Từ những năm 1980, nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn nổi lên với các tiểu thuyết “Những khoảng cách còn lại”, “Đứng trước biển”, “Cù lao tràm”... Đặc biệt, tác phẩm Cù lao tràm của ông còn trở thành sự kiện được tranh luận bởi những người ủng hộ hoặc chỉ trích kéo dài hàng tháng trời trên các phương tiện truyền thông hiện thời. Sau gần 10 năm không ra sách mà chỉ chuyên chú viết kịch bản phim truyện, phim truyền hình, mới đây Nguyễn Mạnh Tuấn cho ra mắt tập hồi ký “Nỗi sợ hãi mầu nhiệm” về thời tuổi trẻ của mình khi đi học tại Trường Chu Văn An (Hà Nội) và những tháng năm đi Thanh niên Xung phong ở huyện Đông Triều (Quảng Ninh).







Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn: Nhiều nhà văn tự yêu mình quá

@ Thưa nhà văn, sang năm 2015, ông tròn 70 tuổi, phải chăng người có tuổi thường hoài cổ nên ông viết hồi ký này?
Nguyễn Mạnh Tuấn: Đó cũng là một lý do, bây giờ ở tuổi tôi không viết về những gì mình đã trải qua thì đợi khi nào nữa. Không những chỉ có cuốn sách này đâu, sang năm tôi sẽ in một hồi ký khác về một thời đoạn khác của đời mình. Gọi là hồi ký, song tôi phải chỉnh sửa một số tên nhân vật để tránh gây tổn thương cho họ và gia đình. Nhiều người hay nói: “Nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì, còn nửa sự thật không phải sự thật”. Với nhà văn thì mọi sự kiện trong đời chỉ là chất liệu, “một nửa sự thật” hay chỉ “một mẩu sự thật” trong tay nhà văn sẽ trở thành chìa khóa để nhà văn mở ra hoàn toàn sự thật.
“Nỗi sợ hãi mầu nhiệm” tuy nói chuyện một thời nhưng đó lại là chuyện của ngày hôm nay. Mở đầu cuốn sách này bằng các câu: “Vô đạo ắt vô luân. Vô luân ắt vô phúc” của cha tôi Nguyễn Hữu Lược. Gia đình tôi từng có NXB Mai Lĩnh do phía ngoại tôi và cha tôi làm chủ hoạt động tại Hà Nội những năm 1930. Trong hồi ký của nhiều nhà văn, Mai Lĩnh là NXB lớn lúc bấy giờ gắn liền với tên tuổi của Đỗ Văn Kiêm, Đỗ Xuân Mai, Nguyễn Hữu Lược…

@ Nghe nói, thời đi học ông rất mê bóng đá và được gọi vào đội Thể Công nhưng bất thành…?
Nguyễn Mạnh Tuấn: Sau 1954, phong trào Thanh niên Xung phong được phát động tại các tỉnh, thành lớn của miền Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định… nhằm đưa trí thức trẻ ở các đô thị về các vùng quê. Thời đó, tôi không thể vào đội Thể Công hay vào đại học chỉ vì không thuộc gia đình “thành phần cơ bản”. Năm 1963 học xong lớp 10 (nay là lớp 12), tôi “được động viên” đi Thanh niên Xung phong cùng các bạn. Lúc đầu, thời gian chúng tôi được hứa hẹn là đi 3 năm xong về học đại học. Thế nhưng, tùy theo “thành phần gia đình” mà có người chỉ đi 3 tháng rồi về, riêng tôi đi Thanh niên Xung phong đến 12 năm 3 tháng. Ngày chúng tôi lên đường, có ông Phạm Văn Đồng, Trường Chinh đưa tiễn. Thời gian ở Thanh niên Xung phong, tôi làm thợ sửa ô-tô.

@ Vậy là ông vừa làm thợ sửa ô-tô vừa viết văn?
Nguyễn Mạnh Tuấn: Có lẽ nhờ ảnh hưởng vô hình từ truyền thống gia đình từng làm nghề xuất bản, báo chí nên tôi đến với nghề viết. Năm 1970, tôi in cùng lúc hai truyện ngắn trên báo Văn nghệ và Văn nghệ Quân đội, đây là hai truyện đầu tay của tôi. Tháng 11/1975, tôi vào làm ở Cục Báo chí - Xuất bản do họ cần tăng cường một số người trẻ có năng lực cho lĩnh vực này, tôi vào Nam cùng năm.

