Nhà phê bình Nguyễn Hoàng Đức không ngần ngại ca ngợi: "Người Pháp có phương ngôn “Mọi cái lên cao sẽ hội tụ” (tout ce qui monte converge). Bành Thanh Bần bằng đôi tay của mình đã chạm trần về tiền bạc, và từ đỉnh cao đó ông tự nhiên liên thông và có nhãn quan ngang bằng những vấn đề vĩ mô của quốc gia, dân tộc, chính thế mà thơ ông có một tầm cao chạm đỉnh. Ngọt ngào thay nghịch lý ở đời khi con rùa chạy vượt con thỏ. Những con thỏ tưởng mình nhanh nhẹn lắm, xuất phát từ tuổi trẻ, nhưng cứ loay hoay đi quanh hội hè, giải thưởng, rồi đem thơ nhạt đổi lấy tiền, lấy quyền, thì bị bỏ lại phía sau là thường. Sau lưng “lão rùa già” Bành Thanh Bần, có lẽ có đến 90% cầu thủ thỏ mang áo số quốc doanh đàng hoàng vẫn đang thì thụt chạy phía sau, hoặc cứ đợi chuyến xe vét may mắn cuối cùng sẽ vớt mình lên mà trên đó có sẵn biết bao tem phiếu".



Gương soi ngược đội ngũ thơ chầu rìa bao cấp

NGUYỄN HOÀNG ĐỨC
           
Ở đời nói chung mọi người đều đổi mọi cái lấy tiền. Thực ra, xét trên phương diện phổ quát thì đó là điều tự nhiên, bởi vì, tiền là “giá trị qui ước phổ quát chung nhất” để người ta có thể trao đổi mua bán với nhau, mà không cần phải khệ nệ vác gạo hay củi của nhà mình đi để đổi lấy cá hay thịt của người khác. Tiền là vật chung gian giống như một bùng binh mà đi về bất cứ hướng nào người ta cũng phải rẽ qua nó.
Nhưng xét về mặt tinh thần, cách nhìn về tiền là thứ thấp kém hạ tiện bậc nhất. Không phải thứ cao thượng lý thuyết mà chúng ta hãy nhìn thẳng vào hiện thực. Người Việt có phương ngôn “của dề dề không bằng nghề trong tay”. Có rất nhiều cô gái chỉ chọn chồng giầu có theo lối “tiền mặt”, nhưng được vài năm chàng nhà giầu kia đánh bạc, hút chích, cạn tiền, gia đình phá sản, hạnh phúc cũng phá sản. Trái lại người có tay nghề, một ngày họ trở nên giầu có, và cho dù có gặp thất bát đi nữa, thì vì có nghề trong tay họ lại vượt lên. Trong khi đó người giầu tiền mặt kia đến ngày khánh kiệt thì tay trắng luôn. Nhưng than ôi, thế gian có mấy người biết yêu tay nghề, mà họ nói chung chỉ yêu tiền mặt thôi. Phổ biến hơn, người Do Thái, một dân tộc tài giỏi bậc nhất hành tinh luôn quan niệm rằng: làm tiền, có tiền, chỉ để đi học. Và người có chữ mang phẩm chất thần thánh khi nói những lời giống tiên tri. Cho dù con gái họ lấy anh nhà nghèo có chữ, họ vẫn tự hào hơn lấy nhà giầu ít học.
Tôi dạo đầu khá dài là để nói về một nhà thơ Doanh nhân tỉ phú Bành Thanh Bần, đã gần thất thập rồi mới rạo rực làm thơ. Nhưng thơ anh khác hẳn những nhà thơ thế tục còn đang chầu rìa tem phiếu để mưu danh và tiền. Nào thành hội viên ư, để kiếm tiền dễ hơn người, để có cơ hội mang mây tre đan, rổ rá sang tây kiếm tí giải hữu nghị, rồi dễ ẵm giải thưởng để có tiền.
Nhưng Bành Thanh Bần thì sao? Anh lại đi chiều ngược lại. Mọi người cố đem thơ đã mất giá để đổi lấy lợi, còn họ Bành lại đem hoa quả của lợi để chiết xuất thành sản phẩm của tinh thần – đó là thơ. Trong công nghiệp, người ta phải đổi mới qui trình sản xuất thì mới có sản phẩm giá trị mới. Vậy thì qui trình khác hẳn của họ Bành cũng đem lại sản phẩm ưu việt khác hẳn thứ sản phẩm hám lợi tập đoàn rất nhiều.
