Muốn tổ chức một Ngày Thơ Việt Nam cho đàng hoàng mà kinh phí chỉ có vài chục triệu trong bối cảnh giá cả đắt đỏ như hiện nay, thì quả là cuộc chơi của những kẻ giàu trí tưởng bở. Số tiền tương đương một cái iphone 5 làm trang sức vặt cho các chân dài váy ngắn, mà muốn đánh thức tình yêu thi ca của một vùng đất ư? Nếu chỉ đầu tư như vậy, thì Ngày Thơ Việt Nam thay vì đề cao nhà thơ như những quý tộc tinh thần của cộng đồng, lại biến nhà thơ thành biểu tượng lúng túng và vụng về như lực cản mệt mỏi của xã hội. Ngày Thơ Việt Nam đầu tiên, Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được đến đánh trống khai hội, còn năm nay lãnh đạo nào tỏ thái độ ủng hộ thi ca? Thật trớ trêu, khi một cán bộ xã bình thường đi dự hội nghị cũng có phong bì thù lao, còn một nhà thơ lão thành đi dự Ngày Thơ Việt Nam phải tự xoay xở tiền… xe ôm!



THI CA TEO TÓP VÌ KINH TẾ KHÓ KHĂN

LÊ THIẾU NHƠN

    Nói chuyện thơ chung với chuyện tiền, chắc chắn nhiều người sẽ phì cười, nhưng có lẽ không ai cảm thấy ngạc nhiên. Bởi lẽ, khi đã chấp nhận sống chung với kinh tế thị trường, thì mọi thứ phải xoay chuyển theo cục diện lên xuống của số dư tài khoản. Nhìn vào nơi sầm uất nhất của Ngày Thơ Việt Nam tại Văn Miếu – Hà Nội, mà thử hỏi, các chàng trai chiến y nghiêm chỉnh cầm giáo mác rước thơ hay những cô gái áo dài tha thướt cầm bong bóng thả thơ, đều tự nguyện uống nước lã để vinh danh sáng tạo chữ nghĩa ư? Và hãy nhìn sang những địa phương ít thoải mái ngân sách luôn tổ chức Ngày Thơ Việt Nam một cách đơn điệu, mà thử hỏi, có phải họ không muốn làm hoành tráng không? Đừng mơ hão nữa, đừng ngụy biện nữa, và cũng đừng than thở nữa, tiền nào của nấy!

    Không cần tiền có thể thiết kế một không gian thơ không? Có, nhưng đấy là một căn phòng nhỏ, dăm bảy nhà thơ và vài ba người yêu thơ cùng xướng họa với nhau và cùng tán dương lẫn nhau. Còn khi đã xưng tụng Ngày Thơ Việt Nam thì phải có tầm vóc lễ hội. Không có tiền không thể có lễ hội, vì lễ hội phải dựa trên hai tiêu chí: qui mô dàn dựng và hiệu ứng công chúng. Ngày Thơ Việt Nam đã tổ chức 11 lần vẫn chưa thành lễ hội, vì mọi khâu đều vá víu và miễn cưỡng theo yêu cầu “trông giỏ bỏ thóc”. Tội nghiệp, các nhà thơ nhảy vào sân khấu Ngày Thơ Việt Nam không phải để thăng hoa cảm xúc, mà để phô diễn vẻ đẹp của nghệ sĩ nghiệp dư hoặc diễn viên thời vụ.

     Muốn tổ chức một Ngày Thơ Việt Nam cho đàng hoàng mà kinh phí chỉ có vài chục triệu trong bối cảnh giá cả đắt đỏ như hiện nay, thì quả là cuộc chơi của những kẻ giàu trí tưởng bở. Số tiền tương đương một cái iphone 5 làm trang sức vặt cho các chân dài váy ngắn, mà muốn đánh thức tình yêu thi ca của một vùng đất ư? Nếu chỉ đầu tư như vậy, thì Ngày Thơ Việt Nam thay vì đề cao nhà thơ như những quý tộc tinh thần của cộng đồng, lại biến nhà thơ thành biểu tượng lúng túng và vụng về như lực cản mệt mỏi của xã hội. Ngày Thơ Việt Nam đầu tiên, Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được đến đánh trống khai hội, còn năm nay lãnh đạo nào tỏ thái độ ủng hộ thi ca? Thật trớ trêu, khi một cán bộ xã bình thường đi dự hội nghị cũng có phong bì thù lao, còn một nhà thơ lão thành đi dự Ngày Thơ Việt Nam phải tự xoay xở tiền… xe ôm!

     Sẽ có người thắc mắc với sự bực bội: tại sao các nhà thơ quan tâm đến tài chính dữ thế? Xin thưa, nếu nhà thơ chỉ đối mặt với trang giấy ở trong góc tối cô đơn riêng mình, thì không cần tiền. Còn thi ca đã đì đùng bước ra công chúng thì không thể không có tiền. Những nhà thơ có sức thu hút như Trần Đăng Khoa hay Nguyễn Duy, khi họ xuất hiện phải trả thù lao vài ba triệu, chứ không lẽ bắt họ nhận hai chữ “thông cảm”? Còn các nhà thơ tầm tầm bậc trung đọc thơ thì câu dài đá câu ngắn lọt vào tai khán giả chỉ gió thoảng vần điệu ới a mà thôi.

    Lâu nay Ngày Thơ Việt Nam không đạt được tầm vóc lễ hội vì nghèo nàn ý tưởng. Uy tín của những người đứng mũi chịu sào Hội nhà văn VN không phải như Xuân Diệu hay Huy Cận để người tài hãnh diện tìm đến tham mưu hiến kế. Mặt khác, Ngày Thơ Việt Nam vẫn đang thiếu một tổng đạo diễn vừa am hiểu giá trị thi ca vừa tường tận nghệ thuật trình diễn. Muốn thuê một tổng đạo diễn như vậy, ít nhất phải bỏ ra 50 triệu đồng. Nghĩa là một đô thị lớn như TPHCM cần có kinh phí khoảng 200 triệu mới mong có một lễ hội thơ tử tế.

    Kinh tế khó khăn thì thi ca teo tóp. Phải thật sòng phẳng để nhìn nhận như vậy khi cùng nhau bàn về tham vọng Ngày Thơ Việt Nam ra tấm ra món. Nếu mọi người đều hiểu đất nước đang chật vật, thì tạm ngừng Ngày Thơ Việt Nam vài năm để dành dụm thi ca và tích lũy tài sản. Ngày Thơ Việt Nam đừng làm lấy có, đừng làm lấy được và đừng làm vì giấc mộng lâm ly “cường quốc thơ”!