Năm 1976, có chỉ thị xử lí những thanh niên tóc dài mặc quần loe. Một trong những nạn nhân của chiến dịch này là TS Lê Xuân Nghĩa (hiện ông là Phó Chủ tịch Hội đồng giám sát Tài chính quốc gia), khi đó mới đi học ở Cộng hòa dân chủ Đức về làm ở Ủy ban Vật giá Nhà nước. Hôm đó ông mặc quần loe, đạp xe chơi phố thì gặp đội thanh niên cờ đỏ (đeo băng đỏ ở cánh tay), họ chặn lại và rạch  tới háng cả hai ống. Tức quá ông định kiện nhưng lãnh đạo cơ quan biết chuyện không những phê bình ông mà còn cho rằng họ làm đúng. Hàng loạt  cơ quan treo biển “không tiếp thanh niên mặc quần loe, tóc dài”, trên đường phố xuất hiện các đội thanh niên cờ đỏ  lập trạm gác ở đầu phố, thấy ai mặc  quần loe, tóc dài  là họ chặn đầu, khóa đuôi, sau đó, ba bốn cờ đỏ cho chai 65ml vào ống quần, nếu chai đút lọt họ sẽ lấy kéo xoẹt vài đường. Có những cờ đỏ tiện tay đưa hai ba đường kéo làm chiếc quần tả tơi...


TỪ ĐỒ TA ĐẾN ĐỒ TÂY

NGUYỄN NGỌC TIẾN

Quần áo của người Việt cổ nhất mà ta còn biết được của phụ nữ Thăng Long có lẽ là áo tứ thân, sang thì thêm một vạt để có thể cài khuy, nhưng lúc mặc vẫn thường chỉ dùng thắt lưng buộc chặt.
Áo tứ  thân em treo trên mắc
Đêm anh nằm anh đắp lấy hơi
Trong Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hồ (1768-1839), vào thời Lê, học trò và người thường khi có công việc đều mặc áo thâm, dân quê mặc áo vải thô màu trắng. Đến cuối Lê, lại  mặc áo Thanh cát gồm các mầu xanh sẫm, xanh nhạt và mầu sừng. Có lúc mầu sừng là mầu của tầng lớp vương, công, khanh, sĩ. Về sau, bất kể người sang, kẻ hèn đều mặc màu này, còn các màu xanh sẫm, xanh nhạt ít được dùng. Thế kỷ XVIII - XIX, phụ nữ Hà Nội mặc áo the, quần lĩnh được coi là trang nhã và sang trọng. Mốt áo năm khuy, tay rộng khá phổ biến, khi mặc, chỉ cài bốn chiếc, để hở khuy cổ, khoe cái yếm cổ xây, hồ lơ trắng lốp, ôm lấy cái cổ trắng nõn nà cao ba ngấn. Nam giới mặc áo dài năm thân, có khuy tết chỉ hoặc khuy đồng, khuy bạc, khuy ngọc. Mùa đông thì mặc áo kép, bên trong lót lụa, ở giữa là hai hoặc ba lớp vải thô, ngoài ra còn có áo bông dài và áo bông cộc trần quân cờ. Dù các kiểu quần áo xứ Đàng ngoài có nét giống nhau nhưng quần áo ở Thăng Long-Hà Nội lại có nhiều điểm khác biệt ở kiểu cách và mầu sắc khác. Trong bài Hà Nội, Thủ đô của Bắc Kỳ 1883 trên Tạp chí địa dư (Revue de géographie), Ch.Labarthe viết: “Tôi đã từng nhìn thấy phụ nữ Hà Nội bên ngoài khoác áo choàng mầu tẻ nhạt nhưng bên trong là áo nhiều mầu sặc sỡ, điều này cho thấy vẻ đẹp được giấu bên trong. Những người phụ nữ nói chung ăn mặc khiêm nhã. Họ mặc chiếc váy dài cùng một hay nhiều chiếc áo cùng kiểu như nam giới. Họ buộc quanh ngực một chiếc yếm bằng vải hay mảnh lụa có hình trái tim dùng để làm đẹp cho họ”.
