Truyện Kiều có câu “đã mang cái nghiệp vào thân”, thật đúng với số phận của Vũ Tự Lẫm. Bao lần toan bỏ nghề ca hát, ấy nhưng bao đêm đóng cửa tắt đèn muốn ngủ quên sự đời, thì con tim chứa chất máu mê nghệ sỹ lại trỗi dậy, kéo anh dậy, lại lẩm nhẩm một vài lời ca cổ. Không lẩm nhẩm được nữa, rồi anh bật  tiếng hát. Không chỉ hát một mình, anh lay thức người vợ hát theo. Hát chay không đàn sáo. Hát da diết như giãi bày. Rồi giọng hát nền nẩy lại bốc lên như nhập đồng, như mê sảng. Rồi đêm này kéo đêm khác, Tự Lẫm quặn thắt hát. Vợ chồng cùng hát. Hát như để cởi trói tâm trạng bế tắc của chính mình.



VŨ TỰ LẪM  CHƠI CHO GƯƠNG VỠ LẠI LÀNH...

VŨ TỪ TRANG
            
            Trong đời sống mỗi con người, có những giây phút, những sự kiện trở thành kỷ niệm không dễ gì quên được. Với anh hai quan họ Vũ Tự Lẫm, thì đấy là những ngày tháng tham gia đóng phim truyện “Đến hẹn lại lên”. Vậy là đã bốn chục năm, nhưng mỗi lần nhắc lại những ngày tháng đó, tâm trí anh lại chộn rộn bao buồn vui khó tả.

            Vũ Tự Lẫm còn nhớ như in ngày anh rời làng lên đoàn quan họ Bắc Ninh. Đấy là cuối năm 1968, khi anh còn là chàng trai mười bảy tuổi. Một bữa, được tin đoàn quan họ tuyển diễn viên, anh háo hức ghi tên thi tuyển. Tuy không phải là người quê làng quan họ gốc, nhưng với khiếu ca hát bẩm sinh và cách truyền cảm chứa chất nhiều cảm xúc, anh đã trúng tuyển vòng đầu. Một lớp diễn viên trẻ khi ấy, như Lệ Ngải, Thúy Cải, Xuân Mùi, Hai Tráng, Vũ Tự Lẫm...sớm trở thành đội ngũ diễn viên xuất sắc của đoàn quan họ.
          Vùng Kinh Bắc, vốn từ xa xưa đã là cái nôi của quan họ. Bốn chín làng quan họ gốc dải khắp vùng đất trù phú ven sông Đuống, sông Cầu. Bao hội hè đình đám náo nức, tưng bừng mở tràn mùa xuân, cờ phướn cờ hội ngây ngất bay từ làng này tới làng kia. Quan họ hát thâu đêm suốt sáng trong nhà, dưới mái đình, bên rặng tre, bờ sông. Quan họ từ lâu đã trở thành nếp sinh hoạt văn hóa của bao làng xã. Đoàn quan họ Bắc Ninh ra đời, mở ra bước tiến đột phá cho quan họ. Vũ Tự Lẫm nói rằng, đó là thời hoàng kim của quan họ. Lớp diễn viên gạo cội của đoàn hăng hái đi xuống các làng quan họ ghi chép, học hỏi các nghệ nhân cao tuổi. Rất nhiều lời hát cổ được sưu tầm, chỉnh biên. Lớp diễn viên cùng trang lứa với Lẫm thỏa sức hát. Hát say mê, hát đắm say từ nỗi lòng của chính mình. Họ đã phục hồi và chỉnh biên hòan chỉnh được chương trình kết bạn, giã bạn mang tính kinh điển của quan họ. Ngày ấy, rất nhiều hội diễn, hội nghị trung ương và địa phương mời đoàn đến biểu diễn. Vũ Tự Lẫm cùng anh em diễn viên trong đoàn đã từng được đi phục vụ các đơn vị bộ đội trong những ngày chiến tranh ác liệt. Không chỉ biểu diễn trong nam ngoài bắc, quan họ Bắc Ninh còn đi biểu diễn ở nước ngoài. Phim “Đến hẹn lại lên” ra đời trong không khí tưng bừng như thế. Vũ Tự Lẫm được chọn đóng vai Chi, anh hai quan họ cùng diễn viên Như Quỳnh, vai Nết, chị hai quan họ, hai nhân vật chính trong phim. Mối tình đắm say và nhiều trắc trở của họ, giăng mắc cùng khung cảnh hội quan họ kết bạn, giã bạn, gây nhiều xúc động với người xem.Tuy không được học trường lớp điện ảnh, vậy mà Vũ Tự Lẫm đã đóng rất thành công trong phim. Anh nhập vai, hóa vai bằng chính cảm xúc gan ruột của mình. Tiếng tăm anh hai quan họ Tự Lẫm càng vang xa. Đã có thời gian dài, hễ đi đâu, mọi người nhận ra anh, là vui gọi với tên gọi trìu mến “ anh hai Chi chồng cô Nết”.

