Bây giờ ở ngoài tuổi 60 nhưng Nguyễn Đông Thức vẫn rất chịu khó chơi và chơi toàn những màn khó chịu. Trong năm 2012, ông rủ nhà văn Đoàn Thạch Biền đi miền Tây Nam Bộ theo kiểu “cao bồi già” phóng mô tô trên bờ ruộng gập ghềnh. Hai ông nhà văn - cao bồi già, một người thì chân không lành lặn (Nguyễn Đông Thức đã 4 lần phẫu thuật thay khớp chân), một người thì bệnh yếu tim (Đoàn Thạch Biền) đã thực hiện trót lọt chuyến đi trao học bổng 13 xã nghèo của 13 tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long. Tiền trao học bổng hai ông vận động bạn bè, còn lộ phí thì móc tiền túi. Chuyến đi được Nguyễn Đông Thức cập nhật rõ ràng trên trang facebook của ông. Theo dõi hành trình của hai “ông già gàn” này mới thấy, rời khỏi các đô thị lớn chừng vài chục cây số là thấy cảnh nghèo…



Nhà văn Nguyễn Đông Thức – Người lớn… không thích đùa

TRẦN HOÀNG NHÂN

Dịp lâu lắc trước, vào tháng 6/2012, nhà văn Nguyễn Đông Thức được NXB Trẻ ấn hành tiểu thuyết Không có gì và không một ai. Ông tuyên bố sau tiểu thuyết này sẽ “rửa tay gác kiếm”, tránh xa “trường văn trận bút” sau hơn nửa đời người gắn bó.
Nguyễn Đông Thức có giữ lời hứa sẽ gác kiếm không? Chắc chắn là hơi khó. Bởi dù đã ngoài 60, nhưng xem ra ông chưa về hưu ngày nào. Bằng chứng là ông đang chuẩn bị bắt tay chuyển thể Không có gì và không một ai thành phim cho đạo diễn Trần Mỹ Hà dàn dựng. Trên facebook của ông, còn một lần “sơ hở” cho biết, ông đang viết truyện dài Trận chiến tình, về một mối tình tay ba!
Nói về phim, Nguyễn Đông Thức có khá nhiều tác phẩm văn học được chính ông chuyển thể, như: Ngọc trong đá (đạo diễn Trần Cảnh Đôn), Ngôi sao cô đơn (đạo diễn Trần Cảnh Đôn), Vĩnh biệt mùa hè (đạo diễn Lê Hoàng Hoa)… Những bộ phim một thời cũng thuộc hàng cháy vé của điện ảnh Việt.
Về kỷ niệm với đạo diễn vừa quá cố Lê Hoàng Hoa, Nguyễn Đông Thức kể lại đầy tình cảm của một đàn em: “Nhiều người cho tôi biết ông làm việc rất chuyên nghiệp và khó tính, một ông vua trên trường quay đúng nghĩa. Ông viết kịch bản phân cảnh xong thì miễn có ai được coi lại, sửa chữa. Tôi cũng là thằng chảnh không thua, yêu cầu Hãng phim Giải Phóng phải cho tôi coi lại kịch bản phân cảnh ông viết từ kịch bản chuyển thể của tôi, nếu tôi đồng ý thì mới được quay! (Khiếp!). Ông gặp tôi trong ngày khởi quay, nhướng mắt:
- Tác giả này dữ nghe! Sao, OK với phân cảnh của tôi rồi phải không?
- Dạ. Anh đúng là đạo diễn giỏi.
- Cảm ơn ông. Ông là ngoại lệ đó nghe!
Tôi còn được một ngoại lệ nữa, khi ông nhường tôi ngồi cái ghế xếp có gắn tên “Đạo diễn Lê Hoàng Hoa” sau lưng ghế, có dù che phía trên, một phong cách như ở Hollywood, trong khi ông ra chỉ đạo các em Việt Trinh, Hồng Hạnh, B.H., Lê Công Tuấn Anh, Thiệu Ánh Dương… diễn xuất, hướng dẫn góc máy, ánh sáng... Anh em trong đoàn phim cho tôi biết chưa có ai được phép ngồi vào cái ghế đó.
Nghe đồn trong những ngày làm phim ông có “để mắt” tới cô bé B.H., diễn viên nghiệp dư đang học lớp 11 trường B.T.X., người trước đó đã được ông chấm điểm cao chót vót trong cuộc thi tuyển diễn viên cho bộ phim này (chỉ thua Mỹ Duyên và hơn xa Hà Kiều Anh). Đào hoa là “năng lực” lớn của ông, hơn cả nghề đạo diễn, tôi mà có chạy theo thì chưa chắc được xách dép!”.

