“Dốc thiêng” là một tiếng thở dài về nhân tình thế thái bằng thơ của một phụ nữ đã qua tuổi “Ngũ thập tri thiên mệnh”. Ở tuổi đó, người đàn bà mang tên Trương Nam Chi đã lặng lẽ chiêm nghiệm lại cuộc đời mình với những tiếc nuối không thể nào quay lại được: “Đêm vuốt ngược/ Dốc/ Đàn bà – Hương hoa thầm gọi/ Ngỡ là/ Đương xuân”…. “Đêm vuốt ngược” là một thi ảnh sắc bén và độc đáo. Những câu Lục Bát gãy nhịp tạo nên một ám ảnh Thiền, vừa mơ hồ mà vừa rõ rệt. Ám ảnh ấy còn được nhắc lại ở “Thinh không”: Rót vào/ Khoảng lặng không gian – Hồi chuông tịnh độ/ Nhịp nhàng khoan thai…”. Từ ám ảnh gốc ấy, cảm xúc Trương Nam Chi đã tỏa ra nhiều chiều, trên nhiều cung bậc xao xuyến đến lạ lùng. Trước thực tại hôm nay, Trương Nam Chi không né tránh như nhiều nhà thơ nữ khác.




TRẮC ẨN CÙNG “DỐC THIÊNG”

NGUYỄN THỤY KHA

Qua nhà thơ Nguyễn Vũ Quỳnh, tôi được gặp Trương Nam Chi và được tặng hai tập thơ của chị: “Lạc duyên” và “Dốc thiêng”. Hóa ra Trương Nam Chi có một lộ trình số phận tương tự như tôi. Cũng tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật, cũng khoác áo lính, cũng lĩnh lương thiếu tá trước khi ra quân,… và cũng làm thơ. Tôi đọc “Lạc duyên” với lời giới thiệu của ông bạn Lê Quang Trang. Nhận ra chất nữ tính trong thơ chị khá mạnh. Nhưng “Lạc duyên” vẫn còn nặng suy tưởng, thi ảnh chưa bén sắc để có thể nhận ra đằng sau nó một triết lý. Song cũng đủ thấy ấn tượng ở một giọng thơ Lục Bát khá nhuần nhuyễn. Tất cả những gì “Lạc duyên” chưa đạt tới, đã được Chi hoàn thiện trong “Dốc thiêng” qua lời giới thiệu rất hay của ông bạn “Bụi đời” Bùi Chí Vinh. Tôi nói với Chi: “Vinh đã viết Chi tới bến rồi, anh còn biết viết gì nữa đây”. Nói vậy nhưng tôi vẫn không thể nào không trắc ẩn cùng “Dốc thiêng”.

“Dốc thiêng” là một tiếng thở dài về nhân tình thế thái bằng thơ của một phụ nữ đã qua tuổi “Ngũ thập tri thiên mệnh”. Ở tuổi đó, người đàn bà mang tên Trương Nam Chi đã lặng lẽ chiêm nghiệm lại cuộc đời mình với những tiếc nuối không thể nào quay lại được: “Đêm vuốt ngược/ Dốc/ Đàn bà – Hương hoa thầm gọi/ Ngỡ là/ Đương xuân… (Dốc thiêng). “Đêm vuốt ngược” là một thi ảnh sắc bén và độc đáo. Những câu Lục Bát gãy nhịp tạo nên một ám ảnh Thiền, vừa mơ hồ mà vừa rõ rệt. Ám ảnh ấy còn được nhắc lại ở “Thinh không”: Rót vào/ Khoảng lặng không gian – Hồi chuông tịnh độ/ Nhịp nhàng khoan thai…”. Từ ám ảnh gốc ấy, cảm xúc Trương Nam Chi đã tỏa ra nhiều chiều, trên nhiều cung bậc xao xuyến đến lạ lùng. Trước thực tại hôm nay, Trương Nam Chi không né tránh như nhiều nhà thơ nữ khác. Chị đã nhìn thẳng vào để chia sẻ qua “Người quê ở phố”, “Góc đêm” và đặc biệt là “Chuyện nơi đầu phố”. Có gì nghèn nghẹn, đớn đau khi đọc thơ: “Người đàn bà/ Không nhà/ Lang thang từng ngõ phố/ Mảnh đời cơ cực vắt vai/ Bươn chải trên hình hài/ Gấm vóc – Người đàn bà/ Bật khóc/ Tiếng nấc/ Ngấm vào lòng đất/ Chảy ra biển bạc/ Rừng vàng – Người đàn bà/ Gánh giang sơn trên vai/ Tiễn chồng con ra trận/ Con đường bất tận/ Níu bước chân/ Quên về… Người đàn bà/ Vượt qua chiến tranh/ Xuyên qua hòa bình/ Thấy rõ mình/ Đơn độc…”. Một bài thơ toàn bích, một bài thơ vào hạng hay nhất viết về thân phận đàn bà trên trái đất này, có thể sánh với thơ Zimboska (Nhà thơ nữ người Ba Lan đoạt giải Nobel gần đây).

Với những thi ảnh rất riêng, Trương Nam Chi đã khắc tạc nỗi nhớ về một thời chiến tranh: “Những chiếc lá rủ nhau rơi xuống vỉa hè – Những cơn giông vừa quen vừa lạ… Nhớ thiết tha tiếng tàu điện leng keng – Hoài niệm trở về xưa cũ – Bước chân đuổi nhau vần vũ – Quay cuồng trong chiến tranh… Điệp khúc trầm thương quay quắt tháng ngày qua… (Nhớ lắm ngày xưa ơi). Bài thơ “Nỗi niềm tháng Tư” hoàn toàn dùng nhịp Lục Bát truyền thống, nhưng thi ảnh rất mới mẻ, rất thi sĩ: “Tháng Tư trời đổ cơn giông/ Ai đem những sợi khói lồng vào mây/ Tháng Tư mưa rớt vai gầy/ Tình yêu nhòa ướt những ngày không nhau/ Tháng Tư tàn lụi mùa cau/ Đuôi con mắc sắc đàng sau ánh nhìn…”. Thơ với Trương Nam Chi ở “Dốc thiêng” đã hóa thành cái nghiệp của chị rồi: “Thơ ca/ Biếu tặng/ Thay quà – Chữ to chữ nhỏ/ Sao mà nhẹ tênh – Nghiệp thơ nhiều lắm thác ghềnh…”.

Có thể nói qua “Dốc thiêng”, Trương Nam Chi đã trở thành nhà thơ theo đúng nghĩa của giới chuyên môn. Khi đã hiểu “làm thơ để chết” thì “thơ mới sống mãi”: “Xin đừng khâm liệm/ Thơ tôi – Thực ra là chết…/ Nhẹ thôi/ Lâm sàng – Một mai/ Tỉnh giấc mộng vàng/ Từ trong ẩn ức/ Dịu dàng/ Hồi sinh!” (Hồi sinh).