Điện ảnh năm 2011 để lại hai “dư chấn” cho Điện ảnh năm 2012. Dư chấn thứ nhất là vụ xếp 3 bộ phim “ Hotboy…”, “ Vũ điệu đam mê” và “Mùi cỏ cháy” (bộ phim nói về sự hy sinh của thế hệ trẻ Hà nội tại thành cổ Quảng trị năm 1972) cùng sóng hàng nhận Giải Bạc tại LHP Bông Sen Vàng diễn ra tại TP Tuy Hòa cuối năm 2011. Dư chấn thứ 2 là vụ Cục Điện ảnh làm thất thoát 40 tỷ đồng mà cho đến tận hôm nay số tiền đó cùng tên tuổi một thời lừng lẫy của hai ông Cục trưởng, Cục phó- theo phép “mờ chồng” nghề làm phim thường sử dụng- coi như đã thuộc về …ngày hôm qua! Anh chị em nghệ sỹ điện ảnh xưa nay quen tùng tiệm với cuộc sống “ giật gấu và vai” nổi cơn xung thiên trước khoản vốn liếng không cánh mà bay này. Người ngoài cuộc thì bấm  bụng cười thầm: 40 tỷ thôi à? Là thứ tôm tép, mảy tấm so với thất thoát của những Vinashin, Vinaline. Hèn chi ngành điện ảnh xứ mình èo uột, sống dở chết dở là phải!



ĐIỆN ẢNH VIỆT lấy sức bật gì bước vào năm mới 2013? 