            Sau này, anh thường tâm sự với người thân, rằng số phận hai Chi trong “Đến hẹn lại lên” chịu nhiều trắc trở, như vận vào đường đời của anh. Thời huy hoàng của đoàn quan họ Bắc Ninh cũng chẳng được bao lâu. Khi Hà Bắc chia ra hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, thì các anh hai chị hai của đoàn quan họ lại lễ mễ khênh phông màn và đạo cụ từ Bắc Giang về Bắc Ninh biểu diễn. Cơ sở vật chất của đoàn vốn nghèo nàn, lại càng nghèo nàn hơn. Đã vậy, với phương châm đưa quan họ vào đời sống, quan họ không chỉ ngây ngất, đắm say cảnh kết bạn  giã bạn truyền thống. Một số kịch bản mới cho quan họ, nào cấy lúa trồng khoai, nào nhà máy công nghiệp dần như làm đui què quan họ. Một thời, đoàn quan họ từng đi biểu diễn kín lịch hàng tháng, khi cải tiến chương trình, khán giả như quay lưng lại với quan họ. Đoàn quan họ Bắc Ninh một thời đắt khách, nay thành mất khách. Diễn viên không được đi hát, doanh thu của đoàn giảm sút rõ rệt. Phải chăng, đó là bi kịch của nghệ thuật không theo kịp sự chuyển đổi từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường? Anh hai Tự Lẫm là người phản đối cách thức cải biên cải tiến kiểu này. Với tính thẳng thắn tới mức thái quá, ý kiến đóng góp thật tâm của anh không được lãnh đạo đoàn chấp thuận. Không biết có vướng mắc gì không, mà Vũ Tự Lẫm quyết định xin về hưu non, khi trái tim nghệ sỹ trong anh còn đang rớm máu. Anh thừa biết, người diễn viên phải rời xa sân khấu, không khác gì con chim sơn ca bị cấm hót trước bầu trời cao rộng. Anh càng nhớ thời hoàng kim của đoàn. Anh càng tiếc công sức gây dựng đoàn quan họ của ông Lê Hồng Dương, người trưởng Ty văn hóa tâm huyết và có tầm nhìn xa với quan họ. Một lớp các nhà nghiên cứu quan họ sâu sắc và tài hoa như các ông Hồng Thao, Trần Ninh Quý không còn nữa. Đời sống cơm áo không đùa với người nghệ sỹ. Quay ra vỉa hè buôn bán vặt cũng không còn chỗ. Về quê cày cấy thì không còn ruộng. Vợ chồng diễn viên anh hai chị hai nức tiếng một thời đành lấy giọng hát của mình đi hát chầu văn, hát xẩm để kiếm sống.

