Báo Tuổi Trẻ TPHCM đưa tin “Tạp chí THẾ GIỚI MỚI đề nghị tự giải thể” vì “bị lỗ lớn đến mức 5 tỉ đồng trong 5 năm qua”. Với tư cách Phó Tổng Biên tập phụ trách tạp chí này, nhà báo Vĩnh Thắng giải thích một trong những nguyên nhân dẫn đến thảm cảnh hôm nay: “Lãnh đạo tiền nhiệm của THẾ GIỚI MỚI là anh Nguyễn Xuân Đức đã để lại số nợ hơn hai tỉ đồng, hạch toán lãi giả trong khi lỗ thật. Đặc biệt việc hạch toán này được cả đơn vị kiểm toán mà NXB Giáo dục thuê thực hiện ký công nhận luôn! Đáng nói hơn là NXB đã lập tức cho anh Đức nghỉ việc, rút hồ sơ mà không giải quyết những sai phạm về tài chính, những thiếu sót về điều hành, những khuyết điểm của một đảng viên làm lãnh đạo một tờ báo mà để cho tờ báo bị nhiều “khuyết tật” như vậy!”





PTBT phụ trách tạp chí Thế Giới Mới, nhà báo Vĩnh Thắng:
"Chúng tôi bị buộc phải chấp nhận giải thể"

Sáng nay, 07.11.2013, báo Tuổi Trẻ có đăng tin trên trang 2 là “Tạp chí THẾ GIỚI MỚI đề nghị tự giải thể” vì “bị lỗ lớn đến mức 5 tỉ đồng trong 5 năm qua”. Trước thông tin đặc biệt này, chúng tôi đã gặp nhà báo Vĩnh Thắng, người đương nhiệm Phụ trách Tạp chí để tìm hiểu sự thật của vấn đề.

