Wislawa Szymborska là một Thiên sứ. Và Thiên sứ ấy đang trú ngụ trong ngôi nhà của tôi. Thiên sứ ấy đã nói cho tôi nghe về những điều bà hoảng sợ, dày vò, về những suy ngẫm, ý chí, vẻ đẹp, ước mơ... của bà bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của tôi. Nói cách nói này là tôi một phần muốn bày tỏ lời cảm tạ sâu sắc với dịch giả Tạ Minh Châu. Ông đã mang đến cho tôi một Wislawa Szymborska thực sự Ba Lan mà lại "nói bằng tiếng Việt". Tôi đã đọc những bài thơ của Szymborska qua bản dịch của dịch giả Tạ Minh Châu từ nhiều năm trước. Và những bản dịch của ông đã thuyết phục tôi, làm cho tôi ngay lập tức đón nhận và tôn vinh thơ ca của bà. Ông đã hoàn thành sứ mệnh của mình một cách xuất sắc.



Wislawa Szymborska thiên sứ phục sinh những cái chết

NGUYỄN QUANG THIỀU

Bất cứ khi nào và ở bất cứ đâu, nhắc đến nhà thơ Wislawa Szymborska là ngay lập tức tôi lại nhớ đến bài thơ Đêm tác giả của bà. Cái gì từ bài thơ đó đã mặc định trong tâm hồn tôi? Đó không phải bài thơ đầu tiên tôi đọc của bà, đó không phải là bài thơ duy nhất hay, đó cũng không phải bài thơ có một mối liên hệ đặc biệt nào đó với tôi hay tôi đọc bài thơ đó khi ở một trạng thái tâm lý đặc biệt. Không phải tất cả những điều đó.
Và cho đến bây giờ, sau gần mười năm đọc bài thơ Đêm tác giả lần đâu tiên, tôi lại đọc bài thơ đó và thật sự ám ảnh. Cái phòng đọc mà nhà thơ đang đứng ở đó là cả thế giới mà nhà thơ đang sống. Một nửa người ngồi ở đó để tránh mưa, một nửa là người thân đến như một phép ứng xử gần như là bắt buộc. Không có bất cứ sự ồn ào phấn khích nào. Hình như cũng không có sự chờ đợi đáng nói nào dành cho bài thơ hoặc nhà thơ. Chỉ có im lặng. Gọi đúng hơn là sự dửng dưng có vẻ chứa đầy vô cảm. Phòng đọc đó là biểu tượng của thế giới hiện tại. Tinh thần của con người đã thay đổi quá nhiều. Nhưng bản chất và sứ mệnh của thi ca lại không được phép đổi thay. Đó quả là một thách thức kinh sợ đối với thơ ca và nhà thơ. Nhưng chính trong trạng thái như vậy thơ ca mới xuất hiện, và với tôi, hình như thơ ca chỉ xuất hiện với sứ mệnh của nó khi thế giới rơi vào trạng thái đó. Còn không, nó không cần thiết phải xuất hiện, hoặc nó xuất hiện như chính nó là một vòm lá, là một đám mây, là một bông hoa, là một tiếng chim, là một gương mặt người thương mến... Trong buổi tối đọc tác phẩm ấy, có một người đàn ông già đến nghe thơ và ông đã chìm vào một giấc mơ.
Trên hàng ghế đầu
một ông già đang chìm trong giấc mơ ngọt lịm
 vợ quá cố của ông vừa từ nấm mồ đứng dậy
nướng cho ông chiếc bánh mận thơm lừng.

Với ngọn lửa nhỏ thôi
bởi nếu không bánh sẽ cháy bùng
thơ ơi, ta bắt đầu buổi đọc.
(Đêm tác giả)
Ông già ấy là một dấu chỉ. Nó cho nhà thơ nhận ra rằng: những giấc mơ đẹp không bao giờ chết, nó chỉ có thể ẩn náu và chìm khuất ở đâu đó thậm chí ở trong những thứ tưởng đã tàn lụi vĩnh viễn như ở trong một nấm mồ. Và nó chỉ đợi một lý do để thức dậy và tỏa sáng lộng lẫy. Và nhà thơ, cũng nhận thấy rằng: thơ ca - sự bí ẩn lạ lùng, không phải để làm những điều to tát mà chỉ đơn giản có thể làm cho con người có một giấc mơ. Và khi con người có giấc mơ thì những điều kỹ vĩ có thể hiện ra: một người đã chết sống lại và trở về nhà. Một vẻ đẹp, một sự sống đã chết được phục sinh.
