Nhà thơ La Văn Tuân say sưa trò chuyện, đôi mắt anh như mơ màng qua mắt kính, có lẽ những cảm xúc đang dâng tràn trong tâm hồn anh. Lát sau anh lại sôi nổi kể, con sông rạo rực nhất vào mùa xuân khi các đoàn thuyền của các phường xã đua nhau trong mùa lễ hội hàng năm. Những chàng trai luôn luôn muốn chứng minh đội của mình chính là những đoàn thuyền vượt qua báo sóng gió biển khơi và là những người chiến thắng. Nào đội Phú Trinh, Bình Long, Mũi Né hay đội Đức Nghĩa, Đức Thắng, Lạc Đạo...Tất cả đã sẵn sàng và thể hiện hết sức mình. Ai chiến thắng, đâu có gì là quan trọng mà tất cả đều phải dựa vào nhau trên mọi bước đường đời, mọi nẻo trên biển khơi. Họ hò reo. Họ ca hát. Họ nhảy múa. Và, mọi con thuyền đều bay bổng trong niềm hân hoan, bởi cả năm vất vả trên biển khơi. Những lá cờ bay và muôn ngàn nhịp trống rộn ràng trên sông đã tạo nên một khuôn mặt khác lạ của Phan Thiết; Bừng sáng, trẻ trung và đầy sức sống...



Bồng bềnh cánh sóng Cà Ty

LƯU KƯỜNG

      Tôi như mắc nợ với con sông Cà Ty, đã mấy lần đến Phan Thiết nhưng lại vội đi, chỉ kịp ngoái lại nhìn những đoàn thuyền đánh cá ngủ mơ màng trên sông. Thế rồi tôi hẹn trở lại sẽ đi dạo trên trên con đường ven sông để ngắm con nước trều lên xuống và những đoàn thuyền đánh cá trở về. Lần này nhà thơ trẻ La Văn Tuân, ở Phan Thiết đưa tôi đi tận cửa sông, cuối đại lộ Phạm Văn Đồng kéo dài. Và, khi chạm tới những ký ức về dòng sông, anh sôi nổi kể chuyện.  

       Giọng nhà thơ ấm áp ví von, nếu người ta gọi Thành phố Phan Thiết là một cô gái đẹp chẳng khi nào già, thì con sông Cà Ty chính là mái tóc muôn đời dịu dàng của cô gái. Khi triều lên hay xuống, mái tóc ấy luôn luôn bồng bềnh, gợi cảm với những hàng thuyền đánh cá. Những mảng lưới phơi dưới ánh nắng long lanh, tạo nên những mắt sóng trao muôn triệu niềm vui cho mọi người dân thành phố. Có nhiều người còn ví, khi nhìn từ trên cao, sông Cà Ty giống như cánh chim xòe ra, muốn bay lên cao. Đó là nỗi niềm và khát vọng mang cái tên Phan Thiết.

      Sông Cà Ty chỉ dài 7km, nhưng lại uốn khúc quanh co nhiều đoạn rồi mới chảy ra cửa biển, nên có nhiều góc lượn rất tình tứ, với những hàng cây xanh và những con thuyền ngủ mơ màng trên bến bãi. Nó là phần nối dài của con sông Mường Mán, bắt nguồn từ vùng rừng núi Tánh Linh. Đoạn sông ở giữa trung tâm thành phố dài khoảng 5km, có 3 cây cầu bắc qua, tạo nên bức tranh thủy mặc rất thi vị dưới những đám mây nõn nà trôi từ biển vào. Có lẽ con cầu Lê Hồng Phong là lâu đời nhất và ở giữa thành phố, và có vẻ đẹp nhẹ nhàng, ngay bên tháp nước cổ và nổi tiếng của Phan Thiết. Một hình ảnh quen thuộc, nếu không nói là biểu tượng của Thành phố Phan Thiết, chính là góc phố được ghi lại trong mỗi bức ảnh bao gồm, con sông Cà Ty, cây cầu Lê Hồng Phong và Tháp nước cao 32m, cùng con đường từ đầu cầu dẫn vào chợ thành phố.
       Tôi cùng nhà thơ La Văn Tuân dừng chân trước tháp nước cũ của Phan Thiết, trên phố Bà Triệu. Anh nói, Tháp nước Phan Thiết hiện nay không còn được dùng để cung cấp nước cho thành phố như trước kia nữa, mà đã trở thành một địa chỉ du lịch, với những câu chuyện thú vị và một kiến trúc độc đáo. Đồng thời, tháp nước còn được coi là hình ảnh đẹp về tình hữu nghị hai nước Việt Lào, vì chính do cố Hoàng thân Xu-pha-nu-vông, nguyên Chủ tịch nước CHDCND Lào thiết kế. Vào năm 1928, thời điểm bắt đầu thi công xây dựng tháp nước, ông Xu-pha-nu-vông khi đó là kiến trúc sư trưởng Khu Công chánh Nha Trang. Phải mất 6 năm, việc xây dựng tháp nước này mới hoàn thành, và đủ khả năng cung cấp nước cho toàn vùng đô thị Phan Thiết ngày ấu. Với hình trụ bát giác, dưới to trên nhỏ, đường kính chân tháp dài 10m, tạo được thế vững chắc. Đặc biệt, phần bồn nước, còn gọi là lầu đài hình bát giác cao 5m, có ba tầng mái che được lợp ngói móc, gây ấn tượng mỹ cảm tựa như một lâu đài trên cao thanh thoát giữa hàng cây xanh, bao quanh khu công viên trên phố Bà Triệu.  

