Báo Công an TP. HCM có một giai đoạn phát triển rực rỡ nhất, đó là thời kỳ Huỳnh Bá Thành làm Tổng biên tập (TBT), số lượng lên gần 1 triệu bản/tuần. Lúc đó Hà Phi Long làm Phó TBT phụ trách hành chính quản trị. Khi Huỳnh Bá Thành đột ngột mất do tai biến, Hà Phi Long lên làm quyền TBT rồi TBT., Báo CATP HCM vẫn trụ vững trong khi có nhiều dự đoán tờ báo sẽ chết. Và Hà Phi Long trở thành một “hiện tượng tổng biên tập” độc nhất vô nhị trong làng báo lúc bấy giờ do tính cách của anh, đến nỗi đã trở thành một huyền thoại, có hư, có thực và hư thực lẫn lộn, chỉ có người trong cuộc mới biết rõ.




NHÀ BÁO HÀ PHI LONG TRONG MẮT TÔI

TỪ KẾ TƯỜNG

Tổng biên tập từ trên trời rơi xuống
Do anh Huỳnh Bá Thành mất đột ngột vì tai biến nên việc đề bạt người làm Quyền TBT Báo CATP HCM bị hẫng, lúc đó Ban giám đốc (BGĐ) CATP HCM thật sự bối rối nhưng cuối cùng qua tham khảo anh em, BGĐ đã đề bạt anh Hà Phi Long làm Quyền TBT.
Tôi nhớ, một hôm anh Hà Phi Long đi dự họp giao ban định kỳ hàng tuần ở Ban Tuyên giáo Thành ủy, lúc đó anh Ba Sơn, Phó ban Thường trực còn chủ trì họp báo với các TBT báo. Lúc trở về cơ quan, anh Hà Phi Long liền gọi tôi qua phòng anh, mặt mày đỏ lên, giọng giận dỗi:
- Từ thứ sáu tuần sau, ông thay mặt Ban biên tập đi dự họp giao ban, tôi không đi nữa...
Tôi cười:
- Sao thế? Họp giao ban không tổng thì phó, tôi chỉ là thư ký tòa soạn lấy tư cách gì đi họp?
- Không là không. Tôi bước vô phòng họp ai cũng nhìn tôi như người trên trời rơi xuống, tôi đi họp làm gì cho mất công. Ông cứ đi họp, cho họp thì họp, không cho họp thì về.
Và lần đó cũng là buổi đi họp giao ban đầu tiên cũng là lần cuối cùng của TBT Hà Phi Long, anh dứt khoát không đi họp nữa.
Thời Hà Phi Long còn làm Phó TBT phụ trách trị sự, thưởng ít mà…phạt nhiều. Anh em trong tòa soạn sợ anh một phép. Tôi nhớ có lần, tôi leo lên chiếc Toyota Corona tay lái nghịch mà Hà Phi Long đã bán “hóa giá”. Lần đó tôi cũng mới có bằng lái xe, nhưng lái tới thì ổn, lái lùi lại có vấn đề, và y như rằng cán lên ống nước lắp nổi trong sân, ống nước bể, Hà Phi Long cũng phạt tôi phải bỏ tiền ra đền hết triệu rưỡi.
Khi lên làm TBT, Hà Phi Long ít phạt mà thưởng nhiều. Theo Hà Phi Long đó là một cách nâng cao đời sống cho anh em bởi doanh thu của Báo CATP HCM lúc đó quá lớn, sau khi nộp về CATP làm nghĩa vụ hỗ trợ chăm lo CBCS trong lực lượng trên 10.000 người, còn lại chia ra các quỹ, trong đó quỹ nhuận bút có 3% nhưng vẫn còn dư nhiều, rồi quỹ khen thưởng cộng vào.
Hà Phi Long có “sáng kiến” thưởng cho anh em tùy theo chức vụ nhân những ngày lễ Tết, mà ở ta thì ngày lễ rất nhiều nên anh em cứ kiếm lễ nhỏ, lễ lớn đợi khi họp cơ quan thì đề xuất thưởng. Thậm chí Hà Phi Long còn có sáng kiến trích quỹ phúc lợi…đóng thuế thu nhập cá nhân cho anh em. Đến khi đoàn Thuế khui tra, bắt hoàn trả lại cho cơ quan, anh em phải trừ lương hàng tháng, trừ mệt xỉu vẫn còn nợ. Và đây là huyền thoại về Hà Phi Long: khi có đoàn Thuế đến kiểm tra định kỳ, lãnh đạo đoàn là một phụ nữ.
Bị hạch sách, soi mói đủ thứ căng theo nguyên tắc, Hà Phi Long ức nói mà như mắng: “Anh em báo CATP làm việc chết cha chết mẹ, không được khen tiếng nào mà hở cái là kiểm tra, bộ mấy chị ghen hả?”. Không ai bịt miệng Hà Phi Long kịp, “chùm thâm nho” này văng ra khiến mấy chị em trong đoàn Thuế mắc cỡ, mặt mũi sượng sùng, má đỏ, tai tía, vội đứng lên đi về một nước. Từ đó Hà Phi Long vang danh “thâm nho” với chị em phụ nữ cả nước.