Wislawa Szymborska là một người đàn bà thông thái. Nhưng khác với suy nghĩ của quá nhiều người, bà trở thành nhà thông thái lại bởi việc bà nhận ra rằng bà chẳng biết gì về thế gian rộng lớn và đời sống vô tận này. Chính vậy mà bà luôn luôn mở to đôi mắt của tâm hồn và trí tuệ chiếu dọi vào đời sống để kiếm tìm câu trả lời cho chính bản thân bà. Chính vậy mà đời sống đã quyến rũ bà và cuốn bà vào trong dòng chảy bất tận và kỳ vĩ của nó. Chính vậy mà bà trong hành động giống như một cô bé đi miên man trong một lâu dài có vô tận những căn phòng. Mỗi căn phòng lại chứa một bí mật khác nhau. Và bà không bao giờ dừng lại. Bà cứ đi như vậy, đi và mở những căn phòng đời sống cho đến khi nằm xuống. Trong diễn từ Nobel, bà viết: "Nếu như I dắc Niutơn không nói với mình rằng "tôi không biết" thì có lẽ táo trong vườn sẽ rụng xuống trước mắt ông như mưa đá và trong trường hợp khả dĩ nhất ông cũng chỉ cúi xuống nhặt lên ăn một cách ngon lành. Nếu như người đồng hương của tôi, Maria Quiri, không nói với mình rằng "tôi không biết", thì có lẽ bà cũng chỉ trở thành một cô giáo môn hóa học dạy ăn lương cho các tiểu thư con nhà quyền quí, và cuộc đời bà cũng chỉ kết thúc ở cái công việc đức hạnh ấy. Thế nhưng bà đã nhắc với mình "tôi không biết", và chính những từ ấy đã hai lần đưa bà tới Xtốckhôm, nơi những người có tâm hồn sôi động, luôn tìm tòi sáng tạo được trao tặng giải Nobel.
Nhà thơ cũng vậy. Nếu như đó là một nhà thơ đích thực thì phải luôn nhắc mình "tôi không biết". Cố gắng tìm câu trả lời bằng mỗi tác phẩm của mình, nhưng khi vừa đặt xong dấu chấm là lại thấy boăn khoăn, thấy rằng đó mới chỉ là câu trả lời tạm thời và tuyệt nhiên chưa đầy đủ"
Những bài thơ của Wislawa Szymborska xác nhận tuyên ngôn thành thật nhưng lại là một chân lý của bà ở trên. Tuyên ngôn ấy là chân lý không chỉ cho mọi nghệ thuật mà cho cả đời sống của một người nông dân chăn cừu. Mỗi bài thơ của bà đều khởi đầu từ sự "tôi không biết". Đấy không phải là sự nhún nhường hay giả vờ khiêm tốn, đấy là sự chân thành, và hơn thế, đấy vừa là sự thừa nhận vừa là một nỗi sợ tuyệt vời. Và khi đọc câu thơ đầu tiên cho đến trước câu thơ cuối cùng hay trước những câu thơ cuối cùng trong nhiều bài thơ của bà, tôi cũng không biết. Không biết chuyện gì sẽ xẩy ra, sẽ hiện ra và bài thơ ấy sẽ hé lộ cho tôi điều gì. Chỉ khi đọc xong câu thơ cuối cùng, những câu thơ cuối cùng của mỗi bài thơ ấy, tôi mới nhận ra. Câu thơ cuối cùng hay những câu thơ cuối cùng của bà giống một công tắc điện. Còn toàn bộ những câu thơ trước đó chỉ là những bước đi của chúng ta trong một ngôi nhà đầy bóng tối, cho dù chúng ta có thể phỏng đoán và nhận ra mơ hồ chúng ta đang đi qua những ghế, qua những bàn, qua giường ngủ, qua tủ quần áo, qua căn bếp... Nhưng khi ngọn đèn trong ngôi nhà bừng sáng, chúng ta mới nhận ra. Mà không phải chúng ta nhận ra tủ ấy, bàn ghế ấy, căn bếp ấy... mà nhận ra một điều khác mà ta không bao giờ nghĩ tới trước đấy cho dù đó chỉ là một tên trộm đang đứng ở góc nhà với một con dao hay khẩu súng trên tay.
