Chợ Co Xàu ngày ấy không tiếng còi, không tiếng động cơ xe máy. Chỉ có tiếng người và tiếng các cong rượu chạm nhau lum cum, lủm củm. Tiếng các bếp lửa nhà hàng eo éo xồ xoà . Người nói với nhau rì rầm như bầy ong về tổ. Người làng nào nói giọng thổ âm làng đó. Âm vực cao thấp giữa người làng này nghe rất khác người làng nọ. Mà giữa các làng cách nhau mươi cái bờ ruộng, đâu có xa xôi gì. Ví dụ cùng nói về sự rỗi rãi. Người vùng Pò Tấu nói dzu đài. Người vùng tôi nói dzu đai, hơi luyến lên một chút. Người Lũng Đính nói dzu đải. Đài, đai, đải có cùng một nghĩa là ở không. Hình như đây là một vấn đề thuộc lĩnh vực âm thanh âm nhạc. Song tôi chưa thấy ai nghiên cứu và khai thác nó trong sáng tác ca khúc hay khí nhạc.  Từ xưa tới nay, tôi biết có rất ít bài hát hay về Trùng Khánh. Một vùng đất rất giàu tính nhạc, trong ngôn ngữ giao tiếp, trong các làn điệu hát dân ca. Cũng là một vùng đất đậm đặc tinh thần thượng võ. Tiết tấu nhanh và có những quãng đảo phách bốc lửa.



Đi chợ nhìn người

Y PHƯƠNG

Hồi còn bé, tôi hay trốn mẹ, trốn bà đi chợ. Phiên nào cũng đi. Nhưng trong túi chả bao giờ có tiền. Song vẫn cứ thấy thích. Hễ nơi nào đông người là tôi mê mẩn. Bất kể người lạ hay quen, cứ ở đâu có mùi mồ hôi muối, hay cái gì ngây ngấy, tanh tanh là hấp dẫn tôi như nghiện. Khi sinh ra, hình như tôi đã có vấn đề về khứu giác. Chả thế mà có lần nhà thơ Trần Hùng nói tôi đánh hơi nhậy như con chó cún. Hùng ở đâu về, nếu có điều gì sinh nghi, bao giờ hắn cũng nhai một tép tỏi để đánh lừa tôi. Hai thằng lại bá vai nhau cười hô hố ha há, khô cả mấy hàm răng. Sướng!

Ở vùng núi, đặc biệt phiên chợ đắp, tức ba mươi tết, dù có bận như gạo cho vào nồi, người ta cũng phải đi chợ. Mua bán chỉ là phụ. Cái chính là để hỉn chơi nhìn người. Người đi đông như nêm cối. Người lèn người chặt chẹt đến nỗi lồi cả bốn mắt cá chân. Một rừng người lao xao vừa đi vừa chào. Ai cũng diện áo mới, quần mới, khăn mũ mới, giày dép mới. Mới từ mười ngón chân mới đến hằng hà sa sợi tóc. Khắp nơi khắp chốn bay ra mùi chàm thơm nức nở. Khắp nơi khắp chốn phát ra tiếng kêu sột soạt của áo quần, may bằng thứ vải tự dệt, dày và thô như da bò. Các chị em đeo vòng bạc, giây xà tích, túi đựng trầu bằng thổ cẩm. Cả năm mới có một ngày để khoe. Khoe hai bàn tay dính đầy nhựa chàm. Ngón nào cũng có một bông hoa xoay tròn. Những người như thế, là họ vừa giỏi giang vừa chăm chỉ. Khéo tay hay làm là đáng tiền lắm. Các dzả, các tha hồ mà chọn dâu kén rể.

