Nhà văn Nguyễn Hồ nhấn mạnh: “Đọc lại Trang Thế Hy trong dịp sinh nhật lần thứ 90 của ông, tôi phát hiện văn chương ông có một điều nhất quán trong suốt bảy mươi năm cầm bút, đó là viết về cái gì nhỏ nhất nhưng vì cái lớn lao nhất, cái chân - thiện - mỹ. Hầu như tất cả truyện của ông đều có một cách giải quyết những mâu thuẫn, xung đột cá nhân trong đời thường cũng như trong đấu tranh, đó là nhìn lên, nhìn cái lớn lao, cái chí nhân, chí nghĩa và cái đẹp của tâm hồn để ở đời. Bài thơ cuộc đời ông bao giờ cũng được thêu dệt từ những cái giản dị thậm chí là tầm thường nhất: “Thứ khoai sùng lượm mót. Mà sao ngọt ơi là ngọt”, bởi đó là cuộc đời, biết đắng là đắng, biết ngọt là ngọt, ngọt hay đắng trong những hoàn cảnh khác nhau đều là do tự ở lòng mình”.



TRANG THẾ HY VÀ BÀI THƠ CUỘC ĐỜI

NGUYỄN HỒ

Vầng trăng bên kia sông là truyện ngắn đầu tiên tôi được đọc của ông. Nói cho đúng là tôi được học văn ông từ truyện ngắn ấy. Trong giờ văn, thầy giáo Hiền (Nguyễn Trung Tín), cầm tờ Nhân loại giới thiệu truyện ngắn trên cho cả lớp đệ lục trung học tư thục Mỹ Lồng (Giồng Trôm, Bến Tre) trong một ngày tháng bảy cách đây gần năm mươi năm. Thời gian đó, sông Bến Hải, dòng sông giới tuyến tạm thời đã trở thành vết dao chém ngang mình đất nước. Đọc truyện của ông, thầy trò chúng tôi liên tưởng tới bên kia con sông ấy có cả một vầng trăng. Từ đó về sau, tôi đọc tất cả những gì khi biết đó là của Trang Thế Hy - Văn Phụng Mỹ. Nắng đẹp miền quê ngoại, Hai người tàn tật, Giả đò yêu, Bức tranh không bán, Áo lụa giồng, Mối tình bên rạch Giồng Chanh… là những truyện ông viết sau kháng chiến chống Pháp ngay tại Sài Gòn đăng trên Nhân loại, Bách khoa, Vui sống, Ngày mới và một số tờ báo khác. Ông là một trong những người cùng thời với Dương Tử Giang, Lý Văn Sâm, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Tiêu Kim Thuỷ, Truy Phong, Kiên Giang, Lê Vĩnh Hoà, Viễn Phương… đã tạo ra một thứ văn chương khác lạ ở Sài Gòn: đa giọng, đa chiều, một thứ văn chương tranh đấu tinh tế và thuyết phục. Dù số lượng chưa áp đảo trên văn đàn nhưng dòng văn chương ấy sớm tạo nên một trào lưu văn học đặc biệt ở Sài Gòn.

Cuối năm 1964, trong rừng chiến khu miền Đông Nam bộ, báo Giải phóng, cơ quan trung ương của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam ra đời, tôi được đọc một truyện rất ngắn của Trang Thế Hy:Nhìn lên. Văn học tuyên truyền đánh giặc trước đó trên báo chí vùng giải phóng chưa nhiều những giọng điệụ mềm mại, thông thái và thuyết phục nhờ sức mạnh truyền cảm của văn chương. Ông cũng dùng chữ nghĩa để vận động cách mạng, nhưng sao mà tinh tế, đọc thấy thấm thía đến ruột gan.

