Sòng phẳng mà nói, ngành du lịch Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi vòng lẩn quẩn được đúc kết thành 8 chữ trớ trêu “sản phẩm nghèo nàn, dịch vụ yếu kém”. Con số khách quốc tế đã đến Việt Nam và quay trở lại, vẫn nằm ở mức rất thấp. Để cạnh tranh với các thị trường du lịch trong khu vực, Việt Nam phải lấy tiêu chí thân thiện làm nền tảng. Một chủ nhà áp dụng sáng kiến móc túi khách viếng thăm một cách vô cớ và phi lý, cũng được gọi là thân thiện chăng? Với cái hóa đơn cộng thêm 1 USD, những đơn vị khách sạn và những công ty lữ hành sẽ phải giải thích thế nào với khách quốc tế? Trả lời, do chúng tôi đang túng thiếu ư, do chúng tôi đang khó khăn ư? Chẳng đặng đừng, khách quốc tế sẽ trả 1 USD cho mỗi đêm lưu lại Việt Nam, nhưng sự niềm nở trên đôi môi họ sẽ biến mất và thay thế bằng sự hoài nghi trên ánh mắt kinh ngạc!



1 USD VÀ THƯƠNG HIỆU QUỐC GIA

Tại Hội nghị doanh nghiệp du lịch 2013 vừa tổ chức ở Hà Nội, nhiều cử tọa đã không giấu được sự băn khoăn khi nghe ông Nguyễn Văn Tuấn – Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhắc đi nhắc lại tính cần thiết của việc đề xuất thu thêm 1 USD mỗi đêm đối với mỗi khách quốc tế, nhằm… kiếm tiền bổ sung cho các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch nước nhà. Câu chuyện 1 USD ấy dường như không còn thuộc phạm trù kinh tế nữa, mà lại dấy lên nhiều ái ngại khác!

Cứ làm phép tính cụ thể, hàng năm có khoảng 7 triệu khách quốc tế đến Việt Nam, trung bình mỗi khách lưu lại 3 đêm. Với đề xuất hơi mạo hiểm trên, có thể thu được hơn 40 tỷ đồng. Hiện tại, kinh phí xúc tiến quảng bá du lịch mỗi năm được Chính phủ cấp khoảng 30 tỷ đồng. Như vậy, lấy tiền khách quốc tế để.. lôi kéo khách quốc tế, quả là một bài toán không tệ. Thế nhưng, không ai lường trước hậu quả sẽ như thế nào!
Sòng phẳng mà nói, ngành du lịch Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi vòng lẩn quẩn được đúc kết thành 8 chữ trớ trêu “sản phẩm nghèo nàn, dịch vụ yếu kém”. Con số khách quốc tế đã đến Việt Nam và quay trở lại, vẫn nằm ở mức rất thấp. Để cạnh tranh với các thị trường du lịch trong khu vực, Việt Nam phải lấy tiêu chí thân thiện làm nền tảng. Một chủ nhà áp dụng sáng kiến móc túi khách viếng thăm một cách vô cớ và phi lý, cũng được gọi là thân thiện chăng?

Với cái hóa đơn cộng thêm 1 USD, những đơn vị khách sạn và những công ty lữ hành sẽ phải giải thích thế nào với khách quốc tế? Trả lời, do chúng tôi đang túng thiếu ư, do chúng tôi đang khó khăn ư? Chẳng đặng đừng, khách quốc tế sẽ trả 1 USD cho mỗi đêm lưu lại Việt Nam, nhưng sự niềm nở trên đôi môi họ sẽ biến mất và thay thế bằng sự hoài nghi trên ánh mắt kinh ngạc!

Nhiều quốc gia phát triển đã xác định du lịch là một ngành công nghiệp không khói. Tất cả những điều đẹp đẽ nhất của từng dân tộc đều mang ra khai thác tích cực, để khuyến khích du khách xài tiền. Không có nơi nào nghĩ ra trò bắt du khách… nộp tiền. Xin lưu ý, xài tiền và nộp tiền là hai khái niệm dị biệt, không thể hồn nhiên đánh đồng hoặc ngây ngô nhầm lẫn!

Một đất nước chưa có những công trình vĩ đại gây hứng thú cao độ cho khách quốc tế, thì yếu tố văn hóa giữ vai trò rất quan trọng. Đừng vì 1 USD lạm thu mà không cân nhắc cho thương hiệu quốc gia. Phương pháp “bóc ngắn cắn dài” và “giật gấu vá vai” có thể hữu hiệu ở một góc chợ nào đó, nhưng chắc chắn không phù hợp với ngành du lịch thời hội nhập!


                                  LTN