Tôi là người kỳ quặc hoặc vô trách nhiệm, tự nhiên lại buồn vì một con khướu. Cái con khướu kia chính tay tôi muốn thả nó ra cơ mà? Tôi cũng lờ mờ nhận ra mối nguy hiểm khi quyết định thả nó. Nhưng tôi vẫn cứ thả và để nó chết đâu đó. Ừ, vô trách nhiệm thật, nếu không muốn nói nhẫn tâm. Thực lòng, tôi chỉ thấy buồn từ khi không nghe được tiếng hót của nó nữa, dù vẫn biết tiếng hót kia bắt nguồn từ sự tù đày. Và khi tiếng hót ấy im bặt mỗi buổi sáng, tôi lại giật mình nghĩ đến chính tôi. Con khướu tội nghiệp kia, bị bầu trời từ chối, hay chính nó từ chối bầu trời? Đương nhiên trong chuyện này tôi – người nhốt nó là nguyên nhân. Cũng có thể bản năng hoang dã vẫn còn sâu thẳm trong nó. Bằng chứng là cái “phản xạ” quay về lồng cũ để kiếm tìm thức ăn. Nhưng cái bản năng hoang dã lại không mách bảo nó rằng, đừng về chỗ ấy – đó là tù đày.


CON KHƯỚU BƠ VƠ ĐÔ THỊ 

A SÁNG

Một lần vì sửa nhà, tôi quyết định thả con chim khướu đã nuôi hơn một năm. Ban đầu nó sợ hãi nhảy lung tung vì không biết chủ nhân của nó đang làm gì. Nhưng rồi nó cũng nhìn thấy cái cửa lồng mở toang – nó bay ra ngoài. Cu cậu có vẻ sung sướng vì được tự do, vù một cái biến đâu mất. Tôi cất cái lồng lên mái nhà, bỏ tất cả thức ăn của nó vào thùng rác và nghĩ mình vừa làm theo lời Phật dạy – phóng sinh để được thanh thản.
Không ngờ, mờ sáng hôm sau, tôi đã nghe tiếng hót quen thuộc của nó. Thì ra cu cậu quay về, đậu lên chính cái lồng đã tù đày nó hơn một năm nay và ngửa cổ hót. Sau khúc dạo theo kiểu phản xạ, cu cậu bắt đầu chui vào lồng, tìm kiếm thức ăn. Chẳng có gì lạ, con chim này đã mất hết bản năng hoang dã, nó không biết kiếm ăn bằng cách nào. Hay đúng hơn ở cái thành phố khói bụi này, một con chim bé nhỏ thật sự chẳng biết sống ở đâu nếu không phải là một cái lồng.
Không còn cách nào khác, tôi phải nuôi, nó đâu còn là một con khướu bình thường nữa. Sau ngần ấy thời gian, nó đã trở thành “chim thành phố”, vì thế phải sống trong lồng, ăn thức ăn công nghiệp, uống nước máy và hót những câu vô nghĩa…
Dần dà, tôi cũng chẳng buồn khóa cái cửa lồng kia lại nữa. Nó được phép tự do. Nếu thích có thể ra ngoài, chơi bời thoải mái, đói sẽ mò về, đương nhiên thế. Bỗng một buổi sáng tôi không còn nghe tiếng hót của nó nữa. Cứ nghĩ hôm qua mải chơi, cu cậu về không kịp. Nhưng hai hôm, ba hôm, rồi bốn hôm… vẫn im bặt tiếng hót quen thuộc. Tôi đoán nó đã gặp tai nạn, hay một cái lồng nào trống không đầy thức ăn nên chui vào sống ở đó. Với một con chim nửa thật, nửa giả này chắc chắn nó không thể phân biệt đâu là nhà của chủ nhân. Cũng chẳng sao, cứ coi như nó đã được tự do. Chỉ hy vọng thế thôi, thực lòng sinh mạng bé nhỏ này khó sống sót, chỉ cần ra khỏi lồng, tất cả đều là mối hiểm nguy, mất bản năng cũng có nghĩa mất hết sự tự vệ. Có thể nó đã chết, mà thực chất nó đã chết từ lâu!
Tôi là người kỳ quặc hoặc vô trách nhiệm, tự nhiên lại buồn vì một con khướu. Cái con khướu kia chính tay tôi muốn thả nó ra cơ mà? Tôi cũng lờ mờ nhận ra mối nguy hiểm khi quyết định thả nó. Nhưng tôi vẫn cứ thả và để nó chết đâu đó. Ừ, vô trách nhiệm thật, nếu không muốn nói nhẫn tâm. Thực lòng, tôi chỉ thấy buồn từ khi không nghe được tiếng hót của nó nữa, dù vẫn biết tiếng hót kia bắt nguồn từ sự tù đày. Và khi tiếng hót ấy im bặt mỗi buổi sáng, tôi lại giật mình nghĩ đến chính tôi. Con khướu tội nghiệp kia, bị bầu trời từ chối, hay chính nó từ chối bầu trời? Đương nhiên trong chuyện này tôi – người nhốt nó là nguyên nhân. Cũng có thể bản năng hoang dã vẫn còn sâu thẳm trong nó. Bằng chứng là cái “phản xạ” quay về lồng cũ để kiếm tìm thức ăn. Nhưng cái bản năng hoang dã lại không mách bảo nó rằng, đừng về chỗ ấy – đó là tù đày. Nó đã không thể nhận ra cái lồng là tù đày vì bị nhốt quá lâu, cho dù chỉ cần mở cửa lập tức nó bay ra ngoài – đó cũng là một bản năng. Và chỉ khi cái đói hành hạ nó mới quay về - lần này rõ ràng cũng là bản năng. Nhưng sâu xa hơn, cái bản năng phải mách bảo nó rằng, bầu trời kia mới là quê hương của nó. Nơi đó mới chính là cuộc sống của nó.