Những năm ở rừng, vào những ngày chủ nhật, tôi thường được ông nhắn qua Lãng Bạc (mật danh của tiểu ban Văn nghệ thuộc ban Tuyên huấn Trung ương cục miền Nam) câu cá, hái rau, tái chế lại cơm hẩm, khô mục của chị nuôi thành thực đơn đồng quê Bến Tre. Món tủ là cá suối chiên hoặc kho tiêu ăn với canh chua lá bứa có nước mắm và trái ớt hiểm xanh. Ông và nhà văn Thuỷ Thủ, tác giả Chiếc guốc xinh xinh ở chung mái lá trung quân bên bờ suối, lui cui, lặng lẽ trong khói lửa chiến tranh. Một hôm, trước khi ra về, ông đưa cho tôi truyện ngắn ông vừa viết: Hột bụi. Nét chữ bay bướm mà rõ ràng và thận trọng, từng nét đều tăm tắp suốt tám trang giấy tập học trò cuốn hút bắt tôi phải đọc một mạch. Hột bụi, khúc ca bi tráng về những con người chân đất được viết trong khung cảnh nên thơ của khu rừng bên suối của tiểu ban văn nghệ Lãng Bạc. Những đêm trăng, tiếng đàn, tiếng hát của các cô văn công xinh đẹp chảy theo dòng suối rợp bóng bằng lăng tím. Đêm đêm bên ngọn đèn dầu nhỏ như lân tinh đom đóm, các nhà văn đang viết hùng ca. Anh Đức với Hòn Đất, Thuỷ Thủ viết Đất, Giang Nam với Quê hương, Ngô Y Linh với kịch Đâu có giặc là ta cứ đi. Rồi B52 trút xuống khu đại ngàn những đợt bom tận thế, người ngã xuống đầu tiên là chủ tịch hội Văn nghệ giải phóng, soạn giả cải lương Trần Hữu Trang, tác giả Đời cô Lựu, một nhân cách lớn của nghệ thuật cải lương kinh điển. Cái bi tráng không chỉ riêng của cuộc đời mà giờ đã nhắm thẳng vào nghệ sĩ. Tôi chờ Hột bụi in trên Văn nghệ Giải phóng nhưng chỉ gặp Quê hương thứ hai của người du kích, Chuyện nhỏ trên đường dây và Bên miệng hố bom đìa, chờ cái bi tráng thì lại nhận được cái trong trẻo, hồn hậu và độc đáo, thôi thì cũng là bù qua chế lại trong hoàn cảnh đánh giặc.

Thời gian trôi qua, cho đến gần hết chiến tranh tôi mới phát hiện Hột bụi đã hoá thân thành Anh Thơm râu rồng. Sách in, đài đọc, dư luận khen ngợi, trầm trồ, nhưng riêng tôi thì có phần hụt hẫng, tiếc ngẩn tiếc ngơ khúc ca bi tráng với cái triết lý bình dị về những người dám hy sinh, coi thường cái chết vì biết mình chết cho ai, vì ai. Nghe đâu, sở dĩ Hột bụi cũng như nhiều tác phẩm văn học khác trong chiến tranh không được cất tiếng khóc chào đời trước khi cam đành trở về cát bụi, là vì người ta bảo nó “chưa phù hợp”. Sau đó thì Hột bụi và Nụ cười của đá của ông bị thất lạc, thật đáng tiếc. 

Trong bốn mươi năm làm người đồng nghiệp bên ông sau Hột bụi, tôi chưa hề nghe ông phàn nàn, nhắc tới nó (Hột bụi) nữa. Ông lặng lẽ sống, lặng lẽ viết và cho ra đời những truỵện ngắn đầy bất ngờ đối với độc giả cũng như làng văn cả nước: Quê hương thứ hai của người du kích, Bên miệng hố bom đìa, Chuyện nhỏ trên đường dây… trở thành những món đặc sản của văn chương kháng chiến. Cũng là chuyện về những người chiến sĩ bình thường đó thôi, nhưng những truyện ngắn của ông vừa lãng mạn vừa thâm trầm. Cứ thế, văn chương của ông phát triển lặng lẽ, sâu thẳm và lắng đọng, tạo thành sự nghiệp sống mãi với thời gian từ lúc nào không biết, từ Nắng đẹp miền quê ngoại cho tới Mưa ấm, từ Anh Thơm râu rồng cho đến Tiếng khóc và tiếng hát và điểm ngưng đọng là tập Nợ nước mắt và những truyện ngắn khác.

