Hà Cừ là một Tổng biên tập báo hiếm hoi "đi lên" từ anh sửa morát, như thể một người nông dân chân lấm tay bùn giỏi làm cỏ, bón phân gieo mạ, cày bừa mà trở thành chủ tịch xã vậy. Mới đây, khi anh đã về hưu được bốn năm, có dịp gặp lại anh, tôi mới hay nhà anh giờ đây không ngày nào con cháu không quây quần, ríu rít ba thế hệ. Mỗi bữa cơm là phải xếp ra ba mâm mới đủ cho bày con cháu trong nhà ăn, không khác thời ở quê. Anh có 4 người con, đều đã dựng vợ gả chồng và quây quần trong một nhà ở phố. Chưa kể con nuôi ở làng cũng hay ghé lên thăm ông bà. Nhiều lúc nhà anh cứ như trạm trung chuyển của bệnh viện, mà bà con hay lên nhờ vả. Biết sao được, Hà Cừ lại thích thế, bởi cho đỡ "nhớ quê". Nói anh thèm gặp người "quê mình" cũng không ngoa.



HÀ CỪ VỜI VỢI NỖI QUÊ

VƯƠNG TÂM

Từ năm 1976, làm việc ở Báo Hải Hưng (tên gộp của hai tỉnh Hải Dương, Hưng Yên), không tuần nào Hà Cừ không về quê với vợ con. Mười lăm năm, anh thường đạp xe về An Thổ, Tứ Kỳ, Hải Dương. Sau có xe máy anh lại về nhiều hơn. Mãi tới khi lên chức Phó Tổng biên tập Báo Hải Hưng (năm 1993) anh mới đưa vợ con lên thành phố, nhưng trong lòng vẫn đau đáu tình quê. Anh nhớ cái cuốc, cái liềm, vườn hoa rau cải vàng tươi con mắt; và nhớ con sông Luộc tuổi thơ cuồn cuộn mạch nguồn cùng những con sóng khắc khoải với thời gian...

