Lễ cầu tự của vua Lê Thánh Tông thật linh nghiệm. Năm sau Ỷ Lan phu nhân sinh hạ được một Hoàng tử. Trên lưng của Hoàng tử còn lưu dấu vết chàm, mang hình chữ “Càn”, nên vua đã đặt tên cho con trai là Càn Đức. Đồng thời năm sau, vua đã cho sứ giả dẫn quan quân về làng đọc chiếu chỉ xá tội cho ông Bông. Dân làng Sủi ngày đó chứng kiến cái chết đầy oan khuất, nay mới hiểu ông đã hy sinh vì đại nghĩa, nên đã lập miếu thờ ông kế bên đình làng. Cùng với đó, hàng năm vào ngày hội làng, sau lễ rước kiệu thờ Nguyên Phi Ỷ Lan, là lễ giải oan cho ông Bông. Đó chính là lễ hội “Bông Sòng”. Bông là tên còn Sòng nghĩa là minh oan, sòng phẳng cho một con người trong sạch đã hy sinh vì đất nước.



ĐI CHƠI CHỢ NGHE KỲ ÁN

CHUNG TỬ

        Chợ làng Sủi (Phú Thị-Gia Lâm-Hà Nội) nằm trên mảnh đất rất kỳ lạ ở đầu làng, bên đường cái tứ xứ đi qua, và cũng là nơi ẩn chứa một kho chuyện cổ của làng. Nét huyền ảo lung linh và hiện thực lịch sử đan xen trong những câu chuyện có thật xảy ra chính ở ngôi chợ này đã làm du khách thường dừng chân mỗi khi ngược về kinh Bắc.

     Kỳ án ông Bông
   Tôi đang mải nghe các nghệ sĩ hát quan họ trên thuyền, thì chợt nghe có tiếng loa rất to vang lên, với những câu lạ tai: “Sòng…Bông…Sòng…”. Thế là mọi người đều chạy ùa ra ngoài chợ Sủi. Tôi và ông bạn người làng Sủi, một thành viên của CLB thơ Cao Bá Quát, cầm tay nhau cùng theo ra.
      Ông kể chuyện của làng vào năm 1064, người đẹp Lê Thị Yến của làng Sủi được được vua Lê Thánh Tông mến mộ đưa về triều, và được phong làm Nguyên Phi Ỷ Lan. Khi ấy vua đã độ tuổi ngoài 40 nhưng vẫn chưa có con trai để truyền ngôi sau này. Ông rất kỳ vọng ở Ỷ Lan sẽ sinh hoàng tử cho mình, nên hai năm sau đã cùng Ỷ Lan về cầu tự ở chùa Sủi. Vua tràn ngập hy vọng và nhờ đại sư chủ trì ở đây làm lễ cầu cho được một hoàng nam.
     Đại sư là một thày pháp ấn cao tay. Người tình cờ phát hiện ra, trong những quan viên theo hầu Ỷ Lan, viên thái giám Nguyễn Bông, tướng mạo phi phàm, và  có căn số làm vương. Đại sư đã bí mật gặp quan thái giám Bông nói ý định của mình, định hóa kiếp cho ông đầu thai làm con của Nguyên Phi Ỷ Lan. Sau khi được Đại sư thuyết phục, đây là việc làm vì đại nghĩa, vì sơn hà xã tắc, nên ông Bông đã nhận lời. Nhưng để làm việc này, người đầu thai phải chết, để làm lễ siêu thoát chuyển sang một kiếp khác. Quan thái giám Bông không nề hà gật đầu xin chết.
      Nhưng để dẫn đến cái chết của ông Bông, đại sư đã bày ra một kế sách bí mật hoàn hảo, và cũng là một kỳ án đã xảy ra. Quân lính bất ngờ phát hiện thấy, quan thái giám Bông đột ngột từ khu nhà tắm của Ỷ Lan đi ra, nên đã bắt giữ. Đây là hành động phạm tội phải chém đầu. Dân làng chứng kiến cảnh chém đầu ông Bông nhưng chưa hiểu hết những điều bí ẩn bên trong. Sau khi hành hình, đại sư đã cho viết chữ “Càn” lên lưng và vẽ hình đẩu rồng lên hai vai ông Bông, để làm lễ đầu thai…
       Lễ cầu tự của vua Lê Thánh Tông thật linh nghiệm. Năm sau Ỷ Lan phu nhân sinh hạ được một Hoàng tử. Trên lưng của Hoàng tử còn lưu dấu vết chàm, mang hình chữ “Càn”, nên vua đã đặt tên cho con trai là Càn Đức. Đồng thời năm sau, vua đã cho sứ giả dẫn quan quân về làng đọc chiếu chỉ xá tội cho ông Bông. Dân làng Sủi ngày đó chứng kiến cái chết đầy oan khuất, nay mới hiểu ông đã hy sinh vì đại nghĩa, nên đã lập miếu thờ ông kế bên đình làng. Cùng với đó, hàng năm vào ngày hội làng, sau lễ rước kiệu thờ Nguyên Phi Ỷ Lan, là lễ giải oan cho ông Bông. Đó chính là lễ hội “Bông Sòng”. Bông là tên còn Sòng nghĩa là minh oan, sòng phẳng cho một con người trong sạch đã hy sinh vì đất nước.
       Hình ảnh lễ hội “Bông Sòng”, được diễn ra rất trang trọng nhưng cũng rất vui ở ngay chợ Sủi. Trang trọng vì dân làng cùng đại sư nhà chùa ra miếu ông Bông để lễ. Sau đó đã cho diễn lại cảnh sứ giả và quan quân về làng đọc chiếu chỉ của vua giải oan cho ông Bông. Đồng thời làng chọn ra 12 gia đình có con em học giỏi trong năm chuẩn bị rượu để đón sứ giả và khao mọi người về dự hội. Còn phần vui của lễ hội là sau đó vừa uống rượu dân làng vừa hô vang hai từ theo nhịp điệu vui: “Sòng…Bông…Sòng…”. Cùng lúc trên sân khấu là cảnh hề chèo, cùng múa rồng rộn ràng say sưa, thể hiện niềm vui. Mọi người dự lễ hội hô vang, lặp đi lặp lại náo nức, cho đến khi tàn canh rượu.  

