Văn Dương Thành là nữ họa sĩ Việt kiều nổi tiếng, quê gốc tại Tuy Hòa, Phú Yên. Chị được xem là "đại sứ văn hóa" của Việt Nam tại Thụy Điển. Các tác phẩm của chị được sưu tập và trưng bày ở nhiều bảo tàng lớn: Viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam,Singapore, Thụy Điển, Tây Ban Nha...  Chị cũng được tặng nhiều giải thưởng cao quý như "Nghệ thuật kiệt xuất quốc tế" của Pháp 1995 và 1997, "Vinh danh Đất Việt" năm 2007. Triển lãm mới nhất của Văn Dương Thành tại Hà Nội mang tên “Mưa mùa hạ” (7/2014). Nữ họa sĩ Văn Dương Thành chính là người mẫu trong 300 bức tranh của Bùi Xuân Phái!








Nàng thơ trong 300 bức tranh của Bùi Xuân Phái

HÀ MINH

Từ lâu, ngôi biệt thự Hoa Sen Trắng (Nghi Tàm, Tây Hồ, Hà Nội) là địa chỉ quen thuộc của giới hội họa. Ít ai biết rằng, chủ nhân của nó là họa sĩ Văn Dương Thành.
Văn Dương Thành nói rằng, chị chịu sự ảnh hưởng phong cách Bùi Xuân Phái, cho dù những con phố Hà Nội trong tranh Văn Dương Thành hoàn toàn khác “phố Phái”.
“Phố Phái” thì tĩnh lặng, u hoài và đậm chất thiền với gam màu chủ đạo là nâu và xám. Còn “phố Văn Dương Thành” nhộn nhịp, rộn rã ngựa xe và dòng người hối hả bên những mái cổ rêu phong. Nhưng dường như chính sự khác biệt là duyên phận gặp gỡ của họ trong nghệ thuật.
10 tuổi, Văn Dương Thành đã là tín đồ của Bùi Xuân Phái qua những bức tranh vẽ minh họa cho Báo Văn nghệ. Lúc ấy họa sĩ họ Bùi đã tiếng tăm lừng lẫy, nhưng vì đất nước quá nghèo nên không ai có điều kiện sưu tập tranh của ông.
Văn Dương Thành là một ngoại lệ. Chị mê mẩn tranh của Bùi Xuân Phái đến mức nhịn đói để sưu tập những bức họa của ông. Đó cũng là sự khởi đầu một mối thâm tình hơn 20 năm giữa hai người. Một quãng thời gian mà Bùi Xuân Phái đã vẽ đến hơn 300 bức tranh về Văn Dương Thành, còn ông là chủ đề trong hơn 100 bức tranh của chị.
Bức họa đầu tiên Bùi Xuân Phái vẽ Văn Dương Thành có tên “Cô gái dưới trăng”. “Đó là một đêm trăng rất đẹp, mình đang ngồi chải tóc bỗng nhiên Phái cầm một bức tranh đến. Bức tranh đẹp và huyền ảo đến nỗi mình không tin được là Phái đã vẽ mình. Đặc biệt hơn, bức tranh được hoàn thành chỉ trong chưa đầy một tuần trà”, Văn Dương Thành nhớ lại.

                                      


Sau này họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung, nguyên Giám đốc Viện Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia, đã mua lại “Cô gái dưới trăng”, nhưng cũng phải hơn 20 năm sau nó mới xuất hiện trước công chúng. Là vì Bùi Xuân Phái muốn giữ vẻ đẹp đó làm của riêng, đã yêu cầu chỉ được trưng bày sau khi ông mất.

Có người nói rằng, “Văn Dương Thành là người tình tri kỉ nhất trong tranh của Bùi Xuân Phái”, chị lặng lẽ cười: “Nói thế nghe không hợp với khoảng cách tuổi tác của chúng tôi. Nhiều người gọi tôi là nàng thơ trong tranh của Phái tôi thấy hợp lí hơn, bởi nó chứa đựng những ý nghĩa nghệ thuật thiêng liêng, chứa đựng mối tâm giao nghệ thuật giữa hai con người. Và hơn hết, với từ “nàng thơ” tôi thấy mình đẹp hơn trong tranh”.
Văn Dương Thành trong tranh của Bùi Xuân Phái quen thuộc với mái tóc dài, nét mặt hồn hậu, nhưng mỗi bức họa lại là một nỗi niềm khác nhau. Nhiều nhất là những kí họa tập trung về nỗi buồn trong ánh mắt chị. Điều này dễ hiểu, bởi danh họa họ Bùi vốn được xem là người bị ám ảnh bởi ánh mắt người thiếu nữ. Ông từng gọi đó là “những dòng sông màu đen nhiều xúc cảm và bí mật”.

Dù cách biệt nhau về hoàn cảnh nhưng hai tâm hồn đồng điệu trong nghệ thuật khiến Bùi Xuân Phái và Văn Dương Thành có chung nhiều quan điểm sống.
Có lần, hai họa sĩ cùng đi uống cà phê. Lúc tính tiền, ông chủ quán một mực không lấy tiền, chỉ tha thiết xin một bức tranh với lý lẽ: Người Hà Nội mà không biết Bùi Xuân Phái thì không phải người Hà Nội.
“Riêng điều này tôi thấy tranh của Phái và nhạc của Trịnh Công Sơn rất giống nhau. Vẻ đẹp không nằm trong màu sắc hay ca từ, mà đẹp ở lòng người cảm nhận. Hiện tôi chỉ còn giữ được khoảng 100 bức tranh Phái vẽ mình, số còn lại lưu lạc bên Tây.

Thỉnh thoảng bạn bè gọi điện “mới ngắm Thành trong tranh” khiến tôi quyết tâm sưu tầm lại. Nếu thành lập một Bảo tàng Bùi Xuân Phái, tôi sẽ tình nguyện tặng hết số tranh của Phái vẽ về mình”, họa sĩ Văn Dương Thành tâm sự.