Thực dân Pháp tấn công thành Hà Nội lần thứ hai năm 1882 và chiến tranh đã làm thay đổi quan niệm về  ăn mặc. Trong cuốn Một chiến dịch ở Bắc Kỳ (xuất bản ở Paris 1896), bác sỹ Hocquard viết: Chiến tranh nên những qui định về trang phục của triều đình trở thành luật chết và kẻ hầu hạ bây giờ cũng có thể mặc bộ quần áo bằng vải xoa hay quần chùng áo dài, áo của quan lại”. Năm 1882 có thể coi là cái mốc về bình đẳng trong thời trang sau hàng trăm năm bề dưới không được phép  mặc kiểu của bề trên. Và cũng năm này, những người thợ  khéo tay ở Hà Nội nhanh chóng may được complet cho lính Pháp bằng máy khâu của châu Âu. Cũng trong Một chiến dịch ở Bắc Kỳ, viên bác sỹ mô tả: “Khi đến Hà Nội, chúng tôi thấy những người bạn cùng đội hải quân mặc những bộ complet tuyệt đẹp bằng vải Flanen do những người thợ An Nam may. Cửa hàng may cũng giống như những cửa hàng của các tiểu thương Hà Nội. Đó là một ngôi nhà tranh khá giống nhà kho lớn được mở cửa hướng ra đường. Phía trong ngôi nhà chia thành hai buồng bởi tấm liếp tre đan lưới mắt cáo. Thợ may ngồi vắt chéo chân. Ba (tên chủ tiệm may) giải thích với họ là phải để lại một bộ làm mẫu. Giá khoảng bảy đồng bạc làm trong hai ngày đúng như mẫu”. Tuy Hà Nội có thợ may complet nhưng không người Việt Nam nào mặc. Đến ngay một trăm người Việt đầu tiên được cấp học bổng học tiếng Pháp ở Trường Thông ngôn (trường lập năm 1886 ở Hà Nội) cũng không dám, họ  vẫn mặc áo lụa đen, có khác là mang theo chiếc ô gọng sắt sản xuất ở Lyon để chứng tỏ không phải là tầng lớp nghèo nàn. Dù sao đàn ông Pháp cần may vá còn có các tiệm may của người Việt nhưng ăn mặc của các bà đầm mới là câu chuyện. Sau lời "kêu cứu" đăng trên báo Tương lai  Bắc Kỳ số ra ngày 5-8-1885 cần "một tiệm giặt kiểu châu Âu, một tiệm  may ở Hà Nội" nhưng phải bốn năm sau, năm 1889, mới có tiệm  may cho nữ đầu tiên ở phố Hàng Khay của cô Jose'phine Prestavery. Claude Bourrin, nhân viên thu thuế đã làm việc và sống tại Hà Nội, Hải Phòng, Lạng Sơn, Sài Gòn vào cuối thế kỷ XIX, đầu XX kể lại "Năm 1900 có một người Việt Nam mặc complet, đó là một bồi bàn trên chiếc tầu thủy chạy từ Pháp về Hải Phòng. Khi anh này mặc đồ Tây xuống tầu đã gây sự tò mò cho nhiều người dân. Họ bàn tán và lo lắng cho anh sẽ bị cảnh sát bắt”. Vì sao cảnh sát lại bắt? Thực ra, chính quyền Pháp không hề cấm người An Nam mặc đồ Âu nhưng trước đó theo Claude, người Pháp rất coi thường người dân bản địa. Để cụ thể cái hố ngăn cách, cảnh sát bắt giữ bất cứ người An Nam nào nếu tìm trong nhà người đó thấy các đồ vật làm ở châu Âu như thìa, dĩa, khăn ăn, đèn, đồng hồ quả lắc, quần áo... Nếu cho bồi một cái đồng hồ để đi làm đúng giờ, chủ  người Pháp phải cho anh ta cái giấy chứng nhận. Chính vì thế không ai dám nghĩ đến chuyện mặc quần áo may kiểu châu Âu. Mặt khác, giá một bộ quần áo kiểu châu Âu cũng không rẻ chút nào. Sau triển lãm Đông Dương năm 1902 ở khu Đấu xảo (nay là Cung văn hóa Hữu nghị), khu vực này trở thành triển lãm Mauce Long, viên giám đốc đã cho mở các lớp dạy may đồ Tây ở đây và chỉ sau sáu tháng nhiều người đã thạo nghề về các phố mở hiệu may. Nổi tiếng có ba hiệu ở phố Hàng Trống là Phúc Mỹ, Tân Hưng và Tân Đức Hiệp. Trước đó năm 1901, bà Autigeon đã về tận xã Thắng Lợi huyện Thường Tín dạy dân làng thêu ở đây nghề ren và đăng ten.
