Ai từng cộng tác với Trần Tuấn Hiệp đều biết rõ điều này: Trong mỗi bộ phim anh đảm nhiệm hầu như gần hết các vai trò: tác giả kịch bản, chọn cảnh và chọn người để đưa vào ống kính (chỉ đạo trên trường quay), dựng phim, chọn nhạc, viết lời bình. Nhiều trường hợp anh đã giằng lấy camera trong tay quay phim để kịp thời ghi được một hình ảnh như ý muốn. Việc anh bám sát để bày vẽ, chỉ bảo cho người ghi hình phải quay thế này, phải làm động tác máy thế kia, phải sử dụng nguồn sáng trời hay nguồn sáng đèn…, anh cũng đã “lấn sân” công việc của tay quay rất nhiều.




TRẦN TUẤN HIỆP NHÌN THẤY VẺ ĐẸP TỪ NGƯỜI THẬT VIỆC THẬT

TÔ HOÀNG

            Tôi đã may mắn có dịp theo Trần Tuấn Hiệp khi anh từ bên báo “Thế giới Điện ảnh” chuyển sang Ban Văn nghệ - VTV (vào mùa hè năm 1997) ghi hình những cuốn phim phóng sự, hoặc tài liệu chân dung đầu tiên. Tính từ ngày đó cho tới hôm nay, không thể phủ nhận được, Trần Tuấn Hiệp đã đạt rất nhiều kỷ lục: Đi nhiều cây số nhất. Đi xa nhất. Đạt thời lượng màn hình lớn nhất tính gộp tất cả những bộ phim anh đã làm. Tôi mạnh dạn hơn, xin nêu một kỷ lục khác: Làm phim ít tốn kém nhất với chi phí ít nhất mà đạt hiệu quả cảm xúc rất đáng ghi nhận.

Trở lại các chuyến đi cùng Hiệp khi anh quay những bộ phim đầu tiên. Dạo ấy (và chắc bây giờ cũng vậy) tài vụ của VTV không hào phóng gì khi cấp tiền vé máy bay, vé xe đò, tiền lưu trú cho một nhóm 4, 5 người bay từ Hà Nội vào Tp Hồ Chí Minh, đi tiếp lên Đà lạt hoặc xuống Cần Thơ, Bến Tre… quay một chân dung, hoặc một phóng sự dài chừng trên dưới 20 phút. Mà Hiệp- như anh tâm sự - lại muốn tìm đề tài ở những vùng đất lạ chứ không muốn dẫm chân lên những gì đã trở thành sáo mòn.
Vào những năm tháng ấy, phóng viên truyền hình VTV ở Hà Nội xuất hiện ở phương Nam còn ít ỏi, thưa vắng lắm. Và phim phóng sự tài liệu về phương Nam chiếu trên màn ảnh VTV cũng còn là “đặc sản”. Hiệp xuất hiện ở Sài gòn và các tỉnh thành, làng quê phía Nam như đi chợ. Chỉ hơn một năm sau, đồng nghiệp và người chăm xem VTV trong Nam lập tức lưu tâm tới những bộ phim phóng sự hoặc chân dung mang gương mặt, giọng điệu lạ, cùng cái tên Trần Tuấn Hiệp.