1. 
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự về, Hà Cừ dạy học ở trường làng, rồi thi vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội năm 1972. Tốt nghiệp ra trường năm 1976, anh xin về làm việc tại báo tỉnh để được gần gũi vợ con. Thế là từ năm 1976, Hà Cừ trở thành anh thợ sửa morát và thực tập trình bày Báo Hải Hưng. Có cạnh công việc chính được giao, Hà Cừ còn tham gia viết báo và được lãnh đạo đơn vị nhận xét là "có triển vọng". Thời gian trôi qua, tròn 17 năm vừa viết báo vừa làm họa sĩ trình bày, Hà Cừ đã vẽ tranh minh họa cho hàng trăm truyện ngắn và thiết kế vi nhét cho nhiều chuyên mục. Thậm chí một thời gian dài, Hà Cừ còn phụ trách chuyên mục với một phong cách làm báo năng động. Ấy là chưa kể, anh còn vẽ cả những tranh vui, đả kích, thể hiện sự hóm hỉnh và trách nhiệm công dân.
Trong thời gian làm Phó Tổng biên tập Báo Hải Hưng (từ năm 1993 đến 1997), Hà Cừ đã không quản ngại khi mở một chiến dịch chống tiêu cực trên mặt báo. Có thể nói, Hà Cừ đã thể hiện một bản lĩnh nông dân chắc nịch, nhất quyết làm đến cùng, vạch trần vụ tham nhũng lớn ở Công ty Kinh doanh nhà thị xã Hải Dương năm 1996. Nhiều người ái ngại sợ đụng chạm tới những quan chức có mối tương giao tế nhị, nhưng anh kiên quyết triển khai. Nhiều kỳ báo đăng bài với những tư liệu và chứng cứ vững vàng, những thành phần tiêu cực phải nhận án trước tòa. Đó là một cuộc đấu tranh mang tính xã hội cao và được đông đảo công chúng ủng hộ. Tiếng nói của tờ báo ngày càng có vị thế xã hội. Hai năm sau, vào tháng 3/1998, Hà Cừ kế vị chức vụ Tổng biên tập Báo Hải Dương (lúc này tỉnh Hải Hưng đã tách thành Hải Dương và Hưng Yên). Cũng trong năm đó, anh được bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương.
Hà Cừ là một Tổng biên tập báo hiếm hoi "đi lên" từ anh sửa morát, như thể một người nông dân chân lấm tay bùn giỏi làm cỏ, bón phân gieo mạ, cày bừa mà trở thành chủ tịch xã vậy. Mới đây, khi anh đã về hưu được bốn năm, có dịp gặp lại anh, tôi mới hay nhà anh giờ đây không ngày nào con cháu không quây quần, ríu rít ba thế hệ. Mỗi bữa cơm là phải xếp ra ba mâm mới đủ cho bày con cháu trong nhà ăn, không khác thời ở quê. Anh có 4 người con, đều đã dựng vợ gả chồng và quây quần trong một nhà ở phố. Chưa kể con nuôi ở làng cũng hay ghé lên thăm ông bà. Nhiều lúc nhà anh cứ như trạm trung chuyển của bệnh viện, mà bà con hay lên nhờ vả. Biết sao được, Hà Cừ lại thích thế, bởi cho đỡ "nhớ quê". Nói anh thèm gặp người "quê mình" cũng không ngoa.
Quê anh có con sông Luộc, nên thơ anh có những câu thơ tạo được con sóng rung động đến ám ảnh người đọc với cảm xúc chân tình. Khó mà có thể bỏ qua những bài thơ ấn tượng anh viết về quê hương, như "Tôi vẫn ở làng quê", "Chợ quê", hay "Làng quê chiều thanh minh", hoặc "Về lại bến quê" và "Ngõ quê". Ngay ở nhiều bài thơ khác, Hà Cừ cũng thể hiện một hồn quê lắng đọng, với những sắc màu chứa chan trong ký ức. Tìm đâu cũng thấy hình ảnh và kỷ niệm quê trong bốn tập thơ của Hà Cừ. Có nghĩa là suốt mấy chục năm làm thơ, anh nặng lòng với quê hương. Xưa còn vì cha mẹ, vợ con ở quê đã đành, nhưng nay - những lũy tre, cánh đồng con sông vẫn là mạch cảm xúc dâng trào trong lòng anh.
Tôi cứ nghĩ với những câu thơ đi vào lòng người của anh chính là từ miền cảm xúc chân quê đó. Tôi yêu những câu thơ đậm chất dân gian của Hà Cừ:
Chợ quê - một đốm lửa thiêng
Cháy trong tôi suốt chặng đường ngày xa
hay:                                                        
Ta về thăm bến sông xưa
Cải xanh nay đã thành dưa nhà người
Còn đâu khúc khích tiếng cười
Tụm năm tụm bảy... xanh tươi gió đồng.

Và tôi say men cảm xúc của anh, với bùn đất và sông nước làm sao:
Đến bao giờ em trở lại đây
Anh bạc tóc trên một dòng sông nhớ
Cứ da diết một bên bồi, bên lở
Dòng sông em năm tháng có hao gầy.
Rồi ngay khi đã lên phố ở, nhà thơ vẫn da diết:
Tôi ngồi lòng nhớ tháng mười
Ngổn ngang thương phố, thương người nhà quê.

Thế đó, hai mươi năm xa quê là cả một vùng trời vẫy gọi, cả một cánh đồng chín đượm những bông lúa vàng như những đốm lửa quê bập bùng cháy trong tâm hồn thi sĩ: "Hai mươi năm cỏ vẫn biếc bờ đê/ Lòng thương nhớ cứ dào lên như sóng/ Lời mẹ xưa chiều nay như tiếng vọng/ Gọi ta về/ Ngày ấy/ Một chiều mưa".
Nhà thơ Vũ Quần Phương có lần viết về thơ Hà Cừ: "Hà Cừ thành công nhờ biết lưu luyến cách nói xưa, ẩn dụ cũ, tạo vị duyên thầm cho giọng trữ tình dân giã". Quả vậy, đọc thơ của anh, tôi mãi ám ảnh với những khổ thơ: "Sao chiều nay da diết nỗi nhớ nhà/ Nhớ cái rét cuối mùa mẹ may áo mới/ Ngọn lửa ấm giữa chiều đông vời vợi/ Lại cháy bùng ký ức chiều nay". Lần giở những trang thơ Hà Cừ, trong tôi có nỗi xốn xang với từng con chữ rất chân tình mộc mạc, nhưng không kém phần tinh tế, với những ẩn dụ khá bất ngờ, cho dù mạch cảm xúc hầu như chỉ phát triển xung quanh trục cảm xúc đồng quê. 

