Trong những người viết về Tô Hoài, có lẽ Vương Trí Nhàn kỹ lưỡng hơn hết. Và cũng chỉ Vương Trí Nhàn mới đánh giá Tô Hoài thấu đáo: “Một người như Tô Hoài, là một cái gì kỹ càng mà lại tự nhiên lắm. Ông sống những cái hàng ngày, một cách bình thản, và ghi nhận nó trên giấy, như là gặp đâu viết đấy, ông không có cái sự cố ý muốn tổng kết muốn lý sự của bọn nghiên cứu. Cũng không lo quá những sự liền mạch, những chuyển đoạn, sang đoạn mới. Cả câu cú cũng linh tinh nữa, chỉ được cái duyên dáng kéo đi và những đoạn nhung tuyết nó che đi những đoạn tầm phào. Cái gọi là bản lĩnh làm người bao giờ nó cũng quyết định văn chương. Cái điều ấy thấy ở nhiều người, với Tô Hoài lại càng là rõ. Sự run rẩy chỉ nên là bên ngoài, còn bên trong  có cái căn cốt thật vững,  thì việc đời mới giải quyết nổi”. Những đoạn ghi chép rời rạc theo ngày tháng dưới đây của Vương Trí Nhàn ít nhiều giúp độc giả hình dung một Tô Hoài trong văn và trong đời!



18/2/1992
      Cái  ý nghĩ chi phối một người như Tô Hoài - ý nghĩ rằng cuộc đời là một thứ  trò chơi. Cốt chơi, cốt được, chẳng nhẽ  mình lại thua, chứ thật ra, chẳng coi việc gì  là nghiêm chỉnh, kể cả việc viết văn, kể  cả làm cán bộ cách mạng.
      Một mặt, có một chút gì đó như là sự  tự lo liệu rất tài tình, mà không phải ai cũng biết lo cho mình như vậy. Tô Hoài kể có  sáu con, ba trai ba  gái. Một người bà con với tôi (VTN) kể là con của Tô Hoài, cậu Vũ, thuộc loại nhà giàu, đến nhà nó, từ lâu rồi đã uống bia thoải mái.
      Mặt khác, trước mặt mọi người, Tô Hoài tạo cho người ta một cảm giác biết buông, biết bỏ, không cần gì, không việc gì làm ông tha thiết cả, tiền cũng vậy, chức tước cũng vậy.
      Người có nghệ thuật sống bậc thầy này trước tiên lại là cũng có triết lý sống riêng, một thứ triết lý kiểu Việt Nam, chả tuyên ngôn tuyên bố, nhưng thật sự là có một cách đi cách dò dẫm của mình. Triết lý của Tô Hoài là một thứ triết lý dân gian, cuộc đời là vớ vẩn, là chả đâu vào đâu, nhưng cứ phải sống, được làm vua thua làm giặc, tức cuối cùng ai nhiều tiền hơn ai có tiếng hơn, người đó vẫn hơn. 
      Vẫn lời Tô Hoài kể, ông là người hoạt động từ trước 1945. Ông có 8 năm hoạt động trong bóng tối. Bao gồm 4 năm ở Hội ái hữu và  4 năm ở Văn hoá cứu quốc. Ấy vậy, ông vẫn chơi bời đi lại với cánh Vũ Hòang Chương, Nguyễn Bính,  vẫn viết như điên, vừa viết cho mình, vừa viết hộ mọi người. Lại còn lang chạ chơi bời với chị em nữa. Một câu cuối cùng mà tôi nhớ khi nói chuyện với Tô Hoài buổi chiều 17-2, đó là câu “ Tôi cũng có duyên với chị em nhưng lại không có nợ” - quả là đúng thế thật, Tô Hoài chạy làng  rất giỏi.

