Bạn đọc yêu thơ từng đã biết đến một giọng thơ giầu cảm xúc và nhân ái, qua tập thơ “Mang cả chiều đi” (VNBT, in năm 1996) của Nguyễn Hiệp, trước khi anh đi dự Hội nghị Viết văn trẻ năm 1998, tại Hà Nội. Anh nhắc lại cho tôi nghe một kỷ niệm, tình cờ mà nhờ nó, anh đã chuyển sang viết văn. Tại hội nghị này, Nguyễn Hiệp đã được gặp nhà văn Tô Hoài, với sự ngưỡng mộ đặc biệt. Khi tiếp xúc và đã đọc qua thơ Nguyễn Hiệp, nhà văn Tô Hoài bất ngờ có lời khuyên anh nên chuyển sang viết truyện. Không khỏi ngạc nhiên, Nguyễn Hiệp hồi hộp chờ đợi một lời giải thích từ nhà văn bậc thầy này. Với nụ cười mủm mỉm dễ gần, nhà văn Tô Hoài nói, văn mới đúng với tính cách ghồ ghề và phong trần của Hiệp. Rồi sau đó ông hỏi quê Hàm Thuận Nam của Hiệp có gì hay. Hiệp nói gọn thon lỏn chỉ có đá thôi. Ai ngờ, nhà văn Tô Hoài đã gợi ý ngay câu chuyện rằng, Hiệp viết chuyện về đá đi, chắc là hay đó. 


         
NGUYỄN HIỆP CÂY NẾN NHỎ CHÁY HẾT MÌNH

VƯƠNG TÂM

 Tôi bất ngờ gặp nhà văn Nguyễn Hiệp, khi cùng đi dự trại viết văn ở Vũng Tầu, vào giữa năm 2014. Nom anh xù xì hơn tôi tưởng. Nồng nhiệt khi giao tiếp và trong tay Hiệp luôn có chiếc máy ảnh mang theo. Dù đã ở tuổi 50, nhưng lại là trẻ nhất, nên được bầu làm trưởng trại. Thế là có việc gì là ai cũng gọi đến Hiệp. Khi thì chữa máy ảnh cho nhà thơ Ngân Vịnh, lúc lại sửa máy tính cho nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn; rồi nhiều lần vác máy đi chụp ảnh cho hết người này, người khác, ở bãi tắm hay trên ngọn Hải đăng Vũng Tầu…

1 - Nỗi cô đơn huyền diệu         
Tôi ngạc nhiên vì thấy Hiệp quá bận rộn đến vậy, bèn hỏi Hiệp viết văn vào lúc nào? Anh trả lời tắp lự, vào nửa đêm về sáng. Anh nói đã quen hơn hai chục năm nay rồi. Sao lại hành mình vào nửa đêm thế? Tôi chưa kịp mở miệng thì anh tâm sự, vì cả ngày bươn chải, với công việc làm ăn và sinh hoạt gia đình. Do đó, mọi sự dính líu đến sáng tác văn chương chỉ bắt đầu từ 22 giờ hàng ngày cho đến hai, ba giờ sáng hôm sau. Riết thành quen, cứ đến thời gian ấy, chữ nghĩa nó mới tuôn ra được. Khoảng lặng đó mới là thế giới của nỗi cô đơn riêng mình. Hiệp nghĩ mọi cảm xúc thăng hoa, mọi hình tượng ám ảnh đều được thắp sáng trong nỗi cô đơn sáng tạo.       
Nói đến đây, đôi mắt Nguyễn Hiệp phảng phất ánh buồn, một nỗi buồn rất rừng rú thâm trầm, cô quạnh từ trong thẳm sâu. Có lẽ vậy. Tôi biết anh mồ côi cha từ khi mới một tháng tuổi; lớn lên trong vòng tay thương yêu của mẹ và những tiếng chuông chùa, cùng tiếng vượn hú vang trên đỉnh núi Tà Cú, đất Hàm Thuận Nam, Bình Thuận, nơi anh sinh ra. Nhưng sự khốc liệt của tuổi thơ Nguyễn Hiệp còn tăng lên gấp bội khi mẹ đi bước nữa. Ở tuổi 13, là con út nhưng cậu bé Hiệp phải tự lo miếng cơm manh áo và học phí đến trường. Một tuổi thơ đầy ắp nỗi cô đơn, khi Hiệp bỏ làng lên nương rẫy sống trong ngôi lều trại nhỏ bé hoang vu. Thời gian trôi đi, Hiệp thui thủi lớn lên bằng những củ khoai, củ mì, và những gánh rau đem ra chợ bán để kiếm tiền mua dầu thắp đèn học bài. Anh còn kể, nhiều khi hết tiền mua dầu, đã phải đi kiếm những cây mè về đốt sáng cho soi tỏ mặt chữ. Hiệp vật vã, dấn thân trong nỗi cô đơn như định mệnh trời đầy. Một tính cách phong trần dần hình thành. Một bản lĩnh dám đương đầu với thử thách của số phận đã toát lên từ một nhân cách ấy. Và thế giới huyễn mộng của Hiệp đã lung linh xuất hiện trong veo với nhiều hình ảnh tưởng tượng bắt đầu từ đây. Những câu thơ đầu tiên đã lóe sáng trong tâm hồn cậu bé, mỗi khi thương cha, nhớ mẹ đang ở phương trời nào.   
     