               Nghịch cảnh đáng chua chát, khi đoàn quan họ mất dần đất biểu diễn, thì các tốp, các nhóm quan họ nghiệp dư lại phát triển rầm rộ. Những vạt áo tứ thân mớ ba mớ bảy xanh đỏ lòe loẹt, những vành nón quai thao, những giọng hát quan họ thương mại, quan họ du lịch, quan họ nhà hàng lại quay cuồng trong các hội làng, các hội nghị, các bữa tiệc ồn ã. Người diễn viên tâm huyết với nghề, từng sống chết với nghề, không thể bán rẻ nghề nghiệp của mình. Vũ Tự Lẫm quyết không hát quan họ theo lối “giả cầy”, mặc cho nơi này nơi kia mời chào với tiền bồi dưỡng cao. Diễn viên Minh Phức, con gái nghệ nhân nổi tiếng của làng quan họ Ngang Nội, người vợ từng bao năm theo chồng đi biểu diễn, cũng đành gấp xếp vạt áo tứ thân của mình vào đáy hòm. Một thái độ cực đoan tới mức thái quá của Tự Lẫm, quyết không biểu diễn quan họ theo lối thương mại rẻ tiền, quyết giữ quan họ phải là văn hóa sang trọng. Hai vợ chồng Tự Lẫm nguyện thề không cho con cái theo nghề bạc bẽo của bố mẹ.
         Ấy nhưng, số phận con người lại như có sự sắp đặt theo lối riêng của tạo hóa. Tự Long, người con trai đầu lòng của vợ chồng Tự Lẫm, lại trốn bố mẹ đi thi tuyển vào đoàn chèo quân đội. Vừa qua, diễn viên Tự Long, đã được nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ sỹ ưu tú.
                 Truyện Kiều có câu “đã mang cái nghiệp vào thân”, thật đúng với số phận của Vũ Tự Lẫm. Bao lần toan bỏ nghề ca hát, ấy nhưng bao đêm đóng cửa tắt đèn muốn ngủ quên sự đời, thì con tim chứa chất máu mê nghệ sỹ lại trỗi dậy, kéo anh dậy, lại lẩm nhẩm một vài lời ca cổ. Không lẩm nhẩm được nữa, rồi anh bật  tiếng hát. Không chỉ hát một mình, anh lay thức người vợ hát theo. Hát chay không đàn sáo. Hát da diết như giãi bày. Rồi giọng hát nền nẩy lại bốc lên như nhập đồng, như mê sảng. Rồi đêm này kéo đêm khác, Tự Lẫm quặn thắt hát. Vợ chồng cùng hát. Hát như để cởi trói tâm trạng bế tắc của chính mình.

            Biết vợ chồng Tự Lẫm không bỏ nghề hát, nhiều gánh hát đến mời mọc, nhưng Tự Lẫm vẫn quyết không  tham gia. Không đánh đổi những lời ca từng rút từ ruột gan ông cha để hưởng lấy những lợi lộc tầm thường. Vợ chồng diễn viên Tự Lẫm vẫn dành góc thiêng cho quan họ. Rồi đôi vợ chồng nghệ sỹ ôm đàn nguyệt, nhị, sênh, phách đi hát chầu văn, hát xẩm để khuây khỏa và kiếm sống. Việc tổ chức giá đồng trước các điện thờ, đền thờ nay được coi là sinh hoạt văn hóa tâm linh; chứ như ngày đầu vợ chồng đi hát cho các đám lên đồng phải hát chui lủi và bị khép tội truyền bá mê tín dị đoan. Kể từ ngày rời đoàn quan họ đi hát chầu văn kiếm sống, Vũ Tự Lẫm như trở thành một con người khác. Người nghệ sỹ trẻ trung dạo nào, nay đã là ông già râu tóc rối bời. Tôi hỏi Vũ Tự Lẫm, có còn nhớ ngày đóng phim “Đến hẹn lại lên” nữa không? Lẫm trả lời ngay, nhớ quá đi chứ! Công xá cho ròng rã cả năm đi đóng phim được hưởng bao nhiêu? Anh nói, chẳng nhớ nữa. Đại khái quy ra được gần tạ thóc. Thế là oách rồi. Rồi anh lại tự thán, chả dám so với mấy cô ca sỹ bây giờ, cát-xê một bài hát, hơn chúng tôi đi hát vài năm. Thế còn nhớ cảnh cô Nết bịn khi chia tay không? Im lặng một lúc, anh không trả lời thẳng câu hỏi, mà lái đi chuyện khác. Rằng ngày ấy, anh còn trẻ, Như Quỳnh xinh đẹp và quá trẻ. Thế đóng phim xong, hai người có gặp gỡ nhau không? Gặp gỡ làm sao được, mỗi người mỗi phận, mỗi nơi, mỗi việc. Nhưng theo dõi phim ảnh, báo chí, biết Như Quỳnh vẫn nhiều thành công. Chả biết Như Quỳnh có còn nhớ những ngày về làng gốm Thổ Hà, về làng Phù Lưu đóng phim cùng tôi không?