Chợ Co Xàu ngày ấy không tiếng còi, không tiếng động cơ xe máy. Chỉ có tiếng người và tiếng các cong rượu chạm nhau lum cum, lủm củm. Tiếng các bếp lửa nhà hàng eo éo xồ xoà . Người nói với nhau rì rầm như bầy ong về tổ. Người làng nào nói giọng thổ âm làng đó. Âm vực cao thấp giữa người làng này nghe rất khác người làng nọ. Mà giữa các làng cách nhau mươi cái bờ ruộng, đâu có xa xôi gì. Ví dụ cùng nói về sự rỗi rãi. Người vùng Pò Tấu nói dzu đài. Người vùng tôi nói dzu đai, hơi luyến lên một chút. Người Lũng Đính nói dzu đải. Đài, đai, đải có cùng một nghĩa là ở không. Hình như đây là một vấn đề thuộc lĩnh vực âm thanh âm nhạc. Song tôi chưa thấy ai nghiên cứu và khai thác nó trong sáng tác ca khúc hay khí nhạc.  Từ xưa tới nay, tôi biết có rất ít bài hát hay về Trùng Khánh. Một vùng đất rất giàu tính nhạc, trong ngôn ngữ giao tiếp, trong các làn điệu hát dân ca. Cũng là một vùng đất đậm đặc tinh thần thượng võ. Tiết tấu nhanh và có những quãng đảo phách bốc lửa.

Cả một năm dài đằng đẵng đến tận Lòng Chu, mà chỉ có mỗi một ngày chợ đắp là đông đủ nhất. Dù ai đi Đông đi Tây đây, cũng cố mà về gặp lại người mình. Nhìn thấy nhau là quý lắm rồi. Nói với nhau đôi lời, uống với nhau bát rượu, hút với nhau điều thuốc. Thế là toại nguyện. Chỉ đơn giản thế thôi, nhưng đắm đuối tình người. Quyến luyến tình duyên lăm lắm.   
Việc đầu tiên của tôi là xem ông thợ đóng móng ngựa. Những con ngựa cao bằng đầu người, bụng to như cái thùng phi. Người ta dùng nó kéo xe chở hàng, nên móng chóng mòn mau hỏng. Sáu tháng là phải thay một lần, mỗi lần thay cả bốn móng, chỉ mất già nửa tiếng.

Tự nhiên tôi mê ngắm nhìn ông thợ đóng móng ngựa. Tôi nể một con người thấp nhỏ, mà vần được cả một con ngựa to. Ông là người Lũng Làu. Dáng thấp đậm, râu bạc, lông mày bạc, da mặt đỏ hồng. Lúc nào ông cũng đeo một chiếc tạp dề bằng da dê thuộc, với cặp kính hai tròng. Ông lầm lỳ ít nói cười. Chỉ cần liếc mắt nhìn con ngựa một lượt từ đuôi lên đầu, từ đầu xuống chân, ông biết ngay tính tình chú ngựa kia hung hăng hay hiền lành, nhút nhát hay bạo dạn. Tay ông lắc nhẹ vào chiếc hàm thiếc, rồi chúm môi nói chuyện với con ngựa. Ông hỏi nó bằng một thứ ngôn ngữ riêng. Do ông sáng tạo: từ rừ từ rừ từ rừ lòi lòi. Con ngưạ hồng mao to đùng đoàng ngẫm nghĩ một lúc, tự động co một chân lên. Ông ta bèn lấy tay bẻ gập ngửa vó lên trời. Ông tỳ cả khủy chân con ngựa vào đầu gối của mình. Bắt đầu dùng kìm càng cua để nhổ đinh, vứt bỏ chiếc móng cũ đi làm một tiếng: Pẹt! Chiếc móng sáng loáng mòn vẹt, nó nằm chỏng chơ trên cỏ xanh như một nửa chiếc bánh óng ánh màu bạc. Đoạn ông cầm dao nạo, gọt nốt đoạn móng đùn ra, những chỗ bị nứt tòe. Ông áp chiếc móng mới vào ướm thử. Êm rồi. Vừa khít. Rồi ông bỏ chiếc móng mới vào lò than. Hai chiếc bễ thi nhau phi pho thở. Lò than bốc lên ngọn lửa xanh. Chỉ một lúc là chiếc móng sắt đã chín. Ông nhổ một miếng nước bọt vào lòng bàn tay. Hai xoa một đập. Lúc sau ông cầm lấy cán búa. Này thì đóng. Cốp. Chát. Xìn xịt xìn xịt. Xong một móng.

