Nhiều người nói với tôi, đã đi khắp trên đất nước ta, không đâu có giống mác lịch hạt dẻ ngon ngọt và thơm như ở Trùng Khánh. Cái đó thì …vưỡn. Thông thường thì hạt dẻ mang hình tròn đều. Nhưng thỉnh thoảng cũng có hạt méo mó, dị dạng. Hạt nhỏ nhất cũng bằng ngón chân cái. Vào cữ cuối tháng Tám âm lịch, hạt dẻ bắt đầu chín. Khi chín, vỏ của nó có màu hỗn hợp, giữa nâu với màu tía. Bọn trẻ nhà tôi bảo: Đó là biến thể sẫm của màu đỏ, chưa bị bão hòa. Khi hạt dẻ còn tươi, thịt của nó rắn chắc, giòn tan, vị ngọt thanh và có màu vàng hoàng yến.



Về Trùng Khánh tháng tám âm lịch

Y PHƯƠNG

Ngày nay, thứ quả đặc sản có một không hai ấy không chỉ thấy bày bán ở phố huyện Co Xàu. Thương hiệu hạt dẻ Trùng Khánh tràn lan ra khắp cả nước. Thậm chí, sang Quảng Đông, Quảng Tây (Trung Quốc) cũng có hạt dẻ bán. Tất nhiên đó hạt dẻ do họ trồng. Người bên đó làm hàng nhái rất giỏi. Nhưng nhìn kỹ thì biết. Hạt dẻ to, tròn, mỏng vỏ, bóng bẩy và rốn không có lông tơ. Khi luộc chín, không có mùi thơm. Nhưng thịt nó rất ngọt. Ngọt như trộn đường. Điều dễ nhận biết nhất là hạt dẻ nhái bán quanh năm. Mùa nào cũng có. Hạt dẻ ấy mang đi bao xa, đi bao lâu cũng không bao giờ sợ bị thâm bị thối.
Còn hạt dẻ Trùng Khánh xịn, vỏ cứng, dày và có nhiều lông tơ. Nếu đem luộc, hấp hoặc mang vào lò nướng chín, bạn sẽ thấy có hương thơm tự nhiên. Ngọt bùi tự nhiên. Chỉ cần ngậm một lúc, tự nó mềm ra như bột bánh khảo. Nó từ từ chín một lần nữa trong miệng. Hãy nhớ một điều, hạt dẻ Trùng Khánh chỉ xuất hiện vào cuối thu. Cuối thu đầu đông là hạt dẻ xù lông rụng rốn. Hái về phải chế biến ngay, đừng để lâu. Để lâu, hạt dẻ bị thâm thối. Bốc mùi không ngửi được. Vì nó chứa hàm lượng đạm cao. Đạm càng cao, khi bị hư, càng nặng mùi.

Tôi được biết đã có khá nhiều đàn ông, bước vào tuổi xưa nay hiếm, thường bị trục trặc về khoản sinh hoạt vợ chồng. Họ lấy kinh nghiệm từ người làng tôi. Các vị hầm hạt dẻ với tắc kè núi, hoặc chim sẻ đồng. Ăn tháng đôi lần, tình trạng sức khỏe cải thiện một cách rõ rệt. Bảy tám mươi, mà các cụ còn chúm môi huýt sáo. Nếu là đàn bà, hãy tích cực ăn hạt dẻ ninh với chân giò lợn, hoặc với thịt gà thiến. Bạn sẽ có một làn da trắng mịn. Và đặc biệt tốt cho cho người nuôi con nhỏ, đang thời kỳ bú sữa mẹ.
Nếu không nhầm và chẳng hề thiên vị, cốm trộn hạt dẻ là một phát minh mới của người anh rể tôi. Hạt dẻ luộc chín, mang vào cối giã mịn. Cốm vừa làm xong hãy còn ấm nóng. Mang hai thứ ấy trộn lẫn với nhau. Để một lúc, chờ cho cốm ngấm hương hạt dẻ. Nhón mấy hạt thả vào miệng, chiêu thêm ngụm nước trà gừng. Bạn sẽ thấy cốm có thêm vị cay vừa phải. Cốm đang đẩo qua đảo lại trên lưỡi bạn. Đảo tới đâu thơm đến đó. Nếu đổ cốm trộn hạt dẻ vào khuôn ép, mấy tiếng sau sẽ cho một thứ bánh dẻo mềm như kẹo gôm. Ăn đến no mà chẳng sợ bị đầy bụng.
Không lâu sau, người làng tôi học lỏm được cách làm này. Họ đã phổ biến rộng rãi cho cả mường cả tổng. Cốm trộn hạt dẻ trở thành món ăn sang trọng. Họ dùng nó khi trong nhà có khách quý. Con rể lễ bố mẹ vợ, nhân ngày tết thưởng trăng, mồng tám tháng tám. Học trò mang biếu thầy cô, nhân ngày tựu trường. Tóm lại, cốm trộn hạt dẻ là một thứ vật quý, dùng để khoản đãi quý nhân.
Bạn hãy đến Trùng Khánh vào những ngày trời trong mây cao. Khói đốt đồng đâm thẳng lên trời. Không gian tứ bề yên ắng tĩnh mịch. Bạn sẽ được nghe hạt dẻ nói. Cả một cánh rừng dẻ râm ran đang vào vụ. Ban ngày thì dẻ lao xao, rì rào, tí tách rơi. Rơi như mưa màu nâu.
Lũ gà rừng gật đầu bảo nhau dừng lại. Một chân đứng làm trụ. Còn một chân khều hạt. Chúng lấy mỏ mổ tọoc tọoc liên tiếp. Mười phát trúng, mười một phát trượt. Bởi vỏ hạt dẻ vừa dày vừa cứng. Chúng ngửa cổ gáy a rối nó! Làm sự sống trên đời sao mà khó thế. Còn lá rừng thì bật lên tiếng cười hu hú ha há về sự ngây thơ, ngốc nghếch của giống vật hai chân.
Đêm đến, lũ chồn hương đi rình. Chúng trèo lên định hái, nhưng dẻ có gai. Nên chúng chỉ hít lấy hít để hương hoa dẻ cho đỡ thèm. Tiếng hít của chồn hương, nghe như có người thổi sáo dọc. 
Theo thiển nghĩ của tôi, các quan chức nghành văn hóa du lịch địa phương, nên xem xét vùng rừng dẻ Trùng Khánh. Để biến nó trở thành một điểm tham quan thú vị. Rừng dẻ nằm trong tổng thể khu du lịch, thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, Làng Tày Khuổi Ky… Đó là điểm du lịch sinh thái. Nhưng nó đậm màu sắc thi vị của tình yêu. 