Bầu trời cao vợi, rừng cây xanh rì, dòng suối mát rượi… tất cả những thứ đó không còn hấp dẫn với con khướu kia khi chính cái “bản năng” được hình thành trong tù đày vẫy gọi. Nó chỉ còn biết: cái lồng, thức ăn, nước uống, hót vô nghĩa. Ngoài ra không còn gì. Nó chỉ còn thế!
Thỉnh thoảng về quê, tôi vẫn đi ăn sáng ngoài chợ. Ngày bé tôi vẫn thường ăn sáng ở chợ này. Đương nhiên những hàng quà sáng xưa kia không còn nữa. Nhiều người thấy tôi ngồi ăn sáng, họ tò mò không biết đó là ai. Và bắt đầu họ trò chuyện bằng tiếng Tày, thằng này ở đâu đến đây thế nhỉ? Nó không phải người vùng này. Hay nó là thợ xây dưới xuôi lên? Cũng có thể nó mới đến huyện công tác… Cứ thế họ trao đổi với nhau bằng thứ ngôn ngữ của chính tôi. Họ không biết tôi nghe rất rõ, biết tất cả. Tôi vẫn vờ im lặng. Im lặng đấy nhưng sâu thẳm trong tôi như bị xé ra đau đớn.
Ừ nhỉ, sau gần hai mươi năm xa cái chợ huyện này. Bây giờ tôi là ai!? Hình thức tôi thay đổi quá nhiều, ngay cả tư duy của tôi rất khác – đương nhiên thế. Chỉ một thứ duy nhất vẫn còn: tiếng Tày thân yêu của tôi! Và bây giờ chính cái ngôn ngữ thân yêu kia lại vờ như không biết tôi là ai! Tôi rất muốn vỗ ngực: tao đây, tao là người ở vùng này, sinh ra từ đây, chúng mày còn đến đây sau tao rất nhiều… tôi rất muốn hét lên như thế. Nhưng cũng không hiểu sao tôi lại im lặng. Thực lòng tôi không đủ sức để hét lên như thế. Tại sao thế? Tôi không biết! Bỗng nhiên tôi thấy mình như một người khách lạ. Giờ đây, còn rất ít người biết tôi, trừ những người họ hàng thân thích.
Quả thực, tôi sẽ không biết làm gì nếu bây giờ để tôi sống ở nơi đã sinh ra tôi. Có lần một nhà thơ đã tặng tôi một câu thơ: “Những kẻ nhập đô thất bại! Xa quê hương không đủ sức quay về…”. Và bây giờ khi đứng ở chính mảnh đất sinh ra mình, câu thơ kia vang lên còn hơn cả một sự mỉa mai đau đớn. Với câu thơ đó, tôi không phải một kẻ thất bại ở đô thành, cũng không buộc phải xa quê hương, nhưng sự thật tôi không dám quay về. Quê hương từ chối tôi, hay chính tôi từ chối quê hương!? Thực sự tôi không biết. Tôi chỉ thấy trống rỗng mỗi khi trở lại mảnh đất đã sinh ra tôi. Cái trống rỗng mơ hồ đó, cũng y như mỗi đêm tôi bắt đầu đi ngủ ở thành phố. Mỗi lúc buồn bã tôi chỉ muốn về quê, nhưng chỉ vài ngày ở quê tôi lại thấy trống rỗng vô cùng. Tôi lại xuống thành phố! Hay thật! Tôi là ai? Chịu, tôi không biết. Đôi lúc tôi tự hỏi, cuộc sống này có thực hay không? Rất có thể cái thể xác cụ thể của tôi là giả, suy nghĩ của tôi cũng giả nốt. Nếu là thật tại sao tôi không thể trở về quê hương? Chẳng ai bắt tôi phải sống ở cái thành phố này. Cũng chẳng ai buộc tôi phải rời xa cố hương. Và cũng chẳng ai cấm đoán tôi quay về. Chỉ có thể lý giải đơn giản rằng: tôi đã không còn là chính tôi nữa. Cái hình hài vật chất bên ngoài của tôi đã biến đổi, đau đớn hơn, ngay cả sâu thẳm tâm hồn tôi cũng méo mó. Vì thế tôi chơi vơi và tù đày chính bản thân mình. Chỉ một thứ duy nhất là thật – tiếng Tày thân yêu của tôi. Chỉ khi nó vang lên tôi mới nhận ra chính mình, biết rõ thân xác và tâm hồn mình ở đâu. Còn tất cả bây giờ: ăn, nói, cười, khóc… là giả - tất cả đều là giả. Tôi nghĩ thế!
Và cũng chính cái ngày im bặt tiếng con chim khướu tội nghiệp kia tôi mới thấy được cái nguyên nhân sâu xa của sự tù đày. Với con khướu, cái lồng là biểu tượng. Còn với tôi, chẳng có gì ngoài chính tâm hồn tôi. Ở thành phố, nếu trong giấc mơ, không còn quê hương nữa – tôi sẽ chết! Nhưng với quê hương, tôi đã như một người khách lạ! Tôi là ai? Tôi đang bị tù đày? Ở chừng mực nào đó, tôi còn hơn cả bị tù đày. Nhưng phải sau hai mươi năm xa cố hương tôi mới nhận ra sự thật đó. Còn bây giờ, tất cả xung quanh tôi, cả thân xác, lẫn tâm hồn tôi đều là giả. Rất có thể như thế!