Đúng chất anh hai Nam Bộ
Khi lên làm TBT, vì biết mình là người “ngoại đạo” nên Hà Phi Long rất muốn tiếp xúc với thế giới bên ngoài, nhất là những nhân vật có tên tuổi, đặc biệt là giới văn nghệ sĩ để tạo mối quan hệ tốt và mục đích là lắng nghe, tìm hiểu người ta nói gì về cá nhân mình và tờ báo từ ngày Hà Phi Long lên làm lãnh đạo.
Thực tâm mà nói, Hà Phi Long có thiện chí và cách ứng xử vừa tự ti vừa tự tôn. Tự ti vì anh không biết gì về thế giới này; và tự tôn cũng cùng một kiểu như thế, rất hồn nhiên của một người “ngoại đạo”. Hà Phi Long thường nói với tôi: “Tôi không phải là nhà văn, không phải nhà thơ, cũng không phải người viết báo nên tôi chẳng sợ thằng nào, cứ lẽ phải, cái đúng mình bênh vực, ai làm hại nước, hại dân mình, mình phê phán thẳng cánh. Vì nhân dân, vì tờ báo mình việc quái gì sợ ai”.
Để tiếp xúc với “thế giới khác” bằng sự hồn nhiên cố hữu của mình, Hà Phi Long tổ chức bữa ăn trưa tiếp khách đặc biệt tại phòng họp nội bộ của cơ quan, ngay trước cửa phòng làm việc nhỏ của anh. Đó là một cái bàn đủ chỗ cho hơn chục người mà một đầu là cái tủ lạnh to tướng, bên trong sẵn bia, nước suối, thức ăn linh tinh một đầu là cái hồ kiếng dài nuôi con cá rồng loại ngân long thân màu bạc chẳng mấy tiền theo kiểu tâm linh, phong thủy gì đó.
Đây cũng là một giai thoại mà nhà văn, nhà báo Hữu Ước sau này khi viết kịch có đưa vào chi tiết về “anh Ba Then”. Một lần Ba Then, người lái xe cho Hà Phi Long, viết cái giấy đề xuất để bộ phận tài vụ chi tiền mua cá con cho chú ngân long ăn thì Ba Then viết “trung thực” như thế này: “Đề xuất chi 30.000 đồng, lý do mua cá nhỏ cho cá lớn ăn” rồi đưa TBT ký. Hà Phi Long xem phiếu đề xuất, điên lên, thay vì ký đã ném cái điện thoại di động, suýt chút nữa anh Ba Then “lãnh đạn” nếu không hiểu tính của “anh Năm” (tên thường gọi của Hà Phi Long) vội né kịp.
Tại chiếc bàn dài này, vào những buổi trưa cuối tuần thứ bảy, hay bất cứ ngày nào đột xuất có hẹn, Hà Phi Long sẵn sàng ngồi tiếp từ Nguyễn Đình Thi, Huy Cận, Tô Hoài, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Khải, Vũ Mão, Trần Hoàn tới Mai Chí Thọ, Trần Bạch Đằng, Hoàng Như Mai, Phan Vũ, Phú Quang…và thường là Nguyễn Quang Sáng, đôi khi có Bảo Định Giang, Anh Đức rồi Trần Long Ẩn… Một vài lần có Tố Hữu, bất chợt có Hoàng Phủ Ngọc Tường và Phùng Quán mặc bộ đồ tu màu lam, xách bị cói xông vào…đọc thơ oang oang. Tôi không hiểu Hà Phi Long quen với hai nhà thơ lớn này như thế nào và có biết Phùng Quán là ai không?
Cũng tham dự những bữa ăn trưa đôi khi có các ca sĩ, diễn viên kịch nói, diễn viên điện ảnh, người mẫu. Tùy theo từng đối tượng mà Hà Phi Long tiếp xúc và có cách ứng xử khác nhau. Riêng đối với mấy cô trong giới diễn viên, ca sĩ, người mẫu… Hà Phi Long xả láng nói chuyện tiếu lâm, mà chuyện tiếu lâm của Hà Phi Long thì bất cần đối tượng có mắc cỡ, ngại ngùng gì không, cứ thế mà tương. Nhiều cô diễn viên, người mẫu cũng đâu có vừa, nhưng nghe chuyện tiếu lâm của Hà Phi Long rồi thì chỉ có nước chào thua, chạy mất dép.
Một lần tôi chứng kiến một sự kiện hơi bị choáng, đó là lần tôi và Hà Phi Long đang ngồi trao đổi công việc ở ghế salon trong phòng làm việc của anh, một đồng chí lãnh đạo bộ nọ vừa từ ngoài Bắc vào ghé chơi theo chỗ thân tình, chưa kịp bắt tay thì Hà Phi Long có lẽ tức tối sẵn chuyện gì với bộ này đã xổ luôn một tràng: “Mai mốt anh về…chăn bò đi đừng làm lãnh đạo nữa, làm thế chỉ có khổ dân, người ta đang kêu tới báo CATP kìa”. Đồng chí lãnh đạo rất hay là thoáng sững người trước câu nói thẳng thừng không sợ mất lòng của Hà Phi Long, rồi cười hì hì: “Mày nói thế chứ tao chăn bò làm sao được, sợ còn tệ hơn, chăn bò cũng khó lắm chứ không phải ai muốn chăn là được đâu”. Thế là Hà Phi Long cười hì hì.

