Nhiều lúc ngắm nhìn nhà thơ Tuyết Nga, tôi tự hỏi, không hiểu chị lấy đâu ra từ sức vóc bé nhỏ của mình một nghị lực phi thường đến thế, để vượt qua những khúc quanh của cuộc đời mình mà điềm nhiên với Thơ như hôm nay. Lúc nào gặp cũng thấy chị cười tươi rói, rạng rỡ với bạn bè. Nhưng tôi biết nơi con người chị, rất nhiều nước mắt đã lặn vào trong, đã chưng cất thành một nỗi riêng chẳng ai có thể cảm thấu cho hết được. Chị mạnh mẽ đến độ không khi nào cần nhiều lời bày tỏ...Có chăng thì chỉ những câu thơ mới đủ sức "tố cáo" con người thật của chị, mạnh mẽ đấy mà cũng yếu đuối đến vô cùng, nữ tính đến vô cùng...




TUYẾT NGA một mình góc khuất

BÌNH NGUYÊN TRANG


Tuyết Nga hình như chưa bao giờ làm một cơn "sang chấn" lớn đối với bạn đọc. Ngay cả khi tập Ảo giác của chị được trao giải thưởng Hội nhà văn thì cũng  không gây một cơn bàng hoàng như một số tác giả khác. Giữa thời buổi người ta chuộng những ấn tượng mạnh, những "cú đấm" nghệ thuật gây sốc tức thì, gây ngạc nhiên ngay ở lần đọc đầu tiên thì chị Tuyết Nga lại đang kiên trì một con đường thơ lặng lẽ và lẩn khuất. Những bài thơ của chị bẩm sinh sẵn sàng từ chối những bạn đọc một lần (rất đông trong đời sống vội vã hôm nay). Nó chỉ chọn để ập vào những ai chịu đọc đi đọc lại vài lần, và trong một trạng thái hoàn toàn thảnh thơi, lắng dịu. Bởi vì  như chị nói: "Đa đoan, phá cách không phải là tính cách của tôi. Tôi không làm thơ để chứng tỏ, mà làm thơ là để bày tỏ". Không chủ trương làm mới về hình thức, câu chữ của chị là tiếng nói vọng ra từ sâu thẳm cõi lòng, không định làm rắc rối hay mệt mỏi người đọc. Chỉ đơn giản là chị muốn truyền một thứ xúc cảm của riêng mình. Và những câu thơ tưởng không gì quá đặc biệt lại có khả năng ám ảnh người đọc rất lâu: Một mùa ta đã quên cúc bất tử ven đường/ một vùng sóng không reo không gầm gào/ biển đứng/ bỏ lang thang ký ức ngủ hiên nhà... (Hơi ấm)
Số phận đã buộc chị Tuyết Nga phải gánh chịu nhiều thiệt thòi. Nỗi đau mất mẹ ngay từ rất sớm vẫn quặn thắt trong trái tim chị đến giờ: Ấu thơ gầy guộc buồn còn nép gốc bàng kia. Mẹ, giống như những giấc mơ, từ lâu đã chỉ trở về bên chị trong giấc ngủ, trong những ký ức đã nhòa, đã cũ bởi thời gian. Và mỗi khi trở về thực tại, thì chỉ có trí tưởng tượng như tiếng chim rơi trên cánh đồng làng: Sót trên đồng tiếng chim Từ - quy/ ai qua chiều sậm bóng/ mẹ nhóm rơm vàng/ đợi em… (Quê chồng). Nào đã hết nỗi nhọc nhằn tuổi thơ mà người con gái miền Trung biết làm thơ từ rất sớm phải gánh chịu. Tai họa trên đường còn làm tổn thương đôi bàn chân quá nhiều khát vọng khám phá của chị. Nhưng dường như ông Trời cũng biết điều khi ban cho chị một tình yêu mãnh liệt vào cuộc sống, niềm lạc quan và nghị lực đủ lớn để đối mặt với số phận của mình. Trái tim kiêu hãnh của chị đã mách bảo con đường đi để đến ngày hôm nay với những niềm vui hạnh phúc thường nhật như biết bao nhiêu người phụ nữ khác trên đời. Trời đã cho chị một khả năng thơ nhưng Trời cũng cho chị một bản năng đàn bà mạnh mẽ và chị biết cân bằng những yếu tố đó. Nhớ lại những năm tuổi trẻ, khi chị quyết định lựa chọn người đàn ông mà chị yêu, tràn ngập hạnh phúc