Tạm gác qua chuyện phim, hãy nói chuyện văn của ông nhà văn chịu chơi này. Tôi có người anh vừa là bạn rượu tên Nguyễn Xuân Trường làm IT ở một tờ nhật báo tại Sài Gòn. Xuân Trường thuộc dạng sinh Bắc lớn Nam do có ba là dân Củ Chi đi tập kết lấy vợ dân Hà Nội. Sau năm 1975, ba Xuân Trường vào Nam tiếp quản trường ĐH Nông Lâm TP HCM và trở thành hiệu trưởng đầu tiên của trường này sau ngày thống nhất.
Một lần nhà văn Đoàn Thạch Biền kêu tôi đi nhậu, trong bàn có Nguyễn Đông Thức. Vừa đặt đít ngồi, Xuân Trường alo rủ đi làm vài ly. Tôi hỏi ý kiến trong bàn, tất cả đồng ý cho Trường đến nhập hội. Tại sao phải hỏi ý kiến? Vì theo nhà văn Đoàn Thạch Biền: “Thức khó tánh lắm. Ngồi với người lạ kị giơ Thức không chịu đâu”. Xuân Trường đến, biết có nhà văn Nguyễn Đông Thức, liền run run hai tay nâng ly thành kính như fan cuồng bây giờ gặp được ngôi sao Hàn Quốc. Trường nói: “Ba em ngày trước mua sách của anh rất nhiều. Ông bắt bọn em đọc nhiều nhất là Ngọc trong đá. Đọc xong ông kiểm tra vì ông đọc rất kỹ. Đứa nào không đọc mà kể lại ba xạo là ổng cú đầu liền”.
Tôi kể dài dòng thế để thấy văn chương của Nguyễn Đông Thức rất có tính giáo dục. Không có tính giáo dục sao hiệu trưởng một trường ĐH lại bắt con mình phải đọc. Trong cuộc nhậu hôm đó, nhà văn Nguyễn Đông Thức rất vui vì có một bạn đọc “bất đắc dĩ” - do bị người lớn ép đọc. Nhưng lâu lâu ông cũng liếc xem tay Xuân Trường này có ba xạo lừa mình không. Nói thế không phải nhằm ám chỉ nhà văn Nguyễn Đông Thức đa nghi như Tào Tháo. Vì theo tôi biết, với người đẹp mà các ông thi sĩ gọi là nàng thơ, Nguyễn Đông Thức sẵn sàng… bị lừa, dù ông có thừa năng khiếu bẩm sinh không thua gì đạo diễn Lê Hoàng Hoa. Nói “xách dép” chỉ là một cách khiêm tốn.

Nhà văn, nhà thơ thường… xấu trai, chẳng hạn ốm “xi cà que” như Đỗ Trung Quân thì gái nào mê? Vậy năng khiếu bẩm sinh khiến quý cô mê Nguyễn Đông Thức là gì? Tôi xin chứng minh. Vào cái thời danh tiếng, Nguyễn Đông Thức nổi như cồn, có người đã giả mạo Nguyễn Đông Thức đi… tán gái. Nguyễn Đông Thức giả này đã tán gái thành công ngoài mong đợi. Tôi xác tín việc này vì tôi đã đụng trận trực tiếp Nguyễn Đông Thức giả trong vài cuộc nhậu.
Nguyễn Đông Thức giả tên thật là Nguyễn Th., người cao to, da ngăm đen. Nguyễn Th. tự nhận mình là Nguyễn Đông Thức khi đến cưa một nữ nhà thơ trẻ - hiện cũng có chút tiếng tăm. Nguyễn Th. không ngại ngần kể lại: “Mình biết cô ấy mê Nguyễn Đông Thức ở báo TT, anh Thức lúc đó rất nổi tiếng. Mình cắt vài bài văn của Nguyễn Đông Thức trên báo dán vào sổ, mua cuốn tập chép mấy bài thơ trước năm 1975 của Từ Kế Tường và Mường Mán ghi tên mình bên dưới rồi ký tặng nàng kèm cuốn Ngọc trong đá, nói anh là Nguyễn Đông Thức đây. Thế là xong một cuộc tình”.
Thời đó báo in, báo mạng chưa như bây giờ nên nghe tên chứ không biết mặt. Cô nhà thơ kia chỉ biết Nguyễn Đông Thức làm việc ở báo TT. Cô đến báo tìm tác giả bỗng dưng biến mất sau khi có mượn cô ít tiền. Và té ngửa khi biết Nguyễn Đông Thức chánh hiệu. Chắc có lẽ vì cú sốc “yêu nhầm”, cô ấy bây giờ hơi… tưng tưng.
Ngoài việc nổi tiếng trong văn chương, Nguyễn Đông Thức còn là người nói chuyện khá có duyên. Ông được mời làm MC trong các cuộc giao lưu văn nghệ rất nhiều, chỉ đứng sau Đỗ Trung Quân và ngang ngửa Lê Minh Quốc. Cả ba ông nhà văn, nhà thơ này chỉ số đào hoa rất cao, bởi dân gian đúc kết: “Con gái yêu bằng tai!”.