Ông viết không nhiều về số lượng, không viết cho thị hiếu, thời thượng, chỉ viết cho người đọc tri âm và cho chính mình, bất kể quy luật cung cầu của thị trường chữ nghĩa. Trong đời sống thường ngày cũng thế, ông không có cuộc sống nào khác ngoài sống với văn chương và nhân thế, viết và sống đối với ông bao giờ cũng chỉ là một, chỉ có một. Từ căn phòng nhỏ trong ngôi nhà bảy tầng trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa ở TP.HCM cho đến căn nhà cũ kỹ liêu xiêu ở ấp 1 xã Hữu Định, giáp thị xã Bến Tre, Trang Thế Hy vẫn sống đạm bạc và theo đuổi văn chương thuỷ chung, nồng nàn cũng như những ngày ở chiến khu và chiến trường ác liệt. Ở Củ Chi, nơi ông viết Quê hương thứ hai của người du kích, ông nổi danh là chú Tư bù tọt, đêm đêm xách đèn dầu soi cóc nhái tăng chất đạm cho bữa ăn. Ở một góc vườn dừa ven chợ Cái Mít (Giồng Trôm - Bến Tre năm 1968) trong toạ độ pháo bầy, hàng năm trời, người ta biết đến một “ông già Ba đồng”, có nghĩa là mức tiêu dùng ba đồng bạc nửa xị rượu mua tại quán bà Năm Gặp ở đầu Giồng Chủ mỗi ngày, khi ngơi bom pháo. Năm Mậu Thân 1968, trên đường chiến dịch, tôi ghé qua đây thăm ông, chứng kiến cái cảnh sống “tri túc” của ông mà chạnh lòng. Sáng sớm, cái bồng lép xẹp của ông được bọc kín bằng vải nylông, trông giống như một trái bí, sẵn sàng nhận xuống bùn khi chạy càn. Nhà văn chỉ để bên ngoài, trong túi áo bà ba, tấm vải mùng chừng nửa mét vuông để làm vó bắt tép. Cái vó nhỏ xíu đặt xuống mương vườn với một chút cám, thế mà cũng dụ được những chú tép bầu tối thiểu đủ làm ngọt một tô canh mướp non với rau bù ngót. Thế mà cái khu vườn hoang ông tá túc lúc nào cũng rộn tiếng cười của cánh văn nghệ kháng chiến. Rồi “công nghệ” sống tri túc, đạm bạc ấy được tiếp tục tại lầu hai cao ốc giữa trung tâm Sài Gòn, bên mấy chậu khổ qua, một dề rau đắng đất làm lắng dịu cái ồn ã thị thành để ông có thể nghĩ suy về Nợ nước mắt, Gió nấm mối, Rác và hoa, Vết thương thứ mười ba, Hai người nhìn mưa dầm..

Đọc lại Trang Thế Hy trong dịp sinh nhật lần thứ 90 của ông, tôi phát hiện văn chương ông có một điều nhất quán trong suốt bảy mươi năm cầm bút, đó là viết về cái gì nhỏ nhất nhưng vì cái lớn lao nhất, cái chân - thiện - mỹ. Hầu như tất cả truyện của ông đều có một cách giải quyết những mâu thuẫn, xung đột cá nhân trong đời thường cũng như trong đấu tranh, đó là nhìn lên, nhìn cái lớn lao, cái chí nhân, chí nghĩa và cái đẹp của tâm hồn để ở đời. Bài thơ cuộc đời ông bao giờ cũng được thêu dệt từ những cái giản dị thậm chí là tầm thường nhất: “Thứ khoai sùng lượm mót. Mà sao ngọt ơi là ngọt”, bởi đó là cuộc đời, biết đắng là đắng, biết ngọt là ngọt, ngọt hay đắng trong những hoàn cảnh khác nhau đều là do tự ở lòng mình.

Giờ đây, ở bên rìa thành phố Bến Tre, nơi giáp ranh của làng Hữu Định quê ông, công dân nhà văn “đi chỗ khác chơi” là Trang Thế Hy vẫn tiếp tục cuộc sống thanh bần và thuỷ chung trước sau như một với văn chương, với bè bạn và với cố nhân. Túp lều nho nhỏ tưởng chừng quá quạnh hiu của ông từ lâu đã trở thành địa chỉ của giới văn học đến từ Hà Nội - Sài Gòn, từ đồng bằng sông Cửu Long, những đồng nghiệp trẻ tuổi cũng như vài nhà văn luống tuổi ở cách xa đất nước nửa vòng trái đất, bao giờ cũng nghĩ đến ông, ghé lại với ông khi có dịp đến Bến Tre. Đối với chúng tôi, ngày nào được ghé thăm ông, được nhâm nhi ly rượu đế để nghe ông nói chuyện văn chương thì đó là ngày vui và hạnh phúc…