      12/2/1994 
      Tại buổi họp nhóm KX 06-17 trước tết, Tô Hoài bảo với mọi người:
      - Thôi nhé, mùng 4 Tết ta gặp nhau. Tết các vị khỏi phải đến tôi. Nói chung là tết tôi không tiếp khách.
       Giá người khác nói chuyện vậy, ông ta sẽ cho là kiêu ngạo là xa mọi người. Nhưng ông Tô  Hoài nói được. Ở chỗ người ta tưởng ông bừa bãi thật, ông lại rất nguyên tắc (chẳng hạn  ông thường đi họp đúng giờ, cần duyệt một bài báo ông cũng nguyên tắc). Nhưng ở chỗ người ta gắng sức ông lại nhởn nhơ làm bậy. Trong lúc họp ông hay ngồi viết các bài báo vặt. Ông cũng bia rượu, gái gẩm không kém ai.
      Ngọc Trai kể Nguyễn Tuân có lúc ghét Tô Hoài  lắm. Cái thằng ấy, không chơi được. Bố ai biết nó sẽ bán mình lúc nào. Thế nhưng rồi cụ Tuân vẫn phải nhận là không bỏ được Tô Hoài.
      Thái Bá Vân kể là đến chơi Nguyễn Tuân, thỉnh thoảng vẫn gặp Tô Hoài, nhưng thường Tô Hoài không nói năng gì.
      Một  ý của Tô Hoài : Tôi cho là chả làm gì  có nhà văn lớn với tác phẩm lớn. Cho nên cứ viết đi, viết làm tài liệu cho các thế hệ sau.
      Tô  Hoài thường không đi dự các buổi sinh hoạt Hội Nhà  văn. Ông kể với tôi là ông không đóng cả  Hội phí nữa, ông đã trả lời ông Vũ  Tú Nam bằng thư rằng ông không đóng. Tôi không việc gì mà phải đóng cả. Ở nước nào cũng vậy, đến một tuổi nhất định là được miễn các việc nữa là tôi. Chúng nó thấy tôi khỏe, lại tưởng tôi bằng vai với chúng nó, nhưng thế là láo, tôi đẻ ra cái Hội này chứ tưởng à.
      Có  nhiều việc khiến ông bất mãn ra mặt. Từ chuyện vớ vẩn: Cấp trên cho các lão già ít tiền. Cho 50 người thì hội xẻ ra, thành cho độ 150 người. Tô Hoài cũng bị xẻ. 
      Tôi cảm thấy Tô Hoài ghét Hội lắm, nên để  ý từng tí một. Ví như cái chuyện nhà  cửa bên Nguyễn Đình Chiểu, cho thuê như thế  nào, bọn thuê có họ hàng với ai, chúng bị bắt vì chứa điếm ra sao, Tô Hoài biết hết. Làm thế nào để có thông tin tỉ mỉ như vậy. Tô Hoài kể: thỉnh thoảng đến ngồi chơi cả bọn. Bà Phượng, bà Phương, con Hoa, con Khánh. Tôi chỉ cần  làm ra vẻ nhân tiện rủ bây giờ tất cả đi uống bia. Bia gì anh, bia tôi khao, thế là cười ầm lên,  kéo nhau đi. Chuyện ở đấy mà ra chứ ở đâu nữa.
      Cuối năm 1993, Trọng Hứa chết. Tôi đến viếng, xong, hỏi Linh Chi (em trai anh Trọng Hứa)
      - Anh Tô Hoài có đến ?
      - Chưa thấy, chắc chiều anh đến.
      Chiều có buổi họp. Tôi đoán chắc Tô Hoài nghỉ. Nhưng vẫn thấy tò tò kéo đến họp rất thản nhiên. Tôi hỏi anh không đi đám ma? Lặng đi một lúc, sau Tô Hoài mới cho biết.
      - Hỏi thì biết thôi, Hội có cho Trọng Hứa  được cái gì đâu. Mà anh ấy làm Chánh Văn phòng Hội từ kháng chiến chống Pháp. Về sau, chán Đài phát thanh lại quay về với Hội. Người ấy tự trọng lắm. Đến tuổi là về hưu thôi. Không có tiền, xin đi gác đêm ở một xí nghiệp, tưởng già thì tha hồ thức đêm, hóa ra phải thôi, gác đêm mệt lắm không làm được. Gặp, tôi vẫn cho tiền. Lâu rồi, mấy năm trước, tôi còn viết cả một bài dài về Trọng Hứa. Chả đâu in, tôi lại mang về in ở báo Người Hà Nội.
      Đấy, tôi với Trọng Hứa có cái tình từ ngày xưa như thế. Bây giờ đến với họ ở Hội, chẳng hoá ra cũng như họ à. Đợi đám ma xong, tôi đến Linh Chi sau.