2. 
Ngồi cùng nhau bên chén rượu quê từ chính miền An Thổ gửi ra, nhà thơ cùng với họa sĩ Lê Hướng Quỳ rôm rả ôn lại bao ký ức về chuyện đời, chuyện thơ. Hà Cừ chỉ lên bức tranh "Trưa sông Hồng" trên tường: Đó là kỷ niệm của năm thứ hai anh đi vẽ ở bến Phà Đen sông Hồng, năm 1974. Trong túi chỉ có 5 hào. Mải vẽ, đói quá anh mua cái bánh mì mất 3 hào, còn 2 hào mua đại một vé sổ xố. Vừa gặm bánh mì vừa vẽ cho xong bức tranh, khi ra về, Hà Cừ quên béng trong túi mình còn có tấm vé số. Mãi đến hôm sau mới nhớ, bèn nhờ một người bạn đi so hộ. Không ngờ tấm vé số trúng giải nhất, được 700 đồng. 700 đồng ngày ấy to lắm. Hí hửng, sung sướng, nhưng rồi số tiền đó cũng đâu có đến lượt mình tiêu... Hà Cừ tặc lưỡi: "Thế đó, mình cứ gặm bánh mì ba hào vẫn vẽ được cơ mà, đâu cần tới 700 đồng từ trên trời rơi xuống".

Rồi anh lại nhớ, có lần nhà thơ Đinh Quang Tốn gọi điện báo, có một người làm thơ đã đạo bài thơ "Chợ quê" của anh in lên sách. Anh Tốn còn đọc từng câu, kể cả những chữ mà người kia đã biến báo ra sao, làm cho Hà Cừ hồi hộp lắm. Nói là hồi hộp, vì không lẽ lại có người làm thơ "thó" chữ của nhau trắng trợn đến thế. Rồi anh đọc cả bài "Chợ quê" cho tôi nghe. Sao lại buồn vậy: "Chợ quê con tép cũng gầy/ Con cua con cá dính đầy bùn tươi...". Tôi đang ngẫm những nỗi quê thắc thỏm trong bài thơ thì chợt họa sĩ Lê Hướng Quỳ nhắc đến bài thơ "Thơ những ngày xa" của Hà Cừ, cũng bị một tác giả trẻ bệ nguyên xi lên tờ Tuổi Xanh và đề tên mình. Hà Cừ mỉm cười hiền lành. Tợp một ngụm rượu, khà một tiếng, anh ngâm nga mấy câu: "Lá ngả màu trong sắc nắng ban trưa/ Mùi quả chín đượm nồng trong mái tóc/ Ngày xa ấy một chiều em đã khóc/ Cho hoàng hôn sóng sánh vơi đầy". Hỏi: "Anh không giận sao, việc người ta đã ăn cắp thơ mình?", Hà Cừ lại mỉm cười, lắc đầu nói: "Rõ khổ, người ta đã làm vậy là cực chẳng đã rồi ư?". Với lại, Hà Cừ còn tự an ủi một cách rất "quê" rằng: "Thôi thì cho họ mượn. Cùng làng với nhau, họ sẽ trả mình thôi, chẳng mất đi đâu mà sợ".

Tôi cũng không thể nghĩ khác khi anh có tấm lòng ấm áp như vậy. Đúng với cái triết lý "nhà quê" như anh, mất đấy mà được đấy, với lời dạy của Phật: "Lễ vật lớn nhất của đời người là khoan dung". Hà Cừ bao năm sống thanh thản và luôn luôn nghĩ mình vẫn ở làng, và chỉ làm thơ về quê hương bởi thế!


Nguồn: Văn Nghệ Công An