TÔ HOÀNG
           
Bước qua năm 2012, mùa xuân tháng Ba, LHP Cánh Diều đã như “nắn chỉnh” cái quyết định “sống sít” của LHP Tuy Hòa khi trao Giải Vàng cho bộ phim “Mùi cỏ cháy”. Phim còn nhiều hạt sạn của sự non nớt tay nghề, đặc biệt về phương diện cấu trúc và dàn cảnh. Tựa như tự thân hình ảnh những chàng trai đầy mộng mơ, gạt đẩy mọi riêng tư để bước vào trận sinh tử vì Độc lập, Tự do của Tổ quốc đã khiến người xem không cầm được nước mắt. Lâu lắm rồi mới xẩy ra hiện tượng đèn trong phòng chiếu đã bật sáng, nhưng người xem vẫn bâng khuâng, lưu luyến chưa dứt ra nổi những gì vừa được thấy được nghe. Khẳng định chỗ mạnh của “Mùi cỏ cháy” như thế, nhưng bản thân người viết những dòng này đã vô cùng sửng sốt ngạc nhiên khi giới quản lý điện ảnh xứ mình thật “to gan lớn mật” dám gửi bộ phim này làm ứng cử viên tham dự Giải Oscar 2012. Họ biện minh: “Không thể chọn phim nào xứng đáng hơn!”. Chắc chắn giới làm phim, người yêu phim năm châu bốn bể sau khi xem “Mùi cỏ cháy” sẽ hiểu ngay ra điện ảnh xứ mình đang ở thang nấc nào?
Cũng với LHP Cánh Diều năm 2012, ở mảng phim truyện nhựa, Ban Giám khảo đã có một quyết định tỉnh táo, chuẩn xác khi trao một Cánh Diều Bạc duy nhất cho bộ phim “Saigon YO” của đạo diễn người Mỹ gốc Việt - Stephane Gauger. Phim kể về một nhóm thanh thiếu niên mưu sinh vất vả vì những công việc của giai tầng “dưới đáy”. Các cháu chỉ còn mỗi niềm vui và nỗi an ủi duy nhất là thỉnh thoảng kéo tới một khu đất hoang cùng nhau quay cuồng trong điệu nhẩy hiphop. Nhưng rồi khu đất sắp bị bán cho người nước ngoài và có nguy cơ cái sân chơi chung của các cháu biến mất. Sẽ tìm lối thoát cho phim ra sao đây để lọt qua lưới kiểm duyệt? “Saigon YO” tựa như hoàn toàn quay bằng máy cầm tay, cắt cúp nhanh, chuyển cảnh ngọt, diễn viên vào vai như sống trước ống kính. Điều đáng ngạc nhiên hơn một đạo diễn Việt Kiều tại sao nhìn ra và đồng cảm được với nỗi đau ở góc cạnh ấy của một đám trẻ bụi đời? Và còn tài hơn vì sao lại biết “nắn” cho vai người đại diện chính quyền “mềm” đi để bộ phim không trở nên trò khiêu khích, gây gổ cho mang vạ vào thân? LHP Cánh Diều lần này còn trao cho Nguyễn Thị Quỳnh Hoa-cô sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ Tp Hồ Chí Minh, lần đầu đóng phim danh hiệu “Nữ diễn viên thủ vai chính xuất sắc nhất”.
Trên màn ảnh nhỏ, phim truyện truyền hình nhiều tập vẫn làm mưa làm gió. Báo chí năm 2012 lại oai oái la ó về chất lượng quá sút kém – như một bước trượt dài không thể cứu vãn nổi của loại phim này. Nguyên nhân ư? Rất nhiều và dù có đưa ra nhiều kiến giải thì cái nguyên nhân chủ yếu vẫn nằm ở chỗ: cả nước có tới 87 kênh truyền hình Trung ương lẫn địa phương. Mà kênh nào một ngày cũng phát sóng 24/24 giờ trong một ngày. Lấy gì phủ sóng thời gian ấy đây? Không chi phí nào rẻ hơn lấp sóng bằng phim truyền truyền hình. Một thị trường béo bở với mặt hàng văn hóa được mở ra. Và thế là các nhà sản xuất đủ kiểu đủ loại thả sức cho người xem sơi món ăn gạo trộn lộn tro chấu, đất cát.
Tại LHP Quốc tế Hà Nội lần 2 (tên gọi mới là HNIFF) diễn ra vào dịp cuối năm vừa qua có hai bộ phim truyện dành cho màn ảnh lớn xuất xưởng ra mắt công chúng liền.Đó là “Cát nóng” ( đạo diễn Lê Hoàng) và “Đam mê” (đạo diễn Phi Tiến Sơn). Còn nhiều bộ phim điện ảnh khác đã xong phần hậu kỳ như “Bước khẽ tới hạnh phúc” (đạo diễn Lưu Trọng Ninh), “Mùa hè lạnh” (đạo diễn Ngô Quang Hải), “Những người viết huyền thoại” (đạo diễn Bùi Tuấn Dũng), “Lạc lối” ( đạo diễn Phạm Nhuệ Giang),”Mỹ nhân kế” ( đạo diễn Nguyễn Quang Dũng )… Những bộ phim này sẽ lần lượt ra mắt công chúng trong và sau Tết Quý Tỵ. Riêng “Cát nóng” và “Đam mê” nhận sứ mệnh “khai hỏa” cho dòng phim nhựa năm nay tại HNIFF đã thu về sự phản hồi khá xấu, khá xui xẻo của người trong nghề và báo giới. Như làm công viêc bóp cổ, chặn hầu dòng phim nội địa này, tại các rạp chiếu ở Hànội và Tp Hồ Chí Minh đã tưng bừng ra mắt cả chục bộ phim Mỹ và nước ngoài vừa được trao Giải Quả Cầu Vàng và đang là những ứng cử viên sáng giá của Giải Oscar tháng ba tới như: “Amour”, “Abraham Lincon”, “Les misérables”,” Argo”, “Silver Linings”, “Zero darkithing”, “Inglorious basterds”, “Django unchained”… Cạnh tranh tự do, mạnh được yếu thua mà! Vui đáo để !
Trở lại đôi điều với HNIFF. Đây là cú xuất chiêu đầu tiên của Ban lãnh đạo Cục Điện ảnh Việt Nam sau vụ thất thoát 40 tỷ. Ấn tượng chung và cũng có thể coi như thành công của HNIFF là đã cuốn hút được điện ảnh của khá nhiều nước mang nhiều phim tới trình chiếu ở LHP này. Đây cũng là cuộc giao lưu phim ảnh mà xứ mình giới thiệu được một lượng khá lớn mặt hàng nội địa cho bạn bè thế giới xem, được chia theo 3 khu vực: Phim về Hà Nội, phim về Đổi mới, phim đề tài đương đại.
Nhưng với HNIFF vần đề đặt ra lại là: Đã tới lúc và cần thiết phải tổ chức một LHP quốc tế như vậy ở Hà Nội chưa? Để những người làm phim trong nước có dịp ngó ngàng tới phim ảnh của các nước khác sao? Và để bạn bè thế giới có dịp tiếp cận với mặt hàng phim ảnh của xứ mình à? Chỉ qua HNIFF thôi, hai câu hỏi này đã được giải đáp ngay. Người làm phim xứ mình thấy gì, nghĩ gì về phim của bè bạn à? Báo giới theo dõi HNIFF ghi lại, các nhà làm phim xứ ta giật mình, ngạc nhiên,thậm chí thảng thốt. Không chỉ với những bộ phim của các nền điện ảnh lực lưỡng như Trung Quốc, Nhật bản, Hàn Quốc.. mà ngay của những nền điện ảnh sàn sàn “trứng gà trứng vịt” giống ta như Phillipine, Kazakhstan, Tajikistan.. Giật mình, ngạc nhiên tới độ nhiều đạo diễn, biên kịch, diễn viên xứ mình thốt lên: “Phim bạn bè đã mở mắt cho chúng ta”, “Xem phim bạn thấy quy trình và cung cách làm phim ở nước mình phải bắt đầu lại hết từ A,B,C”. Ngay Cục trưởng mới, bà Ngô Phương Lan cũng thừa nhận HNIFF “như một cơ hội để biết mình biết người”. Còn với HNIFF đồng nghiệp thế giới biết gì về phim ảnh xứ mình? Cũng theo báo giới, ông Ishizaka, người phụ trách việc truyển chọn phim cho chuyên mục “Làn gió mới châu Á” cho LHP Quốc tế Tokyo (Nhật bản) nhận xét rằng: “Với tư cách cá nhân một người làm chương trình, tôi nhận thấy điện ảnh Việt Nam hoặc quá thương mại, hoặc quá nghệ thuật”. Quá thương mại thì hiểu được, còn quá nghệ thuật ư? Ông Ishizaki đùa vui hay có ý gì nữa đây?
Từ 6,7 năm nay, nhiều ý kiến cho rằng nền điện ảnh chính thống ở nước ta (cội nguồn đẻ ra những bộ phim còn nghiêng về giá trị tư tưởng và nghệ thuật) do đồng tiền tài trợ từ phía nhà nước co hẹp, do bị o ép tứ phía trong cơ chế thị trường, do nguồn tài năng đã mòn sám, cạn kiệt mà không được bổ xung, làm mới…v..v… đã là con bệnh đang sống đời sống thực vật. Chỉ cần ngắt luồng oxy ( tiền tài trợ nhỏ giọt hàng năm hoặc vào các dịp lễ lạp..) con bệnh kia sẽ đi về cõi thiên thu tắp lự.
Một ý tưởng ngộ nghĩnh bỗng nẩy sinh: Mở ra thêm một, hai HNIFF nữa để mời bạn bè, đồng nghiệp năm châu bốn biển đến Hà Nội để chứng kiến phút lâm chung của Điện ảnh xứ mình sao đây?