      21/2/95 
      Một  ông học việc ở Hội văn nghệ Hà Nội khoe:
      - Cụ Tô Hoài vừa gửi cho một phong bì tướng. Hoá ra hơn một tháng tết, cụ tương ra đến hơn hai chục bài. Khối điều đáng đọc chứ tưởng.
      Về  sau Tô Hoài bảo tôi:
      - Trong khi 3 cuốn tuyển tập được hơn năm triệu, thì  6 bài báo ở Sài Gòn đã được 6 triệu. Mà nó phải giả thế chứ. Nó yêu cầu tôi viết chứ tôi có gửi cho nó đâu.
      Nhân chuyện báo Người Hà Nội, bị phê bình về đăng một bài liên quan đến pháo, rồi  Vũ Quần Phương có ý kiến như thế nào đó, Tô Hoài  hơi bực, bảo với bọn tôi: Thằng Vũ Quần Phương nó không giống như anh em mình ở đây đâu, nó nhảm lắm. 
      Ngọc Trai: Anh em họ đồn anh Tô Hoài duyệt bài đợt này để hại Vũ Quần Phương.
      Tô  Hoài: Mình giết Vũ Quần Phương thì  “như giết rận”, lúc nào chẳng được.
      Bà  Hoàng Ngọc Hà kể về việc báo Người Hà Nội bị phê bình. Ban đầu ông Tô Hoài định chống, nhưng sau bọn mình phải nói, ông ấy mới nhận. Tại hội nghị, ông ấy bảo tôi nhận là tôi khuyết điểm nghiêm trọng. Vì lúc nhận tôi chỉ nghĩ đến cái Đường Tăng. Tôi chỉ nghĩ đến Phật,  hoá cái pháo nó hại tôi.

      3/6/1995
      Tô  Hoài  kể là đã viết một loạt bài điểm sách cho Văn nghệ quân đội, trong đó có bài về Thư mùa đông của Hữu Thỉnh.
      - Thơ phải miên man, nhưng đây đã thành ra lan man ba vạ.
      - Thơ phải có chữ (Lê Đạt: nhà thơ  là phu chữ). Còn Hữu Thỉnh, có cả một bồ  chữ quẩy đi,  nhưng toàn chữ đồng nát.
      Bài này VNQĐ không đăng, nhưng Hữu Thỉnh khá cao tay, vẫn mang về đăng ở báo Văn Nghệ hay Văn Nghệ trẻ gì đấy.
      Tôi nghĩ ông già tai quái, và cũng biết tận dụng tuổi già của mình, nên mới dám viết thế. 
      - Có phải anh từng viết một truyện tên là Tính ác?
      - Ừ, tôi chỉ kể chuyện tôi thôi. Lúc nào cũng có trong cặp những hòn gạch. Gặp chó là ném.

    9/5/1996 
      Ngày 24-4, đề tài KX- 06-17 bảo vệ thành công cuộc nghiệm thu ở cấp cơ sở. Gặp tôi  lần nào Tô  Hoài cũng chỉ nói là ông oằn ra mà làm, chán lắm. Cứ ghép ghép bài của mọi người vào thành bài của mình, chỉ được cái - Tô Hoài cười mỉm - bây giờ tôi cũng vẫn không ngại viết, tôi chép tất cả bằng chữ tôi, nên không ai nghi ngờ được. Cứ nói mạnh về Cụ Hồ vào là đề tài nào cũng ăn tuốt.
          Nhân bàn về tình hình Hội, Tô Hoài kể tôi nhận được cái thư của Ban tổ chức sáng tác rồi. Trả lời ngay thôi. Nhưng các ông ấy lại bảo là trả lời của mình ngắn quá. Tô Hoài cười ranh mãnh.
      - Tình hình Hội bây giờ chán lắm. Văn chương phải có cây cao bóng cả, chứ cứ cá mè một lứa thế này không  được  - xuất phát từ sự chán nản sẵn có tôi kêu phụ họa. 
      Nhưng Tô Hoài phản ứng theo cách khác, và phản  ứng cũng rất đúng.
      - Cây cao bóng cả thế nào. Ngày trước Thế  Lữ  lừng lẫy là thế, mà khi Xuân Diệu xuất hiện, là Thế Lữ thôi hẳn. Bài thơ cuối cùng của Thế Lữ là bài “Khói huyền lên”, người tự tay chép để làm kỷ niệm. Còn như Tản Đà, sau này người ta quý hoá  Tản Đà thế nào không biết, nhưng lúc bấy giờ  thơ Tản Đà không báo nào đăng. Tản Đà phải mở cửa hàng đoán số và đi dịch thuê. Tại sao không đăng, vì, với người ta, mấy năm ấy, của Tản Đà không còn là thơ nữa, báo nào đăng người ta cười cho. Ở ta bây giờ bọn các ông Huy Cận, Nguyễn Xuân Sanh  cứ chiếm chỗ sang trọng nhất ở các báo, như thế còn ra cái nghĩa lý gì .