Dường như mỗi năm Nguyễn Đông Thức trình làng một cuốn sách dù ông rất bận làm báo, đi nhậu, đánh bài và yêu đương. Thời gian đâu ông làm nhiều việc như vậy, vì ngay cả trẻ khỏe như tôi cũng phải 5 - 7 năm mới in được một tập thơ mỏng dính, mà thơ thì từ phường đến quận ai mà làm chẳng được? Lý giải điều này, tôi xin giới thiệu sơ qua về lý lịch gia đình của Nguyễn Đông Thức.
Ông là con trong gia đình có ba là nhà báo Hồng Tiêu, mẹ là nhà văn Bà Tùng Long. Con trai thường thương mẹ hơn, Nguyễn Đông Thức luôn dành tình cảm đặc biệt cho mẹ mình, nhất là khi trong 9 đứa con thì chỉ ông cùng tuổi mèo với mẹ. Hiện nay, rất ít nhà văn sống được bằng tác phẩm, nhưng từ trước 1975, Bà Tùng Long đã nuôi sống cả một gia đình đông đảo bằng nghề viết. Chín đứa con đều tốt nghiệp đại học. Bà viết truyện dài kỳ in các nhật báo và kiêm luôn mục tư vấn tình cảm trên báo. Có lẽ lớn lên nhờ đồng nhuận bút của mẹ nên Nguyễn Đông Thức rất yêu nghề viết và xem đó là nghề làm thiệt, làm để sống, chứ không chơi.
Nhân nói chuyện Bà Tùng Long tư vấn tình cảm trên báo, tình cờ tôi gặp anh Tạ Hùng - người gọi nhà văn Đoàn Thạch Biền là thầy. Tạ Hùng nói: “Bà Tùng Long là người đã tái sinh tôi từ trong bụng mẹ”. Khi mang thai Tạ Hùng, mẹ anh có trục trặc tình cảm viết thư gửi đến báo nhờ Bà Tùng Long tư vấn xem nên giữ hay bỏ đứa nhỏ trong bụng. Bà Tùng Long khuyên giữ, vì đằng nào cũng máu mủ ruột thịt của mình, bỏ mang tội. Sau này mẹ Tạ Hùng kể lại cho anh biết và nói: “Nhà văn Bà Tùng Long là người đã cứu sống con”. Khi ra mắt sách Hồi ký Bà Tùng Long (Công ty sách Phương Nam) năm 2003, Tạ Hùng đem tới nguyên lẵng hoa bự với hàng chữ: “Nhờ ơn bà mà 40 năm trước một đứa trẻ đã được ra đời”.

Bây giờ ở ngoài tuổi 60 nhưng Nguyễn Đông Thức vẫn rất chịu khó chơi và chơi toàn những màn khó chịu. Trong năm 2012, ông rủ nhà văn Đoàn Thạch Biền đi miền Tây Nam Bộ theo kiểu “cao bồi già” phóng mô tô trên bờ ruộng gập ghềnh. Hai ông nhà văn - cao bồi già, một người thì chân không lành lặn (Nguyễn Đông Thức đã 4 lần phẫu thuật thay khớp chân), một người thì bệnh yếu tim (Đoàn Thạch Biền) đã thực hiện trót lọt chuyến đi trao học bổng 13 xã nghèo của 13 tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long. Tiền trao học bổng hai ông vận động bạn bè, còn lộ phí thì móc tiền túi. Chuyến đi được Nguyễn Đông Thức cập nhật rõ ràng trên trang facebook của ông.
Theo dõi hành trình của hai “ông già gàn” này mới thấy, rời khỏi các đô thị lớn chừng vài chục cây số là thấy cảnh nghèo. Mỗi suất học bổng lúc đầu dự tính 1 triệu đồng, song vì nhiều học trò nghèo quá, các địa phương năn nỉ hai ông nhà văn chia làm hai, còn 500 ngàn/suất để nhiều em được nhận hơn. Đã chia số tiền làm hai nhưng vẫn không đủ, vì số học trò nghèo lại quá nhiều, không thể trao cho em này mà bỏ em kia. Hai ông lại đi xin thêm tiền từ bạn bè. Quái lạ ở chỗ, Nguyễn Đông Thức và Đoàn Thạch Biền mở lời lập tức có người ủng hộ. Đoàn Thạch Biền hài hước về chuyến đi của hai ông: “Không đồng tính cũng đồng tình/ Ngày ôm eo ếch, tối rình ngủ riêng”. Sang năm 2013, nhà văn Nguyễn Đông Thức vẫn tiếp tục “chơi khó” một trò rất “khó chơi” so với sức khỏe của hai ông: Thực hiện chuyến đi bằng mô-tô tới miền Đông Nam Bộ để tiếp tục đem học bổng về cho học trò nghèo…


Nguồn: ANTG Cuối Tháng