Sự khám phá những vẻ đẹp, ý nghĩa, quy luật hay chân lý của đời sống trong thơ bà thật kỳ vĩ, nhưng những bước đi tới sự khám phá ấy lại giản dị khôn nhường. Chưa bao giờ bà phức tạp hóa sự chuyển động hay sự phát triển của một bài thơ. Mỗi chữ của bà là một sự chính xác, mỗi câu thơ của bà là một sự chính xác và từ đó làm nên một bài thơ chính xác. Nhưng sự chính xác của bà không phải là sự chính xác của những con số, nó là sự chính xác của hình ảnh, của sự kiện, của cảm xúc, sự chính xác của tưởng tượng với hiện thực mang tính nguồn gốc sinh ra những tưởng tượng ấy. Sự chính xác và giản dị của đời sống một cái cây: hạt nẩy mầm, cây lớn lên, ra hoa, kết trái. Tính chính xác ấy làm cho hầu như ai cũng thật dễ dàng nhìn thấy và dễ dàng theo được sự chuyển động của bài thơ. Thế nhưng chùm quả cuối cùng của cái cây hay điểm đến của bài thơ lại luôn là một bất ngờ lớn và ám ảnh khôn cùng. Bài thơ của bà phát triển theo hình xoáy trôn ốc, lên cao, lên cao... rồi vuốt thành một mũi nhọn, hoặc như những con sóng biển, từng lớp, từng lớp cuối cùng dồn thành một con sóng lớn dội vào bờ đá và tung lên, bùng nổ như một chùm pháo hoa... Hầu hết những bài thơ của bà mở ra một cách giản dị chẳng một chút cầu kỳ, phức tạp giống như một bông hoa cứ mở từng cánh một từ ngoài vào trong và rồi cánh hoa cuối cùng của bông hoa mở ra và đến lúc đó ta mới thực sự thấy bài thơ... Với cách nhìn của bà, không có gì có thể kết thúc, không có gì có giới hạn, vũ trụ này mở ra và mở ra vô tận và những vẻ đẹp, nhừng điều kỳ diệu cũng vậy: Điều kỳ diệu thêm/ như tất cả mọi điều thêm:/ những gì không thể nghĩ ra/ đều có thể nghĩ ra Nhưng cái cách hay lối đi kỳ lạ của bà để làm ra những bất ngờ trong những bài thơ không chỉ là khả năng quan sát mọi hiện thực của đời sống vô cùng sắc sảo, những suy ngẫm với năng lực của một trí tuệ, những liên tưởng kỳ diệu và một kiến trúc cho mỗi bài thơ chính xác đến tuyệt đối mà còn bởi một điều, theo tôi, là vô cùng hệ trọng: trái tim mạnh mẽ, ngập tràn nhân ái và thường đau đớn của bà. Một trong những ví dụ xuất sắc nhất cho điều tôi vừa nói là bài thơ Bức ảnh chụp ngày Mười một tháng Chín:
Họ đã nhảy xuống từ những tầng nhà rực lửa
một, hai và còn vài người nữa
cao hơn, thấp hơn.

Bức ảnh đã níu họ lại bên cuộc sống
còn giờ đây lưu giữ họ
đang lao xuống đất từ trên cao.

Từng người hãy còn nguyên vẹn
với khuôn mặt của mình
và máu được giấu kín.

Hãy còn đủ thời gian
để tóc xõa bay
để chìa khóa và tiền xu
rơi ra khỏi túi.

Họ vẫn liên tục còn trong tầm không trung
trong phạm vi của những chỗ
vừa mới được mở toang.

Chỉ có hai điều tôi có thể làm cho họ-
đó là miêu tả chuyến bay
 không thêm vào câu kết.
