Nhà báo Dương Đức Quảng cầm bút ngay trong giai đoạn chiến tranh khốc liệt nhất vào thập niên 60 của thế kỷ trước. Sau ngày đất nước thống nhất, dù ở cương vị nào, ông cũng gắn bó với nghề báo. Và nghề báo như cái nghiệp không thể dứt rời khi nhà báo Dương Đức Quảng đã được nhận sổ hưu. Sự trải nghiệm một đời, sự tích lũy một đời của nhà báo Dương Đức Quảng ít nhiều phản ánh qua cuốn sách “Tiếng tụng kinh trong căn nhà vị tướng” dày hơn 500 trang, do NXB Lao Động vừa ấn hành. Nhiều bài viết rút ra từ “Tiếng tụng kinh trong căn nhà vị tướng” khi xuất hiện lại trên trang blog này, vẫn rất được độc giả tán thưởng. Để đồng nghiệp và bạn bè hiểu thêm về “Tiếng tụng kinh trong căn nhà vị tướng”, xin trân trọng trích giới thiệu lời tựa của nhà báo lão thành Hữu Thọ!






ĐỌC MỘT CUỐN SÁCH ĐỂ THÊM YÊU NGƯỜI, YÊU NGHỀ

  HỮU THỌ
                                                                                    
Gặp nhau, Dương Đức Quảng đưa cho tôi tập bản thảo cuốn sách “Tiếng tụng kinh trong căn nhà vị Tướng”. Cầm cuốn bản thảo dày cộp, nặng tay khổ A4, đem cân dễ tới một ki-lô-gam rưỡi, tôi giật mình, nghĩ mình quá chủ quan khi có lần nói với anh “Bài nào cậu viết mình đều đọc”. Khi Dương Đức Quảng ra về, tôi giở lướt qua thì thấy mình không quá lời vì phần lớn các bài in trong sách tôi đều đã đọc, có bài nhớ từng chi tiết.
Dương Đức Quảng cùng chúng tôi công tác ở Quảng Bình, vùng chiến đấu gian khổ nhất ở miền Bắc trong chiến tranh phá hoại rồi anh được điều động vào làm phóng viên Thường trú tại Quảng Đà, vùng chiến đấu gian khổ nhất ở Khu 5, sau đó ra Hà Nội, có thời gian dài là Vụ trưởng Thông tin Báo chí của Văn phòng Chính phủ khi tôi là Trưởng ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương, chúng tôi lại thường gặp nhau bàn về nghề.
Nghỉ hưu rồi nhưng chúng tôi vẫn viết báo và ai cũng dành thời gian viết về những người mình đã gặp trong cuộc đời nhưng xem ra anh có quan hệ rộng hơn tôi và về nghỉ khi còn khoẻ vì anh kém tôi tới hơn một con giáp tuổi, cho nên sự tích góp thành một công trình đồ sộ mà tôi đang cầm trên tay.

Trong cuốn sách “Tiếng tụng kinh trong nhà vị tướng”, Dương Đức Quảng cho in một số bài viết lại những lời kể của những người đã từng giúp việc Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Tôn Đức Thắng cung cấp thêm một số chuyện giúp ta hiểu thêm những phẩm chất cao quý của hai bác trong đời thường. Anh viết lại những chuyện chung quanh sự trở về như huyền thoại của cuốn nhật ký rất nổi tiếng của Đặng Thuỳ Trâm và của 48 bức ảnh chụp trước khi hy sinh của liệt sĩ Nguyễn Văn Giá lưu lạc trên đất Mỹ, với tấm lòng tri ân những tấm gương về sự hy sinh cao cả đã làm nên chiến thắng vĩ đại mà họ không bao giờ được nhìn thấy. Song phần lớn cuốn sách anh viết về những con người với nhiều cương vị, nhiều lĩnh vực, những con người có số phận không đơn giản, thâm chí nghiệt ngã mà anh từng có quan hệ trong công tác.

Thật lý thú khi đọc sách vì phần lớn những người anh viết tôi đều quen, có người quen thân; phần lớn bạn đồng nghiệp anh viết tôi đều quen, có người quen thân, cho nên đọc để hiểu thêm về họ mà mình tưởng rằng đã hiểu. Anh nói rõ trong Lời nói đầu rằng, anh viết về những con người đó với tư cách là một nhà báo chứ không phải là nhà văn cho nên đều là chuyện thật; đọc sách của anh tôi tin là như thế.