Tìm hiểu mới hay, cái “tài” trước tiên của Hiệp là xòe ra 3, 4 đề cương và thuyết phục “sếp” to “sếp” nhỏ sao để cho anh trong một lần xuất quân quay luôn ba, bốn phim. Quay xong, dựng xong nghiệm thu một thể. Đồng tiền chi ra như vậy được dư dả hơn. Càng dư dả hơn nữa, nếu trang bị thật gọn nhẹ: Máy quay mượn cơ quan Thường trú VTV tại Tp Hồ Chí Minh. Nhóm quay chỉ gồm 2 người. Máy ghi âm đồng bộ không có. Hiệp mua một chiếc cần câu tre đâu đó ở phố Hàng Bè, Hàng lược Hà Nội- thứ cần câu ống nọ đút vào ống kia gọn nhẹ, buộc thêm cái mic vào và Hiệp kiêm luôn nhân viên ghi âm. Còn những anh bạn ghi hình ư? Hiệp tận dụng “người nằm vùng” là Quốc Thành ( bạn đồng khóa với Hiệp ở Trường Sân Khấu- Điện ảnh Hà Nội, lúc đó đang là tay máy quay phim truyện loại cứng cựa thuộc Hãng phim Giải Phóng ở Tp Hồ Chí Minh. Nếu Quốc Thành bận, thì kéo theo Nguyễn Văn Tuấn, tay quay từ VTV. Chấm hết 
!
Cái “tài” thứ hai của Hiệp- dần dà đã trở thành phong cách riêng của anh: Dù làm phim phóng sự-tài liệu- không giống với nhiều đồng nghiệp khác chỉ chăm chắm lo gột dựng những việc, những người được kể; nội dung hoặc tư tưởng chủ đề sự việc hoặc mẫu người là đối tượng ghi hình, Hiệp hết sức quan tâm, chăm chút, giành nhiều tâm sức cho phần hình ảnh (góc quay, ánh sáng, động tác máy…) của bộ phim tương lai. Anh trực tiếp ngắm vi-dơ, hỏi tỉ mỉ quay phim ý định xử lý máy quay, cùng quay phim chăm lo tới từng chi tiết vặt vãnh sẽ lọt vào ống kính. Nói không ngoa rằng, Hiệp đã bắt quay phim “lên bờ xuống ruộng”; đã “hành” quay phim đến toát mồ hôi hột, đến “bỏ bữa trưa, lần lưa bữa tối”. Nhiều lúc tôi có cảm giác đến ghi hình phim truyện (dĩ nhiên là tôi nói đến phim truyện truyền hình nhiều tập hiện nay) đạo diễn cũng không đầu tư nhiều công sức, thời gian cho mỗi khuôn hình như thế. Trần Tuấn Hiệp đòi hỏi người cộng tác với mình (nhà quay phim) lao động với một cường độ cao, còn bởi lẽ Hiệp như gã đi buôn luôn luôn thấp thỏm vì lo đồng vốn của mình (phim nháp quay được) không đủ để anh thỏa mãn những mặt hàng đủ dáng vẻ anh mua vào, bán ra.

Trần Tuấn Hiệp đã “hành tội “ Quốc Thành, Nguyễn Văn Tuấn và sau này một số tay máy khác đến “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” như thế, nhưng anh em đều tự giác, vui vẻ và mau mắn nỗ lực thực hiện đến cùng những yêu cầu của Hiệp. Lý do đơn giản: Vì Hiệp cũng xốc vác, năng nổ, cũng hết lòng với từng ý tưởng, từng cảnh quay và chính nhiệt tình, tình yêu và ý thức trách nhiệm đối với từng khuôn hình, từng trường đoạn phim của người đạo diễn không chỉ đã cuốn hút, đã truyền lửa cho những tay quay bạn hữu mà còn tạo cho người cộng tác của mình cảm giác, họ đích thực trở thành đồng tác giả của bộ phim tương lai. Điều này có lẽ đã là một trong những bí quyết thành công ở các bộ phim của Trần Tuấn Hiệp  

Với những phóng sự dài hơi sau này như “Ký sự biển đảo”, “Ký sự mùa thu vàng” cũng vậy. Nhiều tay quay trẻ làm phim dài ngày, dài tập với Hiệp đã tâm sự với người viết những dòng này: “Đi với anh Hiệp em rút ra được bao điều bổ ích cho công việc ghi hình của một người quay phim phóng sự-tài liệu”. ”Thật là một khóa học quý giá. Trường sở không có điều kiện và kinh nghiệm để dạy chúng em thế nào là quay phim phóng sự, tài liệu như anh Hiệp”. Có tay máy trẻ còn đi xa hơn thế: “Cũng vẫn là em quay thôi, nhưng vào phim của anh Hiệp chúng sống động, tươi tắn, mang hồn cốt rõ ràng. Còn với đạo diễn khác vẫn hình ảnh của em, sao trở nên chệch choạc, rời rạc, khô rang, hệt như người khác quay!”.