Bành Thanh Bần thật thà thú nhận “tôi ít học lắm, và giờ đây tôi say sưa đọc mọi thứ văn thơ, để học càng nhiều càng tốt”. Họ Bành cũng giống nhà văn vô sản Macxim Gorki, là người ít học, nhưng ông đã học lê la trong tình yêu duy nhất không thể khác được của chữ nghĩa, để rồi tuyên xưng: “Càng có nhiều tri thức càng mạnh, đó là điều không thể chối cãi”. Tôi muốn nói rõ điều này để xác nhận: có rất nhiều kẻ ít học làm được mấy vần thơ nghê nga lại lên gân biện bác rằng: học nhiều chưa chắc đã sáng tạo được. Muốn sáng tạo thì phải có thiên bẩm. Kết quả là gì? Thơ Việt Nam mãi đến nay cứ lẹt đẹt đếm vài bài heo heo như lá mùa thu. Còn cả nghìn trường ca thì không có cốt truyện và nhân vật.
Nói thẳng tưng, Bành Thanh Bần là ông lão nhà quê ít học, vậy mà kỳ lạ thay, đúng ra là tất yếu thay, thơ ông lại hơn hẳn rất nhiều thứ thơ của hội chuyên nghiệp săn tem phiếu chầu rìa bao cấp. Tại sao vậy? Thơ ít nhất là sản phẩm trăng hoa tuyết nguyệt, vì thế không thể vụ lợi và nhuốm lợi. Trong khi nhiều người đem thơ là sao trời đòi đổi lấy mấy cân lạng tem phiếu thì họ Bành lại thản nhiên đứng trên mái nhà của ngân hàng để đòi ngắm sao trôi. Về việc này, cụ thể, trong cuộc gặp mặt các nhà thơ Trung Quốc và Việt Nam, mấy nhà thơ Việt hỏi:  “Thơ bên Trung Quốc thế nào? Thơ chị in ra có bán được không?” Liền nghe trả lời: “Thơ là để tặng và cho, tại sao lại bán?!” Trời ơi, nghe biết ngay trình độ vụ lợi của mấy nhà thơ Việt còn lâu mới bám gót cách nghĩ của nhà thơ “nghiệp dư” Tàu kia?!
Điều thứ hai, thơ cần nhiệt huyết tâm can thật! Thơ trước hết là cảm xúc, mà không được bày tỏ từ cảm xúc thật, thì thơ chỉ là một thứ giả trang nghèo nàn. Vậy mà có đến khoảng 90% các nhà thơ Việt làm thơ bằng cảm xúc giả. Cụ thể hơn là gì? Cuộc đời có muôn chiều cạnh từ xã hội, chính trị, kinh tế, đến ngoại giao, đến thời cuộc… nhưng để lo cho mình được bảo toàn trong tổ kén, các nhà thơ giả đò không thấy gì hết ngoài chuyện giường chiếu, nhớ nhung, mê đắm, sụt sùi… rồi họ giả đò la lên với vô số thán từ, sướng quá! kỳ diệu quá! luyến tiếc quá! ôi nhưng bụi cỏ ngọt ngào! Ôi những mưa móc kim cương! Ôi những vung vãi hiếm hoi! Ôi những hơi thở trắng ngần luồn qua suối mây! Ôi lưỡi kiếm khát nước của chiến binh đòi tra vào vỏ! Thơ bò quanh chiếu chỉ là thơ sinh hoạt! Đã sinh hoạt lại là cảm xúc giả thì có gì để nói!
Vì thế khi họ Bành dù tuổi đã gần thất thập lướt trên bão tố tiền bạc, dường như chẳng mấy khó khăn gì liền cho các nhà thơ tem phiếu hít khói ngay. Họ Bành khởi đầu rất chậm, không thể xuất phát sớm như nhiều nhà thơ có chân trong biên chế, nằm vắt mình qua cửa báo, mà kiểu gì không cái nón, thì khăn mỏ quạ, hoặc đôi tất bộ đội sẽ được phơi trên mặt báo, vậy mà bằng một tình yêu vô vụ lợi, và cảm xúc chân thành của mình, họ Bành đã trình ra lúa gạo thật, chứ không phải mấy thứ hàng nhựa cảm xúc giả của cánh sì sụp niềm đam mê dưới rốn. Thơ Bành Thanh Bần, tôi có thể đề cử hơn hẳn nhiều nhà thơ tem phiếu trên mấy điểm thuộc phần cứng:
Thơ trực diện dấn thân vào tâm cảm của thời đại. Bành Thanh Bần làm thơ với tư cách trước hết là một công dân toàn thể. Chất phóng sự chân thành đã bổ khuyết phần nào cái thiếu và yếu của nền văn nghệ báo chí Việt Nam. Ngôn ngữ long lanh chính xác, duyên dáng và nhiều khi lộng lẫy. Nhịp điệu bất ngờ, hiện đại. Cảm xúc dạt dào chân thành mãnh liệt. Tôi xin bàn cụ thể từng điểm một.