Nơi tiếp theo tôi tìm đến là con phố hoạn lợn, thiến gà. Khu phố này có tên hẳn hoi. Phố Nhả Nhùng. Đó là phố bán cỏ. Con phố chỉ có mười mét dài với ba thước rộng. Chưa bước chân tới phố Nhả Nhùng đã nghe tiếng ồn ào hú hét quang quác. Toàn những âm thanh chói chang gắt gỏng nhất chợ. Nhưng lại là nơi có nhiều người đàn ông râu dê tìm đến. Họ túm tụm cười cười nịnh bợ mấy thợ hoạn để xin vài hột ngọc kê. Chẳng hiểu vì sao người ta kháo nhau ăn gì bổ đấy. Thế là cánh đàn ông đổ xô đi tìm các loại ngọc. Ngọc dương, ngọc khuyển, ngọc mã, ngọc kê…Ngọc bất cứ con gì ở trong rừng, càng hoang dã khỏe mạnh càng tốt. Có người đem ngâm rượu. Lại có người mang về hầm ăn chín.

Các quý ông vốn là người mang niềm vui đến các quý bà. Ông khỏe bà mừng. Đấy không chỉ là câu trêu đùa. Nó rất thực tế. Rất cụ thể. Rất chi tiết. Rất nhân đạo. Thế nên ngọc kê trở thành của quý nhưng dễ tìm nhất. Bọn trẻ ranh với đàn bà là cấm có sờ mó. Người ta còn dọa trẻ con ăn cái đó sẽ bị thối tai, mù mắt. Thế sao mắt các ông càng sáng long lanh. Ha ha ha!

Ngọc kê, người ta không bán mua. Vì thế, nó mới phiền. Có thực lòng yêu quý mới cho nhau cái sự sung sướng. Cái sung sướng dù bán bao nhiêu cũng không bao giờ đủ, mua bao nhiêu cũng không bao giờ vừa. Lòng tham như gió chảy vào thung lũng. Cái sung sướng là thậm vô giá. Bất luận thế nào, các ông cũng phải “phấn đấu” để trở thành người bạn tri âm tri kỷ của mấy ông hoạn lợn ông thiến gà. Những ông hành nghề “cấm cho nó sướng” đều biết hết tâm địa của người đồng giới. Nhưng họ vẫn sẵn sàng vui lòng khi “tình cho không biếu không” nổi lên. Ai nỡ để người ta về buồn xìu về nhà với hai tay trắng. Người nhiều người ít thì nhón lấy vài hột đi. Hầy dzà! Còn làm bộ hỏi han nữa hả. Cầm về đi. Họ nhanh chóng rải lá tong rản, bỏ hột ngọc kê vào, đóng gói nó thật cẩn thận. Của quý to chư cuộn chỉ thêu, có dịch màu trắng đục, mùi nằng nặng, nhưng có vị ấm. Bao bì nó bóng bẩy trơn tru, có những đường vân màu tím nhạt, nhỏ li li, chạy ngoằn ngoèo. Ăn cái thứ đó vào, các cơ bắp sẽ nhọc nhạch nhày nhạy, hồi phục nhanh như gà. Thích lúc nào được lúc ấy.