        Chúng tôi vượt qua đầu cầu Trần Hưng Đạo, sang đường Phạm Văn Đồng, để ngắm những con thuyền cập bờ. Sông Cà Ty có một đời sống riêng mỗi khi bến cảng đón hàng trăm tầu thuyền đánh cá từ ngoài biển trở về mỗi buổi sáng. Tuy là con sông thủy triều, nhưng Cà Ty quanh năm có nước. Do vậy, cảng cá Phan Thiết lúc nào cũng như một đại công trường, tấp nập suốt ngày đêm. Bên cạnh cảng là chợ cá nhộn nhịp và sầm uất. Có thể nói cảng và chợ cá như trái tim hối hả của thành phố vậy. Lúc này những con đường đều sống động như huyết mạch chảy thông tạo nên một nhịp sống quen thuộc mỗi ngày trên dòng sông Cà Ty. Riêng vào những buổi trưa, khi các cô gái tập trung vào công việc vá lưới, sông Cà Ty bỗng như được dát vàng dưới ánh nắng.

        Bất ngờ La Văn Tuân chỉ về phía đoàn thuyền, anh nói đến hình ảnh sinh động từ những mầu sắc được vẽ trên mũi thuyền đánh cá. Hầu như chỉ có mấy mầu được sơn trên con tầu, khi thì xanh, đỏ, trắng, hoặc khi là các mầu vàng, nâu, đen. Anh nói, đấy là những ký hiệu để nhìn từ xa, họ đã nhận ra nhau và cùng kề vai sát cánh, trong những khó khăn xảy ra. Biển khơi luôn luôn đe dọa con người, trong khi lại tặng cho con người những nguồn lợi phi thường. Bên cạnh những mẻ cá lớn là những con sóng dữ cùng với mưa dông và sấm sét. Vậy nên sự quần tụ cộng đồng bao giờ cũng là một nguyên tắc sống còn đối với mỗi ngư dân. Cà Ty cũng trở nên thân thiện là vì thế. Nhìn những đoàn thuyền đánh cá đi thành hàng, thành đoàn mỗi sáng sớm trở về, mới hay niềm vui ngập tràn dòng sông. Những nụ cười tươi tắn trở về, cùng những mẻ cá lấp lánh trong ánh bình minh.

       Nhà thơ say sưa trò chuyện, đôi mắt anh như mơ màng qua mắt kính, có lẽ những cảm xúc đang dâng tràn trong tâm hồn anh. Lát sau anh lại sôi nổi kể, con sông rạo rực nhất vào mùa xuân khi các đoàn thuyền của các phường xã đua nhau trong mùa lễ hội hàng năm. Những chàng trai luôn luôn muốn chứng minh đội của mình chính là những đoàn thuyền vượt qua báo sóng gió biển khơi và là những người chiến thắng. Nào đội Phú Trinh, Bình Long, Mũi Né hay đội Đức Nghĩa, Đức Thắng, Lạc Đạo...Tất cả đã sẵn sàng và thể hiện hết sức mình. Ai chiến thắng, đâu có gì là quan trọng mà tất cả đều phải dựa vào nhau trên mọi bước đường đời, mọi nẻo trên biển khơi. Họ hò reo. Họ ca hát. Họ nhảy múa. Và, mọi con thuyền đều bay bổng trong niềm hân hoan, bởi cả năm vất vả trên biển khơi. Những lá cờ bay và muôn ngàn nhịp trống rộn ràng trên sông đã tạo nên một khuôn mặt khác lạ của Phan Thiết; Bừng sáng, trẻ trung và đầy sức sống...