Viết chân dung vừa dễ lại vừa khó. Viết chuyện thật, nhưng do con người cụ thể viết ra cho nên vừa có tính khách quan nghiêm khắc vừa thông qua sự trải nghiệm và đánh giá chủ quan của người viết với các thông điệp mà họ gửi gắm nhưng không vượt quá giới hạn của sự chân thật báo chí. Qua các bài viết của anh, về những đồng chí có địa vị cao trong xã hội cũng như những người bình thường anh đều viết với tấm lòng chân thành, kính trọng, viết để “tri ân” như anh nói; viết về người có địa vị cao với sự khâm phục, ghi lại công lao nhưng không viết theo giọng nịnh bợ; với bạn bè gặp số phận không may anh tỏ lòng thông cảm và quý trọng những con người vượt qua số phận. Anh không lợi dụng cách viết về người để chen vào những chi tiết đề cao mình như một số cây bút, đúng như tính khiêm tốn của anh khi anh viết câu thơ “Giữa chốn đông người/Tôi chọn cho mình góc khuất”. Cho nên đọc Dương Đức Quảng viết về người mà thấy con người anh với lòng chân thành, yêu quý những người tốt, yêu quý đồng nghiệp.

Đọc nhiều bài viết của anh tôi rất thích thú về việc chọn lựa những chi tiết nhấn mạnh, chỉ cần thấy nét phác thảo đã thấy rõ con người định miêu tả. Viết về anh Hồ Nghinh, một đồng chí lão thành cách mạng, một đồng chí lãnh đạo kiên cường, khi chiến sự khẩn trương, giữa tiếng đạn đại bác vẫn thư thả bình luận thơ Đường, và tình yêu với con chó hoang nuôi trên chiến khu; đó là những tình tiết tôi không hề biết nhưng đọc xong tôi thấy rõ con người anh Hồ Nghinh mà tôi đã từng quen và được làm việc. Rồi phì cười khi đọc bài anh viết về nhà thơ Xuân Hoàng, miêu tả chi tiết Hoàng nhớ lầm khu vực ngừng bắn, là sự nhầm lẫn chết người, đó cũng là chi tiết tôi không biết nhưng lại rất rõ con người đãng trí rất đáng yêu của nhà thơ Quảng Bình thời kỳ bom đạn mà tôi quen thân. Rồi chuyện “Chân thật, Chân giả” viết về anh Đinh Trọng Quyền, người đồng nghiệp mà tôi đã từng gặp và công tác với nhau trên Tây Bắc đầu năm 60 của Thế kỷ trước, sống gian khổ chia nhau từng nửa con cá khô trong bữa cơm, đến đầu những năm 80 lại cùng làm việc với nhau ở Hà Nội khi anh quyết liệt đấu tranh với việc khôi phục công bằng cho một giám đốc doanh nghiệp, có lúc bị người lãnh đạo cao nhất của thành phố hiểu lầm. Cái đầu đề thật hay, cái “chân giả” để chỉ người chiến đấu ở chiến trường Quảng Đà bị thương phải cưa chân, lắp chân giả; với sự “chân thật” như bản chất của Quyền với tư cách người làm báo tôn trọng sự thật và lẽ công bằng…Có thể kể nhiều chuyện nữa mà tôi bắt gặp trong cuốn sách, nhưng lại sợ dài dòng, chỉ để muốn nói sự quan sát và chọn lựa chi tiết để miêu tả làm nổi bật bản chất con người trong từng thời điểm, là một nghiệp vụ báo chí quan trọng làm cho chất văn của báo chí rất gần với chất văn trong văn học.

Gấp sách của Dương Đức Quảng viết về những con người hiện lên những nét đáng yêu để yêu thêm con người, dù cho họ là người lãnh đạo đương chức hay đã nghỉ hưu, khi là những cán bộ bình thường với những số phận khác nhau không phải ai cũng suôn sẻ trên đường đời. Với người làm báo thì có thể thấy thêm những bài học về nghề nghiệp của một nhà báo có tấm lòng yêu người, yêu nghề, có nghề và luôn giữ nguyên tắc về nghề.