Chuyện chính trị chính em dễ gây tranh luận, mất vui. Có lần , ở nhà một kiến trúc sư, ít tuổi hơn tôi, anh sang học ở Mỹ từ trước 1975. Lấy vợ Tàu lục địa, bố mẹ vợ đảng viên Cộng Sản Trung Hoa sang chăm cháu ngoại. Bữa ấy anh mời cơm tôi cùng các bạn chữ nghĩa, có người tôi đã đọc, có người tôi mới biết lần đầu nhưng đều ở cùng thành phố. Sắp nâng rượu thì một anh chừng năm mươi đứng dạy trịnh trọng: “Thưa với anh Phương. Hôm nay là ngày Quân lực của Việt Nam cộng hòa, anh em tôi vốn là quân nhân nên có một nghi thức là chào cờ, anh có tham gia được không ạ?”. Mọi người quay nhìn tôi, thích thú lẫn tò mò chờ câu trả lời. Tôi cũng đứng lên, không trịnh trọng mà thân tình: “Chào cờ để được đãi bữa cơm thì các anh sẽ chán tôi ngay. Tôi cũng chán tôi và chán luôn các anh...”.  Tôi nói đến đấy thì một anh lớn tuổi, gạt đi: “Anh Phương đừng có tin. Nó nắn gân anh đấy. Bọn tôi có bao giờ chào cờ nào đâu!”.



Việt Kiều và câu hát của người xa đất mẹ

VŨ QUẦN PHƯƠNG
           
            Mỗi lần ngồi chuyện vãn với bà con người Việt sống ở Mỹ , ở Pháp, ở Úc, tôi rất thích nghe lại những kỷ niệm của các vị về quê hương Việt. Có thể đó là những ngày thơ bé, có khi là những chặng sống của tuổi đã trưởng thành. Trước 1945, trước 1954, trước 1975, trước đây mưoi năm, dăm năm... Mỗi người một cảnh ngộ, một thời thế nhưng những gì của quê hương xứ sở lắng vào lòng người xa nước bao giờ cũng cảm động. Tình cảm của người này đánh thức tình cảm của người kia. Thắm thiết, yêu thương, xa xót, cay đắng, hài hước... Đủ thứ tình. Khác nhau lắm. Nhưng không ai muốn tranh luận mà chỉ muốn lắng nghe. Nghe để hiểu nỗi người mà cũng để hiểu nỗi mình.
     Ở tuổi tôi, ngày Cách mạng tháng tám, lên 5, chỉ nhớ vài hình ảnh người chết đói ngay trước cửa nhà mình, người dân ào ào gậy gộc, quang thúng đi cướp chính quyền, phá kho thóc huyện Quỳnh Côi. Kháng chiến chống Pháp, ấn tượng những đêm tản cư, ngồi trong thúng chú bác gánh đi hay mảnh chiếu quàng lưng tự đi bộ theo người lớn. Năm 1954, tin ta thắng, Tây thua ở Điện Biên Phủ dội về Hà Nội. Ngày hiệp định Genève , chợ trời Hà Nội mở quanh hồ Thiền Quang. Người di cư, người tập kết. Đất nước cắt chia nhưng lại có sự hòa trộn khổng lồ các khối dân cư. Nam trộn vào Bắc, Bắc trộn vào Nam. Các thời khác chưa từng có.

            Năm 1975, thống nhất đất nước, đêm đầu vào Sài Gòn, anh Bằng Việt và tôi cùng ngủ ở cao ốc 190 Công Lý. Các bạn nhà văn giải phóng ở rừng về. Tôi thấy như hiện ra trước mắt gương mặt đứa bạn, tên Min, cũng là trẻ nhà quê ra Hà Nội trọ học như tôi đầu những năm 50 ấy. Nó ở ngõ Hàng Cỏ còn gọi là Ngõ Chân Hưng, tôi ở ngõ Tân Hưng, còn gọi là ngõ Tức Mặc. Chúng tôi học cùng trường hai niên khóa 1952-1953 và 1953-1954 nên quen rồi thân nhau lắm. Min theo gia đình ông bác đi Nam. Bây giờ thống nhất rồi nhưng tôi biết hỏi ai mà tìm nó. Rồi tôi nhớ đến các thày giáo: thày Quỳnh dạy tôi lớp nhất trường Hàng Vôi, từng an ủi tôi khi giữa lớp tự nhiên tôi khóc vì nhớ nhà. Thầy Nguyễn Khắc Kham, hiệu trưởng trường tư thục Minh Tân  rồi tư thục Văn Hóa miễn học phí cho tôi hai năm liền vì là học sinh nghèo. Tôi muốn gặp chỉ để ôn lại những ngày xa xôi ấy mà cám ơn thầy. Thầy không nhớ trò nhưng trò chẳng quên thầy. Nhưng rồi tôi chẳng gặp được thầy nào. Mãi đến năm 2010, ngồi đọc lại mấy tờ tạp chí cũ của bà con Việt xuất bản ở California, tôi mới biết cụ Nguyễn Khắc Kham đã tạ thế ở đây, thành phố San  Jose, ở tuổi 100. Tờ tạp chí tưởng niệm cụ có nhiều bài viết ca ngợi các công trình nghiên cứu văn hóa dân tộc của cụ và nhất là tấm lòng cụ đới với học trò. Tôi lặng ngồi ngắm tấm chân dung cụ trên báo, phải một lúc lâu tôi mới dần nhận ra trên đó gương mặt người thầy xưa. Sáu mươi năm, bao đổi thay xã hội, đổi thay thế sự nhân tâm. Thời gian dăng  dặc. Tất cả như ép mỏng lại để tôi nhìn rõ chính tôi của sáu mươi năm trước. Dĩ vãng hằn lên từng nét.