         Một nhà nhiếp ảnh nổi tiếng đất Phan Thiết đã nói, có thể trọn một đời sáng tạo chỉ với con sông này, bến cảng, cây cầu và những con thuyền buồm mỗi sớm mai, cũng có thể dựng nghiệp được. Bởi trời đất, nắng gió, cùng con sông ở đây kỳ lạ lắm, luôn luôn tươi mới mỗi ngày, mỗi giờ và mỗi lúc một xanh trong, xôn xao...
       Nhưng bên sông vẫn còn có một chốn bình yên, thâm nghiêm và ấm áp. Không phải chùa, không phải ngôi đình cổ xưa, mà đó là một ngôi trường chất chứa biết bao kỷ niệm thân thương của Bác Hồ, vào những năm 1910 và 1911. Đó là một thời ẩn giấu những nỗi niềm và ước mơ lớn lao về công cuộc giải phóng đất nước, mà Bác luôn luôn ấp ủ trong trái tim tuổi trẻ. Đó là ngôi trường Dục Thanh. Trường được ra đời, năm 1907, cùng với trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Trường được gọi tắt từ cụm từ: “Giáo dục Thanh Thiếu niên”, nên có tên là Dục Thanh, hiện ở số 39, đường Trưng Nhị ngay trên sông Cà Ty. Đối diện trường là Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh của thành phố Phan Thiết. Nhà thơ La Văn Tuân nhấn mạnh đây là một di tích văn hóa và lịch sử độc đáo và là điểm nhấn quan trọng của con sông Cà Ty.

                                 


      Nắng đã gần đứng bóng, nhưng cô hướng dẫn viên hết sức nhiệt tình trò chuyện. Năm 1910, Bác Hồ được cụ nghè Trương Gia Mô giới thiệu vào dậy học lớp nhì, ở trường Dục Thanh. Đây là nơi Bác Hồ dừng chân làm việc và chờ đợi thời cơ đi nước ngoài tìm đường cứu nước cứu dân, thoát khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp. Bác dậy Quốc ngữ và Hán văn. Có thể nói nơi này là một mốc son của chặng đường đầu tiên, trong sự nghiệp cách mạng của Bác Hồ. Sau đó, vào ngày 5-6-1911, từ Bến Nhà Rồng, Bác Hồ lên tầu ra đi thực hiện hoài bão của mình. Cho dù Bác dạy học ở đây chỉ hơn một năm trời,  nhưng bao ký ức vẫn còn được lưu giữ qua nhiều kỷ vật, trong suốt hơn một thế kỷ cho đến nay.

     Tôi ngỡ như lớp học ấy vẫn còn ấm áp tiếng giảng của Người. Tấm bảng đen kia vẫn còn hiện lên những dòng chữ viết rõ ràng của thày giáo Nguyễn Tất Thành ngày nào. Phòng đọc sách vẫn còn đó ánh sáng ngọn đèn dầu bập bùng bên chiếc tràng kỷ gỗ gụ xẫm màu nâu thân quen. Phía sau vườn, cây khế Bác trồng ngay từ khi mới đến dậy học, giờ vẫn luôn luôn xanh tươi, với tán lá rộng, trùm lên khu vườn mát rượi. Và, còn đó là cái giếng nước trong, mà mỗi ngày Bác kéo gầu tưới nước cho cây vườn, trước khi lên lớp...Mỗi hàng gạch, bờ rào hàng cây vẫn thấp thoáng hình ảnh Bác đang tỉa cây quét lá ngày nào.

      Giọng cô gái trong vắt vang lên, đã hơn một trăm năm trôi qua, ngôi trường Dục Thanh không khi nào vắng bóng Người. Ai đến với con sông Cà Ty, đều dừng chân nơi đây, và đều ngồi vào lớp học mà thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã từng dậy. Tiếng nói của Người còn vang lên trong tâm tưởng của mỗi người khi ngước lên tấm bảng đen trước mặt...

      Chúng tôi chia tay mái trường xưa rồi quay lại chân cầu Lê Hồng Phong để rẽ vào chợ Phan Thiết. Chợt nghe như tiếng hát đâu đó vang lên: “Cà Ty ơi! Bồng bênh cánh chim bay ra biển / Thuyền cá tôm rạo rực ngày về / Ta sẽ hát với mặt trời và sóng / Cùng dòng trôi cuồn cuộn đam mê...”. Dòng người cứ mải miết và hối hả vượt qua con sông đi về muôn nơi. Phan Thiết nồng nhiệt sống, luôn cuộn chảy và lãng mạn như cánh chim vui, bởi mùa cá đầy ắp từ biển trở về. Tôi và nhà thơ đi trong niềm vui không bao giờ vơi cạn như chính con sông Cà Ty luôn luôn ăm ắp nước xanh trong và tràn ngập những cánh hoa trôi ra biển Đông.