Trong những bộ phim phóng sự, phim chân dung của Trần Tuấn Hiệp, Người và Việc đan quện vào nhau nhưng bao giờ Người cũng là cái đích nhắm tới. Mọi quan sát, chộp bắt chi tiết đều sắc sảo, tinh tế; đường giây dẫn đắt rõ ràng; kết cấu chặt chẽ; lời bình dung dị nhưng sâu sắc có sức khái quát cao… Nhiều người nói Trần Tuấn Hiệp đã mang cặp mắt, cách cảm thụ và diễn đạt của nhà báo để làm phim phóng sự, tài liệu. Có gì tách bạch nhỉ, giữa nhà báo và người làm phim thể loại người thật việc thật đây? Quả là Trần Tuấn Hiệp đã từng tốt nghiệp Khoa Lý luận Phê bình Trường Sân khấu- Điện ảnh Hà Nội. Sau đó nhiều năm liền anh là phóng viên của tờ tạp chí “Thế giới Điện ảnh”. Ấy thế nhưng đã từng có nhiều nhà báo viết, nhà báo nói, nhà báo hình được đào tạo đúng “quy lát” bài bản của ngành báo, nhưng phim của họ vẫn khô rang, vẫn rời rạc, không tránh khỏi cung cách “gom” tất cả những gì nghe và nhìn thấy để thành một bộ phim. Trần Tuấn Hiệp hình thành và tác nghiệp một cách khác. Theo ức đoán của riêng tôi, ngay khi học lý luận, phê bình phim,  anh đã rất chịu khó ngó nghiêng sang các lĩnh vực khác của quy trình làm phim; anh đã ngẫm nghĩ, mày mò để tìm cho ra cái hạt nhân của thứ nghệ thuật tổng hợp này nằm ở chỗ nào. Còn khi viết bài phê bình phim, phải la cà nhiều qua các phim trường, gặp gỡ trò chuyện với đạo diễn, nhà biên kịch, tay quay, diễn viên- đặc biệt khi xem phim của họ, chắc hẳn trong anh đã bùng nổ những cuộc tranh cãi về cái được, cái chưa được và tuy không nói ra nhưng anh đã thầm cười vào mũi họ vì những gì ngô nghê, ngớ ngẩn, tầm tầm hàng xén họ đã mắc phải để thầm ao ước có ngày anh được …ra tay.