Thơ dấn thân vào tâm cảm thời đại:
Tôi đã có dịp bàn luận với nhà thơ Bành Thanh Bần cùng vài bạn thơ khác về điểm này. Tôi cho rằng nhà văn, và nhà thơ chẳng là cái gì hết nếu không là con người công dân. Nhiều người có vài bài thơ lẻ, vài truyện ngắn đã ra vẻ, cho rằng ta làm nghệ thuật oai vệ to tát lắm. Có người còn bàn về cuộc tranh luận hồi giữa thế kỷ 20 ở Việt Nam với “nghệ thuật vị nghệ thuật”. Tôi nói luôn: nghệ thuật vị nghệ thuật không cách gì bằng nghệ thuật Vị Nhân sinh cả. Các giải văn học trên thế giới, đặc biệt giải Nobel luôn ưu tiên hàng đầu cho các tác phẩm dấn thấn xã hội và chính trị. Và chúng ta đều biết một phương ngôn hạt giống bao trùm tuyệt đối “Văn là người”. Điều đó mới là hệ trọng! Chứ định nghĩa “văn là nghệ thuật” tức là nói: văn chỉ là một phó sản của con người. Bành Thanh Bần sống trước hết là một công dân rất nồng nhiệt, tham dự vào mọi hoạt động của xã hội, đau đáu từng ngày, và làm thơ nhiều đến độ, ông đã trở thành chuyên gia bậc nhất trong lãnh vực thơ trào phúng châm biếm thời sự. Ông không bao giờ muốn trở thành người đứng ngoài cuộc trong các vụ việc lớn của đất nước như Vinashine, Vinaline,  Trong Tập “Chung tình” in 2014, họ Bành chống tham nhũng:
Còn quà trăm triệu cấp trên?
Anh đã chỉ thị tăng lên cơ mà
Tiền thuê khách sạn đêm qua
Và thuốc tăng lực Viagra, thế nào?
Thì em cứ chi đại vào
Mục để luyện tập thể thao, em hì?
                         (Chi vào thể thao)
Hoặc:
Ăn tiền tuất, ăn mộ phần
Rừng vàng chúng cắt bán dần ngoại bang
Càng chống chúng càng tham lam
Mưu ma chước quỉ thế gian khôn lường
Càng chống càng lỳ lợm hơn
Kéo bè kết cánh tai ương nước nhà
                     (Bản chất quan tham)
Hay thơ chia sẻ với vụ án của chị Ba Sương:
Ai bảo tâm chị thẳng ngay
Quốc gia công thổ gắt gay làm gì…
Họ mà thèm cái gì rồi
Đố ai cưỡng được, đến trời cũng thua
Ba Sương ương quá đi thôi
Tôi muốn mắng chị nhưng rồi lại thương
Mấy con cóc nhái ễnh ương
Xó nhà, bờ ruộng, góc vườn… lên ngôi
                  (Nước mắt ai chảy đây này, chị ơi!)
Tôi còn cầm tập bản thảo hàng trăm bài khác của Bành Thanh Bần, dường như ngày nào anh cũng muốn viết như một nhu cầu cần sống chung với cộng đồng, với dân tộc, với khao khát gạn đục khơi trong, để mọi người được sống trong công lý, an lành, tiến bộ. Còn nhiều bài hay và câu hay của anh, tiếc rằng tôi không thể trích hết ra được.

Chất phóng sự chân thành
Nếu được họp với các cơ quan báo chí, chúng ta sẽ thấy việc thiếu phóng sự, tức các bài là sản phẩm đi thực tế viết ra hiếm và thiếu đến mức nào. Nhưng với họ Bành thì khác hẳn, trong thơ anh ngồn ngộn tư chất phóng sự, tức là tính thời sự của đất nước luôn là nguyên liệu dồi dào đau đáu trong thơ anh. Chúng ta nghe thử vài câu:
Ngỡ tập đoàn Vinashine
Kỷ lục ghi nét có tên, nào ngờ
Dập dềnh như những xác vờ
Phơi trên bãi biển lập lờ triều lên
Dự án trên đất Tây Nguyên
Biết họa nhưng vẫn ngang nhiên rước vào
Nay mai nước lũ tuôn trào
Ai chết cứ chết hầu bao cứ đầy
                    ( Xin đừng bàn chuyện dông dài…)