Ước mơ trở thành nhà văn, với mong mỏi được chia sẻ, được giải tỏa như một nhu cầu tự sinh trong cõi bơ vơ của mình. Hiệp đã khao khát ước mơ đó cho mãi đến sau này; đã trở thành học sinh giỏi văn của tỉnh Bình Thuận và từng đoạt giải nhất văn trong cuộc thi toàn huyện. Tôi đoan chắc rằng trong các bài văn mà cậu bé Hiệp ngày ấy đều viết về mẹ rất cảm động. Thế rồi mộng văn chương đã được chắp cánh cho Hiệp khi được tuyển thẳng lên cấp ba trường tỉnh và sau này thi đỗ vào Đại học sư phạm, rồi đi làm ở phòng giáo dục.        
Nguyễn Hiệp nhớ lại, trong thời gian học tập mình vẫn phải đi làm thêm để tự sinh sống, và không ngừng nuôi hoài bão văn chương. Nhưng sau khi lấy vợ, sinh con, vào những năm tháng khó khăn của những năm đầu thập kỷ 90, Nguyễn Hiệp đành rời nhiệm sở để tính kế sinh nhai cho gia đình. Anh bỏ biên chế nhà nước, dấn thân vào cuộc sống lao động tự do. Thế là anh học mọi loại nghề, nào là vi tính, nào là chụp ảnh, nào là dạy học thêm…và, kể cả làm cộng tác viên cho đài báo của tỉnh để kiếm tiền. Cuối cùng tích lũy đủ vốn sau nhiều năm, Hiệp mở trung tâm dậy vi tính, cấp chứng chỉ các lớp theo hợp đồng liên kết với Trường dậy nghề của tỉnh Bình Thuận. Vậy là Hiệp tìm mọi phương thức kiếm sống và bươn trải khá vất vả, nhưng bản lĩnh vững vàng đã định hình một nhân cách mạnh mẽ trong tư duy và hành động rất quyết đoán của anh. Hơn thế nữa, tính cách này đã có phần quyết định đến phong cách viết văn sau này của Nguyễn Hiệp. Chính vì thế mà anh vẫn cầm bút viết những dòng cảm xúc sâu lắng nhất trong đêm, vào quãng thời gian trong vắt của nỗi cô đơn, tràn ngập niềm hứng khởi sáng tạo. Âm thầm và chờ đợi trong sự miệt mài với từng khắc thời gian, khi chuông chùa thỉnh những âm thanh ấm ấp không gian.

2 - Những ký ức văn chương         
Bạn đọc yêu thơ từng đã biết đến một giọng thơ giầu cảm xúc và nhân ái, qua tập thơ “Mang cả chiều đi” (VNBT, in năm 1996) của Nguyễn Hiệp, trước khi anh đi dự Hội nghị Viết văn trẻ năm 1998, tại Hà Nội. Anh nhắc lại cho tôi nghe một kỷ niệm, tình cờ mà nhờ nó, anh đã chuyển sang viết văn. Tại hội nghị này, Nguyễn Hiệp đã được gặp nhà văn Tô Hoài, với sự ngưỡng mộ đặc biệt. Khi tiếp xúc và đã đọc qua thơ Nguyễn Hiệp, nhà văn Tô Hoài bất ngờ có lời khuyên anh nên chuyển sang viết truyện. Không khỏi ngạc nhiên, Nguyễn Hiệp hồi hộp chờ đợi một lời giải thích từ nhà văn bậc thầy này. Với nụ cười mủm mỉm dễ gần, nhà văn Tô Hoài nói, văn mới đúng với tính cách ghồ ghề và phong trần của Hiệp. Rồi sau đó ông hỏi quê Hàm Thuận Nam của Hiệp có gì hay. Hiệp nói gọn thon lỏn chỉ có đá thôi. Ai ngờ, nhà văn Tô Hoài đã gợi ý ngay câu chuyện rằng, Hiệp viết chuyện về đá đi, chắc là hay đó. 
         