Hà Phương Loan là con gái kế của Hà Phi Long, năm đó khoảng 12 tuổi. Một hôm, phát hiện trong vở học của con gái có mấy bài thơ dạng viết nháp, câu được, câu gạch xóa, đoạn đầy đủ 4 câu, đoạn chỉ 3 câu, cô bé làm thơ nhiều thể loại khác nhau, vần chưa chỉnh, câu chưa tròn, ý chưa rõ nhưng có bài câu chữ rất hồn nhiên, rất sáng tạo kiểu bộc phát. Hà Phi Long sướng lắm, mang khoe với tôi, xem con gái như một phát hiện mới và hứa hẹn một tài năng lớn. Anh nhờ tôi xem qua những bài thơ và những gì chưa chỉnh thì sửa cho cháu.
Hà Phi Long yêu thương con rất mực, yêu luôn những bài thơ con làm và coi đó như một thứ tài sản quý. Anh đi nhặt nhạnh thơ của cháu Loan làm vứt tứ tung rồi gom lại mang ra khoe. Đây là thời gian mà Hà Phi Long… khoe thơ của con gái mình và nhờ một số nhạc sĩ phổ nhạc, một số nhà thơ tìm cách đăng thơ Hà Phương Loan lên báo, hoặc nhận xét. Ai khen thơ cháu Loan, Hà Phi Long rất thích, có thể đãi rượu, ai chê thì Hà Phi Long cũng chửi ngay.
Tôi quý Hà Phi Long ở góc độ này. Một ông bố thương con rất bản năng.

Hà Phi Long là một người tính thẳng như ruột ngựa, nói năng bạo mồm, bạo miệng không cần suy nghĩ, đắn đo trước bất cứ đối tượng nào thì chắc chắn không phải là người nham hiểm. Và càng không phải là người làm chính trị hay chí ít sinh ra để sau này làm TBT một tờ báo như Báo CATP HCM. Chức TBT trên trời rơi xuống như một cái số, dù cái số ấy chẳng sướng ích gì, chỉ chực chờ mang họa vào thân.
Nhưng Hà Phi Long khi được đặt vào chỗ ngồi ấy, dù muốn hay không muốn cũng phải…làm lãnh đạo. Mà lãnh đạo “vô chính trị” như Hà Phi Long thì chỉ có “nát gáo”. Sau bao nhiêu năm, chuyện thị phi về Hà Phi Long đã nhạt phai, tôi muốn nhìn lại một con người, một tính cách, ít ra cũng một lần làm TBT một tờ báo như Báo CATP HCM cho dù với lý do và hoàn cảnh nào cũng cần có một cái nhìn sòng phẳng, công bằng.
Trong mắt tôi, một người trong cuộc, Hà Phi Long ngoài chuyện thị phi của một giai đoạn chưa xa thời bao cấp bao nhiêu, muốn bứt phá một cơ chế, tư duy làm báo kiểu cũ so với bây giờ chẳng khác nào “cầm đèn chạy trước ô tô”. Và một người với tính cách bỗ bã, ăn nói bạo mồm bạo miệng như Hà Phi Long mà không bị vạ miệng mới là chuyện lạ