Biết về Trần Hồng Giang qua thơ, qua facebook chỉ biết đó là một thanh niên tàn tật, ngồi xe lăn và làm thơ. Nhìn hình anh trên mạng thấy một khuôn mặt nở nang, đầy cá tính và như thế chưa có thể hình dung hết về con người này. Anh gửi lời nhắn mời về Nam Định dự buổi ra mắt tập trường ca “Thương lắm quê mình”  vào một ngày thu đầy nắng. Về thôi về với tất cả sự háo hức, sự khâm phục nếu không nói pha chút tò mò…






 TRẦN HỒNG GIANG và những câu thơ bay qua bất hạnh

BÙI KIM ANH

Đây rồi, nơi cửa khách sạn, Trần Hồng Giang trên xe đẩy mỉm cười đón mọi người. Ai cũng muốn bắt tay. Ai cũng muốn ôm. Ai cũng muốn chụp hình. Trần Hồng Giang cười nhẹ nhàng và đón nhận tất cả cử chỉ thân thiện. Có thể tính anh ít nói. Có thể sự xúc động thường có của nhiều tác giả khi giao lưu giới thiệu sách của mình và lại thật đặc biệt khi đó là Trần Hồng Giang. Tôi cũng thế. Khi nhìn thấy Giang khác xa với khuôn mặt mà mình tưởng tượng, tôi muốn ôm chàng thanh niên như ôm lấy đứa con trai bất hạnh này, chụp ảnh với Giang – một bức ảnh gần gũi đáng ghi nhớ. Đôi tay quắt lại như không thể nâng cao, lại như rút rè khi tiếp xúc đông người. Một bữa trưa thân tình với người yêu thơ, yêu quý Trần Hồng Giang và cả nữa với Nam Định – Thương lắm quê mình. Tôi cũng có phần quê hương Nam Định đấy. Ngay gần thành phố thôi nơi huyện Nam Trực đó là quê nội của tôi. Nơi bây giờ chỉ còn ngôi mộ dòng họ, trong đó có mộ cha tôi, ông tôi, cô chú tôi. Nơi bây giờ chỉ còn ngôi nhà xây từ thời xa xưa đã đổ nát. Về với Trần Hồng Giang và tập trường ca “Thương lắm quê mình” với bao xúc cảm nghẹn ngào. Bữa trưa ồn ào vì gặp gỡ. Giang ngồi đầu một dãy bàn và vẫn vậy lặng lẽ quan sát. Một cậu thanh niên trẻ - sau hỏi biết là cháu ruột, gỡ thức ăn và xúc cho chú từng thìa cơm. Giang ăn nhỏ nhẹ dù bên cạnh có cô lớn tuổi cứ nhiệt tình muốn chăm sóc. Nhân vật chính mà im lặng trước những nhộn nhịp.
Buổi ra mắt sách tại một quán cà phê khá rộng nhưng lại chật so với số lượng người tới dự. Bạn bè yêu quý Trần Hồng Giang không chỉ ở Nam Định quê anh mà còn Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam, Quảng Ninh, Thái Bình… rủ nhau về. Vẫn là những thủ tục về nghi lễ, khách mời, trình diễn. Có chỗ được và chưa được của chương trình – tất nhiên rồi vì làm sao vừa ý tất cả. Không quan tâm nhiều về chương trình, về những phát biểu… khi biết rằng chương trình do Trần Hồng Giang viết kịch bản. Lại tác giả ngồi đó trên xe lăn nơi trên cùng nhìn và nghe và tiếp nhận. Tiếng vỗ tay. Hoa và quà tặng và chụp ảnh khi tặng. Hoa nhiều quá. Đẹp thật, trang trọng thật nhưng phí quá. Chỉ cần 1 bông thôi cho có hoa còn chuyển hết sang quà mới là thiết thực. Trần Hồng Giang đang phải kiếm sống bằng văn chương, chữ nghĩa vất vả lắm thay.
Giang gửi cho tôi hình viết bằng bút khi chưa có máy tính, khi tôi hỏi viết như thế nào. Bức hình của ảnh do nghệ sĩ nhiếp ảnh Bùi Đăng Thanh chụp với tiêu đề Con người và sự lao động được giải thưởng cao trong triển lãm ảnh về cuộc sống lao động. Đầu nghẹo trên trang giấy, chiếc bút bi tì vào miệng và bàn tay với những ngón bị co quắp đỡ lấy bút. Giang gửi tiếp cho tôi ảnh khi anh sử dụng máy tính. Vẫn tư thế nghiêng ấy trên bàn phím, miệng anh ngậm que và cùng sự nâng đỡ của bàn tay bị tật anh gõ bàn phím. Xin lỗi Giang khi tôi bắt anh viết trả lời trên tin nhắn của facebook. Viết như vậy mà làm thơ lại còn trường ca. Tập trường ca gồm 7 chương và hai phần – Khúc dạo mở đầu và Vĩ thanh kết thúc. Gần 90 trang thơ thấm đẫm tình yêu, niềm tự hào của Trần Hồng Giang về quê hương Nam Định – Thương lắm quê mình. Biết anh rồi vậy mà cầm tập sách của anh trên tay lắng trong lòng những xúc động. Xúc động trước nghị lực của người thanh niên trên chiếc xe lăn. Xúc động trước tấm lòng của anh với quê hương. Đâu phải là tập hợp của những bài thơ ngắn chung một đề tài, trường ca là một thể loại ít nhà thơ dám nhảy vào thử sức. Nó không mới với thế giới. Nó có trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam với nhiều trường ca mang chất sử thi, mang chất anh hùng ca, đậm màu sắc trữ tình. Nó đã có mặt với những tác giả đương đại… Nhưng nó chưa được nhớ vì chưa đạt đến dấu ấn của thể loại này. Trần Hồng Giang dùng máy tính còn khó khăn vì bệnh tật của mình vậy mà anh đã viết trường ca “Thương lắm quê mình”. Khâm phục ý chí, nghị lực và dũng cảm của anh trong lao động văn chương vất vả này.
Hỏi - Giang bị liệt bẩm sinh hay như thế nào
- Cháu bị khi cháu lên 5 tuổi cô ạ. Lúc ấy trẻ con mà cô,  chơi với nhau rồi bị tai nạn đụng vào chấn thương đốt sống cổ
Hỏi – vậy mọi sinh hoạt của Giang thế nào
- mẹ cháu và các anh chị, các cháu giúp
Hỏi – Giang học như thế nào
- cháu chỉ tự học chứ chưa từng được đến bất cứ một lớp học nào
Chưa từng được đến bất cứ một lớp học nào vậy mà làm thơ, viết văn – bài viết đầu tiên của cháu được đăng báo là vào năm 1989 khi cháu 15 tuổi. Chưa từng được đến bất cứ một lớp học nào vậy mà – cháu chỉ đọc dịch thành thạo tiếng Anh, còn nghe nói bập bõm vì ít tiếp xúc.
Trần Hồng Giang là như vậy ư. Trò chuyện qua tin nhắn, mỗi dòng tin cho tôi một sửng sốt về Giang. Nhìn qua ảnh và gặp Giang trong buổi ra mắt tập trường ca tôi hiểu không cần viết những lời an ủi, động viên thường tình. Tôi sợ mình rơi vào sáo rỗng, vào công thức. Trời sắp đặt thế nào thì mình nhận thế - Giang nói về mình và cũng là an ủi người đang tâm sự với mình.

