Thời gian qua, báo chí nói nhiều đến những tác giả gốc Việt đoạt các giải thưởng văn chương danh giá của quốc tế. Nửa mừng nửa lo là tâm trạng của những người thực sự quan tâm đến văn học Việt Nam. Mừng là thế giới đã bắt đầu biết nhiều hơn về các tác giả có nguồn gốc ở đất nước hình chữ S. Lo là tại sao các giải thưởng văn học ở quê nhà chưa rộng cửa đón nhận những tư duy sáng tác đã được công nhận trên thế giới để những tác giả tài năng cứ mãi mang chuông đi đánh xứ người… Một sự thực nan giải hiện nay là khá nhiều nhà văn gốc Việt ở nước ngoài hiện nay muốn viết văn bằng ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ nhưng lại rất ít người đọc văn chương tiếng Việt ở nước ngoài. Vì thế, họ đành phải viết bằng tiếng nước ngoài để chinh phục bạn đọc nước sở tại. Trong khi đó, độc giả trong nước, vốn khao khát những tác phẩm hay lại phải chờ đợi cấp phép, chuyển ngữ để có thể thưởng thức những “đặc sản” văn chương của người nước mình. Trên thực tế, các tác phẩm đã đoạt giải thưởng ở Việt Nam hoàn toàn có thể tham gia tranh giải tại các giải thưởng quốc tế khác. 



Tài năng văn chương chưa được khơi về nguồn

THAO KHƯƠNG
.
Những giải thưởng mơ ước của mọi nhà văn
Nam Lê - nhà văn trẻ tuổi người Úc gốc Việt sinh năm 1978 từng gây bất ngờ khi thắng Giải Dylan Thomas 2008 (Dylan Thomas Prize) dành cho những tác phẩm Anh ngữ xuất sắc với tập truyện ngắn The Boat (Con thuyền). Năm 2010, Nam Lê cũng giành giải thưởng của Thủ tướng Úc, PEN Malamud cho truyện ngắn xuất sắc nhất.
Trước Nam Lê, Linda Lê có lẽ là một trong số những cái tên được nhắc nhớ nhiều nhất trong số những nhà văn gốc Việt nổi danh ở nước ngoài. Nhiều tác phẩm của Linda Lê đã được dịch từ tiếng Pháp và phát hành ở Việt Nam như Vu khốngCalomnies (2009) và Lại chơi với lửa - Autres jeux avec le feu” (2010) đều gây được hiệu ứng tốt. Những giải thưởng danh giá mà nhà văn này nhận được là giải thưởng Tài năng Vocation (1990), giải Fénéon (1997), Prix Femina, Grand Prix của Viện Hàn lâm Pháp (2007). Linda Lê được xem là một trong những tác giả trẻ tài năng bậc nhất trong dòng văn học đương đại Pháp.
Mới đây, những ngày cuối tháng 10, tin Lại Thanh Hà - nhà văn Mỹ gốc Việt giành giải Newbery Honor Book 2012 và trước đó là giải National Book Award 2011 của văn học Mỹ cho hạng mục Young People Literature (Văn học trẻ) lại làm nức lòng độc giả Việt. Cả hai giải thưởng này là niềm mơ ước của rất nhiều tác giả đang sinh sống tại nước Mỹ.

Chỉ tỏa sáng ở ngoài biên giới?
Không chỉ những cái tên nói trên mà rất nhiều năm qua, chúng ta liên tiếp đón nhận tin vui của những tác giả gốc Việt đoạt những giải thưởng văn chương tầm cỡ thế giới. Đó là Andrew Lâm - giải thưởng Ký giả trẻ xuất sắc của Hiệp hội Ký giả Chuyên nghiệp Mỹ; Monique Trương - giải thưởng của Hội văn bút quốc tế (PEN International);  LiLy Hoàng - giải thưởng The Chiasmus Press năm 2006 và giải PEN/Beyond Margins năm 2009...
Đề tài quê hương được nhắc nhiều trong tác phẩm của họ với niềm thương nhớ và nhiều cảm xúc khó quên. Tuy nhiên, điều trái khoáy là những tác phẩm ấy lại nổi tiếng và được độc giả quốc tế biết đến khá lâu trước khi đến được với độc giả Việt Nam một cách khá khó khăn vì còn phải qua nhiều khâu kiểm duyệt. Nhiều người ao ước giá như những cuốn sách hay ấy được xuất bản lần đầu ở Việt Nam thì tốt biết mấy.
Chỉ tiếc rằng ở nước ta có quá ít những giải thưởng tầm cỡ và có biên độ rộng mở về đề tài, chất liệu, văn phong phù hợp với kiến văn và tư duy của các tác giả được tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn hóa khác nhau. Và dường như đã có một tiền lệ, một khi đã hồi hương và thay đổi tư duy sáng tác, cơ hội tranh các giải thưởng văn chương trong nước mới thực sự mở ra cho các nhà văn. Đó là trường hợp của các nhà văn Thụy Anh, Nguyễn Văn Thọ, Nguyễn Mộng Giác... Và số lượng tất nhiên không nhiều.
Một sự thực nan giải hiện nay là khá nhiều nhà văn gốc Việt ở nước ngoài hiện nay muốn viết văn bằng ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ nhưng lại rất ít người đọc văn chương tiếng Việt ở nước ngoài. Vì thế, họ đành phải viết bằng tiếng nước ngoài để chinh phục bạn đọc nước sở tại. Trong khi đó, độc giả trong nước, vốn khao khát những tác phẩm hay lại phải chờ đợi cấp phép, chuyển ngữ để có thể thưởng thức những “đặc sản” văn chương của người nước mình. Trên thực tế, các tác phẩm đã đoạt giải thưởng ở Việt Nam hoàn toàn có thể tham gia tranh giải tại các giải thưởng quốc tế khác.
Chúng ta có cả một kho tàng tài năng chưa được khơi về nguồn. Có lẽ để không vuột mất những “dòng chảy quý hiếm” này, cần lắm sự chung sức khuyến khích và đón nhận của những người có thẩm quyền và cả những độc giả ý thức được sự quý giá của văn chương của người Việt, dù xuất phát từ bất cứ xứ sở nào.    


Nguồn: SK&ĐS