Nhạc sĩ Trần Minh Phi nhận định: "Điều dễ thấy là phần lớn các “bị cáo” thường phản ứng cùng một “kịch bản”mặc định như sau: tôi chưa từng nghe, từng biết tác giả đó bao giờ! Nghĩa là ở đây theo họ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên! Ý tưởng lớn gặp nhau! Còn nhạc sĩ Trần Tiến trước đây cũng nổi đóa vì bị quy kết một bài hát của ông có giai điệu giống một tác phẩm hòa tấu của Kitaro, và ông khẳng định như đinh đóng cột: “Tớ thì chả bao giờ nghe nhạc thằng nào cả, ngoài nhạc tớ ra!”. Tôi chắc rằng hầu hết những “bị cáo” nói bằng sự thật là họ chưa bao giờ nghe hoặc biết ông X, Y, Z  hay bài A, B, C nào đó mà tác phẩm họ bị cho là giống hay đạo. Nhưng tôi cũng nói chắc rằng họ nói bằng suy nghĩ thật nhưng không đúng với sự thật! Và dĩ nhiên ai cũng biết sự ngẫu nhiên mà xảy ra thường xuyên thì nó là một cố tình… ngẫu nhiên!"




KỸ NGHỆ ĐẠO NHẠC & LÒNG TỰ TRỌNG BỊ TỔN THƯƠNG

TRẦN MINH PHI

Những ngày vừa qua, lại thấy nóng hơn khi tình cờ đọc tin rằng “Midnight Memories” của One Direction đạo “Pour Some Sugar” của Def Leppard, và nhóm này đòi kiện ra tòa. Ngoài ra, trước đây nổi lên còn có bài “Best Song Ever” của One D giống với bài “Baba O’Riley” của The Who nữa. Nhưng ngược lại The Who không làm ầm ĩ và cho qua với suy nghĩ: ảnh hưởng nặng thôi mà!

 Chuyện này trong lịch sử âm nhạc thế giới thỉnh thoảng lại nghe lại thấy và riêng trong nhạc Việt thì thường xuyên hơn trong hơn một thập niên trước kia trở lại đây. Ban đầu nó còn nóng, còn sốt với dư luận, sau thành quen, chuyện đó thấy… bình thường và… nguội ngắt! Đến nỗi người ta có nhận ra sự giống nhau kỳ lạ của 2 bài hát thì họ bây giờ chỉ cười mỉa rồi nghĩ thầm: nhạc Việt mình nó thế! Rồi lại cho qua luôn vì có lên tiếng thì càng rách việc và thêm kẻ thù.

 Điều dễ thấy là phần lớn các “bị cáo” thường phản ứng cùng một “kịch bản”mặc định như sau: tôi chưa từng nghe, từng biết tác giả đó bao giờ! Nghĩa là ở đây theo họ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên! Ý tưởng lớn gặp nhau! Còn nhạc sĩ Trần Tiến trước đây cũng nổi đóa vì bị quy kết một bài hát của ông có giai điệu giống một tác phẩm hòa tấu của Kitaro, và ông khẳng định như đinh đóng cột: “Tớ thì chả bao giờ nghe nhạc thằng nào cả, ngoài nhạc tớ ra!”
 Tôi chắc rằng hầu hết những “bị cáo” trên nói bằng sự thật là họ chưa bao giờ nghe hoặc biết ông X, Y, Z  hay bài A, B, C nào đó mà tác phẩm họ bị cho là giống hay đạo. Nhưng tôi cũng nói chắc rằng họ nói bằng suy nghĩ thật nhưng không đúng với sự thật! Và dĩ nhiên ai cũng biết sự ngẫu nhiên mà xảy ra thường xuyên thì nó là một cố tình… ngẫu nhiên!