      23/4/98
      Hôm nọ, Tô Hoài hỏi tôi là bây giờ, muốn đọc lại những tài liệu về Trung Quốc hối cách mạng văn hoá thì tìm ở đâu. Tôi bảo không biết (không biết thật, không rõ thư viện có  lưu trữ gì không).
      Lại  nhớ cái hồi đọc cuốn Một số kinh nghiệm viết văn của tôi, so hai bản 1959 và 1960, thấy Tô Hoài xảo thật. Ông nhét thêm vào lần tái bản rất nhiều đoạn của Trung Quốc (Mao Trạch Đông, Chu Dương, Mao Thuẫn ) vào để cho ăn nhập với thời sự. Đến nay lại bỏ.
      Lại nhớ, năm ngoái, trong một buổi họp về Nam Cao, một nhà nghiên cứu đối chiếu bản Chí Phèo in trong Luống cày, với Chí Phèo về sau thấy có nhiều chỗ sai lạc sửa chữa, và có những ý mới viết thêm. Chẳng hạn, những chi tiết như là Bá Kiến thấy tiếc đời, như là ông già, răng móm rồi, không ăn được thịt bò nữa vẫn thèm cái sựt sựt của nó.
      Cái chi tiết sau cùng, thì có vẻ Tô Hoài quá  rồi. Bản thân Tô Hoài cũng thú nhận.
      - Bản thảo Sống mòn để hỏng, mất cả trang cuối, tôi viết lại theo trí nhớ rồi cho in.
      Tô Hoài là vậy. Nhơn nhơn không biết sợ là gì. Nghĩ rằng mình làm ra văn học. 
      Tuy nhiên, cũng có lúc Tô Hoài nhớ sai. Khi ấy, phải có chứng cớ có thật chắc mới cãi  được. Như là chuyện Tô Hoài nói rằng, lúc kháng chiến, Nam Cao còn gọi tác phẩm của mình là  Chết mòn, sau sửa mới chữa thành Sống mòn. 
      Lại Nguyên Ân: Không, tôi đọc trong tạp chí  Tiên Phong, đã thấy bảo là Sống mòn. 
      Đến chỗ này, thì Tô Hoài chịu. 
      Nói chung, Tô Hoài vẫn có cái vẻ của một người trong cuộc, người chủ nhà, muốn bịa đặt cái gì cũng không ai dám cãi.

      9/1/99
      Nhìn qua tập Chiều chiều của Tô Hoài được phân công biên tập. Nhận ra một con người luôn tìm ra cái để viết, người có trí nhớ kỳ lạ cái gì cũng nhớ, cứ làm như là mọi việc mới xảy ra ngày hôm qua vậy. Từng câu nói,  cử chỉ của người khác được ông nhớ hết.
      Kể  chuyện là một cái tài mà không phải ai cũng có. Tôi cảm thấy sở dĩ một người như tôi, không viết được là vì lúc kể, tôi cứ  định nhằm theo một cái hướng nào đó chứng  minh cho một sự thật nào đó, tính mục đích của tôi quá rõ mà sức viết lại yếu.
      Tô  Hoài thì không thế. Tô Hoài nhẩn nha kể mọi việc, ghép chuyện nọ lẫn với chuyện kia, cũng không định thuyết phục ai, ấy thế mà lại đọc được. Cái chất văn của Tô Hoài nó nằm ở trong một cái gì ẩn dưới câu văn, ẩn dưới chữ nghĩa. Lẩn đi giữa các sự kiện, là những con người cụ thể, với những vui buồn. 
      Như  những đoạn Tô Hoài nói về M. Tkachev chẳng hạn, người ta thường nghĩ là Tô Hoài lợi dụng Marian, hai bên lợi dụng nhau nhưng đâu phải thế, trong lời kể về Marian, có cả những xót thương về một kiếp nhà văn, kiếp người cầm bút lận đận, cũng như những đoạn Tô Hoài nói về anh chàng say rượu Vlat, có sự thông cảm với mọi thói xấu của con người.
      Cũng vì cái chất người đó, mà Tô Hoài đứng được trong nghề và quyền hồi ký này cũng đứng được. Tô Hoài tả những cuộc đấu tranh văn nghệ, những nghị quyết, những khai trừ, tổng kết tổng hợp, bằng con mắt của người bình thường và đó chính là lý do đoạn trên tả văn nghệ sĩ, đoạn cuối lại tả mấy ông người dân, hoặc bà cô đầu cũ. Thì có gì đâu, họ cũng là con người cả, ta đừng nên đề cao cái này và dìm dập cái kia, chả có gì khác giữa một ông nông dân và một nhà văn, chả có gì khác chuyện trong nước và chuyện quốc tế, cũng như chả có gì khác gìữa việc sáng tác với việc ngủ với đàn bà, hoặc làm một bữa ăn ngon.