Đối với những ai còn tương đối trẻ đang hăng hái cầm bút nhập “cuộc” phê bình, trách nhiệm tự mình trở thành nhà phê bình là điều không thể sẻ gánh cho ai. Đó là điều mấu chốt trước hết. Học trong trường đời và trường văn nghệ là việc không bao giờ đủ. Thật liều lĩnh nếu có ai đó định làm “nhà phê bình” với “tuyên ngôn” kiểu này: tôi chỉ cần nói lên những gì mà tác phẩm hoặc hiện tượng văn học kia tác động đến tôi, ngoài ra, tôi “cóc cần” biết đến bất cứ học thuyết nào, kiến thức nào về văn học mà “nhà” này “nhà” kia đã nêu lên, đã góp vào sự tích luỹ kiến thức chung! Như người ta vẫn nói, để lập dị thì dễ, nhưng để có chủ kiến thì khó hơn nhiều. Ngoài cái phần mỗi người phải tự mình làm lấy nêu trên, đối với những cây bút trẻ đi vào phê bình hiện nay, còn cần lưu ý gì đến môi trường xung quanh họ?


Đôi điều về phê bình và phê bình "trẻ"

LẠI NGUYÊN ÂN

Những ai cầm bút phê bình một thời gian, nhất định hẳn sẽ có lúc tự nghiệm thấy điều này: không phải ngay từ những bài viết đầu tay, người ta đã có thể cầm chắc trở thành nhà phê bình.
Sẽ không phải ngượng ngùng gì nếu tự nhận rằng ở những trang viết đầu tay, thậm chí suốt thời gian khá dài sau đó, cái mình viết ra nhiều khi là sự vận dụng thô thiển một số kiến thức sách vở theo kiểu những bài tập trong nhà trường, sự bắt chước một cách láu lỉnh nhưng khó giấu giếm những khuôn mẫu suy luận của những ai ai đó đang có vẻ là những “lý lẽ” hợp thời, phổ biến, dễ được chấp nhận. 
Dĩ nhiên, hễ đã có báo chí, có việc đăng tải dư luận xung quanh các hiện tượng của đời sống văn nghệ, thì cái phần việc có tên là “phê bình văn nghệ” sẽ có những người làm, dù họ đã thành “nhà phê bình” hay chưa.
 Đối với những ai còn tương đối trẻ đang hăng hái cầm bút nhập “cuộc” phê bình, trách nhiệm tự mình trở thành nhà phê bình là điều không thể sẻ gánh cho ai. Đó là điều mấu chốt trước hết. Học trong trường đời và trường văn nghệ là việc không bao giờ đủ. Thật liều lĩnh nếu có ai đó định làm “nhà phê bình” với “tuyên ngôn” kiểu này: tôi chỉ cần nói lên những gì mà tác phẩm hoặc hiện tượng văn học kia tác động đến tôi, ngoài ra, tôi “cóc cần” biết đến bất cứ học thuyết nào, kiến thức nào về văn học mà “nhà” này “nhà” kia đã nêu lên, đã góp vào sự tích luỹ kiến thức chung! Như người ta vẫn nói, để lập dị thì dễ, nhưng để có chủ kiến thì khó hơn nhiều.
 Ngoài cái phần mỗi người phải tự mình làm lấy nêu trên, đối với những cây bút trẻ đi vào phê bình hiện nay, còn cần lưu ý gì đến môi trường xung quanh họ? Tôi nghĩ đến hai khía cạnh.
Một là xu thế quảng cáo. Nó đang tác động mạnh đến công việc phê bình. Tôi không phê phán hoạt động quảng cáo nói chung kể cả quảng cáo văn hóa nghệ thuật, nhưng phải thừa nhận rằng ít lâu nay đã hình thành một phương thức là tận dụng phê bình văn nghệ để quảng cao. Đã thành nếp khá quen thuộc những cách “đặt hàng” khác nhau đối với một người viết từ phía một đơn vị văn học, nghệ thuật, hoặc những tác giả của các cuốn sách mới. Lợi lộc kinh tế có lẽ ít thôi. Thường