Ông Vi Huyền Trác ngẫm đời mình lắm cái ngẫu nhiên. Ông kế thừa “gien” thông minh của ông cha nhưng không kế thừa sự ham học, ít nhất là vào thời trẻ. Ấy thế mà thi đâu đều đủ để đỗ. Nhiều cái may lắm. Lần thi Tú tài I ở Hải Phòng, đề thi toán về hình học không gian là môn ông ghét, không học, đã tính nộp bài giấy trắng, chịu điểm liệt, thì lại có báo động. Ra hầm vào thì đổi đầu bài sang đai số là môn ông sở trường. Thế là đỗ. Thi Tú Tài II, đang sợ viết bài bằng Pháp văn, thì chính quyền cách mạng lại cho thi bằng tiếng Việt. Ông lại đỗ. Đỗ xong chơi một năm cho hả chí. Năm sau, 1946, vào trường y thì năm ấy lại không phải thi, cứ ghi tên vào học. Nhốn nháo lắm nhưng mà thành sinh viên rồi cứ theo nghiệp ấy mà đi. Rồi thành bác sĩ quân y, thành giảng viên đại học y, thành giáo sư. Bây giờ lại làm thơ.



KHÔNG ĐỊNH MÀ THÀNH…

(Đọc tập thơ Hồn gửi cho ai của Vi Huyền Trác)
VŨ QUẦN PHƯƠNG


Giáo sư bác sĩ y khoa Vi Huyền Trác năm nay đã 87 tuổi. Ông dạy môn Giải phẫn bệnh lý là môn nghiên cứu tế bào người bệnh (còn sống hay đã chết), nghĩa là làm sinh thiết là phiên bản tế bào hoặc mổ tử thi tìm nguyên nhân cơ chế gây chết trên thân xác và trên hình ảnh tế bào. Năm tôi theo học y ở Hà Nội (1959-1965)  tôi có được học ông. Ông cao, đẹp. Giảng bài khúc chiết mà ít lời. Mãi khi tốt nghiệp, tôi mới biết ông là con trai nhà viết kịch Vi Huyền Đắc, hồi đó, tôi đã rất ngạc nhiên thích thú  trước mối liên hệ huyết mạch giữa ông thày thân gần của mình với nhà viết kịch nổi tiếng nhưng xa vời như trong cổ tích. Lúc đó cụ Vi Huyền Đắc sống ở Sài Gòn.  Mấy chục năm trôi qua, tôi được găp lại ông. Vừa rồi, một bạn bác sĩ mang nhờ tôi đọc tập thơ, do anh chọn từ ngót một nghìn bài thơ của thày Vi Huyền Trác. Giaó sư Trác làm thơ không đặt đầu đề, anh bạn tôi đặt đề giúp thày và làm mục lục cho hơn một trăm bài. Mỗi bài như một thoáng ý nghĩ. 
Thu
Trên cao lá rì rào
Dưới đất mưa rả rich
Thu đến rối hay sao
Một mình trên đất khách
Bâng khuâng chợt nhớ người
Đất kháchnỗi nhớ người nối nhau bằng một sợi dây cảm giác bâng khuâng. Chất thơ hơi mơ hồ kiểu thơ Haicu Nhật Bản nhưng rõ ràng là có Và tôi thì lại bị hấp dẫn vì chính chất mơ hồ ấy. Non nửa tập thơ là những bài đọc được. Bút pháp còn thật thà và ít biết biến hoá, câu chữ  còn bằng phẳng hơi đơn điệu nữa, hình ảnh nhịp điệu ít được gia công nhưng có cảm xúc thật. Điều đặc biệt là thơ không có ý định thành bài, chỉ ghi như chộp lấy nội tâm mình. Không thấy sự kiên xã hội, không thấy công việc ngoài đời nhưng lại thấy rõ buồn vui, nghĩ ngợi của tâm trạng, đôi khi thoáng một triết lý Thiền. Nhà thơ nghiệp dư và hồn nhiên này hoá ra nhằm tới lối thơ “cao cấp”: chỉ quan tâm tới những vấn đề của tâm hồn con người, dùng thơ để khám phá rồi cố định chất tâm hồn ấy lên trang giấy, như noi gương thơ các nhà sư đời Lý.

Ông Vi Huyền Trác ngẫm đời mình lắm cái ngẫu nhiên. Ông kế thừa “gien” thông minh của ông cha nhưng không kế thừa sự ham học, ít nhất là vào thời trẻ. Ấy thế mà thi đâu đều đủ để đỗ. Nhiều cái may lắm. Lần thi Tú tài I ở Hải Phòng, đề thi toán về hình học không gian là môn ông ghét, không học, đã tính nộp bài giấy trắng, chịu điểm liệt, thì lại có báo động. Ra hầm vào thì đổi đầu bài sang đai số là môn ông sở trường. Thế là đỗ. Thi Tú Tài II, đang sợ viết bài bằng Pháp văn, thì chính quyền cách mạng lại cho thi bằng tiếng Việt. Ông lại đỗ. Đỗ xong chơi một năm cho hả chí. Năm sau, 1946, vào trường y thì năm ấy lại không phải thi, cứ ghi tên vào học. Nhốn nháo lắm nhưng mà thành sinh viên rồi cứ theo nghiệp ấy mà đi. Rồi thành bác sĩ quân y, thành giảng viên đại học y, thành giáo sư. Bây giờ lại làm thơ. 

Ông Vi Huyền Trác nói: văn là môn ông học khá. Hồi trẻ thi vào trường kiến trúc, môn vẽ ông chỉ được 7/20, mà môn văn thì 14/20. Vào học kiến trúc thấy tình toán sức bền khó quá nên bỏ về. Năm 60 tuổi, một biến động mới trong tình cảm làm ông thích ngẫm nghĩ cuộc đời này, thích ngẫm nghĩ về hạnh phúc của sự sống. Ông tập Thiền, nghiên cứu Trung y (có đề xuất một số phương pháp chữa bệnh, có hiệu quả) và làm thơ, đúng ra là ghi lại những ý thơ chợt đến . Ông tin vào sự hồn nhiên, sự không định mà thành. Thì cả đời ông, những việc làm được đều như không định, ngay cả đến nghề nghiệp và thành tựu khoa học. Những việc định thì lại lỡ dở. Nhưng định hay không thì làm gì cũng phải có một kiến thức cơ bản về văn hoá về triết học làm nền tảng. Đọc thơ ông, dù bút pháp còn nghiệp dư, cũng thấy rõ sức mạnh của những kiến thức ấy. Từ kiến thức mà tạo nên cấp độ của cảm xúc, vượt qua những cám dỗ thời thượng mà tìm đến chân cảm, chân lý.


Mươi năm gần đây, nhiều cán bộ trí thức, trong đó khá nhiều là các thày thuốc, mượn thơ giãi bày tâm sự. Giáo sư bác sĩ Vi Huyền Trác đưa thơ ra với bạn bè khi đã là một trong các đại thụ của ngành. Tôi có cái thích thú được qua thơ mà đoán già đoán non về tâm sự của ông thày, mà thời còn là sinh viên, dù mến phục, tôi vẫn cứ hãi. Đọc thơ lại thấy “cụ” còn “trẻ” hơn cả mình. Thơ tình nhiều chỗ hóm, bạo, có duyên. Thơ chiêm nghiệm việc đời, luận bàn xã hội , ít thôi nhưng nhiều chỗ như đùa mà gợi vào nghĩ ngợi khá sâu sắc.