trong gia đình với một cô con gái nhỏ, có người bạn họa sĩ khi đến thăm nhà chị đã thốt lên: "Em đã trả cho nghệ thuật một cái giá rẻ mạt vậy sao?". Câu nói ấy ngụ ý rằng, dường như có gì phi lý khi chị đã lựa chọn một đời sống gia đình hạnh phúc mà vẫn muốn những câu thơ hay ở lại bên mình. Nhưng Tuyết Nga chỉ mỉm cười. Có thể đã rất nhiều người nghĩ rằng cần phải hy sinh rất nhiều thứ, ngay cả hạnh phúc riêng tư, để có thể trọn vẹn với nghệ thuật. Tuyết Nga không phải kiểu người có quan niệm như vậy. Chị nhiều đắm say và cũng đủ tỉnh táo để hiểu rằng, đâu là những chốn nương náu cần thiết cho cuộc đời mình. Chị yêu gia đình và gìn giữ gia đình như báu vật, bởi trước tiên chị là một người đàn bà. Chị nói, chị không thể đánh đổi gia đình lấy bất cứ điều gì. Chị không muốn (và không thể) mang thơ ra để làm vật đối trọng để buộc mình phải lựa chọn. Cho dù, vẻ đẹp của thơ đã vướng vào chị như số phận. Chị thấy rằng, chỉ có một đời sống gia đình mới khiến chị cảm thấy mình đích thực là phụ nữ. Những người bạn làm thơ cùng thế hệ của chị, rất nhiều người đã chật vật biết bao để tìm kiếm hạnh phúc. Không hiếm người đến chặng cuối của đời mình mới chợt bàng hoàng nhận ra không có gì nhiều để nương tựa: gia đình, những đứa con ngoan, thậm chí cả những câu thơ còn trong trí nhớ. Nhưng với Tuyết Nga, cơ may, hay duyên trời, hay là bẩm sinh chị hiểu được rất rõ sự tương đối của hạnh phúc mà miệt mài bồi đắp, nâng niu. Rất ít người nhận ra một Tuyết Nga thi sĩ khi nhìn chị tất bật lo toan cho chồng con, cần mẫn với công việc của một viên chức, nghiên cứu và học hỏi không ngừng để đạt tới học hàm Tiến sĩ Ngữ văn. Ngoài ra  là bận bịu với công việc viết báo cho các tòa soạn. Công việc nào chị cũng rất chu toàn. Chị hoàn thành nhiều công việc để được nhìn thấy thành quả và niềm vui, để được đền đáp.
Nhưng cho dù con người thơ của chị Tuyết Nga được giấu kỹ đi thì những thử thách định mệnh dành cho chị vẫn còn nguyên đấy. Dường như cuộc thỏa hiệp với đời sống để được bình an trong thương yêu như chị mong muốn đã không thành. Số phận nghiệt ngã vẫn mang đi người chồng yêu dấu của chị. Để một ngày chị bàng hoàng nhận ra rằng chỉ còn lại một mình với cô con gái nhỏ đang cắp sách tới trường. Những câu thơ vang lên thảng thốt: Đưa em về mà anh đi đâu/ ngơ ngác từng lối cỏ. (Quê chồng). Chị đã sống những ngày hoàn toàn rỗng, bởi những mất mát đè nặng. Con gái yêu giờ thành chỗ dựa cho chị. "Ngày tôi nằm mê man, nhìn con cứng cỏi làm điểm tựa cho mình, thấy lòng xót xa. Tôi nghĩ, không phải mình, con mới là mất mát nhiều hơn cả. Và bỗng nhiên tôi thấy mình mạnh mẽ trở lại". Chị kể, ngày anh còn trên đời, đến cả ban đêm vào nhà vệ sinh chị cũng cần anh đứng ngoài. Vậy mà khi nhận ra chỉ còn lại một mình, vì con, chị có thể vượt qua trăm ngàn nỗi sợ. Chị làm mọi việc có thể để lo lắng, bù đắp cho con. Mua được mảnh đất nhỏ từ rất lâu nhưng chưa kịp làm nhà thì anh đi, nay chị quyết tâm hoàn thiện để con có được chỗ học hành cho chu đáo. Hai mẹ con chị vất vả bận bịu bao ngày tháng với gạch, ngói, vôi vữa, cát sỏi. Bạn bè ai cũng mừng khi tới thăm tổ ấm giản dị của mẹ con chị.