Mùa hè 1993, ở Paris, khi ngồi chuyện vặt những thứ ngày xửa ngày xưa này, tôi nhắc lại với nhạc sỹ Phạm Duy rằng tôi thấy ông trong quán kem cốc ở Cửa Nam 1952. Lúc đó ông cầm trên tay tập bài hát Quê nghèo in tờ rời, có ảnh Phạm Duy đeo kính trắng. Ông có vẻ thích thú nhớ ra ngày ấy. Không hiểu sao, tôi lại đột ngột hỏi ông: “Tại sao hồi ấy anh lại về thành?”. Hình như ông ngạc nhiên nhìn tôi. Có lẽ vì câu hỏi không đúng chỗ. Nhưng ông trả lời ngay: “Bực mà về thôi. Đêm ấy, cũng như nhiều đêm trước, mình vào làng nghe hát dân ca. Đấy là vùng xoan ghẹo Phú Thọ. Nghe để ghi lại chứ. Nhiều đêm về rất khuya. Nhưng đêm ấy mình về thì tay đại đội trưởng lại phạt, nhốt chuồng trâu. Muỗi đốt cả đêm. Mình con quan. Mình nổi tiếng. Đám cưới có ông Tố Hữu chủ hôn. Nó là cái thớ gì mà nhốt mình cho muỗi cắn. Thế là hôm sau bàn với Thái Thanh. Về. Đã về năm ấy thì di cư 54, di tản 75 cũng dễ hiểu thôi. Nhưng bây giờ thì tôi tính về lại Việt Nam!”. Ông Phạm Duy nhờ tôi tìm mấy ông là vốn bạn ông xưa, bây giờ là nhà văn, là nhạc sỹ, là nhà ngoại giao, vừa nổi tiếng vừa có chức, xin cho ông cái giấy mời để ông về. Ông dặn cậu phải gặp chính các ông này vì các ông ấy đã mời mình về khi gặp mình ở Paris, ở Berlin, hồi còn chiến tranh. Mình đi họp văn nghệ quốc tế mà gặp. Tôi tính hay đùa, suýt nữa buột miệng trêu ông: giấy mời mà xin thì là giấy xin chứ. Tôi kịp ngừng vì biết đây là một quyết định không dễ với một đời người. Vả lại sự đời thiếu gì những éo le, trái khoáy. Ông đã nhờ thì tôi cứ bưng về thưa lại. Ít lâu sau tôi nhận được hồi âm rằng ông muốn thì cứ về, không ai bắt bớ gì đâu, không phải giấy mời. Tôi chuyển lại. Không thấy ông Phạm Duy liên hệ gì nữa. Nhưng ngót mười năm - sau nhiều chuyến về của các con ông – ông Phạm Duy cũng đã về thăm rồi về ở hẳn tại thành phố Hồ Chí Minh. Ngày viếng ông Hoàng Cầm ở nhà tang lễ Trần Thánh tông Hà Nội, tôi mới gặp lại ông. Hai lần gặp cũng đã gần hai mươi năm. Bây giờ, Phạm Duy cũng đã thành người thiên cổ!