Phóng viên: Thưa ông, vì sao Tạp chí THẾ GIỚI MỚI xin tự giải thể?
Ông Vĩnh Thắng: Thứ nhất, xin nói chính xác và đầy đủ rằng: Tạp chí THẾ GIỚI MỚI không hề “có Tờ trình gửi NXB Giáo dục VN xin tự giải thể” như ông Ngô Trần Ái trả lời phóng viên báo Tuổi Trẻ! Thứ hai, việc giải thể tạp chí là đề nghị tự tiện của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thông qua công văn 1722 ký ngày 29.10.2013 gửi cho Bộ Thông tin - Truyền thông (Bộ TT&TT), Cục Báo chí mà chưa hề đến làm việc bàn bạc, thống nhất với tập thể cán bộ, công nhân viên và phóng viên của Tạp chí.
Chính chúng tôi thắc mắc với lãnh đạo NXB cho nên đến chiều ngày 05.11.2013, đoàn cán bộ lãnh đạo NXB Giáo dục mới có mặt gặp gỡ tập thể cán bộ-phóng viên và công nhân viên của chúng tôi để “bàn bạc”. Chúng tôi có nói rõ là việc “tiền trảm” như thế là sai nên ông Ái đã nhận lỗi trước tập thể chúng tôi.
Chính vì cách làm sai quy trình như thế, nhất là ông Ngô Trần Ái còn đề nghị “giải thể ngay chiều hôm nay” nên tôi đã khuyên anh em là “cơ quan chủ quản muốn giải thể nhanh như thế, đã gửi công văn cho Bộ TTTT trước khi bàn bạc với TGM thì thôi, chúng ta nên để họ giải thể đi, vì có giữ lại trong hệ thống NXB Giáo dục thì chúng ta cũng sẽ không làm việc được đâu”
Phóng viên: Thưa ông, vì sao họ muốn giải thể THẾ GIỚI MỚI như vậy?
Ông Vĩnh Thắng: Luật báo chí đã quy định rõ trách nhiệm của cơ quan chủ quản của cơ quan báo chí là đảm bảo nơi làm việc, kinh phí và cơ chế để đảm bảo hoạt động của cơ quan báo chí. Tuy nhiên, từ nguyên thủy, THẾ GIỚI MỚI không phải do NXB Giáo dục đẻ ra mà chính Bộ trưởng Bộ GDĐT Trần Hồng Quân ký quyết định thành lập từ năm 1994. Đến năm 2008, Thứ trưởng Bộ GDĐT đã ký quyết định 1528 chuyển Tạp chí THẾ GIỚI MỚI về thuộc NXB Giáo dục hoạt động theo mô hình “đơn vị thành viên, hạch toán phụ thuộc”. Từ đây, THẾ GIỚI MỚI bị cuốn vào những sai lầm của pháp lý, của mô hình hoạt động và bị hạ thấp vị thế cũng như kém hiệu quả hơn trong hoạt động.
Bản thân tôi về công tác tại Tạp chí này từ 02.02.2010, được bổ nhiệm thay anh Tổng Biên tập Nguyễn Xuân Đức phụ trách tạp chí từ 19.04.2011 đến nay, tôi và tập thể đã nhiều lần kiến nghị với Bộ chủ quản và NXB Giáo dục nhưng không được giải quyết triệt để mà cuối cùng bị ép đồng ý giải thể cũng là điều tất yếu thôi.
Phóng viên: Thưa ông, ông có thể trình bày chi tiết hơn những khó khăn của THẾ GIỚI MỚI khi nó là “một đơn vị thành viên” của NXB Giáo dục?
Ông Vĩnh Thắng: Thứ nhất là về cơ chế pháp lý. Luật báo chí và các văn bản dưới luật đã quy định rõ báo chí là cơ quan hành chính sự nghiệp có thu, thậm chí có thể hoạt động dưới cơ chế tự chủ tài chính mà Nghị định 43 của Chính phủ đã ban hành. Vì vậy, việc Bộ GDĐT chuyển THẾ GIỚI MớI về NXB Giáo dục có thể giải quyết được quy hoạch mạng lưới báo chí (xin thưa là quy hoạch này đến nay vẫn chưa được Bộ chính trị chính thức thông qua) nhưng lại sai luật báo chí. Thứ hai, hậu quả của việc theo mô hình mẹ con này là: trên giấy tờ thì là mẹ-con nhưng trên thực tế 5 năm qua, chúng tôi vẫn tự bươn chải như thời xưa, không có vốn, không có pháp lý rõ ràng (mãi đến tháng 9 năm 2012 Bộ GDĐT mới xin Bộ TTTT giấy phép thay đổi tên cơ quan chủ quản từ Bộ GDĐT về NXB Giáo dục).