Đối với Trần Tuân Hiệp- kịch bản dành cho một bộ phim Phóng sự- Tài liệu chỉ là một cái cớ, một sự phác hoạch, một dự cảm chợt nẩy, giống như một góc phương vị của một con đường cần đi, sẽ phải đi. Sự việc, kể cả bản thân con người là sự đổi thay từng ngày từng giờ. Sự phong phú, phức tạp, những diễn tiến, những biến động… nằm tất cả ở phía trước. Và chính những gì đột ngột, bất ngờ nhất mới là điều thú vị, cái đặc sắc mà ống kính cần chộp bắt cho được, đồng thời đấy cũng là những món ăn màn ảnh ngon nhất mà người xem chờ đợi. Kịch bản của tất cả những bộ phim ngắn hoặc dài của Hiệp đều được hình thành ngay ở nơi quay, trước mỗi cuộc trò chuyện, gặp gỡ. Xin nói luôn, cả ý đồ dựng, cả lời bình trong các phim của Hiệp cũng dần dà được hình thành, được gom tích qua mỗi ngày làm phim. Chính ở điểm này mới bộc lộ ra năng lực không phải ai cũng có được của một nhà báo khi bắt tay làm phim tài liệu. Anh giống như người ra chợ phải nâng lên đặt xuống từng miếng thịt, từng mớ rau, rồi nhắm xem ở buổi chợ hôm ấy còn bán thêm những thứ gia vị gì. Chỉ khi gom đủ mọi thứ cần thiết anh mới quyết định xào, nấu, chưng, kho ra sao. Rất đáng tiếc cho tới tận hôm nay, một thói quen hình thành trong cung cách làm phim phóng sự-tài liệu ở nhiều đài truyền hình là người ta nhất trí nghĩ ra một thực đơn trước, sau đó mới đi chợ và ra chợ chỉ săm sắn mua bằng được thứ rau thứ thịt gì để “chế” ra các món ăn nghĩ trước kia thôi!
Ai từng cộng tác với Trần Tuấn Hiệp đều biết rõ điều này: Trong mỗi bộ phim anh đảm nhiệm hầu như gần hết các vai trò: tác giả kịch bản, chọn cảnh và chọn người để đưa vào ống kính (chỉ đạo trên trường quay), dựng phim, chọn nhạc, viết lời bình. Nhiều trường hợp anh đã giằng lấy camera trong tay quay phim để kịp thời ghi được một hình ảnh như ý muốn. Việc anh bám sát để bày vẽ, chỉ bảo cho người ghi hình phải quay thế này, phải làm động tác máy thế kia, phải sử dụng nguồn sáng trời hay nguồn sáng đèn…, anh cũng đã “lấn sân” công việc của tay quay rất nhiều.

Phim của Trần Tuấn Hiệp có “cái duyên” rất riêng. Cái duyên ấy – nói cụ thể ra, là Hiệp có một thứ “nhựa mít”, thứ “keo Con Voi” để có thể “dính” mọi chuyện, mọi việc thành phim được. Xem phim của Hiệp vừa có cảm giác anh lan man, sa đà vừa suýt xoa thán phục vì cái tài “úm ba la” của riêng anh để dường như chuyện gì, người nào lọt vào mắt anh đều trở thành chất liệu lý thú, đầy hấp dẫn của bộ phim tương lai. Cụ thể hơn nữa, cái duyên, cái tài phù thủy của riêng anh vốn là thứ trời phú cho những ai làm văn học nghệ thuật. Nói như nhà văn Nguyễn Khải cái tài ấy là “năng lực gọi thành tên cho mỗi sự việc, mỗi hiện tượng mà những người khác chỉ cảm nhận thấy như thế mà không biết đặt tên là gì”.
Nêu ra vài ví dụ. Anh chị đã biết, đã quen nhà nhiếp ảnh Phước Khùng ở thành phố cao nguyên Đà Lạt rồi. Một chút lập dị, cái khác người, một tấm lòng trong sáng, một sự đam mê ít gặp. Nhưng không ai dám nghĩ tới việc làm phim về Phước Khùng. Hiệp bắt tay quay và cấu tứ phim. Và rồi điều phim muốn kể, muốn nói với người xem vừa ẩn náu vừa lồ lộ bằng cái tít phim “M.P.K- đứa trẻ nhiều tuổi”. Cũng như vậy, ai đã từng quen biết, kết giao để hiểu thấu đáo vui buồn, thành bại, những chiêm nghiệm ngọt ngào, đắng cay của nhà thơ Phan Vũ hẳn sẽ bái phục cái tít phim “Một đời rong chơi” trong bộ phim Hiệp phác dựng chân dung của nhà thơ! Những ví dụ như vậy kể ra bao giờ cho hết! 