Toàn bộ bài thơ từ tên bài cho tới trước hai câu thơ cuối là sự mô tả chính xác với những hình ảnh ám ảnh đầy sợ hãi. Nhưng nếu chỉ như thế, bà đã không được chúng ta biết đến cho dù bài thơ ấy kết thúc với một tiếng khóc đau thương bùng ra hay với lời nguyện cầu giàn dụa nước mắt cho những người đã chết trong vụ khủng bố. Tôi mang cảm giác những câu thơ trong bài thơ (trừ hai câu thơ cuối cùng) không phải là sự sáng tạo của bà, mà đó chỉ là hiện thực mà chúng ta ai cũng có thể mô tả khi chứng kiến cái ngày Mười một tháng Chín đau thương ấy. Và hiện thực ấy làm cho những người chứng kiến (người đọc) đang có nguy cơ rơi vào nỗi thê lương và những cái chết kia sẽ giống như mọi cái chết. Đến lúc đó thì bà xuất hiện. Sự xuất hiện của thơ ca. Bà viết: đó là miêu tả chuyến bay/ và không thêm vào câu kết. Những người rơi từ tòa nhà tháp đôi xuống đất đã được bà mang cho đôi cánh. Và tôi nói: bà là một Thiên sứ. Chỉ một hành động dùng từ "bay" đã minh chứng điều tôi nói về bà. Và câu thơ cuối cùng đã ghi vào đời sống chúng ta một cái tên: Thiên sứ Wislawa Szymborska. Bà đã vươn hai cánh tay ngôn từ của tình yêu thương con người lớn lao về phía những người đang rơi xuống và nâng họ lên. Họ đã bay trong bầu trời vô tận không có bất cứ một ngăn cách nào. Họ không chết. Họ không thể nào rơi xuống một cách thê lương và đau đớn như vậy, cũng như con người không thể bị gục ngã thảm thương và yếu đuối như vậy bởi bất cứ tội ác nào của quỷ. Tôi đã đến nơi tòa tháp đôi ở New York bị đánh sập trước và sau khi đọc bài thơ này của bà. Chuyến viếng thăm trước đi đọc bài thơ, lòng tôi thật nặng nề và rùng mình khi nghĩ lại những người từ tòa tháp đôi rơi xuống và thân thể họ dập nát. Nhưng trong chuyến đi sau khi tôi đọc bài thơ này, tôi đã nhìn thấy những đám mây, những cánh chim bay trên bầu trời phía trên nơi tòa tháp đôi sụp đổ và tôi thấy những con người đó chính là những đám mây, những cánh chim. Bà đã thay đổi tôi. Nói như vậy thật chưa đúng mà phải nói: bà đã phục sinh cái chết. Sứ mệnh của một thi sỹ phải là vậy. Thi sỹ phải làm cho con người bay lên cho dù họ đang ở trong những gì đen tối và điên rồ nhất. Để viết những bài thơ như thế, nhà thơ phải có đủ hai yếu tố: trí tuệ sâu sắc và tình yêu thương lớn lao. Cách viết của bài thơ này là một đặc trưng của thơ bà. Nó luôn đi những bước đi giản dị như những bước đi của mỗi chúng ta trên con đường hàng ngày nhưng cuối cùng lại mở ra những bất ngờ quyến rũ và lớn lao.
Hầu như mỗi bài thơ của bà là một cuộc kiếm tìm kỳ thú. Và như bà nói: nó là một câu hỏi hoặc tự vấn mà chúng ta phải đương đầu với câu trả lời chính xác nhất: Sự thật. Nhưng một sự thật lớn lao hơn, chính xác hơn một sự thật chúng ta nhìn thấy bằng đôi mắt thông thường, nghe thấy bằng đôi tai thông thường, đó là một sự thật mà nhiều khi chúng ta không nhìn thấy bằng đôi mắt, đôi tai thông thường ấy. Nó là sự thật diễn ra trong tâm hồn của chúng ta. Trong bài thơ Căn phòng của kẻ tự sát, chúng ta đi tìm nguyên nhân của việc dẫn đến tự sát của con người kia, một con người mà chúng ta quen biết và có khi thân thiết. Và có những người trong chúng ta cố bấu víu vào một lý do nào đó để cho lương tâm mình bớt bị hành hạ, bớt cảm giác có liên quan nào đó đến cái chết đó. Chúng ta sẽ nghĩ ra rất nhiều nguyên nhân về cái chết đó (ngoại trừ nguyên nhân từ chúng ta) khi ngồi uống rượu vang buổi tối rồi bày tỏ sự tiếc thương của mình. Nhưng trong căn phòng của con người đó có tất cả, ánh sáng những ngọn đèn, âm nhạc, tượng Chúa và Đức Phật và đầy đủ những thứ cấn thiết cho một cuộc sống ổn thỏa. Nhưng con người đó vẫn tự sát. Và cuối cùng, bà đã tìm thấy nguyên nhân gây ra cái chết đó:
Các bạn nghĩ rằng
ít nhất một  thư
cũng giúp làm cho sáng tỏ điều gì.