Ông Tiến Thành quê gốc ở Bắc Ninh nhưng sinh ở Lạng Sơn. Năm mười lăm tuổi (1935) gia đình cho cậu học nghề may tại một hiệu nhỏ trong thị xã. Năm 1946, cảm thấy tay nghề đã vững, ông tự tin về Hà Nội mở hiệu ở 56 phố nhà Thương Khách (nay là  phố Hòe  Nhai) và làm nghề ở đó cho tới ngày tiếp quản Thủ đô. Nhờ khéo tay và may đẹp nên hiệu của ông lúc nào cũng đông khách. Năm 1954, trước khi ông Loui Chức, chủ tiệm may Ateurna ở 46 Lê Thái Tổ  di cư vào Nam (sau đó cả gia đình ông này sang Pháp định cư) đã giao cửa hàng cho Tiến Thành trông coi. Cửa hàng là ngôi nhà hai tầng kiến trúc không có gì đặc biệt, ngoại trừ trần nhà không bằng phẳng mà uốn lượn hình sóng. Tuy nhiên suốt chiều dài mặt tiền khoảng chín mét là mái hiên đua ra hết vỉa hè như một số  tòa nhà ở phố Tràng Tiền. Có thể ngôi nhà được xây vào những năm đầu thế kỷ XX nhưng sau đó được cải tạo lại. Năm 1954, ông  Lê Thanh Nghị là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao thường xuyên phải đi công tác nước ngoài, lại phải tiếp các đoàn ngoại giao nên ông muốn có những bộ complet lịch sự song không biết may ở đâu vì thợ may giỏi Hà Nội phần lớn đã di cư vào Nam. Trong lúc cánh văn phòng nháo nhác thì có một người sành sỏi về thời trang  mách cửa hàng 46 Lê Thái Tổ có thể đáp ứng được yêu cầu của ông Nghị. Lê Thanh Nghị tự tìm đến và may bộ complet đầu tiên. Sau khi cắt và lược, Tiến Thành mang lên cho Lê Thanh Nghị thử và ông hài lòng ngay. Mặc tiếp khách nước ngoài, có vị sau khi làm việc xong đã khen bộ complet rất đẹp rồi hỏi may ở nước nào, ông Lê Thanh Nghị cười và bảo người Việt Nam may khiến vị khách rất ngạc nhiên. Thế là một số thành viên Chính phủ cũng đến may. Năm 1959, Hà Nội tiến hành cải tạo tư bản tư doanh, cửa hàng thành sở hữu nhà nước, nó được giao cho Công ty Bông vải sợi và May mặc Hà Nội quản lý. Từ ông chủ, Tiến Thành trở thành nhân viên. Năm 2006, dù đã ở tuổi tám mươi sáu, nhưng ông vẫn đi xe máy và còn nhớ như in những lần may complet cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn, ông Phạm Hùng, Nguyễn Hữu Thọ... Ông kể: “May cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng là khó nhất bởi cụ gầy, người mỏng nhưng cụ Phạm rất dễ tính, không cần phải mang lên cho cụ thử trước khi may”. Mỗi lần đến đo áo, Thủ tướng Phạm Văn Đồng thường hỏi công ty làm ăn thế nào, lương ra sao, có đủ nuôi được vợ con không... Có lần Thủ tướng bất ngờ đến thăm gia đình ông và chụp ảnh kỷ niệm với “nghệ nhân có bàn tay vàng”.