 Vì sao?
 Nhạc sĩ người Hi Lạp Xenakis thế kỷ trước từng đưa ra khái niệm “âm quyển”. Như tôi hiểu về ông thì âm quyển là một không gian nghe nhạc bị động mà mọi con người trong không gian đó đều bị nhiễm dù có muốn nghe hay không muốn nghe, dù có biết [ý thức] mình nghe hay không biết mình nghe. Từ thứ nhạc lành mạnh đến loại nhạc “ô nhiễm” đều đi qua đôi tai của ta như mũi ta hít thở tự nhiên mọi thứ có trong không khí, không thể phân biệt, không thể tác bạch.
 Bởi chúng ta đang sống trong một môi trường và không gian mà mọi thứ âm nhạc trên thế giới này đều vang lên ngoài vòng kiểm soát của tai nghe. Nhờ những công cụ âm thanh hiện đại và sự vô ý thức gây ồn của con người mà âm nhạc đã bành trướng và xâm nhập mọi nơi mọi lúc: khi ở nhà bị nhạc hàng xóm vang lên, khi ở nơi công cộng như bến tàu, bến xe, ga hàng không, cà phê, quán ăn… âm nhạc cũng hiện diện và xâm chiếm đôi tai. Thậm chí, “nguy hiểm” hơn, khi ta ngủ âm nhạc của láng giềng hay đâu đó như radio, tivi… vẫn len lỏi trong giấc ngủ và chiếm tài nguyên trong bộ nhớ của vô thức con người.
 Như vậy, có thể chúng ta không chủ động nghe nhưng chúng ta không tránh khỏi phải bị động nghe. Không thể tránh được trừ khi chúng ta bịt kín tai hoặc… lên rừng mà ở!
 Nếu chúng ta nghe chủ động nghĩa là chúng ta kiểm soát được “đầu vào”, biết rõ và ý thức được chúng ta đang nghe gì, nghe ai thì tất nhiên chúng ta cũng sẽ dễ dàng kiểm soát được “đầu ra”bằng chính ý thức của mình. Đến một khi nào đó, có một giai điệu quen thuộc vang lên trong đầu thì chúng ta có thể biết ngay nó là của ai và từ đâu đến. Ngược lại, khi bị động nghe, chúng ta không hoàn toàn kiểm soát được “đầu vào” nên chắc chắn sẽ đưa đến kết quả là ta cũng không kiểm soát được cả “đầu ra”. Lúc này, có một giai điệu mơ hồ trong tiềm thức chợt vang lên trong đầu sẽ khiến ta ngỡ là nó chính là sản phẩm của ta. Phần lớn bi kịch “đạo nhạc” bắt đầu từ tiềm thức âm nhạc không kiểm soát này.

 Vậy sống trong âm quyển đậm đặc và hỗn độn như vậy thì làm sao chúng ta kiểm soát được tiềm thức âm nhạc của mình?
 Chắc chắn thái độ “không nghe nhạc của ai ngoài nhạc mình” là cực đoan, là tai hại và buồn cười và nhất là… không thể, trừ khi bị… điếc như Beethoven. Hành động phù hợp và tự chủ là cố gắng chủ động nghe càng nhiều càng tốt để tăng lên biên độ của vùng âm nhạc có kiểm soát  của ý thức trong tiềm thức âm nhạc của mỗi người.
 Trong nghệ thuật cũng như âm nhạc sự ảnh hưởng lẫn nhau là tất yếu. Ngay cả thiên tài như Beethoven trong thời kỳ đầu sáng tác cũng chịu ảnh hưởng của Mozart. Nhưng sự ảnh hưởng mang tính phổ quát và với một liều lượng hợp lý tạo nên giá trị sáng tạo của người bị ảnh hưởng. Còn sự ảnh hưởng mang tính chi tiết và đậm đặc thì tạo nên sự vô giá trị của người chịu ảnh hưởng. Đôi khi còn bị quy kết nặng nề là “đạo nhạc”.
 Tôi cho rằng chín phần mười người “đạo nhạc” là nạn nhân thật sự của tiềm thức âm nhạc. Chỉ có một phần mười người “đạo nhạc” là cố tình thôi. Và thiểu số này rất khôn ngoan, tinh vi và đầy kinh nghiệm biết cách núp bóng của tiềm thức âm nhạc để tạo nên giá trị ảo của mình và đồng thời chối tội khi cùng đường. Nhưng rốt cuộc với người sáng tác là gì? Đạo kiểu gì cũng đừng nên dính vào và mang tiếng tầm thường. Hãy cực kỳ khó tính và tự kiểm soát âm nhạc mình một cách tự trọng cao độ để mình luôn chính là mình và được thiên hạ tôn trọng. Đừng làm cái bóng hay người thứ hai, thứ n trong âm nhạc.