                                             


      Án chém đầu “Thánh thơ”  
       Sau lễ hội Bông Sòng kết thúc, tôi được ông bạn dẫn về đền thờ nhà thơ Cao Bá Quát, một danh nhân của làng. Ngôi đền được dựng kế bên chợ, trên đường đi vào đình, đền và chùa Sủi. Nhìn bức tượng nhà thơ, danh nhân Cao Bá Quát bằng đồng đẹp, nhưng con mắt ông vẫn ẩn chứa nỗi u sầu của một tâm thế suy tư về nhân tình thế thái trước khi chết.  
       Người bạn tôi kể nhà thơ Cao Bá Quát sinh năm 1809, nhưng cuộc đời lận đận từ khi còn trẻ, với bản tính khí khái ngang tàng. Vậy nên cho dù thì đỗ cử nhân xếp hạng nhì, năm 1831, nhưng mãi đến 10 năm sau mới được triều đình nhà Nguyễn gọi đi làm, thực tập công việc ở bộ Lễ. Trong chuyến đi coi thi ở Huế, ông đã dính ngay tội chết, khi dám chữa bài cho 24 thí sinh. Nhưng sau được vua giảm án, và bị cầm tù đến 3 năm, để chờ phán xét cuối cùng. Trong thời gian bị giam giữ, tinh thần phản kháng của thơ ông ngày càng trở nên sắc bén, đồng thời cũng thể một bản lĩnh vạm vỡ, bay bổng. Ông viết: “Ta muốn trèo lên đỉnh cao ngất / Hát vang lên để gửi tấm lòng vào mây nước”. Hay trước đó ai cũng biết đến một câu thơ rất khí phách của ông: “Mười năm bàn đạo giao du, khó như tìm gươm cổ / Một đời ta chỉ cúi đầu sùng bái hoa mai”
      Lúc này tôi nhìn thấy trên giá treo bên phải gian nhà có nhiều bài viết giai thoại về nhà thơ Cao Bá Quát. Nhưng người bạn ở CLB thơ nói, cuộc đời của Cao Bá Quát đã đậm chất huyển thoại với một khí phách của tài năng. Chính vua Tự Đức đã phong cho ông là “Thánh thơ” và là một trong hai người kỳ tài của đất nước, với ngạn ngữ truyền kỳ: “Thần Siêu-Thánh Quát”, qua sự đánh giá của vua: “Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán” (Ý là, với văn của Nguyễn Văn Siêu và Cao Bá Quát thì văn thời Tiền Hán coi như bằng không). Đó là thời kỳ, lần thứ hai ông được vời vào cung làm ở Viện Hàn Lâm, chuyên tổ chức sưu tầm thơ ca, sáng tác và sinh hoạt ở “Văn đoàn Thi Xã” trong triều…
       Vậy mà chỉ mấy năm sau, chính nhà vua Tự Đức đã phải huy động quan quân săn đuổi Cao Bá Quát trong cuộc khởi nghĩa ở Mỹ Lương. Khi bị điều đi làm giáo học ở phủ Quốc Oai, Sơn Tây, nhà thơ đã tham gia cuộc nổi dậy của dân nghèo để chống lại triều đình đã thối nát, một lũ quan tham, tàn ác. Với khí phách anh hùng, nhà thơ trở thành chỗ dựa về tinh thần cho các nghĩa sĩ. Triều đình nhà Nguyễn đã treo giải thưởng 500 lạng cho ai bắt được ông, và 300 lạng cho ai bắn chết ông.    Chính vì thế, mọi chuyện bị bại lộ quá sớm, vì có kẻ phản bội. Nhưng ông vẫn quyết định triển khai tấn công, đánh chiếm được một số địa phương, vào năm 1854. Tuy nhiên, chỉ một năm sau, trong trận đánh chiếm lại huyện Yên Sơn, với đội quân quá chênh lệch về lực lượng, so với quân đội chính quy của triều đình, ông đã hy sinh vì sự nghiệp bất thành của mình.
       Theo sử sách nói, ông bị bắn chết, rồi bị vua Tự Đức ra lệnh chặt đầu đem bêu ở làng Sủi và ở nhiều nơi khác. Nhưng lại có lời đồn, nhà thơ bị bắt tại mặt trận sau đó bị chặt đầu ở chợ Sủi. Cái chết của ông đã để lại nhiều dư luận trái chiều. Một người anh hùng, biết cái chết sẽ đến nhưng vẫn đón nhận nó, với sự phản kháng mãnh liệt nhất. Một kết cục đầy bi tráng.