Chị Tuyết Nga từng nói: "Thơ tôi là một phần cuộc sống của tôi, cái phần nếu không có thơ sẽ ít ai được biết". Men theo con đường Thơ ấy, tôi nhìn thấy nỗi cô đơn đặc quánh của chị. Và có thể cả những giọt nước mắt âm thầm rơi xuống trong một ngày tháng mười tĩnh lặng hay một đêm mùa đông sâu thẳm và mơ hồ. Những buồn vui đau khổ không thể nào tránh khỏi của kiếp người trôi qua trái tim yếu đuối đàn bà và nhạy cảm thi sĩ đã lắng xuống thành phù sa quyện vào con chữ: Em ở lại/ cùng tháng Mười ở lại.../ dù vé tàu định mệnh đã cầm tay/ đã bấm khóa nhớ thương đã chốt trong ký ức/ đã trao quà từ biệt, đã ra ga... (Tháng Mười). Hay trong một quán nhỏ cà phê nào đó, chị ngồi với nỗi nhớ đeo găng một mình góc khuất để hồi tưởng những điều đã ra đi và cả những điều đang ở lại trong đời sống của mình.
Tìm gặp Tuyết Nga trong thơ thấy chị giống con người thật của mình ở chỗ không khoa trương, không ồn ào. Nhưng con người thơ của chị lại buồn hơn con người thật ngoài đời rất nhiều. Chỉ có điều những nỗi buồn ấy đã được chưng thành một thứ mật, cô đặc tưởng như rất nhiều cơn địa chấn mới tích tụ đủ. Em như đá/ từng giọt buông thạch nhũ dưới vòm đêm/ em như đá/ bốn mặt vô tri bốn mặt im lìm (Như đá). Tôi tin rằng những câu thơ chỉ có thể đạt đến sự điềm nhiên khiến ta rùng mình như vậy khi trái tim nữ sĩ đã trải qua tận cùng mọi hệ lụy buồn đau, cô độc trên đời. Và không còn nghi ngờ gì nữa, những câu thơ đã trở thành chốn nương náu cho Tuyết Nga. Ở đó chị có thể bày tỏ mình và nhận được sự tri ân của nhiều trái tim, nhiều tấm lòng. Chị dành những lời trân trọng cho thơ: "Ngẫm lại tôi thấy mình chẳng có gì đáng kể ngoài thơ. Chính là thơ đã cho tôi rất nhiều, có thể nói là tất cả. Thơ cho mình sự yêu quý, lòng ngưỡng mộ của nhiều người. Và các cơ hội trong đời sống cũng từ thơ mà tới."  Biết ơn là một thái độ ứng xử của chị đối với Thơ. Dù đời sống hôm nay ở đâu đó người ta bạc bẽo với với Thơ chăng nữa, thì Tuyết Nga vẫn bảo toàn niềm tin rằng, trong những thời khắc khó khăn nhất của đời người, chính là những câu thơ đã chia sẻ và cứu rỗi chị.
Câu nói quen thuộc mà Tuyết Nga thường nhắc lại: "Sống đã rồi hãy viết", ngụ ý rằng những con chữ chỉ có thể ám ảnh người đọc khi người sáng tạo ra nó đã trải nghiệm tận cùng những cung bậc sâu sắc của cuộc đời. Chính vì vậy, mà như ở phần đầu đã nói, thơ Tuyết Nga dù không gây sốc nhưng lại có khả năng len lỏi trong trí nhớ người đọc bằng sự tinh tế và đằm sâu của một tâm hồn thành thật, không xiêm áo, cầu kỳ. Thơ của chị giống như hương của một loài hoa, rất khiêm nhường ẩn sâu trong đám lá, cần tri âm của những người đủ bình tĩnh trong cuộc kiếm tìm. Điểm lại, các tập thơ đã xuất bản của Tuyết Nga đều dành được một giải thưởng văn học nào đó, trong đó có những giải thưởng lớn như Giải thưởng Hội nhà văn, Giải thơ Báo Văn nghệ. Nhưng chưa khi nào Tuyết Nga sử dụng những hào quang ấy để "làm đẹp" cho hình ảnh của mình, giống như một số tác giả ta đang gặp đâu đây trong đời sống văn nghệ. Chị không cần những lấp lánh phù phiếm ấy. Viết, đối với chị, chỉ đơn giản là một nhu cầu. Và tin rằng những giá trị thật sẽ luôn tồn tại, không cần ngợi khen hay xưng tụng. Thái độ ấy đủ để  những người trẻ muốn đi lâu dài với văn chương phải suy ngẫm....