Về nhà văn Văn Định, là người viết văn xuôi, viết không nhiều nên rất ít người biết. Mà lại có nhiều người nhớ Văn Định là tác giả một bài thơ duy nhất: “Những điều ba nói với con”. Văn xuôi Văn Định mang chất hài, ngược lại bài thơ rất là tâm huyết viết vào năm 1980 nhân dịp đầy tháng của đứa con trai. Viết xong gởi báo không báo nào đăng, đành phải đăng báo nhà. Lúc đó bài đăng báo phải gởi qua ban Tuyên Huấn kiểm duyệt nên hết ban Tuyên Huấn, đến Công An mời anh lên. Suýt chút nữa anh mất chức Tổng thư ký Hội văn nghệ An Giang. May sao đến năm 1986 nhờ có Nguyễn Văn Linh mở cửa, nên bài thơ được dịp trình làng: “Đất nước bao giờ mới hết nỗi xót xa. Hết những kẻ ăn mày nằm bên vườn hoa. Hết những loài sâu bọ. Gặm nhấm tan hoang xứ sở, xóm làng”!



Văn Định và bài thơ “Những điều ba nói với con”

NGÔ KHẮC TÀI

Ai buồn, gặp Văn Định trò chuyện, lát sau bảo đảm là thấy hết buồn. Từ diễn viên đoàn văn công, anh viết bao giờ cũng không rõ để rồi trở thành nhà văn đúng là số mệnh đưa đẩy không ai biết trước.

Xung quanh nhà văn Văn Định là vô vàn những câu chuyện vui. Thiệt cũng như giả cuộc đời như là ảo vậy. Thí dụ như trong kháng chiến phân công anh đi kiếm cá về ăn. Anh vác tay lưới ra ruộng ngồi nhìn trời đất hiu quạnh thấy xung quanh lưới giăng của người dính cá anh nhảy xuống gở trộm. Đang lui cui gở lưới trộm bị chủ bắt gặp, lập tức anh giả bộ đứa vừa câm vừa ngờ nghệch đưa tay chỉ trỏ lung tung, đưa con cá lên miệng nhai sống. Ngưỡi chủ thấy vậy thương hại không bắt tội, còn cho lưới cá mang về.

 Một lần đang diễn kịch, cái quần ngâm nước lâu ngày nhè ra rách ngay chỗ kín mà anh không mặc quần trong. Lập tức anh đưa tay nắm quần mặt nhăn nhó giả bộ lên cơn suyễn được dìu ra phía sau nằm nghỉ. Tài đến nổi không ai biết đó là đóng kịch, sau đó đứng dậy tiếp tục bước ra sân khấu khiến cho mọi người xúc động… để rồi anh được bằng khen. Từ đó ăn quen hễ cơ quan có việc gì nặng, anh lại lên cơn suyễn.

Những năm đầu giải phóng Nguyễn Bá, Lê Chí, Anh Động, Văn Định là bốn nhà văn- bốn cục gạch đầu tiên từ trong rừng ra thành lập các hội văn nghệ miền Tây. Có thể nói Văn Định là một người đặc biệt, không uống một giọt rượu nhưng thích làm đồ nhậu rất là ngon mời anh em xúm lại nhậu nhẹt, để nhìn. Nhưng anh em chưa say, kẻ không uống rượu lại say mặt mũi đỏ tía nói chuyện tía lia, ôm đàn hát nghêu ngao. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng cho Văn Định có tiếng đàn lẳng lơ, tôi thấy cũng đúng vậy.
 Ghiền thuốc lá, thay vì mua gói thuốc lá bỏ túi cho ra vẻ cán bộ Tổng thư ký Hội văn nghệ, nhưng không, đi đâu anh kè kè theo bên hông một bọc thuốc rê to tướng, hút liên tục vấn hết điếu nầy qua điếu khác như ống khói tàu. Có lần vô mùng đọc sách, hút thuốc rồi ngủ quên chút xíu nữa là biến thành con heo quay.