@ Năm 1985, tiểu thuyết “Cù lao tràm” từng tạo nên sóng gió, thực hư sự việc là thế nào, thưa ông?
Nguyễn Mạnh Tuấn: Trong “Cù lao tràm”, tôi ghi là tỉnh H., do vậy tỉnh Hậu Giang phản đối tôi rất mạnh. Một thời, người ta không phân biệt được hoặc họ không muốn phân biệt đâu là tiểu thuyết đâu là một bài báo phóng sự. Không chỉ Hậu Giang, mà gần như tỉnh, thành nào cũng đòi bắt tôi vì “7 tội” bôi nhọ miền Nam. Hàng tháng trời, báo đài và hội thảo liên tục, đến độ nhà báo Trần Thanh Phương đã sưu tầm được cả một tập dày những bài báo về “Cù lao tràm”. Cũng may, trong số dư luận phản đối “Cù lao tràm” thì vẫn có nhiều nơi, nhiều người ủng hộ tạo ra hai luồng dư luận khác nhau. Thậm chí, có lãnh đạo địa phương như Huế, Đắk Lắk còn nói: Nếu TP.HCM không dung chứa Nguyễn Mạnh Tuấn thì chúng tôi xin nhận. Hiện nay, tôi đi miền Tây Nam bộ, nghe nhiều người nói những gì tôi viết khi xưa bây giờ vẫn còn đúng.


@ Nhiều nhà văn quan niệm, đã viết văn thì đừng viết các thể loại khác sẽ “hư ngòi bút”. Ông có cùng quan điểm này không?
Nguyễn Mạnh Tuấn: Năm 1980 tôi đã viết kịch bản phim “Biển sáng” (Nguyễn Ngọc Hiến đạo diễn). Phim nói về cách thức làm ăn của Xí nghiệp Đánh cá Vũng Tàu. Mô hình làm ăn theo “chủ nghĩa kinh nghiệm” của xí nghiệp này được trung ương đánh giá cao, song địa phương lại cho là bất cập. Qua thực tế, tôi thấy những gì lãnh đạo địa phương nói là đúng. Từ đó đến nay, tôi vừa viết văn, viết báo và viết phim. Có thể nói, tôi viết, viết và viết liên tục các thể loại nhưng có thấy bị hư cái gì đâu? Ngược lại, nhờ viết mà tôi có bạn đọc, cũng đồng nghĩa với gia đình tôi sống khỏe từ nhuận bút.
@ Và ngôi nhà cũng là trường mầm non rộng 2.500m2 tại Q.Gò Vấp mà gia đình ông đang sở hữu, cũng đến từ nhuận bút?
Nguyễn Mạnh Tuấn: Tất cả đều từ nhuận bút viết sách, viết kịch bản phim của tôi vun đắp vào. Nhiều người nói: Nguyễn Mạnh Tuấn viết vì tiền. Tôi nghĩ họ nói thế giống câu chuyện “con cáo chùm nho”. Năng lực người có nhiều người có ít, nhưng quan niệm sai thì lao động sẽ sai. Tôi tiếp xúc với nhiều nhà văn nước ngoài, như Nga, Mỹ, Trung Quốc… Nhà văn ở đâu cũng giống nhau, anh nào chịu làm việc thì sống khỏe, anh nào khệnh khạng thì đói thôi. Khi mới viết kịch bản phim truyền hình, tôi cũng như mọi người, chỉ nhận có 3 triệu đồng/tập phim. Nhờ lao động, bây giờ phim truyền hình tôi viết có giá từ 15 - 20 triệu đồng/tập. Tôi từng làm thợ nên suy nghĩ rất thực tế. Ngày trước, khi các phương tiện giải trí chưa nhiều thì văn chương còn là sự lựa chọn lớn của người đọc. “Cù lao tràm” in 160 ngàn bản, “Đứng trước biển” in 140 ngàn bản. Bây giờ, sách in bao nhiêu bản? Nếu in 10 ngàn cuốn sách thì chắc có khoảng 10 ngàn người đọc. Trong khi viết một kịch bản phim truyền hình sẽ có hàng triệu người xem. Vai trò nhà văn trong xã hội hiện đại rất khiêm nhường, thế nhưng nhiều nhà văn không ý thức được giá trị của mình nên sinh ra tự yêu mình quá.

@ À, thời điểm cuối năm nhiều người xin vào Hội Nhà văn quá chừng, sao ông lại xin ra khỏi hội?
Nguyễn Mạnh Tuấn: Năm 1990 tôi làm đơn xin ra khỏi Hội Nhà văn Việt Nam vì thấy không phù hợp. Nhiều người hỏi tôi ra hội thì làm đơn xin làm gì? Tôi nói trong hội cũng có nhiều người đàng hoàng mà tôi quý. Khi vào hội tôi làm đơn xin thì khi ra cũng phải xin để thể hiện sự tôn trọng với những người đàng hoàng. Cũng trong năm, tôi xin nghĩ làm Trưởng phòng Biên tập Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu do thấy mình không phù hợp. Xưa nay, tôi chưa hề tuyên bố hay “chửi bới” gì Hội Nhà văn Việt Nam hay hãng phim mà tôi từng tham gia. Tôi thấy cái gì không phù hợp với mình thì bỏ đi.

                                              HOÀNG NHÂN ( thực hiện)


Nguồn: Thể Thao & Văn Hóa