Nhà văn Lệ Lý tên đầy đủ là Phùng Thị Lệ Lý (1949), sinh và lớn lên ở Hòa Vang, Quảng Nam. Từ 14 tuổi bà bị đã giam giữ, tra tấn,... Theo mẹ vào Sài Gòn làm giúp việc cho một gia đình giàu, bà mang thai với ông chủ nhà, hai mẹ con bị đuổi việc. 16 tuổi, đang mang thai, bà bán thuốc lá, thậm chí làm gái mại dâm để nuôi con. Năm 1969, bà làm hộ tá cho một bệnh viện ở Đà Nẵng và lập gia đình với một kỹ sư người Mỹ, năm 1970 bà sang Mỹ định cư. Bà viết tự truyện When Heaven and Earth Changed Places, đạo diễn người Mỹ Oliver Stone đã mua bản quyền truyện chuyển thể thành phim từ năm 1993. Phim đã từng chiếu nhiều lần tại Hà Nội và sóng VTV. Năm 1993 bà xuất bản tự truyện thứ hai Child of War, Woman of Peace (Đứa trẻ thời chiến, người phụ nữ thời bình).  Cuộc đời của Lệ Lý còn là chủ đề chính trong bộ sách nổi tiếng tại Mỹ Who is Le Ly Hayslip? (Lệ Lý Hayslip là ai?) của NXB Raintree.



NGƯỜI NÓI DÙM NẠN NHÂN CHIẾN TRANH

QUỲNH TRANG

Sau khi sang Mỹ bà Lệ Lý tham gia các hoạt động xã hội giúp đỡ trẻ em mồ côi và nạn nhân chiến tranh Việt Nam. Trong những năm 1975-1985, bà nhận nuôi dưỡng và giáo dục 17 con em Việt Nam mồ côi sang Mỹ. Năm 1986 bà về thăm quê hương lần đầu tiên theo chính sách mở cửa của Chính phủ Việt Nam.
Vào năm 1987 bà sáng lập tổ chức Đông Tây hội ngộ (East Meets West Foundatin) nhằm giúp đỡ xây dựng quê hương; đấu tranh đòi Mỹ bãi bỏ cấm vận, bình thường hóa quan hệ Việt Nam. Bà tham gia nhiều phái đoàn giáo dục về hòa bình thế giới; thực hiện cứu trợ nhân đạo đầu tiên tại Việt Nam.
Bà hiến tặng toàn bộ thu nhập từ phim, sách, tiền diễn thuyết... cho Làng Hòa bình, Làng Hy vọng... tại Việt Nam. Năm 1999 bà vận động nhà tỉ phú Mỹ Chuck Feeney tài trợ kinh phí cho quỹ Đông Tây hội ngộ trong 10 năm và rút khỏi tổ chức này. Sau đó bà lập tổ chức Làng Toàn cầu (Global Village Foundation) nhằm bảo tồn những giá trị văn hóa dân tộc và hỗ trợ người nghèo Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề và phát triển cộng đồng.

Phóng viên: Thưa bà, nếu không có chiến tranh bà mong muốn cuộc sống mình như thế nào, bà sẽ trở thành nhà văn hay không?
Lệ Lý: Nếu không có chiến tranh có thể giờ tôi vẫn ở Quảng Nam hoặc có thể tôi đã chết. Vì chiến tranh mà tôi rời làng từ 14 tuổi và 20 tuổi rời nước. Qua chiến tranh tôi biết được sự công bằng, nước lớn ăn hiếp nước bé, một cuộc chiến vô nghĩa... là như thế nào. Đó là những điều tôi tự học lấy để đứng lên đấu tranh cho hòa bình. Không thể nhân loại cùng chung một bầu trời, một không khí thở mà lại đánh nhau hoài. Những việc tôi làm chỉ để nói giùm những nạn nhân chưa nói được.

@ Vì sao bà cầm bút, vì ham thích đơn thuần hay vì lý do nào khác?
Lệ Lý: Năm 1970 khi sang Mỹ, đó là thời điểm chiến tranh Việt Nam rất nóng bỏng. Nhiều người Mỹ đổ thừa chiến tranh Việt Nam do Việt Nam gây ra. Tôi thấy rằng người Mỹ chả biết gì về Việt Nam mới vậy. Thế nên tôi bắt đầu những hoạt động xã hội và viết sách về chính cuộc đời mình để trả lời những người Mỹ rằng nói chiến tranh do người Việt Nam gây ra là sai lầm.
Dĩ nhiên để xuất bản được quyển sách cũng không dễ. Với quyển đầu tiên các nhà xuất bản không muốn mua bản quyền bởi suy cho cùng đó là những câu chuyện của mình, mình tự muốn chia sẻ với những đau khổ của người dân Việt Nam... Và không nhiều nhà xuất bản quan tâm vấn đề đó. Nhưng khi tôi muốn viết là tôi viết và tôi muốn xuất bản tôi sẽ làm cho được mới thôi.