Văn Định là vị thủ trưởng rất đặc biệt, thích dùng cái hài để quên cái bi. Hài hước dễ quy tụ mọi người, nhất là giới văn nghệ tay nào tay nấy không vừa. Văn nghệ An Giang mấy năm đầu giải phóng rất là mạnh, phát triển đứng đầu miền Tây, phần lớn là do công của Văn Định. Tôi còn nhớ rất rõ, thuở ấy anh em nghèo lắm đến độ buổi sáng không có tiền ăn sáng uống cà phê. Một hôm rủ nhau vô quán rồi ngẩn người ra nhìn vì tưởng ai cũng có tiền, lập tức vị thủ trưởng nói “để tao”. Anh em tò mò thấy Văn Định bỗng dưng hóa thành con người khác miệng méo xẹo, tay co lại chân đi cà nhắc đầu tóc bù xù giống như một gả què đi ăn xin. Anh bước ra ngoài quán đi một vòng quanh công viên đi qua mấy dãy phố để xin tiền, lát sau trở lại chẳng những đủ tiền để trả cà phê, còn dư mua bao thuốc lá Hero.

Với tôi, nhà văn có mấy loại. Một là viết được, nói sống chơi được. Hai là không viết được, cuộc sống ăn nói nghe được. Ba là nói sống thấy được nhưng không viết được, thì trước sau cũng có tác phẩm gì đó để đời. Còn loại thứ tư chẳng những viết không được mà sống cũng chẳng ra hồn vía. Thôi thì nhà nước đừng trông đợi cứ việc tiếp tục phát lương cho họ đến hết đời. Nhà văn viết cho nhiều thật sự người ta chỉ nhớ một vài tác phẩm như xong bổn phận kiếp tằm nhả tơ. Thí dụ như  Xuân Diệu, Huy Cận cả các ông Nguyễn Tuân, Marquet một số bài hay bên cạnh có nhiều cái đọc rất là ngán ngẩm.

Về nhà văn Văn Định, là người viết văn xuôi, viết không nhiều nên rất ít người biết mà lại có nhiều người nhớ Văn Định là tác giả một bài thơ duy nhất: “Những điều ba nói với con”. Văn xuôi Văn Định mang chất hài, ngược lại bài thơ rất là tâm huyết viết vào năm 1980 nhân dịp đầy tháng của đứa con trai. Viết xong gởi báo không báo nào đăng, đành phải đăng báo nhà. Lúc đó bài đăng báo phải gởi qua ban Tuyên Huấn kiểm duyệt nên hết ban Tuyên Huấn, đến Công An mời anh lên. Suýt chút nữa anh mất chức Tổng thư ký văn nghệ An Giang. May sao đến năm 1986 nhờ có Nguyễn Văn Linh mở cửa, nên bài thơ được dịp trình làng.
Nghiệp viết văn, làm thơ sợ nhứt là bị người đời quên lảng, được người nhớ đó là hạnh phúc, niềm vui. Tên tuổi Văn Định gắn với ký ức nhiều người qua bài thơ “Những điều ba nói với con”. Theo tôi bài thơ thật tình cũng bình thường, không hay lắm, nhưng nó trở nên hay vì được viết vào năm 1980, đến năm nay là được 34 năm trôi qua… vẫn còn giữ nguyên tính thời sự, nghe buồn làm sao. 

Vào năm 1980, điện thoại internet chưa phổ biến mà viết như vậy, coi như Văn Định giống như gã hề lại có suy nghĩ, thấy trước nhiều người. Và đứa con mới đầy tháng tuổi kia nhờ bài thơ mà trở nên người tử tế làm giám đốc Resort Xóm Chài tỉnh Phan Thiết. Khách đến đây nghỉ và đi đều vui lòng, đặc biệt Resort ưu ái cho khách là giới văn nghệ sĩ gặp nhau để hàn quyên. Ôi có một thời trai trẻ, một thời đẹp làm sao và cũng có một thời chả ra làm sao!