            Vào tuổi lớn,  tôi hay ngẫm nghĩ những cái quên cái nhớ vặt vãnh ấy của đời người. Nó như những sợi tơ mỏng mảnh, sợi nọ gặp sợi kia, ngang dọc ngấu nhiên mà dệt nên cuộc đời. Bảo quen thì cũng là quen. Ai mà chẳng đã trải qua. Bảo lạ thì cũng là lạ. Cứ nghe rồi ngẫm nghĩ, mình lạ cả chính mình. Cùng là dân Việt, cùng ở xứ người nhưng ngả đi ngả đến mỗi người mỗi khác. Trong các cuộc trò chuyện hàn huyên với những bạn viết văn đã đứng tuổi ở xứ người, tôi có cảm giác người nào cũng có ý làm mờ đi những khác biệt của mình. Người ta tránh nói đến tôn giáo và chính trị mà thường gợi tới những nét chung mọi người cùng có. Đó là những kỹ niệm tuổi nhỏ, tết nhất, quê làng... Chuyện chính trị chính em dễ gây tranh luận, mất vui. Có lần , ở nhà một kiến trúc sư, ít tuổi hơn tôi, anh sang học ở Mỹ từ trước 1975. Lấy vợ Tàu lục địa, bố mẹ vợ đảng viên Cộng Sản Trung Hoa sang chăm cháu ngoại. Bữa ấy anh mời cơm tôi cùng các bạn chữ nghĩa, có người tôi đã đọc, có người tôi mới biết lần đầu nhưng đều ở cùng thành phố. Sắp nâng rượu thì một anh chừng năm mươi đứng dạy trịnh trọng: “Thưa với anh Phương. Hôm nay là ngày Quân lực của Việt Nam cộng hòa, anh em tôi vốn là quân nhân nên có một nghi thức là chào cờ, anh có tham gia được không ạ?”. Mọi người quay nhìn tôi, thích thú lẫn tò mò chờ câu trả lời. Tôi cũng đứng lên, không trịnh trọng mà thân tình: “Chào cờ để được đãi bữa cơm thì các anh sẽ chán tôi ngay. Tôi cũng chán tôi và chán luôn các anh...”.  Tôi nói đến đấy thì một anh lớn tuổi, gạt đi: “Anh Phương đừng có tin. Nó nắn gân anh đấy. Bọn tôi có bao giờ chào cờ nào đâu!”. Đấy chuyện chính trị thì cũng chỉ đến thế. Mọi người cố tránh. Dù tránh cũng là một dạng chính trị. Nhưng như thế còn hơn. Đất nước thống nhất gần bốn mươi năm rồi nhưng lòng người vẫn còn ly tán. Biết làm sao!

            Những lúc ngồi ôn chuyện xưa, tôi lại nhớ anh Nguyễn Bá Trạc, bây giờ đang ở Phần Lan. Anh làm thơ, không nhiều. Đọc tập Ngọn cỏ bồng, xuất bản ở Cali năm 1985.  Tôi thấm nét buồn thanh nhẹ, chơi vơi không đầu không cuối trong tâm hồn con người xa xứ ấy:
Ngày xưa trong những bài hát cũ
Nay mới hay ra toàn chuyện buồn
Câu hát của người xa đất mẹ
Hát từ những thủa có quê hương.
            Anh có bài thơ lục bát Sáu cái ly nói nỗi cô đơn thật tiêu tao, độc đáo, nhẹ như không mà lưu mãi bên lòng:
Những hôm lòng sáng như trời
Tâm hiền như bụt,miệng cười như hoa
Một mình với một ấm trà
Ngồi ở trong nhà với sáu cái ly.
            Tôi đã được gặp Trạc khi anh về San Jose- Mỹ thăm con gái. Bẩy mươi rồi. Nhưng dáng cao, lưng thẳng, tóc hoa râm cắt ngắn, trông còn thanh niên lắm. Anh hỏi tôi ngay khi gặp: “Ở Hà Nội anh ở phố nào? Trước 1954 tôi ở ngõ Tức Mặc!”.