              Câu chuyện đóng phim đã bốn mươi năm, mà ngỡ như mới ngày nào. Anh nói rằng, tham gia đóng phim mới một lần, mà vẫn còn người nhớ, là thấy hạnh phúc rồi. Ngày dựng phim, còn có hai người cùng làng tham gia. Đấy là họa sỹ Ngô Xuân Hoằng thiết kế mỹ thuật và cụ Tước ban phường kèn đám hiếu, đóng vai người thổi kèn trong cảnh đám ma. Họa sỹ Hoằng nay đã lên cụ thượng, còn cụ Tước thổi kèn đám hiếu nức nở thế mà đã thành nấm mộ xanh cỏ ngoài nghĩa trang tự lâu. Tự Lẫm và tôi vốn là người cùng quê, cùng làng. Tôi đi khỏi làng từ nhỏ, nhưng vẫn nhớ cụ thân sinh ra Tự Lẫm từng làm nghề thày cúng. Chả biết tiếng sênh, tiếng phách, tiếng mõ, tiếng trống và lời ca trong bài cúng của cụ, có ăn vào tiềm thức của Lẫm không? Chứ tôi nhớ thời nhỏ, anh em nhà Tự Lẫm đã biết đàn ca sáo nhị giỏi giang. Lẫm lại có chị gái, từng làm dâu nhà bác tôi. Chị cũng từng tham gia đội múa dâng hương của làng. Chiến tranh ngày ấy căng thẳng, tuy gia đình con một, anh trai nhà bác tôi cũng phải ra trận. Anh chị ăn ở với nhau được có mấy bữa, rồi anh lên đường và hy sinh ở chiến trường xa. Chị gái của Lẫm, con dâu bác tôi, chít khăn thờ chồng, lo ruộng vườn và phụng dưỡng bố mẹ chồng. Ngày bác gái tôi mất, bác trai thương phận chị còn trẻ, khuyên chị đi lấy chồng cho đỡ đơn lẻ. Bác tôi khuyên mãi, khuyên như ép, chị mới chịu đi bước nữa. Tuy là đi làm dâu nhà người, nhưng chị vẫn thường về chăm sóc bác tôi cho tới ngày bác qua đời.
           Có lẽ Tự Lẫm cũng kế truyền được nếp ăn lối ở của gia đình mình. Người con trai Tự Long, diễn viên chèo, danh hài có hạng, nay đã là đại úy,  trưởng đoàn Nhà hát chèo quân đội. Năm ngoái, Tự Long về quê dựng được nếp nhà gỗ năm gian, kiến trúc theo lối cổ, để ngày nghỉ, cha mẹ về tĩnh dưỡng. Tự Lẫm phân trần, nghiệp ca hát, như tạo hóa sắp đặt, anh muốn bỏ nó, mà gia đình anh lại càng gắn bó với nó.

             Thời là diễn viên đoàn quan họ, vợ chồng Vũ Tự Lẫm từng được nhiều huy chương, bằng khen qua các hội diễn. Đến thăm nhà Tự Lẫm, không thấy treo bằng khen hay tấm huy chương nào. Có thể anh không lưu giữ, hay anh không thích trưng ra. Duy nhất, có tấm ảnh đen trắng chụp lại cảnh anh đóng vai Chi trong phim “Đến hẹn lại lên” treo ngay ngắn trên tường. Trải qua một đời cống hiến cho nghệ thuật quan họ, đến nay, không chỉ riêng anh, mà nhiều diễn viên gạo cội cùng trang lứa trong đoàn, chưa được phong tặng danh hiệu gì. Tuy vậy, họ vẫn say sưa hát. Họ mong được mang tiếng hát góp vui cho đời. Họ là những người nghệ sỹ dân gian dám chơi hết mình. Nghĩ cho cùng, người nghệ sỹ biểu diễn, được đông đảo khán giả quý mến, ngưỡng vọng, đấy là tấm huy chương cao quý nhất rồi.

             Cuộc gặp gỡ trùng phùng tại gian nhà Tự Lẫm, sau giãi bày trăn trở làm thế nào để lưu giữ quan họ không bị lai tạp, để quan họ trở lại thời vàng son đã có của mình, Tự Lẫm lại trải chiếu giữa nền nhà, bày nhạc cụ ra cùng người vợ hát tặng mọi người mấy lời quan họ cổ. Đoạn anh ôm đàn nguyệt, vừa gảy đàn vừa hát chầu văn. Lời ca vừa đắng đót, vừa bốc lửa ...chơi cho gương vỡ làm ba, lại lành... Tôi như nhận được hồn vía của người hát gửi gắm vào câu hát này.