Còn nếu như tôi
nói với các bạn rằng
 thư đã không hề có -
Bấy nhiêu chúng ta- những người bạn thân
tất cả đều đã ở trong
chiếc phong bì trống rỗng
được đặt tựa nghiêng vào chiếc cốc.
Mọi đồ vật, mọi điều kiện sống, mọi sự trợ giúp cuộc sống đều khá đầy đủ và phong cảnh thật yên bình, chỉ có chiếc phong bì trống rỗng, cái mà chúng ta mong trong đó có một lá thư của người tự vẫn gửi cho chúng ta với lời xin lỗi, nhớ nhung, dặn dò, xin chúng ta thứ lỗi hay vĩnh biệt. Nhưng không, chúng ta không có chỗ ở đó, chúng ta không đáng được nhắc đến, bởi chính chúng ta (đồng loại) mới là nguyên nhân duy nhất gây nên cái chết của con người đó hay bất cứ con người nào rơi vào nỗi tuyệt vọng về chính con người trên thế gian này mà không cứu vãn nổi. Quả thực, con người sống mỗi ngày thêm ích kỷ, thêm giá lạnh, thêm vô cảm, thêm thù hận với con người. Và trong đám đông đáng woj ấy, có những người không chịu đựng nổi đồng loại mình mà quyết định rời bỏ cuộc sống. Nhân loại chưa bao giờ tự sát bởi một cái cây, bởi một cơn mưa, bởi một bầy chim, bởi một đĩa nhạc, bởi mộ bức tranh... mà tự sát bởi quá cô độc giữa đồng loại ồn òa và hợm hĩnh của mình.
Mỗi người đọc thơ bà vừa tìm thấy cái bà tìm ra và vừa tìm ra một thứ của riêng mình. Ví như, sau khi đọc bài thơ Đêm tác giả, tôi đã nhìn thấy người vợ quá cố của một bạn đọc già trở về nướng cho ông một chiếc bánh. Khi nhớ đến bài thơ đó tôi lại thấy mùi bánh nướng thơm phức ngập tràn căn phòng, hoặc khi gặp một mùi bánh nướng tôi lại thấy một người đàn bà đã chết đang nhào bột trong một căn bếp. Và tôi thực sự thấy mẹ tôi trở về nấu bữa tối cho tôi hay chăm một cái cây trong vườn sau khi mẹ tôi đã mất. Đó là sự thật và tôi biết chắc chắn sự thật ấy. Điều vĩ đại của thơ thơ ca và cụ thể của bà là bà không tách rời hay khu biệtchúng ta khỏi những bài thơ của bà như tách rời hay khu biệt chúng ta khỏi ngôn ngữ mẹ đẻ của bà, khỏi văn hóa ẩm thực của xứ sở bà, khỏi thiên nhiên cũng như phong tục hay tôn giáo nơi bà sinh sống và khỏi những riêng tư của cá nhân một người đàn bà như bà. Bà làm cho chúng ta cùng tìm thấy và thừa hưởng những gì bà khám phá và những gì chúng ta khám phá từ sự khám phá của bà. Bởi thế, tôi thường tin rằng: trong căn nhà của tôi có một Szymborska khác một Szymborska ở Ba Lan, ở Hàn Quốc, ở Urganda...nhưng lại chỉ là một Szymborska ấy. Thơ bà viết bằng tiếng mẹ đẻ của bà, nhưng khi một người Việt Nam, một người Hàn Quốc, một người Mỹ... đọc thì họ lại thấy một Szymborska đang cất tiếng với họ bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của họ. Điều này, trước kia và cả bây giờ, làm không ít các nhà thơ lo sợ rằng họ đang đánh mất bản sắc. Nhưng đó quả thực là sự bí ẩn và cũng thật kỳ diệu của thơ ca. Chỉ có những nhà thơ thực sự lớn mới có khả năng làm điều đó.