            “Ngõ Tức Mặc!” Tôi sửng sốt nói như reo: “Tôi cũng ở cái ngõ ấy, gần ga Hàng Cỏ, từ 1950 đến 1970”. Rồi tôi đứng lặng cố hình dung xem trong đám bạn lau nhau của tôi khi ấy, đứa nào là ông Trạc đây. Chịu, không tìm ra. Cái ngõ khi ấy còn là đường đất, chạy thẳng từ phố Nhi (phố Phan Bội Châu) vào, có hai nhánh rẽ ngang gọi là ngõ ngoài và ngõ trong. Ngõ ngoài có dãy hoàng lan cao vút đứng trước dãy nhà ba tầng. Phía bên kia là dãy một tầng. Trạc ở gian gác đầu dãy ba tầng. Tôi nhắc đến những nhân vật trong ngõ: Cụ bác sỹ Trần Văn Lai, gánh phở bà Chung và nhất là mấy cây hoàng lan. Trạc nhớ hết, phụ họa thêm nhiều chi tiết. Trạc nhắc tên những đứa bạn tuổi nhỏ. Trạc nói anh đã gặp họ từ chuyến về năm 1978. Trạc nói: “Minh đi bộ đội, chết ở Miền Nam. Em trai của Minh là Quyên đã đưa Trạc đi tìm bạn cũ và thăm phố xá Hà Nội 1978. Lúc đó Hà Nội không khác hồi 1954 bao nhiêu!”. Trạc kể anh đi ô tô từ Sài Gòn ra. Đến Hà Nội lúc nửa đêm. Anh ngủ lại tại một nhà trọ bến xe. Chưa sáng đã dậy, lọ mọ ra nhìn đường. Trời Hà Nội cuối năm sương giăng mù mịt. Anh cứ đi, và nhận ra cái hồ gần đấy là hồ Ha le. Bờ phía bắc hồ này năm 1954 là chợ trời lập vội bày bán bát đĩa, giường tủ, áo quần... của các gia đình sắp “dô Nam”. Bờ nam bên kia là dãy hàng cơm lợp tranh lụp xụp, đêm thắp đèn dầu, khách ăn là các ông xích lô, ba gác, dân ve chai đồng nát. Con đường phía đó còn trải đá, xe bò đi lộc cộc. Sau lưng là hồ Bảy Mẫu, ao rau muống, bãi đổ rác và khu nhà Viện trợ Mỹ Vân Hồ. Đường phố mới sáng nhọ mặt người, Trạc lần mò đi như người mộng du. Đây phố Trần Hưng Đạo. Nhà Đấu Xảo. Cái ngõ nhỏ Tức Mặc đây rồi. Dãy hoàng lan cổ thụ, vòm lá cao sẫm tối. Trạc tiến đến cây hoàng lan trước căn nhà xưa. Anh đưa hai bàn tay dọc thân cây như vuốt ve một thằng bạn cũ. Anh bỗng rùng mình, thấy lạnh người, khi nhận ra cái đinh to anh đã đóng vào thân cây khi rời Hà Nội. Cái đinh vẫn đây. Đúng nó. Anh muốn ứa nước mắt. Năm tháng ra đi không trở lại, chỉ cái đinh này vẫn chờ anh. Học xong khóa học trường Quốc gia hành chính, anh đi làm ở sở thuế Mỹ Tho. Nghề thuế không túng thiếu. Anh nhởn nhơ làm thơ, đăng thơ. Rồi lấy vợ, sinh con. Anh được cử sang Mỹ tu nghiệp năm 1974. Từ 1975, anh không còn học bổng, rời trường, tự kiếm sống ở trại tỵ nạn. Vợ con còn ở trong nước. Bảo lĩnh cho vợ con sang. Nhưng anh không còn là con người của gia đình nữa. Anh thành người phiêu bạt:
Những mái nhà xa những mái nhà
Những mái nhà không phải của ta
Nhìn trong một sáng mùa thu lạnh
Ta thấy ngoài kia những mái nhà
Những mái nhà xa những mái nhà
Những mái nhà không phải của ta
Đứng chơi giữa một mùa thu lạnh
Ta ngắm nhìn xem những mái nhà.
            Anh tự nhận mình không dính vào sự kiện chiến tranh nào. Không đi lính mà làm thuế. Tháng tư năm 1975 thì anh học ở Mỹ. Rồi từ Mỹ anh đi Nga, đi Đức Đông, Đức Tây. Đọc sách Cộng Sản cũng nhiều, lại thấy tư bản Bắc Âu cũng Xã hội Chủ nghĩa lắm, nhưng đi đường khác. Không dính vào cuộc chiến nhưng đời anh lại đích thị là hệ quả của cuộc chiến. Vì nó mà anh từ Bắc vào Nam. Vì nó mà anh xa xứ, hết định cư Mỹ lại chuyển cư Phần Lan. Nỗi nhớ quê Việt lẫn vào hoài niệm tuổi thơ, ngày càng xa lắc. Xa mà không quen được:
Có người trước lạ sau quen
Có người trước lạ... sau điên cái đầu.

            Tôi nhận ra trong thơ anh, cái ngọn cỏ bồng phiêu bạt ấy có những cơn điên đầu thật. Ngay như cái điệp khúc Những mái nhà, (...), những mái nhà không phải của ta đã như một ấn tượng, anh không định mà thành, ám ảnh cả đời anh, chất chứa nỗi lòng, như một ai đó đã bình luân: đầy hoang mang, nhớ nhung, hy vọng.