Tôi cũng có những người bạn viết văn, viết báo để sống vì đồng lương ít ỏi và cả vì không có thu nhập gì. Cái nhuận bút còm để sống được vật vã xiết bao. Trần Hồng Giang không đến trường lớp bao giờ vậy mà đang sống bằng công việc viết ấy. Trợ cấp xã hội cho người tàn tật ở Nam Định là 360 ngàn đồng (ở Hà Nội là 550 ngàn đồng). Nhìn vào mặt bằng xã hội, đọc trên mạng những người mẫu, nghệ sĩ phô nhà triệu đô, xe hàng tỷ, váy áo tiền tỷ… những đại gia đi chơi ngàn USD với người mẫu mà ngậm ngùi. Biết đời là thế, trời sắp đặt thế mà thấy không cân/ người ăn chẳng hết kẻ lần chẳng ra. Tôi gặp mẹ anh – người đàn bà quê một đời vất vả. Có một thày giáo làng, hiệu trưởng trường cấp 2 xưa đi lính trở về là một thương binh nặng mất một cánh tay – đấy là bố Giang. Nuôi đàn con 6 đứa cả một thời chiến tranh, chăm cho Giang bằng cả tấm lòng người mẹ, chăm chồng thương binh, người phụ nữ già hơn tuổi 73 của mình. Bà ngồi dự buổi ra mắt tập thơ của con cũng lặng lẽ như con trai. Chỉ đến khi được mời lên nói, bà cũng chỉ nói được đôi lời ngắn ngủi xúc động. Người dân quê mình vậy. Làm công việc nhà nông vất vả, chịu đựng hy sinh cho chồng con mà vụng về chẳng có nhiều lời. Các anh chị giờ có cuộc sống gia đình riêng, Giang sống cùng bố mẹ. Nguồn thu nhập là trợ cấp thương binh của bố, trợ cấp xã hội của Giang, là nhuận bút văn chương, là gạo quê từ mấy sào lúa vốn có. Đã có lúc anh làm cộng tác biên tập tiếng Anh cho công ty sách Nhã Nam. Bây giờ anh biên tập tin cho báo và thiết kế web. Cũng ngất ngưởng thôi vì đâu phải dễ có việc. Giỏi quá thôi khi vẫn là tự học qua sách vở, bạn bè.
Cứ ngẫm mãi câu Trần Hồng Giang viết Trời sắp đặt thế nào thì mình nhận thế. Anh nghĩ vậy nên mới có đủ nghị lực và ý chí để sống, để tồn tại và hơn nữa để khẳng định mình. Anh đã in Nỗi nhớ mùa hè – 2003, Chuồn chuồn phố - 2011 và trường ca Thương  lắm quê mình – 2014. Nam Định quê mình ơi! Nam Định ơi, quê mình ơi! Câu thơ cứ vang lên tha thiết, xuyên suốt tập trường ca, là giai điệu chủ đạo của bản trường ca tình yêu quê hương của anh.
Trần Hồng Giang là tấm gương cho người khuyết tật. Không dừng ở đó anh là tấm gương nghị lực chịu đựng, nghị lực vươn lên trong cuộc sống của mỗi chúng ta. Đọc thơ anh càng ngẫm bao lý thuyết, lý luận đều xa vời vợi và nhiều khi chẳng có nghĩa gì. Chỉ có lao động, với người làm văn chương thì chỉ có lao động nhà văn mới có ý nghĩ cao quý mà thôi.