Từ năm 1954 cho đến đầu thập niên 90, khách lúc nào cũng đông. Đặt may một tháng sau mới được lấy là chuyện bình thường, nhưng ai cũng chấp nhận. Trong các cán bộ cao cấp, ông Tiến Thành bảo cẩn thận và kỹ tính nhất là Tổng Bí thư Trường Chinh. Tổng Bí thư Trường Chinh thường cho thư ký đón đến nhà riêng hay nơi làm việc để đo và tự chọn mầu và loại vải. Lược xong phải mang lên cho cụ thử, nếu chưa ưng, cụ có ý kiến thì ông về sửa rồi mang đến để thử lại. Nhưng chỉ có lần đầu tiên, Tổng Bí thư yêu cầu sửa, còn những lần sau thử xong là gật đầu ngay. Cố Tổng Bí thư Trường Chinh thích mặc quần áo hơi rộng một chút, tuy nhiên Tiến Thành lẳng lặng may hẹp hơn theo ý mình vì bằng con mắt nghề nghiệp, ông thấy Tổng Bí thư hơi thấp, nếu cắt rộng khi mặc trông sẽ thấp hơn. May mà Tổng Bí thư mặc tiếp khách nước ngoài hoặc tham gia các cuộc mít tinh vẫn thấy thoải mái nên không có ý kiến gì. Có lần Tổng Bí thư Trường Chinh đi xe xuống tận cửa hàng, giám đốc công ty xin được tiếp đón nhưng cụ không đồng ý, ông bảo “Tôi xuống may quần áo, có gì mà phải tiếp đón”. Tin vào tay nghề của ông, Tổng Bí thư còn nhờ may cả quần áo mặc ở nhà. Nhưng có một lần, do người thùa khuyết không để ý, một chiếc khuy trên chiếc áo vét lại đính chỉ theo chiều dọc trong khi tất cả các khuy khác đính chỉ theo chiều ngang, Tổng Bí thư phát hiện ra, ông Tiến Thành thót tim và xin lỗi nhưng Tổng Bí thư nhẹ nhàng bảo: “Tôi nói để anh biết thế thôi, đừng phê bình cô thùa khuyết này nhé”. Đó là bài học nhớ đời cho ông trong nghề dù là chuyện rất nhỏ. Từ lần đó, khi may cho  khách, ông Tiến Thành kiểm tra rất kỹ, từ mũi kim đến thùa khuyết, khâu khuy trước khi giao cho khách.
Tiến Thành kể, ông rất ngỡ ngàng khi có người đến cửa hàng gặp đề nghị may cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông bảo bên quân đội thiếu gì thợ giỏi nhưng người gặp bảo Đại tướng không may quân phục mà may đồ ký giả. Ông đến nhà đo và mang theo nhiều mẫu vải để Đại tướng chọn. Lần nào Đại tướng cũng gật đầu hài lòng và bao giờ phu nhân Đại tướng tặng ông một gói cà phê. Lại có lần ông may  cho đồng chí Lê Đức Thọ, được khen đẹp và chính tay đồng chí Lê Đức Thọ pha nước chanh cho uống. Không chỉ may cho các chính khách, ông Tiến Thành còn may cho đại sứ các nước Hungary, Ba Lan, Tiệp Khắc... Qua quyển sổ ghi chép số đo mà ông còn giữ, từ năm 1954 đến đầu thập niên 80 thế kỷ trước, ông đã may complet cho mười lăm cán bộ cao cấp và mười vị đại sứ của nhiều nước, với tổng cộng hơn ba trăm bộ. Năm 1970, ông Cayxon Phongvihan, lãnh đạo cao cấp của cách mạng Lào sang thăm Việt Nam đúng vào dịp tết Nguyên đán, cũng muốn có bộ complet để đón tết cho trang trọng. Bộ Ngoại giao giới thiệu, Cayxon Phongvihan đã mời Tiến Thành lên khu biệt thự ông đang ở (gần Phủ Tây Hồ) để đo. Sau đó, cứ mỗi lần sang Việt Nam, ông lại nhờ nghệ nhân có “bàn tay vàng” này may cho một bộ. Ngoài Cayxon Phongvihan, ông Tiến Thành còn may cho nhiều cán bộ cao cấp khác của Lào. Dịp Tết năm 1973, Hoàng thân Norodom Xihanuc cùng bà hoàng Monique sang ăn tết ở Việt Nam. Bộ Ngoại giao muốn tặng Hoàng thân món quà là bộ complet, lại cho vời ông tới, và vị vua rất sành sỏi về ăn mặc đã không tiếc lời khen ngợi. Bà hoàng Monique cũng rất vui và tặng ông một túi quà trong đó có chiếc xà rông (váy truyền thống của người Campuchia), đĩa hát gồm những bản nhạc do chính Hoàng thân sáng tác và một chiếc bút máy. Khi mang túi quà ra ngoài đường, công an mật hỏi ngay trong túi có gì, ông mở ra cho cả ba người cùng xem.