NHỮNG ĐIỀU BA NÓI VỚI CON
(Tặng T.V thân yêu)

Khi con lớn lên bằng ba bây giờ
Có thể cuộc đời và bầu trời đổi khác
Có thể suốt ngày con ca, con hát
Loài người vui như một giấc mơ
Con sẽ viết văn và làm thơ
Chung quanh là điện tử
Nếu đói chỉ cần nhấn nút, có món ngon vật lạ
Nếu buồn thì niềm vui hiện ra
Nhưng chừng ấy làm sao có nỗi buồn và giận dữ

Thế giới huy hoàng chỉ có hoa
Không có tiếng khóc tiếng la
Người ta nói với nhau bằng thơ bằng nhạc
Nguyên tử để làm cho tàu xe chạy nhanh
Chở con đi chơi vòng quanh trái đất
Nguyên tử làm mượt mái tóc xanh
Biến những cô gái xấu thành tiên trong tranh
Tha hồ con yêu mến!
Nhưng con ơi
Có những con đường đi hoài chưa đến…

Ngày xưa ông nội nói với ba
“Khi lớn lên con sẽ thấy hoa muôn màu, tranh trăm sắc
Bắc Nam không còn chia cắt
Con người  không còn xấu xa!”
Cái thế giới đầy hoa
Ông nội dành cho ba nên ba mươi năm trời dầm bom đội đạn
Ngủ rừng, nằm bụi, ăn rau
Cho đến sức cùng, lực kiệt…

Mười  lăm  năm ba ngập mình trong chiến tranh
Nửa phần đời lửa đạn vây quanh
Làm người lính vào ra sống chết
Mười lăm năm ba không mỏi mệt
Giành cho con cái thế giới đầy hoa
Cõi  thiên đường, ông nội hằng ao ước cho ba !

- Con có thể không tin là sự thật
Chuyện của ba của mẹ bây giờ
Nhưng con ơi, đừng bao giờ đánh mất
Những sự thật phũ phàng như một giấc mơ
Ba không muốn sống như kẻ cầu cơ
Không muốn như con mèo muốn ăn cơm phải nằm canh bồ lúa
Như con chó giữ nhà phải sủa để được no
Đất nước nghèo ăn cơm trộn bo bo
Lương mỗi ngày mua tròn trứng vịt
Xẻ làm tư để con còn có thịt
Để lớn lên con hiểu được bây giờ!

Những đồng tiền ít ỏi chỉ để dành mơ ước
Chợ đỏ chợ đen thịt cá không mua được
Con đừng lầm, chợ cũng có bán hoa
Bán chim én, kẻ có tiền mua thả ra làm phước
Chợ để dành cho kẻ ăn trên ngồi trước
Để dành cho những tên hay nói, ít làm
Để dành cho những tên ăn cắp, gian tham
Những kẻ không muốn xây trường học
Không muốn có nhà thương để trẻ em nằm!

Đất nước về đâu khi còn những con nòng nọc
Sống nhờ cái đuôi chỉ biết lừa biết lọc
Cái đầu chỉ để dạo chơi…
Đất nước bao giờ mới hết nỗi xót xa
Hết những kẻ ăn mày nằm bên vườn hoa
Hết những loài sâu bọ
Gặm nhắm tan hoang xứ sở, xóm làng!

Nói cho con nghe mà lòng ba nhức nhối
Thà làm con người còn hơn lũ dơi ăn tối
Ba cũng muốn sống có đầy đủ tiện nghi
Nhưng phải bằng đôi tay với sức lực mình tạo lấy!

Bởi làm người nên ba có niềm tin
Phải bước khác đi những luân lý cũ mòn
Dẫu có phải dầm mình trong lửa
Mới có  mặt trời mọc giữa bình minh
Khi con lớn lên bằng ba bây giờ
Có thể cuộc đời và bầu trời đổi khác
Có thể suốt ngày con ca, con hát…


                Tháng 4 năm 1980