                                        


       Tuy có người cho là nhà thơ do bất đắc chí, khi không đạt được danh vọng quyền lực nên mới nổi loạn. Nhưng nếu nghiên cứu sự nghiệp thơ ca của ông, với 1353 bài thơ và 21 tác phẩm văn xuôi, trong bộ Cao Bá Quát thi tập, mới thấy việc ông đứng lên chống triều đình là tất yếu. Con người ông với thơ là một. Qua những tác phẩm thể hiện bản chất trung thực và khảng khái, căm ghét sự bất công đã hình thành trong ông từ khi còn nhỏ. Lịch sử càng chứng tỏ tài năng và khí phách trung thực của ông, bởi chỉ sau đó không lâu, triều đình nhà Nguyễn thối nát đã dâng đất cho giặc Pháp, mở đầu cho sự mất nước bắt đầu từ đó.

      Vẫn còn đó những cái chết bí ẩn
       Lúc này người bạn tôi ngồi lặng đi một lúc rồi nói, nếu quay ngược thời gian, tại triều nhà Lý chính Thái Hậu Ỷ Lan (1044-1117) cũng là người gây ra một kỳ án và thời kỳ trị vì ngai vàng, vào các năm 1069 và 1072. Chuyện xảy vào năm 1073, khi có tin đồn Nguyên Phi Ỷ Lan đã mượn bàn tay vua Lý Nhân Tông bức tử Thái Hậu Thượng Dương, để chiếm lấy quyền nhiếp chính sau khi vua Lê Thánh Tông mất. Hơn nữa, trong khi đó Càn Đức (Vua Lê Nhân Tông) lên ngôi mới 7 tuổi, nên bà cần chính thức trị vì thiên hạ. Hoang tin bức chết nhiều người như vậy cũng là một kỳ án, bởi không có gì làm bằng cớ; thêm nữa sử sách ghi chép lại không thật sự chi tiết, và có những dị bản khác nhau.  

                                      


        Nhưng tất cả lui vào dĩ vãng, khi những chiến công nối tiếp chiến công, do Thái Hậu Ỷ Lan, qua hai lần nhiếp chính. Bà đã kết hợp với hai tướng tài là Lý Thường Kiệt (quan võ) và Lý Đạo Thành (quan văn), đánh tan giặc Chiêm năm 1075 và chiến thắng giặc Tống vào các năm 1076-1077. Chính thời điểm này bài thơ “Nam Quốc Sơn Hà” của Lý Thường Kiệt được coi là “Bản tuyên ngôn độc lập” đầu tiên trong lịch sử nước ta. Trong suốt nhiều năm nhiếp chính lần thứ hai, từ khi Lý Nhân Tông còn nhỏ, Thái hậu Ỷ Lan đã thể hiện rõ rệt tài năng, đức độ. Bà có những đóng góp to lớn với đất nước, tạo nên thời kỳ thịnh trị của triều Lý.