Wislawa Szymborska là một người đàn bà đắm mê đời sống này đến tận cùng. Sự đắm mê này cho bà khả năng hòa vào tất cả. Bởi thế mà bà có thể nghe được những âm thanh mơ hồ nhất tưởng như là câm lặng, nhìn rõ những vẻ đẹp ẩn giấu sâu nhất tưởng như là không có, nhận ra sự lung linh của ánh sáng mong manh tưởng như chỉ là bóng tối... Chính thế mà bà lại nhận ra và cảnh báo một cái chết đã và đang huy diệt đời sống này. Thơ bà làm cho tôi nhận ra chúng ta đang sống trong cơn mộng du của những cái mà chúng ta gọi là văn minh. Cơn mộng du ấy có nguy cơ trở thành cơn ác mộng của con người. Đọc thơ bà, tôi nhận ra sự bất ổn và bất trắc trong cái văn minh ấy. Chúng ta đang chìm đắm một cách đầy khoái lạc trong những hành động hủy diệt tâm hồn, hủy diệt những giá trị đích thực của đời sống. Bài thơ Viết Tiểu Sử là một cái giật mình kinh hãi bởi sự phát hiện của bà. Hành động viết tiểu sử của chúng ta hay là việc đòi hỏi của chúng ta đối với chúng ta đã cho thấy chúng ta đang đi quá xa những gì thực sự làm nên vẻ đẹp, làm nên ý nghĩa duy nhất cho đời sống này. Bài thơ này cũng giống như nhiều bài thơ của bà là một khám phá đặc biệt và vô cùng sâu sắc. Viết Tiểu Sử gián tiếp chỉ ra thấy cái hão huyền, cái hư danh, cái vật chất mà chúng ta lao vào một cách mù quáng. Chúng ta quên đi những cây cỏ, những nuông thú, những côn trùng, những đám mây, những hoàng hôn, quên đi những hồi ức thổn thức và da diết, quên đi những mối tình đắm mê và buồn bã... mà lại chỉ nhớ những gì thỏa mãn thân xác và những cái đầu tăm tối của chúng ta:
Thay phong cảnh bằng địa chỉ
Thay hồi ức mong manh bằng cố định tháng ngày.
...
Hãy lờ, bỏ qua
Chó, mèo, chim chóc
Những kỷ vật chẳng có giá trị gì
Bạn bè và những giấc mơ
...
Một tấm ảnh chụp  tai dán thêm vào đấy
Họ chỉ chú ý tới dáng hình
Chứ không phải những gì nghe thấy.
(Viết tiểu sử)
Mỗi bài thơ của bà cho dù nói về bất cứ điều gì thì cũng chỉ để suy tưởng về cuộc sống mà con người đang sống trên thế gian này. Một cuộc sống quá nhiều tẻ nhạt, quá nhiều vô nghĩa và quá nhiều cái chết mà chúng ta không nhận ra. Cả cuộc đời sáng tạo của bà chỉ là một cuộc tìm kiếm duy nhất sự thật của đời sống này, một cuộc truy vấn chính bản thân về ý nghĩa đích thực của cuộc sống đó. Câu trả lời thật chẳng một chút dễ dàng. Bà đã sống đã làm tất cả chỉ để tìm thấy câu trả lời ấy. Đôi khi, tôi mang cảm giác là tất cả câu hỏi của con người về chính bản thân họ đã dồn hết vào bà như chỉ mình bà phải trả lời những câu hỏi ấy.
Mỗi bài thơ của bà là một thông điệp và toàn bộ thơ của bà cho dù bà viết về đề tài gì cũng chứa đựng một thông điệp bao trùm: Vẻ đẹp kỹ vĩ của đời sống trú ngụ mọi nơi, mọi lúc và ở trong những gì bình dị nhất. Không có bất cứ một người nào, một sự kiện nào, một vật thể nào lại chứa đựng một vẻ đẹp lớn hơn một vẻ đẹp trong một người khác, một sự kiện khác và một vật thể khác. Tất cả những vẻ đẹp đều bình đẳng và chỉ là chúng ta nhìn thấy hoặc không nhìn thấy. Đấng Tạo hóa làm ra những vẻ đẹp và chia đều cho tất cả. Và những vẻ đẹp ấy chẳng khi nào không hiển hiện trước chúng ta. Nhưng, sự thật đau đớn là: chúng ta đang trở nên mù lòa trong chính ánh sáng. Tôi luôn luôn tin bà là một Thiên sứ bền bỉ đi trên thế gian để làm những cuộc phẫu thuật cho những đôi mắt mù ấy.
Thậm chí có ai đó trong số họ
còn cầm quyển sách mở lộn ngược
để xin một chữ ký
dẫu không nhìn được với mình.
