơ là bạn thân của anh, họ gay gắt phản đối, vì anh  không chọn thơ của họ in trong tập. Tô Hà thẳng thắn trả lời, vì tiêu chí chọn những câu thơ hay. Nếu thấy chưa hay, thì không chọn, bất chấp tuổi tác, chức quyền, thân hay sơ. Có thể nhiều câu thơ hay chưa có trong tập (vì theo trí nhớ), chứ xem ra, trong tập, không có những câu thơ nép. Tô Hà là người khắt khe với thơ tới mức riết róng. Hay, anh khen hết lời. Dở, anh chê thẳng cánh, không né tránh. Trong một bài bình thơ in trên báo, Tô Hà phê phán những chữ vụng trong bài thơ “Quê hương” của nhà thơ Giang Nam. Anh chỉ ra những chữ có chim, có bướm là vụng trong câu thơ. Ngay câu thơ có một phần xương thịt của em tôi, Tô Hà cho là không ổn. Khi ấy, nhà thơ Giang Nam đương là phó chủ tịch tỉnh Khánh Hòa đã phản ứng bằng văn bản khá gay gắt gửi về tòa báo, cho rằng Tô Hà “phủ nhận quá khứ”. Tô Hà khi ấy rất buồn. Theo anh, nghệ thuật, nhất là thơ, phải biết nhìn thẳng ra cái hay, cái dở, không nên ngụy biện bằng bất cứ lý do nào. Sau đợt ấy, ngỡ tưởng Tô Hà nhân nhượng với thơ hơn. Nhưng không, anh vẫn giữ thái độ cực đoan với thơ. Anh vẫn cố súy hết lời những bài thơ, tập thơ mà anh thấy hay. Anh phê phán,  thẳng thắn chê những bài thơ, tập thơ dở, cẩu thả.

              Tô Hà là người hết mình với bạn thơ. Sau ngày người bạn thân- nhà thơ Nguyễn Mỹ hy sinh trong chiến trường, Tô Hà luôn tâm niệm phải lo in sớm cho người bạn mình tập thơ. Anh đi đâu cũng thường nói về thơ của Nguyễn Mỹ. Một buổi sáng tại khuôn viên trụ sở Hội nhà văn Hà Nội, Tô Hà gặp mấy bạn thơ và anh đọc mấy bài thơ di cảo của Nguyễn Mỹ cho bạn bè nghe cùng. Rồi anh đọc lại bài thơ “Cuộc chia ly màu đỏ”. Giọng anh róng riết, quăn thắt, nức nở. Mỗi câu thơ, như khơi gợi nỗi niềm nhớ thương người bạn thân tài hoa đã vĩnh viễn ra đi. Khi đọc đến câu thơ cuối “Nghĩa là màu đỏ ấy theo đi/ Như không hề có cuộc chia ly!” Bất chợt Tô Hà bật khóc. Anh khóc nức nở, làm bao người bữa ấy bối rối. Sau thời gian ấy, Tô Hà cùng bạn bè đã lo in cho Nguyễn Mỹ tập thơ.

             Anh là người khó tính với thơ, nhưng lại là người sống xuề xòa và chân tình với bạn. Nhà thơ Chử Văn Long kể lại, dạo gia đình anh khó khăn, con đi học xa mà không có tiền mua xe đạp, Tô Hà liền bảo Chử Văn Long đem chiếc xe đạp nữ khung võng của mình về sửa sang cho cháu đi học. Chiếc xe đạp khung nữ ấy, theo cháu đi suốt cả năm trời. Ấy rồi, một bữa kẻ trộm khoắng mất chiếc xe đạp tình nghĩa ấy, làm nhà thơ Chử văn Long buồn mãi. Nhà thơ Ngô Thế Trường kể, năm 1975, khi mới tập toẹ viết thơ gửi báo,  đến Hội văn nghệ Hà Nội, Ngô Thế Trường rất cảm kích khi được gặp nhà thơ Tô Hà. Bữa ấy, không biết có phải vì quý người làm thơ trẻ từng cùng sống ở đất Cảng hay không, Tô Hà lấy giấy ra ký họa chân dung Trường. Bức ký họa này, Ngô Thế Trường vẫn lưu giữ và đem in lên trang bìa tập thơ “Sóng mặn” của mình vừa phát hành. Lại kể về người là khuôn mẫu trong bài thơ “Chuyện không có trong thư” của Tô Hà. Đấy là một cô gái tốt nghiệp trung cấp bưu chính năm 1965, xung phong lên công tác ở Yên Bái. Cô được phân công về bưu cục đặc biệt số 910, sơ tán tại Đầm Hát. Cô gái nhiệt tình làm đủ thứ việc, nào bán tem, chọn thư, chuyển bưu kiện. Một hôm, cô nhận chuyển túi công văn hỏa tốc sang Tỉnh ủy, khi lội qua con suối cuồn cuộn chảy, cô suýt bị lũ cuốn, thì một cánh tay người con trai đi phía sau đỡ vội và dìu cô và túi công văn sang bờ kịp thời. Người con trai đó, xưng tên là Tô Hà, công tác ở phòng thi đua tuyên truyền Tổng cục Bưu điện. Cuộc gặp gỡ tình cờ đó, rồi thành thân quen. Chiến tranh phá hoại đã vào kỳ căng thẳng. Người con trai lại đi công tác nhiều nơi, khi Quảng Ninh, Thanh hóa, Nghệ An... Thi thoảng, có gửi thư và những vần thơ mới viết về tặng cô gái. Một bữa, cô gái nhận được bài thơ anh gửi tặng, với dòng chữ “Mến tặng em. Em là hồn của bài thơ này”. Đó chính là bài thơ “Chuyện không có trong thư” của Tô Hà. Cô gái giữ mãi bài thơ, như một kỷ niệm quý. Cho tới ngày, cô lấy chồng, người chồng hay ghen vô lối đã đốt bài thơ có dòng chữ đề tặng kia. Cô gái kia đau khổ vô chừng. Tất nhiên, bài thơ đã được in trên báo ngay thời điểm đó. Rồi sau in trong nhiều tuyển thơ. Câu chuyện mãi sau này tôi mới được nghe kể. Thực hư ra sao, chả rõ, nhưng tôi thấy yêu quý bài thơ này thêm nhiều lần.