@ Bộ phim Trời và Đất, đạo diễn Oliver Stone có truyền tải hết được nội dung quyển sách hay không?
Lệ Lý: Sách luôn hấp dẫn hơn phim vì có chiều sâu, chiều dài. Khi đọc sách có thể vừa đọc vừa suy nghĩ, cười và khóc theo nhân vật rồi đọc tiếp, còn phim thì chỉ lướt qua... Khi đạo diễn Oliver Stone gặp tôi hỏi rằng muốn sách và phim sẽ như thế nào, tôi nói rằng tôi muốn sách thành phim nhưng vẫn giữ nguyên tác.
Đây là phim đầu tiên đạo diễn Oliver Stone làm về chiến tranh Việt Nam dưới góc nhìn của một phụ nữ. Kịch bản phim có đầy đủ câu chuyện từ sách, thoại trong phim là từ sách và tất cả là sự thật. Dĩ nhiên phim Hollywood mà, có những thêm thắt cho phim thêm thăng trầm. Tôi không có gì phải hối tiếc.

@ Phần nhạc phim (do nghệ sĩ Kitaro Nhật Bản soạn) được giải ở Quả cầu vàng. Được biết bà có viết lời hai ca khúc trong phần nhạc phim này?
Lệ Lý: Tôi vẫn thường viết vọng cổ, thơ... Trong phim có những đoạn hát ru là do chính tôi hát. Tôi cũng có tham gia một số cảnh trong phim...

@ Phim Mỹ nên một số diễn viên không phải là người Việt, bà có tiếc về điều này?
Lệ Lý: Đáng lý vai mẹ của Lệ Lý trong phim do diễn viên Kiều Chinh đóng. Tuy nhiên, sau khi thử vai không hợp, đạo diễn Oliver Stone phải chọn diễn viên gốc Hoa.
Còn diễn viên đóng vai Lệ Lý là chị Lê Thị Hiệp cũng gốc Đà Nẵng. Tuy từ sáu tuổi đã rời Đà Nẵng nhưng vẫn suy nghĩ rất Việt Nam nên tôi nghĩ rằng chị đã diễn rất tròn vai. Người đóng vai cha Lệ Lý gốc Campuchia nhưng có lẽ tương đồng văn hóa nên diễn xuất vẫn tốt. Còn lại trong phim toàn bộ diễn viên Việt. Có một điểm chung giữa các diễn viên, họ đều trực tiếp hoặc gián tiếp trải qua chiến tranh nên rất hiểu những đau thương, mất mát do chiến tranh. Và tất cả đoàn đều về quê của tôi thăm để hình dung khung cảnh, cuộc sống... trước khi quay ở Thái Lan.

@ Tại sao bà không tiếp tục viết văn, làm việc bình thường mà bà lại tham gia nhiều hoạt động từ thiện?
Lệ Lý: Có lẽ do tôi thấm giáo lý nhà Phật từ nhỏ. Dù một người làm ngành nghề gì thì họ cũng đang lập công. Lập công rồi thì bồi đức đi sau. Có thể xem việc viết văn của tôi là bồi đức... Tôi không muốn viết trời ơi đất hỡi mà chỉ viết câu chuyện thật của mình để giúp một phần tiếng nói về chiến tranh Việt Nam. Bởi khi con người đã mâu thuẫn với nhau thì mình phải chấp nhận làm sao để sống trong hòa nhã với nhau. Vì thế việc hàn gắn vết thương lòng của Việt Nam - Mỹ từ xưa đến nay đều rất cần.
Và ngay việc từ thiện, trong suốt 25 năm qua tôi chứng kiến các vùng quê trẻ em thiếu trường học, người già thiếu thuốc men, tôi chỉ muốn mình giúp được thôi. Và mỗi chuyến về Việt Nam tôi vẫn luôn ngủ khách sạn 10 đô la/ngày (khoảng 200.000 đồng), vẫn ăn chừng đó thức ăn chứ không vì cuộc sống tốt hơn nên ăn ngon hơn hay gì cả.

@ Xin cảm ơn bà.


Nguồn: Báo Pháp Luật TPHCM