(Sự lịch thiệp của những người mù)
Khổ thơ trên là khổ thơ cuối cùng trong bài thơ Sự lịch thiệp của những người mù. Nhà thơ đã vô cùng hoang mang khi đọc thơ cho những người mù nghe, những người mà trong cuộc đời mình, họ không được nhìn bằng mắt ánh sáng, màu sắc, hình dáng của mọi thứ hiện hữu trên thế gian. Nhưng thật kinh ngạc khi họ đã nhận ra tất cả những gì mà nhà thơ nói đến. Bởi họ khát khao hơn ai hết được nhìn thấy mọi điều quanh họ và bởi sự kỳ diệu của thi ca cho dù họ không thể sành điệu hay mỹ miều trong mỗi hành động sống của họ thậm chí còn ngờ nghệch như khi họ xin chữ ký của nhà thơ. Những người mù đã nhìn thấy ánh sáng trong khi đó quá nhiều những người sáng mắt lại chỉ thấy bóng tối dày đặc.
            Nhà thơ Mỹ Walt Whitman nói đại ý: Thơ ở dưới chân bạn, hãy cúi xuống và nhặt lên. Đấy là chân lý. Và Szymborska là một ví dụ hoàn hảo của chân lý đó. Mọi thứ tồn tại hữu hình hay vô hình trong vũ trụ này đều chứa đựng thi ca và được bà phát hiện. Một tấm bản đồ trải ra như chẳng giấu điều gì trong đó, như chẳng có bất cứ gì hơn ngoài việc chỉ cho người xem sự phân chia gianh giới của các quốc gia một cách ước lệ và đôi khi thô thiển. Cá nhân tôi thú thực rằng: tôi chưa bao giờ thấy bất cứ gì ngoài một thông tin sơ lược về một thế giới nằm trên một tờ giấy (Tấm bản đồ) như một xác chết. Nhưng từ một thế giới "chết" đó, một thế giới: Phẳng như mặt bàn/ nơi được đặt lên/ Dưới nó chẳng có gì cựa quậy/ và cũng chẳng có gì đang tìm lối ra (Tấm bản đồ), bà nhìn thấy một thế giới khác, một thế giới mà chúng ta hằng mơ đến trong đau đớn và đôi lúc tuyệt vọng: chúng trải ra trên bàn cho tôi một thế giới/ thế giới không phải từ thế giới này của chúng ta. Tấm bản đồ lại là một minh chứng cho đặc trưng thơ của bà. Tấm bản đồ kia thực ra là thế giới mà nhà thơ đã dựng lên. Bà đã loại trừ đi tất cả những vô lý, vô cảm và vô nhân của thế giới mà bà đang sống trong đó.
Tất cả những bài thơ của bà là một nỗ lực không ngưng nghỉ và đôi khi nỗ lực ấy đứng chênh vênh bên miệng vực của sự tuyệt vọng khi bà hay con người đã cảm thấy bất lực trong cuộc kiếm tìm những vẻ đẹp, những giá trị đã biến mất hay đang ẩn náu ở đâu đó trên thế gian này. Bà cũng cho chúng ta hiểu rằng: mọi sáng tác của bất cứ một nghệ sỹ nào cho dù danh tiếng đến đâu cũng không sao chứa đựng hết những vẻ đẹp của đời sống, của vũ trụ.
Còn những chuyện không được vẽ ra kia xảy ra ở đâu:
con mèo nhảy lên ghế
mặt trời rọi lên chiếc bình mạ thiếc
sau chiếc bàn
là một người đàn ông gầy gò
đang ngồi sửa đồng hồ.
(Họa sỹ già)
Mỗi bài thơ của bà là một câu chuyện, một sự kiện, một khám phá mỹ học và triết học sâu sắc. Trong hàng trăm bài thơ của bà, tôi không thể không nói đến một bài thơ viết về một người phụ nữ Việt Nam. Bài thơ có tên Việt Nam. Bài thơ viết theo dạng một bài phỏng vấn. Các câu hỏi mang tính mục đích vật chất hay chính trị chỉ nhận được duy nhất câu trả lời "Tôi không biết". Chỉ có một câu hỏi là người đàn bà Việt Nam trả lời khẳng định.
Những đứa trẻ này có phải là con chị?
- Vâng.