                Say thơ, cẩn trọng, kỹ tính trong sáng tác, nhưng nhà thơ Tô Hà không phải là người viết nhiều. Những câu chữ như được chắt lọc qua lăng kính đầy biến ảo trong tư duy của nhà thơ. Tôi thích những câu thơ đẹp ngẩn ngơ của anh “Hà Nội em về may áo mới” hoặc “Ơ hay cánh bướm hồn nhiên cũng/ Trắng muốt bay theo những lượm vàng”, hoặc cái đẹp luôn bùng nổ trong bài thơ “Trước cơn mưa mùa hạ” của anh “Mây nổ pháo ngang trời sấm động/ Lá phần phật sáng lá xanh chưa/ Mải theo một dáng xa thăm thẳm/ Quên cả vầng trăng lạc cả mùa”. Những ngày cuối đời, thơ anh nghĩ ngợi và buồn.”Nếu ngày kia anh chết/ Thơ chẳng còn đâu/ Chỉ còn cái bóng nơi anh ngồi viết/ Nếu ngày kia anh chết/ Cái bóng chả còn đâu/ Chỉ còn con mèo sưởi nắng nơi anh ngồi viết”. Bạn bè đôi lần chứng kiến cảnh anh ngồi thu lu cô đơn trên chiếc ghế giữa phòng làm việc. Anh sống lặng lẽ, ít khi giãi bày chuyện riêng của mình cho mọi người.

                Những ngày cuối năm 1990, bệnh tật càng hoành hành anh. Căn bệnh suy thận đã vào giai đoạn cuối. Một mình nằm trong viện, sau phút chống trả những cơn đau, anh lại mê mải làm thơ. Thơ như liều thuốc xoa dịu những nỗi đau thể xác và tâm hồn anh. Những câu thơ chắc gọn, thẫm đẫm nỗi niềm. Những câu thơ như cắt từ gan ruột.
                 Angola là đâu?
                 Mà lên đường em khóc
                 Luanda là đâu?
                 Mà tháng năm dằng dặc
                 Mà nửa vòng trái đất
                 Mà em về chiêm bao.
                                   (Em về chiêm bao)
         Những câu thơ cuối đời, chới với, ứa nước mắt. Không biết nhà thơ viết cho chính mình, hay cho người thân, hay cho những ai trong cõi nhân gian trập trùng, mù mịt. “Bụi hồng lẽo đẽo đi về chiêm bao”. Có phải thơ viết từ gan ruột, thì nó ám vào phận đời, như một tiên cảm, như sự linh ứng nào đó.
                   Thưở ấy anh là mây dưới kia
                   Theo trăng vằng vặc rủ em về
                   Ai hay trước ngõ em đâu mất
                   Để lại tơi bời anh lối khuya.

                    Từ ấy không đêm cũng chẳng ngày
                    Anh là giá buốt của sương bay
                    Là sao đẫm ướt run trên lá
                    Trăng ngỏ lời suông với gió may.

          Sau hơn hai mươi ba năm ngày anh ra đi, bình tĩnh đọc lại những vần thơ nhà thơ Tô Hà viết những ngày cuối đời, thì thấy những câu chữ kia có gì u uẩn, chập chờn, ma mị, như mây như khói. Như linh tính một điều gở, không bình thường. Rõ là không bình thường rồi. Một thế giới đâu đó không đêm không ngày. Một cõi cao cao không phải thế giới dương gian trần tục, mà người là mây dưới kia, là sao đẫm ướt run trên lá.  Để rồi:
                   Ngõ cũ ai về thăm lối xưa
                   Anh thành cõi khác của đam mơ
                   Nghe hồn thu lạc qua hư ảo
                   Ai khóc tên mình trong nắng trưa.
           12 giờ 22 phút, ngày 15-1-1991, nhà thơ Tô Hà trút hơi thở cuối cùng, khi tiếng khóc của người thân quanh anh bật xé lên. Câu thơ anh viết Ai khóc tên mình đã vận đúng vào số phận anh. Anh ra đi giữa ngày đông âm u, nhưng lúc ấy nắng trưa bừng lên thật. Cái hạn của đời người, theo dân gian đúc kết “Bốn chín chưa qua, năm ba đã đến”. Nhà thơ Tô Hà mất khi sang tuổi năm mươi ba!