Vì những khúc quanh lịch sử, một giai đoạn dài tác phẩm của Phạm Duy không được phổ biến. Thế nhưng, hơn 1000 ca khúc chia làm nhiều thể loại phong phú như tình ca, trường ca, rong ca, đạo ca, thiền ca, tâm ca, tục ca… hoàn toàn chứng minh được một tầm vóc vạm vỡ của Phạm Duy trong nền âm nhạc nước nhà! Cũng đáng mừng, nhiều ca khúc Phạm Duy sau khi được cho phép hát lại như “Ngày trở về”, Đưa em tìm động hoa vàng”, “Ngày xưa Hoàng thị”, “Kiếp nào có yêu nhau”… nhanh chóng được công chúng yêu thích. Khi bày tỏ thái độ ủng hộ nhạc sĩ Phạm Duy về sinh sống tại quê hương, Công ty văn hóa Phương Nam đã mua độc quyền toàn bộ sáng tác của ông với bản hợp đồng trị giá 400 ngàn USD!





    NHẠC SĨ PHẠM DUY XUÔI TAY CÙNG ĐẤT MẸ BAO DUNG

                                  LÊ THIẾU NHƠN

    14h30 ngày 27-1-2013, trái tim nhạc sĩ Phạm Duy đã ngừng đập ở tuổi 93. Con người tài hoa, đa tình và luôn theo đuổi tận hưởng cuộc sống ấy chắc chắn sẽ còn tốn nhiều giấy mực bàn luận của thế hệ sau. Nói về sáng tác, không ai có thể chê Phạm Duy. Còn nói về đời thường, không phải ai cũng khen Phạm Duy. Phải chăng, những giai điệu nồng nàn luôn réo gọi trong tâm hồn, khiến Phạm Duy chênh chao giữa những thái cực đối nghịch? Bây giờ Phạm Duy xuôi tay cùng đất mẹ bao dung, thanh thản như mọi người con của nòi giống Lạc Hồng!

    Với 30 năm tha hương, năm 2005, Phạm Duy trở về Việt Nam và lặng lẽ chinh phục lại những khán giả trẻ tuổi hơn, khó tính hơn. Sự nghiệp âm nhạc của Phạm Duy khởi đi từ bài hát “Gươm tráng sĩ” viết năm 1944, lúc 23 tuổi. Những sáng tác đầu tay của Phạm Duy như “Cây đàn bỏ quên” hoặc “Khối tình Trương Chi” đều có màu sắc bị ảnh hưởng bởi dòng nhạc tiền chiến. Khi hòa nhập với kháng chiến chống Pháp, từ năm 1947, Phạm Duy đưa chất liệu dân ca vào ca khúc và thành công vượt bậc với “Nương chiều”, “Quê nghèo”, “Tình hoài hương”, “Đố ai”, “Nụ tầm xuân”…

    Vì những khúc quanh lịch sử, một giai đoạn dài tác phẩm của Phạm Duy không được phổ biến. Thế nhưng, hơn 1000 ca khúc chia làm nhiều thể loại phong phú như tình ca, trường ca, rong ca, đạo ca, thiền ca, tâm ca, tục ca… hoàn toàn chứng minh được một tầm vóc vạm vỡ của Phạm Duy trong nền âm nhạc nước nhà! Cũng đáng mừng, nhiều ca khúc Phạm Duy sau khi được cho phép hát lại như “Ngày trở về”, Đưa em tìm động hoa vàng”, “Ngày xưa Hoàng thị”, “Kiếp nào có yêu nhau”… nhanh chóng được công chúng yêu thích. Khi bày tỏ thái độ ủng hộ nhạc sĩ Phạm Duy về sinh sống tại quê hương, Công ty văn hóa Phương Nam đã mua độc quyền toàn bộ sáng tác của ông với bản hợp đồng trị giá 400 ngàn USD!

    Tuy không làm thơ, nhưng nhạc sĩ Phạm Duy được xem là một phù thủy phổ thơ thành ca khúc. Nhiều bài thơ đã có chỗ đứng, được Phạm Duy phổ nhạc khá hay như “Ngậm ngùi” của Huy Cận hoặc “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan. Và có nhiều bài thơ tương đối bình thường, được Phạm Duy phổ nhạc rất hay như “Thuyền viễn xứ” hoặc “Thà như giọt mưa”.

    Nhạc sĩ Phạm Duy là con trai của nhà văn Phạm Duy Tốn. Kết hôn với ca sĩ Thái Hằng, Phạm Duy cũng sinh ra những người con nghệ sĩ như Thái Thảo, Thái Hiền, Duy Minh, Duy Cường… Riêng con trai trưởng của nhạc sĩ Phạm Duy là ca sĩ Duy Quang đã mất vào tháng 12-2012 hưởng thọ 62 tuổi, khi người cha đang nằm trên giường bệnh!

     Nhạc sĩ Phạm Duy đã từng xuất bản hồi ký. Thế nhưng, những lời tự bộc bạch của ông không hẳn đã phác thảo đầy đủ cuộc đời ông. Ánh mắt Phạm Duy đã khép lại, âm nhạc Phạm Duy còn bay đi, và dư luận về Phạm Duy có lẽ vẫn còn tiếp tục với những cung bậc khác nhau!

                                  TPHCM, chiều 27-1-2013