Nhịp điệu, ngôn ngữ thơ
Các nhà thơ Việt Nam rất ít tính nhạc điệu trong thơ. Tại sao? Vì ngay hát hò, họ cũng thường chỉ có khả năng hát nói. Tâm hồn thì sền sệt trĩu nặng mầu của đất ù lỳ, những xoan, những xẩm, những sến, những chèo, nên tính nhịp điệu vô cùng khó khăn. Nói chung người Việt chỉ chú tâm vào múa, không có điệu nhảy nên nhịp điệu cũng kém. Vậy mà kỳ lạ chưa cái anh già nghà quê Bành Thanh Bần lại có những vũ điệu hết sức bất ngờ cho thơ, tươi tắn, hiện đại, mạch lạc, yểu điệu đến không ngờ. Nhiều nhà thơ trẻ bẻ dép chạy theo chắc cũng không kip. Nào xin hãy nghe một số câu trong tập thơ (Rượu trời) in 2013:
Bất ngờ
Nàng ngã vào tôi
Bất ngờ
Ngã một nụ cười vào mây
Bất ngờ
Mây ngã trên tay
Tóc nàng đổ xuống ngã đầy vai tôi

                   (Trên Tản Viên Sơn)
Đấy là nguyên thể thơ lục bát, nhưng qua nhịp điệu của Bành Thanh Bần nghe tươi tắn, tốc độ lạ thường.
Ngoài nhịp điệu, họ Bành rất chịu khó chắt lọc những lời mới, tứ mới để làm giầu có cho thơ, như:
Sông Hương
Thuyền vẫn gác sào
Tình anh
Em vẫn neo vào lưng ong?
Trường Tiền cong nét mi cong
Nhớ anh đừng chớp kẻo giông bão về!      
                      (Ngoài này Hà Nội vẫn mưa)
Hay “cánh chim vỗ rỗ tầng không”( Thu Sapa), một câu có thể đi vào kinh điển. Không gian có bao giờ “rỗ”, giống như chém dao xuống nước, vậy mà họ Bành thương không gian hoặc cánh chim đến độ “vỗ rỗ tầng không”.
Và cái cách làm mới thơ cổ nghe thật mới lạ tươi tắn:
Lầu uyên ương đứng ngẩn ngơ
Liễu gầy tựa bóng sương mờ dáng mai
                            (Trên lầu uyên ương )
Về sự thành công khác lạ của nhà thơ Bành Thanh Bần, khiến chúng ta phải đặt câu hỏi: tại sao một bác lão nông học ít, khởi đầu rất muộn, lại có thể thành công nhanh đến vậy? Kinh Thánh có câu “Nhiều kẻ sau rốt sẽ trở nên đầu” Hoặc là “Hòn đá bị người thợ xây loại ra lại trở thành đá góc tường”.
Người Pháp có phương ngôn “Mọi cái lên cao sẽ hội tụ” (tout ce qui monte converge). Bành Thanh Bần bằng đôi tay của mình đã chạm trần về tiền bạc, và từ đỉnh cao đó ông tự nhiên liên thông và có nhãn quan ngang bằng những vấn đề vĩ mô của quốc gia, dân tộc, chính thế mà thơ ông có một tầm cao chạm đỉnh. Ngọt ngào thay nghịch lý ở đời khi con rùa chạy vượt con thỏ. Những con thỏ tưởng mình nhanh nhẹn lắm, xuất phát từ tuổi trẻ, nhưng cứ loay hoay đi quanh hội hè, giải thưởng, rồi đem thơ nhạt đổi lấy tiền, lấy quyền, thì bị bỏ lại phía sau là thường. Sau lưng “lão rùa già” Bành Thanh Bần, có lẽ có đến 90% cầu thủ thỏ mang áo số quốc doanh đàng hoàng vẫn đang thì thụt chạy phía sau, hoặc cứ đợi chuyến xe vét may mắn cuối cùng sẽ vớt mình lên mà trên đó có sẵn biết bao tem phiếu. Và kìa những con thỏ lại còn bắt nhịp hát bài “Hãy đợi đấy! Đợi và đợi thêm chuyến xe buýt giá rẻ… sẽ đưa chúng ta đi lĩnh giải Nobel cũng giá rẻ luôn!”