Thế là Nguyễn Hiệp trở về quê hương với nhiều nỗi niềm của một bước ngoặt bất ngờ. Ở cõi văn, đòi hỏi sự nỗ lực lớn và ở đây anh không những đã chan hòa với đời sống của đá mà còn tìm tới đời sống của con người thoát ra khỏi thế giới cô quạnh của mình. Hiệp sống với những đời sống khác. Hiệp sống với thiên nhiên và cõi phật như một sự khám phá mới lạ trong thế giới sáng tạo. Anh đã lần mò được con đường riêng của mình và cầm bút viết với một tư cách mới. Một tâm cảm đa dạng. Một mầu sắc dị biệt và rất Hiệp trong những truyện ngắn được chuẩn bị sau 5 năm, mới xuất hiện. Đó là “Những người đàn bà gánh tro” và đặc biệt “Bông cỏ Giêng” được in trên báo Văn Nghệ năm 2003, trong cuộc thi truyện ngắn (2003-2004). “Bông cỏ Giêng”, một câu chuyện tình đau khổ và nỗi đời nhân thế của một nhà sư, gắn với cái tứ và hình ảnh hoa màu tím có cái tên Bông cỏ Giêng, như một lời thách thức trước văn đàn, với một văn phong đã hình thành tính đa chiều của một kết cấu, cùng những áng văn ám ảnh người đọc về cõi người và về sự huyền diệu của thế giới tâm linh. Từ đó, có một cái tên Nguyễn Hiệp, với giải nhì văn chương năm 2003. “Bông cỏ Giêng” còn được chọn vào Top Ten truyện ngắn hay nhất, trong hai mươi năm (1984-2004) của báo Văn Nghệ. Một thành công xứng đáng của Nguyễn Hiệp sau 5 năm âm thầm luyện bút và tìm ra điểm tựa cho tư tưởng văn chương của mình. Cho dù trước đó vào năm 2001, Nguyễn Hiệp đã cho ra mắt cuốn tiểu thuyết “Ngã hai”, nhưng phải nói truyện ngắn mới phô diễn hết năng lượng và tài hoa của anh. Chính vì thế mà đến năm 2006, số tết của Báo Văn Nghệ thêm một lần chọn tác phẩm của anh, vào top ten truyện ngắn hay nhất trong năm. 
      
Từ đó, liên tiếp các năm sau Nguyễn Hiệp cho in các tập truyện ngắn như: “Dưa huyết” (NXB Phụ nữ, 2007); hay “Bông cỏ Giêng” (NXB Hà Nội, 2008); hoặc “Trần gian nhìn từ phía sau” (NXB Văn nghệ, năm 2009); cùng với đó tập “Âmthanh đổ bóng” (NXB Hội Nhà Văn, 2012). Và mới đây là “Mùi chồng”, gồm 9 truyện ngắn, in kèm với tiểu thuyết cùng tên (NXB Văn học, năm 2013).

3 - Quay về với cõi vô thường      
Nguyễn Hiệp được sinh ra bên chân núi Tà Cú, năm 1964. Khi ấy trên núi người ta cũng mới khánh thành bức tượng Đức thích ca nhập Niết bàn, dài 49m được ít lâu tại chùa “Linh sơn trường thọ”. Nơi đây được coi là trung tâm phật giáo lâu đời và rất linh thiêng của cả nước. Từ nhỏ Nguyễn Hiệp đã theo mẹ quanh năm đi chùa và lớn lên trong tiếng mõ, tiếng chuông của mỗi buổi chiều cô quạnh. Khi lớn lên mặc cho đói khát và nghèo túng, Nguyễn Hiệp bền bỉ với mọi khốn khó, bằng những niềm tin về sự nhân từ, bao dung trong cõi vô thường nơi cửa phật.  
     
Anh có những người bạn là phật tử và đọc nhiều sách kinh để tìm ra con đường riêng của mình trong nghệ thuật và triết lý nhân sinh. Đó là sự chia sẻ và giải thoát cho dù con người đã bị đẩy tới tận cùng của bi kịch cuộc đời. Nghệ thuật viết văn của Nguyễn Hiệp dường như tựa vào tính nhân quả của phật pháp mà bóc tách, mà lý giải cho mỗi hoàn cảnh mỗi thân phận để bênh vực cho những nỗi đời yếu đuối, trớ trêu. Nguyễn Hiệp tự nhận mình đứng về phía nước mắt và coi mình chỉ là cây nến nhỏ, luôn khao khát tình yêu và tự cháy hết mình cho bi kịch cuộc đời. Có lẽ chính vì thế mà tôi càng đọc anh, càng thấy yêu những số phận nghiệt ngã trong các truyện ngắn như: “Chỗ trống dưới ngón tay phật”, hay “Gai sen”, hoặc “Dị vật trên đầu”, và “Huyết nhân ngải” cùng với đó là những con người bạc phận như Thu, ông Thức, hay như đồng chí Hai, và ông già vá xe… trong tiểu thuyết “Mùi chồng”.  
       
Nguyễn Hiệp có ma lực trong văn bút, cho dù đôi khi người đọc bị hút hồn với những chi tiết kinh dị nhưng sau đó là một tấm lòng từ bi soi sáng hướng về cõi vô thường, để cho con người tự soi lại mình, nhìn thấy bản ngã của mình và quay về ban phước lành cho chúng sinh. Nguyễn Hiệp là như thế bởi chính anh, luôn luôn hướng thiện và thể hiện nỗi niềm chua xót cùng với sự chở che cho những thân phận khổ đau. Cõi văn anh là vậy.