(Việt Nam)
Chỉ có những đứa con mới là điều chị khẳng định cho dù không phải chị không biết và không có thái độ với những vấn đề khác của đời sống. Cám ơn nhà thơ. Bà đã hiểu đúng cái cốt lõi của người phụ nữ chúng tôi nói riêng và phụ nữ trên thế gian này nói chung. Bà đã hiểu đúng cái cốt lõi của con người Việt Nam. Họ chỉ muốn sống một cuộc sống thanh bình, được cày cuốc và gieo hạt, được yêu thương và sinh con đẻ cái, được cất tiếng hát trên đất đai của họ. Tất cả những gì họ làm ngoài những điều kia là việc không thể không làm. Khi bà viết bài thơ này là lúc có những con người, những quốc gia trên thế giới nghĩ rằng Việt Nam là một dân tộc hiếu chiến. Có biết bao bài thơ đã viết về những người phụ nữ Việt Nam, về con người Việt Nam, nhưng bài thơ Việt Nam của bà vẫn luôn luôn là một bài thơ độc đáo với thương hiệu nổi tiếng Phương pháp Szymborska. Bằng phương pháp đó, bà đã làm cho một phụ nữ bình thương, vô danh trở lên chói lọi. Với quyền lực của nghệ thuật thơ ca, với quyền lực của một cái tên danh giá Wislawa Szymborska trong thế giới bạn đọc, bà đã mở một ô cửa quan trọng của ngôi nhà tâm hồn văn hóa Việt cho những con người còn ngờ vực hay chưa hiểu nhìn vào.
Bây giờ Thiên sứ Wislawa Szymborska đã trở về nơi chốn của mình. Bà đã làm xong phận sự của bà trên thế gian: chỉ cho chúng ta những vẻ đẹp ẩn giấu trong đời sống và phục sinh những vẻ đẹp đã chết. Trước khi rời thế gian, bà đã để một bài thơ và đoạn cuối bài thơ ấy bà viết:
Hỡi khách vãng lai
hãy lấy trong cặp ra bộ óc điện tử
và hãy suy ngẫm
một giây về phận đời Szymborska.
(Nấm mộ)
Vẫn cách đi riêng biệt của mình, bà để lại một dự báo và một thông điệp trong những câu thơ giản đơn như một hơi thở. Phần dự báo về một thế giới trong tương lai với những bộ óc điện tử. Đó là cuộc sống nguy cơ bị "số hóa" mà bà đã nói đến trực tiếp hoặc gián tiếp. Dự báo này là tinh thần của lời cảnh báo trong những bài thơ bà viết suốt cuộc đời mình khi con người đang tiếp tục đánh mất những vẻ đẹp nhiều lúc rất mong manh và mơ hồ nhưng lại quyết định ý nghĩa sống còn đúng nghĩa của con người. Bà muốn cái thế giới sống bằng những bộ óc điện tử hãy để một giây suy ngẫm về cuộc đời bà. Suy ngẫm về cuộc đời bà là suy ngẫm về một thế giới của những vẻ đẹp và tình yêu thương.
Bà là một Thiên sứ. Và Thiên sứ ấy đang trú ngụ trong ngôi nhà của tôi. Thiên sứ ấy đã nói cho tôi nghe về những điều bà hoảng sợ, dày vò, về những suy ngẫm, ý chí, vẻ đẹp, ước mơ... của bà bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của tôi. Nói cách nói này là tôi một phần muốn bày tỏ lời cảm tạ sâu sắc với dịch giả Tạ Minh Châu. Ông đã mang đến cho tôi một Wislawa Szymborska thực sự Ba Lan mà lại "nói bằng tiếng Việt". Tôi đã đọc những bài thơ của Szymborska qua bản dịch của dịch giả Tạ Minh Châu từ nhiều năm trước. Và những bản dịch của ông đã thuyết phục tôi, làm cho tôi ngay lập tức đón nhận và tôn vinh thơ ca của bà. Ông đã hoàn thành sứ mệnh của mình một cách xuất sắc.
Sau khi gấp cuốn sách của bà lại, tôi nhìn ra ô cửa sổ ngôi nhà của tôi mà tôi đã nhìn qua đó mấy chục năm nay. Và tôi nhận ra những vẻ đẹp mới cùng thông điệp của chúng. Những vẻ đẹp không phải bây giờ mới xuất hiện mà chúng đã ở đó từ khi có ô cửa ấy, chính xác hơn từ khi có đời sống thế gian này. Chúng ở đó và đợi chờ những lý do chính đáng từ đôi mắt tâm hồn của con người để mà hiển hiện và tỏa sáng. Và riêng điều này thì Wislawa Szymborska lại biết rất rõ.

Hà Đông, ngày 18 tháng 5 năm 2014