Thứ ba, lãnh đạo tiền nhiệm của THẾ GIỚI MỚI là anh Nguyễn Xuân Đức đã để lại số nợ hơn hai tỉ đồng, hạch toán lãi giả trong khi lỗ thật. Đặc biệt việc hạch toán này được cả đơn vị kiểm toán mà NXB Giáo dục thuê thực hiện ký công nhận luôn! Đáng nói hơn là NXB đã lập tức cho anh Đức nghỉ việc, rút hồ sơ mà không giải quyết những sai phạm về tài chính, những thiếu sót về điều hành, những khuyết điểm của một đảng viên làm lãnh đạo một tờ báo mà để cho tờ báo bị nhiều “khuyết tật” như vậy! Thứ tư, chúng tôi tự bươn chải nhưng không được phê duyệt của cơ quan chủ quản.
Để giải quyết những vấn đề nợ cũ tồn đọng và có vốn kinh doanh, chúng tôi ký được hợp tác quảng cáo, truyền thông, bao tiêu một phần sản phẩm nhưng lãnh đạo NXB Giáo dục nhắn tin cho tôi là “Bộ không chấp thuận cho các đơn vị khác đầu tư”. Như thế là đẩy chúng tôi vào cái thế phải bị giải thể thôi. Dù vậy, chúng tôi vẫn đảm bảo việc xuất bản báo đúng tôn chỉ mục đích, phục vụ tốt cho Bộ GD&ĐT và NXB Giáo dục như chính NXB thừa nhận trong công văn 1722 họ gửi Bộ TTTT.
Hôm chiều 05.11 khi phát biểu với lãnh đạo NXB Giáo dục và nhân viên THẾ GIỚI MỚI, tôi nói rõ rằng: “Ai chơi cờ cũng biết, nếu con chốt qua được song thì nó sẽ thành con xe hoạt động rất hiệu quả.Còn ở bên bờ sông, nó mãi chỉ là con chốt mà thôi. Cho nên, chúng ta nên để cho NXB giải thể đi”
Phóng viên: Thưa ông, tình hình đời sống của anh em THẾ GIỚI MỚI khó khăn như thế nào?
Ông Vĩnh Thắng: Với tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tôi không xin được tiền của cơ quan chủ quản thì tôi lấy tiền túi cá nhân cho cơ quan mượn không lãi để trả cho họ. Hiện nay, chúng tôi đã trả tiền bảo hiểm đến hết tháng 9 năm 2013, trả lương đến hết tháng 7.2013, riêng một số anh em thật sự khó khăn thì đã được nhận lương hết tháng 8 hoặc tháng 9; nhuận bút thì được trả ưu tiên cộng tác viên nhận trước, phóng viên nhận sau nhưng thực ra phóng viên của chúng tôi rất ít, bài vở chủ yếu là do cộng tác viên góp sức.
Phóng viên: Thưa ông, cuối cùng, ông thấy vấn đề này của THẾ GIỚI MỚI sẽ đi đến đâu?
Ông Vĩnh Thắng: Bị ép vào chỗ phải giải thể thì chúng tôi sẽ đi làm báo chỗ khác. Vấn đề là NXB Giáo dục đã thấy sai quy trình mà vẫn cứ làm cho nên chúng tôi chấp nhận giải thể khỏi NXB Giáo dục thôi. Họ là doanh nghiệp nên quan tâm của họ là tòa nhà, là lợi nhuận. Chúng tôi là người làm báo thì quan tâm đến việc giữ được thương hiệu THẾ GIỚI MỚI cho cả mai sau.
Tôi thấy rằng, từ một tạp chí tự chủ tài chính đúng với cơ chế kinh tế thị trường nhưng bị đẩy về với cơ chế hạch toán phụ thuộc nhưng không hưởng ngân sách và không được hợp tác đầu tư với đối tác là một bước lùi trong sự phát triển của sự nghiệp báo chí hiện nay.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông.
NGUYỄN TIẾN BÌNH – Báo Giáo dục VN