Những năm đầu thế kỷ 21, giới làm phim phóng sự tài liệu ở nước ta bỗng như nổi sóng vì tìm ra một phương pháp làm phim mới, được gọi tên theo tên ông thày người Pháp- Varan. Nhiều anh chị theo khóa do ông Varan hướng dẫn kể cho tôi nghe những gì mà ông Varan truyền giảng; chiếu cho tôi xem những bộ phim của họ làm theo  lời chỉ dẫn của ông Varan. Tôi tủm tỉm cười thầm quả là Bụt chùa nhà không thiêng. Việt Nam ta đã từng có ông Varan. Hồi chiến tranh đó là nhà quay phim Kiều Thẩm với những thiên phóng sự về thanh niên xung phong ở Đường 20; đó là đạo diễn Nguyễn Kha biên chế ở Xưởng phim Quân đội với một loạt phim phóng sự về những điểm nóng ở Khu 4 cũ, trên đường Trường Sơn… Còn bây giờ là Trần Tuấn Hiệp ở VTV!
Hạt nhân của phương pháp Varan là để bộ phim tuân thủ theo logic của đời sống, tuyệt nhiên không bóp nặn, khuôn đúc theo ý đồ chủ quan đã có sẵn từ trước. Nhưng nhiều anh chị em đã hiểu và vận dụng sai phương pháp này. Họ tưởng như cứ gặp gì ghi nấy, không cần sàng sẩy, lựa lọc gì hết; vừa quay vừa ghi tiếng đồng bộ và như vậy phim sẽ khách quan, tránh sự sắp xếp bày đặt. Họ quên mất rằng để phim tự nhiên, không khuôn bó, gò ép  chính là lại cần tới sự tìm hiểu, điều nghiên cặn kẽ; sự chọn lọc chu đáo, kỹ càng. Andrei Tarkovsky, một đạo diễn tầm cỡ của Nga-Xô Viết và thế giới đã có một câu nói nổi tiếng như sau: “Càng phát huy cao độ nhất cái chủ thể càng tiếp nhận một cách đầy đủ, bản chất nhất cái khách thể”.  Với công việc sáng tạo văn chương nghệ thuật mọi lầm lạc, sai trái đều sinh ra khi người ta hạ thấp, xem nhẹ cái chủ thể; mong đếm số những cánh tay giơ lên để xác lập cái hay, cái giở của một cuốn sách, một bộ phim!

 Trong phim phóng sự-tài liệu, “cái hoành cách mô” quan trọng nhất để hắt hết sỏi cát, cặn bẩn ra, chỉ tiếp thụ những gì làm thành máu thịt- đấy chính là toàn bộ sự trải nghiệm, vốn sống, bản lĩnh nghề nghiệp, độ trực cảm của chính người đạo diễn. Trần Tuấn Hiệp có cái màng lọc mà ít ai có được ấy. Anh am tường đời sống, đọc nhiều, giao du rộng (không chỉ với giới điện ảnh và truyền hình), luôn luôn gắn bó mật thiết với những biến động bên ngoài. Và điều này còn quan trọng hơn, anh luôn biết tự vấn mình, tức không hài lòng với những gì đã định hình, đã có. Để luôn luôn được nạp thêm kiến thức và sự trải nghiệm. Để luôn luôn làm mới mình. Điểm mạnh này, cái chủ quan này tạo nên tất cả những điểm mạnh khác của Trần Tuấn Hiệp!
Các nhà văn lão thành như Trang Thế Hy, Sơn Nam, Nguyễn Khải tựa như đều muốn xua đuổi những ống kính truyền hình khi họ muốn tóc mách, tọc mạch vào chuyện văn nghiệp hoặc chuyện đời riêng tư của các ông. Nhưng chỉ cần ngồi trò chuyện với Trần Tuấn Hiệp 15 phút, nửa tiếng các ông vui vẻ nhận lời để họ làm phim về mình. Điều còn lạ hơn nữa, phim làm xong, Hiệp đem chiếu cho các ông xem, họ không hề kêu ca, phàn nàn khúc này đoạn khác và đều nồng ấm nắm chặt bàn tay anh đạo diễn, như một lời cảm ơn tự đáy lòng.
Bước qua năm Giáp Ngọ, cầu mong cho Trần Tuấn Hiệp “chân cứng đá mềm”, đường đời dù lắm chông gai, thử thách, với máy quay như khẩu A.K trong tay, anh không bao giờ chịu khuất phục, không bao giờ đầu hàng…

TP Hồ Chí Minh ngày cuối tháng 12 năm 2013