khi, người ta (nhất là tác giả các cuốn sách mới) tìm đến nhà phê bình vì một điều cần thiết phải “nhờ vả”, để được dư luận biết tới, để được “khen là chính”, v.v… Cứ theo lời lẽ của người bình điểm thì tác phẩm nào cũng “khá thành công”, chứng tỏ tác giả có “bước tiến mới”! Thế nhưng tác phẩm gây được dư luận trong công chúng vốn không nhiều, tác phẩm thành công cũng ít thôi. Thành thử, có thể nghĩ rằng diện mạo nhạt nhẽo của các bài điểm sách, điểm vở diễn có cái gì tựa như “chân dung tự hoạ” cái thái độ quan liêu của chúng ta đối với văn nghệ: khen lấy lệ và thờ ơ.
 Khi phê bình trở thành phương tiện để thỏa mãn nhu cầu được cưng nựng của các tác giả thì nhiều lắm là nó được các tác giả ấy quan tâm, chứ nó không thể trở thành một bộ phận thực sự của dư luận xã hội xung quanh các hiện tượng văn nghệ. Tất nhiên trong khuôn khổ thường là chật hẹp của một bài điểm sách thì thật khó khai triển sự phân tích, nhưng chính sự phân tích mới là chỗ cần có mặt nhà phê bình (bất cứ ai trong công chúng cũng có thể khen hoặc chê: tôi thích cái này, tôi không thích cái kia!).
Một khía cạnh nữa trong tác động của môi trường xung quanh (và đáng tiếc, không phải bao giờ cũng là tác động thật sự tốt) đối với những người viết phê bình trẻ là từ phía những nhà phê bình nghiên cứu đàn anh, nhất là những người có thế lực nhất định, những người muốn thao túng và tạo dựng cả một luồng dư luận nhằm vào những đối tượng và mục tiêu nhất định. Điều này đặc biệt “nổi cộm” lên vào những lúc trong các giới văn nghệ nảy sinh những sự bất đồng, xung đột về những vấn đề nhất định. Những người viết phê bình trẻ khó mà không bị cuốn vào những luồng ảnh hưởng. Không ai phản đối sự đỡ đầu, sự hướng dẫn của những người già dặn đối với người mới vào nghề. Chỗ tai hại mà tôi muốn nói đến là sự lạm dụng. Đôi khi các cây bút trẻ không biết rằng mình đang bị lôi cuốn vào để có thêm “nhiều ý kiến cho rằng” làm mất đi tính khách quan trung thực…
Tôi không cường điệu tình thế. Tôi càng không dám khuyên những người viết phê bình trẻ đang cơn say, − say với sự thành công dễ dãi, chóng vánh. Mọi cơn say đều không dễ dứt. Đã có ít ra là một phần thưởng hàng năm của một tờ tạp chí nọ trao cho một bài bút chiến chép lại từng đoạn dài nguyên văn bài của cây bút đàn anh đăng trước đó ít lâu. Và cung cách này còn có thể đem lại nhiều thành đạt hơn cho nhà phê bình trẻ: tất cả. Duy có một điều là nó không đem lại cho anh cái căn bản của một nhà phê bình − sự hình thành thực sự một nhân cách phê bình với tính độc lập của quan niệm, với một chủ kiến rõ ràng − những cái vốn không thể hái được trên những con đường tắt.
Đã có khá nhiều ý kiến về việc các giới văn nghệ và khoa học cần quan tâm đến lực lượng phê bình trẻ. Khó có thể bổ sung thêm điều gì, tôi chỉ nghĩ rằng: phê bình sẽ phát triển (và sẽ nuôi phê bình “trẻ” đến độ khôn lớn) ngay trong mảnh đất của đời sống văn nghệ. Nhưng mảnh đất ấy cũng hứa hẹn với “phê bình trẻ” cả những gặt hái thật lẫn những gặt hái giả tạo.