Thật tuyệt vời, khi được nghỉ dưỡng ở một khu rừng cực kỳ lãng mạn. Trẻ đi với trẻ. Già đi với bạn già. Dưới bầu trời xanh, là tán rừng xanh. Dưới tán rừng xanh là mặt đất nhẵn và sạch. Người ngồi lên nhau, chẳng cần tháo dép. Chân gác lên chân. Mông kê lên đùi. Mắt nhìn thẳng vào mắt. Tai áp thẳng vào ngực mà nghe tim đập. Lá thu vàng thì mặc kệ lá thu vàng. Rừng dẻ kêu như rang, cũng mặc nó gòn tan. Ta ngồi đây để có đươc phút lặng yên. Hít thật sâu. Thở thật êm. Mắt nhắm nghiền. Nỗi khát khao yêu nhau, cho nó bò tự nhiên trên da thịt. Ta ôm chặt nhau, hòa tan cơn mỏi mệt. Ta vào rừng để tự thưởng cho mình. Cuộc sống này thật là đáng sống. 

Nào! Bạn hãy vào đây mà nghe cây dẻ nói. Ở thành phố, lấy đâu ra một khoảng trời sung sướng thế này. Phải không nào, các bạn trẻ.
Và tôi cũng xin mách bạn một điều. Chớ có dại mà bước sâu vào khoảng sáng. Bởi nơi đó là cái rốn của rừng. Vì thỏa mãn trí tò mò, đã có khá nhiều đôi bị hồn hoa dẻ rủ rê. Họ bị rối trí. Đi mãi. Đi miết theo hồn hoa mà không thấy lối về. Khi nhớ ra thì chiều đã sụp. Chiều quê tôi sánh vàng như mật. Đấy là thời khắc ve ran như sôi. Lá rừng thiêm thiếp. Người lên gót giầy ra cửa rừng để về.
Vào rừng dẻ dù ngày không nắng, bạn cũng thấy bóng mình dài. Bóng trườn đi như vắt. Vắt bắc qua sườn đồi. Vắt đến khe nước trong. Đi ngược theo khe nước trong, bạn nghĩ rằng mình đã tới nơi trăng mọc. Trăng mọc từ một túp lều rơm và có một mẹ già. Mẹ ngồi nướng dẻ. Nướng chín, mẹ bóc cho thỏ và chồn hương ăn. Thỏ với chồn hương ăn bao nhiêu cho đủ. Mẹ cười. Mẹ bảo, tôi nướng nỗi buồn đấy chứ. Nỗi buồn nẫu quá rồi, mà sao tôi chưa thấy chết. 

Người quê tôi sống lâu. Thường cứ phải ngoài tám mươi, thậm chí chín mươi. Người sống lâu, một phần nhờ vào môi trường sinh thái của rừng cây dẻ. Nhìn vẻ ngoài thì cây khô khốc. Vỏ nứt toác. Nhưng thịt cây vàng tươi, săn chắc. Chặt xuống một năm ròng, mà lá vẫn mọc. Ai nói qua tai, đấy là sự tương quan môi sinh tới con người. Ở những vùng núi cao, không khí trong lành. Sống một đời người, hồn nhiên như cây cỏ. Sống không bon chen, không thù hận. Đó là một cuộc sống sạch, sống đẹp. Nên người quê tôi hiền hòa như mây nước. Người mà mềm bằng cỏ hoa. Cứ nhìn thấy mặt nhau là cười thoải mái rồi.