Người ta nói ở làng Nghe, xã Vân Hòa, huyện Ba Vì, Hà Nội có cái giếng mang tên rất gợi cảm. Gọi theo người Mường là giếng Pó Ché. Còn theo chữ nôm của người Kinh là giếng âm hộ. Tôi không tin là có thật. Lại nữa, dân ở thôn Muồng Chén cũng ở xã này rất thích ăn bọ xít chiên giòn. Nghe thất kinh tôi đâu có tin. Nhưng chẳng hiểu sao, tôi cứ dò dẫm về Vân Hòa, với nỗi tò mò không nhịn được. Khi gặp hai cô gái Mường, tôi hỏi về cái giếng Pó Ché, thì họ cười đỏ mặt và đấm lưng nhau bỏ chạy. Họ nói líu ríu gì đó, liếc xéo nhìn tôi rồi chạy vào bản. Có lẽ họ cười vào mũi lão già là tôi rằng, rõ là điên ai lại đi hỏi những lời tục tĩu thế bao giờ….



RỘN RÀNG LÀNG XÓM DƯỚI CHÂN BA VÌ

VƯƠNG TÂM

Hát với chiêng Mồ Đồi
        Thật may mắn, tôi được gặp nghệ nhân cồng chiêng Đinh Hữu Tiến, nguyên Chủ tịch xã, và Bí thư Đảng ủy xã Vân Hòa, ở thôn Đồng Chay. Tôi hỏi lại chuyện về cái giếng Pó Ché kia thì ông mủm mỉm cười chỉ đường cho tôi đến trang trại của tiến sĩ Ngô Kiều Oanh. Ông nói đến đó mà xem, cái giếng cổ giống cái “ấy” ra phết, càng nhìn càng thấy giống. Tôi phì cười. Khi thấy ông đang lau những chiếc chiêng, thế là tôi quên phắt chuyện đi xem cái Pó Ché, mà đòi ông chơi một bản nhạc của người Mường. Nghệ nhân Tiến cười giải thích, chơi cồng chiêng là phải cả giàn 12 chiếc mới ra bài được. Nhưng ông cầm từng chiếc một rồi lấy dùi đánh nhẹ cho tiếng ngân vang rồi hát lên những lời ca mà ông đã viết về quê hương mình. Giọng ông ấm áp ngân nga như đang vào ngày hội xuân rộn ràng khắp bản Mường: “Đồng Chay làng Bặn quê ta. Hai làng văn hóa, Vân Hòa rạng danh. Thẳng vào du lịch Khoang Xanh. Trục ngang đường xã đã thành vần thơ…”.
        Thấy tôi như bị hút theo tiếng cồng ngân nga, nghệ nhân Tiến dẫn đường cho tôi về thôn Nghe. Ông nói cứ đi lên con dốc cao trên lưng đồi có nhiều điều lạ đang chờ đón tôi. Quả nhiên ở một bãi cỏ khu du lịch Long Việt một đội cồng chiêng nữ của thôn Mồ Đồi đang biểu diễn cho du khách từ xa đến. Một tiết tấu náo nức niềm vui của núi rừng vang lên như lời mời chào, nghe sao ngọt ngào. Những người phụ nữ Mường như say trong điệu nhạc. Trái tim họ đang trào dâng cảm xúc trong khúc nhạc đồng quê. Những cánh tay nghiêng tạo hình những cánh chim lượn trên đồi cao. Phía trước họ là đỉnh núi Ba Vì bồng bềnh mây trắng. Đàn chim ở phía xa bay về. Chúng ríu rít ca vang trong tiếng cồng chiêng rỡ ràng lời kêu gọi rừng núi bay lên trong câu chuyện tình nàng công chúa Ngọc Hoa với chàng Sơn Tinh cổ tích.
        Tôi như bị bỏ bùa mê vì bản hòa thanh của 12 chiếc cồng chiêng cuốn hút, trong lời ca say đắm về tình yêu. Nghệ nhân Thành, đội trưởng cồng chiêng thôn Mồ Đồi có giọng hát thật đắm thắm, khi cất lên bài ca “Tình yêu”. Theo ông Đinh Hữu Tiến cho biết, trừ Trường ca “Đẻ đất-Đẻ nước”, theo thể thơ tự do, còn lại bài hát của người Mường đa số từ thể Lục Bát như người Kinh. Vậy nên khi nghe nghệ nhân Thành hát, tôi thấy gần gũi và hòa nhập như cảm xúc trào lên tự lòng mình: “…Tình là tình cái ngẩn ngơ. Dạ tương tư suốt đêm chờ trăng tan. Tình là tình cái đập tràn. Yêu như thác đổ gào khan nỗi đời…”
        Điều bất ngờ hơn, khi tiếng hát vừa dứt thì mọi người đứng xung quanh bỗng như bị cuốn hút bởi giai điệu nhảy sạp vỗ nhịp nhàng lên những cây tre. Ai cũng háo hức nắm tay nhau vào sạp nhảy. Những nghệ nhân Mường hướng dẫn mọi người vài động tác đơn giản nhất theo nhịp những cây tre gõ đều theo những bước chân. Thế là từ trẻ con đến người già đều nhảy theo tiết tấu rộn rã. Tiếng cười, tiếng hò reo hồn nhiên của mọi người đùa vui. Ai cũng trở thành bạn nhảy theo bàn tay êm ái của người con gái Mường. Một giai điệu quen thuộc không lời về ngày hội thu hút lòng người. Tôi nhún chân một cách vụng về theo lời mời của người con gái Mường. Chân theo chân. Tay cầm tay ngỡ như cùng nhảy qua mọi rào cản cuộc đời để đến với nhau bởi tấm lòng và tình thương yêu cuộc đời. Đúng như lời hát phụ họa theo, tha thiết: “Tình là tình cái trống vui. Vỗ nhanh trong nhịp ngậm ngùi nhớ nhưng…”