Các ông râu dê nhìn nhau nhùm nhìm nhúm nhím cười. Hai tay khư khư ôm lấy túm lá tong rản. Hai chân khua như múa. Tới nhà, họ đổ cái sung sướng ra ang. Ngâm tẩm nó trong gừng già giã nhỏ với rượu dze củ nghiến, thêm một nửa thu xáu con cá trạch, cộng hai ba chú chim sẻ. Vậy là đủ vị, hoàn tất niêu viagra có trong tự nhiên. Họ đặt nó lên bếp than gỗ mạy lòi. Hầm thật cẩn thận, kỹ càng. Cái giống í càng hầm càng cương. Thế mới đặc hiệu.

Đợi cho đến nửa đêm trăng sáng, gió núi thổi suông, một mình một chiếu, nhâm nhi với tý cay cay nong nóng. Mắt thì nhèn nhèn nhìn vào miếng rèm buồng. Rèm mà động phòn phèn, là tín hiệu các con ngủ say cả rồi. Vào đây bố nó ơi! Thế là mẹ nó với bố nó ớ hời la. Mồm miệng se sẽ ho một tiếng è hèm. Khe khẽ chẹp ba cái chẹp. Đời chỉ có thế mà thôi. Ò ỏ ó ó ò o…
Tiếp đến là nơi ông vá chảo hàn nồi. Ông này là bố của một người bạn, cùng học với tôi ngày còn lớp một. Nên tôi biết khá tường tận. Ông tên là Thòong. Nhà ở Lũng Pán, cách phố huyện Co Xàu chừng hút hết ba điếu thuốc sừng bò. Ngày còn đi học, sáng nào Lương Văn Lóong cũng vào lớp muộn mười lăm ba mươi phút. Gặp phải hôm mưa dầm gió bấc, bạn đến lớp muộn một tiếng là chuyện bình thường. Tuy thầy Bế Cảnh người cực kỳ nghiêm khắc, nhưng không bao giờ trách mắng Lóong. Ngược lại, lòng thầy đầy thương cảm, quý mến cậu học trò nghèo, nhà xa trường.

Tôi gọi người bố của bạn mình bằng chú Thòong. Chú bảo tôi ngồi xuống kéo cái bễ  phì phò hộ chú. Lát nữa tao cho mấy nắm hạt gang, mang về mà nhồi súng kíp. Có phải không nào. Nhưng nhà cháu không có súng và cháu cũng không biết bắn. Sao cháu dại thế. Mang góp với người có súng bắn đạn mác xá. Mười viên trúng một coi như thắng. Có phải không nào. Cháu là người góp của. Họ là người có công. Bắn được con chim gáy, con gà lôi chia nhau mỗi người một nửa. Có phải không nào. Thế là người nhà cháu có miếng mặn. Có phải không nào. 

Hôm nay tôi trở về Co Xàu, lòng đi thật chậm. Thật chậm. Bước qua hàng hàn nồi vá chảo. Nhưng  không còn dấu vết của chú Thòong với câu nói cửa miệng: Có phải không nào…

Đi thật chậm qua nơi đóng móng ngựa. Những con ngựa ngày xưa giờ đã biến thành cao. Những miếng cao có màu cánh dán, vuông vắn như bao diêm. Tôi nghe được tiếng từ rừ từ rừ yếu ớt, phát ra từ trong bên trong lớp vỏ diêm. Tôi cứ buồn. Cái nhớ bốc ra như hơi nóng. Hơi nóng có mùi tanh cao ngựa. Mùi tanh bay ra từ góc chợ ngày xưa ấy. Sự cô đơn trong tôi bò từ chỏm xương cụt, lên đến huyệt đỉnh đầu. Ấy là lúc âm dương đương say buổi chợ. Người đông cứng như đổ bê tông, phải dùng kế gì để thoát hiểm. Bỗng có tiếng kêu. Ớ các ông anh ơi! Ở phố Nhả Nhùng, người ta đang thiến gà để tết. Đông ngọc kê lắm. Thế là chợ vãn non nửa. Chỉ còn đàn bà với lũ trẻ con khum khum hai tay múc gió.