Tạp chí Thế giới mới ra số cuối cùng:
 Nỗi buồn cho một thế hệ độc giả

Ngày 11.11 tới đây, Tạp chí Thế Giới Mới- một ấn phẩm báo chí đã gắn bó với độc giả hơn 20 năm qua sẽ ra số cuối cùng và buộc phải đình bản vì những khó khăn về tài chính. Với những người yêu mến tạp chí này - và rộng hơn là với báo chí, đây là một nỗi buồn...Theo thông tin từ Ban biên tập Tạp chí TGM, hiện nay số lượng cán bộ, nhân viên đang công tác tại tạp chí còn khoảng 20 người. Tạp chí đã trả tiền bảo hiểm đến hết tháng 9.2013, trả lương đến hết tháng 7.2013, riêng một số người thật sự khó khăn thì đã được nhận lương hết tháng 8 hoặc tháng 9.

Thời hoàng kim đã qua
Với những độc giả thuộc thế hệ 7x trở về trước, 2 tạp chí khổ nhỏ là Thế Giới Mới (TGM) và Kiến Thức Ngày Nay đã từng là những món ăn tinh thần không thể thiếu trong suốt những năm 1990 và đầu những năm 2000.
Nhiều độc giả còn say mê 2 tạp chí này tới mức trước khi ra nước ngoài công tác, còn đi săn tìm và mua lại để đem theo vì khổ nhỏ tiện dụng và những nội dung kiến thức không bị lạc hậu. Bởi vậy, trước thông tin do ông Ngô Trần Ái - Giám đốc NXB Giáo dục (đơn vị chủ quản của tạp chí) đưa ra rằng ngày 11.11 tới đây, TGM sẽ ra ấn phẩm cuối cùng để rồi chính thức có quyết định đình bản và giải thể, đã làm không ít người nuối tiếc. 
Chia sẻ với phóng viên NTNN vào chiều 7.11, nhà báo Trọng Thanh- Phó Tổng Biên tập phụ trách nội dung của Tạp chí TGM cho biết: “Là người gắn bó với TGM từ vị trí biên tập viên, rồi thư ký tòa soạn và Phó Tổng Biên tập suốt từ năm 1992 đến nay, tôi rất buồn khi tờ tạp chí mình đã dành tâm huyết của hơn 2 thập kỷ đến thời điểm phải đình bản. Đây là một điều không ai mong muốn”.
Theo ông Thanh, TGM đã từng có một thời hoàng kim trong làng báo, ngay số đầu tiên ra mắt vào năm 1990, 12.000 bản tạp chí đã bán hết veo, bởi thế Ban biên tập đã quyết định từ số thứ 2 sẽ tăng kỳ từ nguyệt san lên thành bán nguyệt san. Rồi từ đó, TGM tăng lên 10 ngày/ấn phẩm với đỉnh cao là 70.000 bản/kỳ, và trở thành tạp chí xuất bản theo tuần. Chính nhờ có thương hiệu và uy tín, TGM đã thu hút được một lực lượng cộng tác viên tên tuổi như nhà báo Hữu Thọ, cố GS - TS - Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng, các nhà thơ Đỗ Trung Quân, Trần Đăng Khoa, Sương Nguyệt Minh… và nhiều cây bút tên tuổi tham gia cộng tác. Hồi đó êkíp những người làm TGM đều là những tên tuổi đầy cá tính trong làng báo như Phó Tổng Biên tập Lê Khắc Hoan, các nhà báo như Tổng biên tập Đỗ Quốc Anh, Lê Khắc Hân, Nguyễn Vũ Tiềm…  Họ đã chung tay để làm nên một ấn phẩm uy tín trong làng báo giáo dục. Các chuyên mục nổi tiếng như “Chuyện đời”, “Nhìn lại lịch sử”, “Phóng sự khoa học”… đều thu hút được bạn đọc và cộng tác viên thân thiết. Đặc biệt, những cuộc thi dành cho bạn đọc như “Truyện ngắn dưới 1.000 âm tiết” của TGM đã từng làm nên một hiện tượng thú vị trong đời sống văn nghệ.
Tuy nhiên, TGM đã không giữ mãi được phong độ đỉnh cao của mình, đặc biệt, theo nhận xét của nhiều độc giả, từ khi tạp chí này đổi từ khổ A5 sang khổ A4 vào tháng 4.2009 thì lượng bạn đọc gắn bó đã giảm sút rất nhiều và phát hành của báo rơi vào chu kỳ đi xuống. TGM đã đánh mất lợi thế là một ấn phẩm nhỏ gọn, dễ lưu trữ và buộc mình phải cạnh tranh thị trường với hàng trăm các ấn phẩm khổ A4 khác.
Bài học để xem lại mình
Nhà báo lão thành Hữu Thọ- một cộng tác viên thân thiết của TGM từ ngày đầu- khi tạp chí này còn là một ấn phẩm phụ của Báo Người Giáo Viên Nhân Dân (tiền thân của Báo Giáo Dục Thời Đại hiện nay) chia sẻ với phóng viên NTNN: “Nghe tin TGM buộc phải đình bản, tôi cảm thấy rất buồn, vì đó là nơi tôi đã cộng tác trong nhiều năm. Thực ra có một thời, TGM không chỉ có tác động tốt đến đội ngũ giáo viên mà còn đến toàn xã hội vì đã thu hút được những cộng tác viên giỏi, bám sát đề tài xã hội. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, tôi nghĩ TGM không nên chỉ đổ lỗi cho lý do kinh tế mà nên có sự nhìn nhận khách quan công bằng hơn”. Theo nhà báo Hữu Thọ, mấy năm gần đây, đời sống xã hội có nhiều biến động, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, xuất hiện nhiều ý kiến phản biện rất khác nhau về cải cách giáo dục nhưng ông không thấy điều này được thể hiện trên TGM.
“Tôi cũng nghĩ là có cái khó khăn chung của hệ thống báo in, nhưng nếu thế thì những tờ báo hàng ngày sẽ có nhiều khó khăn hơn là các loại báo tuần, tạp chí. Bởi vậy, trường hợp của TGM theo tôi để dẫn đến tình trạng như hiện nay cũng là do tính chiến đấu và sức phản biện xã hội trên tạp chí này bị giảm sút.
Và đó là bài học chung cho những người làm báo, một khi anh không đáp ứng được nhu cầu của độc giả, anh phải tự đào thải mình thôi. Ở thời điểm sự nghiệp giáo dục đang có nhiều đổi thay như hiện nay, một tờ tạp chí uy tín của ngành bị đình bản là một điều đáng tiếc”.
Trao đổi với báo chí, nhà báo Vĩnh Thắng- Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí TGM cho biết: “Năm 2008, Thứ trưởng Bộ GDĐT đã ký quyết định chuyển Tạp chí TGM về thuộc NXB Giáo dục hoạt động theo mô hình “đơn vị thành viên, hạch toán phụ thuộc”. Từ đây, TGM bị cuốn vào những sai lầm của pháp lý, của mô hình hoạt động và bị hạ thấp vị thế cũng như kém hiệu quả hơn trong hoạt động”.
Ông Thắng cho biết ông về công tác tại TGM từ ngày 2.2.2010, được bổ nhiệm thay Tổng Biên tập Nguyễn Xuân Đức phụ trách tạp chí từ 19.4.2011 đến nay, ông và tập thể đã nhiều lần kiến nghị với bộ chủ quản và NXB Giáo dục nhưng không được giải quyết triệt để nên cuối cùng bị ép đồng ý giải thể cũng là điều tất yếu.


MAI AN – Báo Nông Thôn Ngày Nay