                                         


Cây đa thần ngàn năm và ký ức kháng chiến
        Sau khi chia tay đội nữ cồng chiêng thôn Mồ Đồi, nghệ nhân Đinh Hữu Tiến chỉ đường cho tôi đến làng Rùa, nơi đó có cây đa thần rùa ngàn năm tuổi. Phải nói càng đi về cuối xã Vân Hòa, càng có nhiều điểm thu hút bất ngờ, với nhiều khu du lịch nổi tiếng như “Khoang Xanh-Suối Tiên”, “Thác Đa”, hay “Suối mơ-Thác Ngà”, và “Trang trại Đồng quê”; Ấy là chưa kể đến khu du lịch văn hóa truyền thống đồng bằng “Long Việt”. Nhưng với tôi, đỉnh núi Tản Viên tạo nên ấn tượng kỳ lạ ở những khối mây chuyển đổi gây bất ngờ trong từng giờ từng phút. Khi tôi rẽ vào đường làng Rùa, dường như mây trên đỉnh Ba Vì tạo nên những hình tượng chuyển động như trong mơ.
         Con đường nhỏ bồng bềnh trong nguồn suối mây dẫn lối. Có thể nói cả xã Vân Hòa của người Mường tạo nên những động tiên, suối ngọc, bởi nằm ngay sát chân núi Ba Vì. Bà Sử người của thôn làng Rùa kể, xưa có thời đền thờ thánh Tản Viên nằm ở ngay gần với đình làng Rùa, ngự trước cây đa ngàn năm này đây. Sau này đền được đưa lên trên đỉnh núi. Nên cái làng Rùa này còn lại cây đa với chín chùm rễ tạo hình như ông thần rùa. Theo bia tạc ghi lại, đình làng Rùa thờ Thánh Tản viên sơn, còn gọi là Sơn Tinh-Thánh đứng đầu Tứ thánh bất tử trong huyền sử Việt Nam.
         Tôi đọc kỹ bia, mới hay trong thời gian từ năm 1946 đến 1952, thôn Rùa và đình làng Rùa còn là cơ sở kháng chiến của các cơ quan tỉnh Sơn Tây và là nơi đào tạo thiếu sinh quân cho trung đoàn Ký Con, do các tướng Hoàng Thái, Hoàng Sâm, và Phùng Kế Tài phụ trách. Bà Sử kể, xưa bọn Pháp đến bỏ bom cháy rụi cả đình, nhưng chả làm gì được những đoàn quân vẫn tiến về mặt trận Điện Biên. Rồi sau đó là chiến thắng năm 1954, chấn động toàn cầu, Điện Biên Phủ có dấu vết kỷ niệm ở ngôi đình làng Rùa.
          Nghe đến đây tôi bỗng nhớ đến bài thơ và bản nhạc của chính nhà thơ Quang Dũng sáng tác cho Ba Vì, do ca sĩ Kim Ngọc hát trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Theo lời kể của nhạc sĩ Huy Du đã từng nhắc đến, nhà thơ Quang Dũng tự hát lên những lời thơ của mình, sau đó chính ông đã ghi lại nốt nhạc và giai điệu của ca khúc. Tình cảm của nhà thơ Quang Dũng đã trao cho Ba Vì khi đến với trung đoàn Ký Con, với những câu thơ rất nặng tình đời. Sau này, qua bài viết của nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, tôi mới có dịp thưởng thức bài thơ “Ba Vì mờ cao”, có những câu gợi nhớ: “Từ xa thương nhớ Ba Vì ơi. Thời gian chưa muốn phai dáng người. Giang hồ dừng bước. Nhớ nhung Ba Vì ơi. Ba Vì mờ cao. Làn sương chiều xa buông gió về. Hương núi thơm dâng hồn về đâu…”   
         Và tôi lại nhớ chính nhạc sĩ Huy Du, tác giả ca khúc nổi tiếng “Trên đỉnh Trường Sơn ta hát” và “Tình em” cũng đã từng viết bài “Ba Vì năm xưa”, trong thời gian kháng chiến chống giặc Pháp xâm lược. Ông viết: “Làng tôi xưa dưới chân Ba Vì. Êm đềm rộn ràng bên bóng cây thắm tươi…Rời làng cũ tôi bước lên đường kháng chiến. Rồi ngày ấy tôi sẽ quay về núi biếc. Lúc chiến thắng quân thù ta luôn nhớ Ba Vì ơi…. Tiếng hát Lê Dung đã cất lên trong một thời gian dài trên trận địa và chiến hào, những nơi mà các chiến sĩ quân đội ta luôn nhớ về quê hương, trong đạn bom khói lửa. Đó là những khúc ca về Ba Vì thân thương. Tôi lắng nghe tự lòng mình và nhìn về đỉnh núi Vua, cao 1296m. Ở trên đỉnh núi là đền thờ Bác Hồ. Đã không ít lần tôi leo qua 1300 bậc, để lên thắp hương và đọc những lời của Người để lại cho muôn đời sau: “Không có gì quý hơn độc lập tự do” và bản di chúc của Người để lại cho dân tộc, cùng với câu đối lừng danh bên núi Tản, phía đối diện rằng : “Dáng hình sừng sững ngang trời rộng. Hạo khí mênh mang vạn thuở còn”. Thật là hùng vĩ, đúng như lời Bác vang lên: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi

                                           


Bồng bềnh mây trắng
         Tôi đoan chắc, nếu có nhà nhiếp ảnh nào đó chỉ theo đuổi một đề tài, chụp ảnh mây trên núi Ba Vì, ắt có thể nổi tiếng. Họ có thể dựng nghiệp của mình tại đây. Bởi, từ làng Vân Hòa nằm sát ngay chân núi Ba Vì, có thể quan sát ở mọi góc độ của dãy núi với 3 đỉnh cao. Đó là núi Vua, núi Tản, núi Ngọc Hoa quanh năm mây phủ, cùng với hàng chục đỉnh núi khác điệp trùng rừng xanh.
         Nếu chịu khó quan sát trong một tiếng đồng hồ thôi, ta sẽ thấy những khối mây trắng chuyển động, khi nhanh khi chậm. Có lúc mây lại lên cao hay xuống thấp. Lại có khi ngỡ như mây đang ngủ quên trên đỉnh núi. Chúng ôm một giấc mơ êm ái và tưởng nhớ đến những khúc dân ca của người Dao và Người Mường cổ, một thời trên đỉnh núi. Những điệu múa và tiếng cồng chiêng rạo rực suối mây một thuở hoang sơ. Những bức ảnh mang chân dung Ba vì sẽ đậm chất huyền thoại trên đỉnh núi.
        Và kể cả khi những đám mây trôi qua xã Vân Hòa, hay rơi xuống các nẻo đường thôn bản, thì Ba Vì lại thêm thương nhớ, khi khúc hát “Ba Vì mờ cao” của Quang Dũng lại bâng khuâng với một giọng hát liêu trai ám ảnh lòng người. Lúc này đây, khi chia tay tâm hồn tôi bỗng ngẩn ngơ một nỗi Vân Hòa mây trắng. Nó trôi mơ màng, cùng bản tình ca cồng chiêng mênh mang, trên cánh đồng thơm nếp hương.