Một lần, đang ở nhà thì người của công ty đến báo ông đi công tác xa. Nghề may xưa nay có bao giờ đi công tác nên ông hồi hộp. Lên xe ô tô, ông Hộ, người của Bộ Ngoại giao dẫn đoàn, mới cho biết vào Quảng Bình may quần áo. Đó là năm 1972. Cùng chuyến  công tác còn có sáu người thợ của công ty mang theo máy khâu, vải các loại và phụ liệu. Năm 1972 là năm không quân Mỹ vẫn đánh phá miền Bắc dữ dội, đặc biệt là các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình. Xe chạy đến Vinh thì được lệnh chỉ chạy ban đêm để tránh máy bay. Đến thị xã Đồng Hới lại đi tiếp về phía tây và dừng ở một thị trấn heo hút. Lúc ấy ông Hộ  hé lộ là may quần áo và complet cho hai lãnh đạo của lực lượng kháng chiến Campuchia, còn tên là gì ông không biết. Vì lí do hai lãnh đạo này phải trở về nước sớm hơn dự định nên chỉ còn thời gian may cho mỗi người hai bộ Âu phục và chữa lại  quân phục cho vừa người. Sau hai ngày, công việc hoàn thành.
Khi phố Tràng Tiền trở thành trung tâm thương mại sầm uất vào đầu thế kỷ XX thì tại đây cũng xuất hiện các cửa hàng thời trang, hiệu may đồ Âu, cửa hàng của Ấn kiều bán lụa Bombay... Ban đầu mua sắm ở Tràng Tiền chỉ có người Âu nhưng trước sức ép của thị trường, người Việt giầu có có quyền đến đây, và đã làm tăng số người mặc đồ Âu bởi họ nhận ra sự tiện lợi, gọn gàng. Nói đến thời trang Việt  không thể bỏ qua được áo dài. Hai bức tượng nữ hầu mặc áo dài hiện còn ở chùa Dâu, ngôi chùa xây dựng vào thế kỷ thứ VI ở Bắc Ninh, được Mạc Đĩnh Chi cho tu bổ trong  thế kỷ XIV cho nhận định ban đầu, áo dài ra đời từ thế kỷ này. Một bằng chứng khác là tại chùa Keo (Thái Bình) còn bốn pho tượng ngọc nữ ở điện thờ được tạc với áo dài cổ cao, có thắt lưng và vấn tóc. Khoảng những năm 1920, áo dài ở Hà Nội được cải tiến, cổ có chân và khuy bấm cài xuống nách. Từ vai đến cổ tay thu nhỏ dần. Cổ tay áo mở khoảng ba cm, sau khi mặc xong bấm lại cho khít. Áo dài ở Sài Gòn thời kỳ này dài quá đầu gối một chút còn áo của chị em Hà Thành cách mặt đất từ mười đến ba mươi cm. Áo dài Le Mur do họa sĩ Cát Tường thiết kế và Lê Phổ chỉnh lại là sự kết hợp giữa áo dài truyền thống với váy vũ hội của phụ nữ Pháp. Mới đầu không phụ nữ nào dám mặc, cũng hay đi hát cô đầu ở Khâm Thiên nên Cát Tường nảy ra sáng kiến  nhờ  chị em  cô đầu mặc trước và tất nhiên các cô chẳng ngại gì. Và thế là những lời khen Le Mur rất tân thời loang ra khắp phố, chị em giới  tư sản và tiểu tư sản thấy đẹp và không lố đã bắt chước nhau may. Tiền công mất ba đồng trong khi một thúng cái gạo (khoảng bốn mươi cân) chỉ có một đồng rưỡi. Mặc áo Le Mur may bằng lụa Vân, quần bằng lụa Hà Đông phải đi giầy Mule (vải nhung, đế gỗ cao vừa phải) mới là hợp thời. Áo Le Mur khá đa dạng, tay bồng ở vai, có khi lại chun tay. Cổ khoét sâu xuống ngực hoặc cổ lá sen... Gấu áo cắt lượn hình sóng và được pha mầu khác nhau. Le Mur tiếp tục được cải tiến, cổ áo cao từ một đến hai cm, tay áo may liền vải, cổ tay hẹp được viền nhỏ. Lại có kiểu tay áo có gấu khoảng 0,5 cm, nên người ta gọi là áo nẹp. Từ thành công ban đầu, cựu sinh viên trường Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương Cát Tường đã mở cửa hàng ở 14 phố Hàng Da (sau là phố Đinh Tiên Hoàng). Năm 2008, con gái út của Cát Tường từ Mỹ về Việt Nam đã  đến Trường Nữ công Tinh Hoa (174 phố Bà Triệu) để nhờ giáo viên ở đây giới thiệu kỹ về chiếc áo Le Mur mà cha bà đã sáng tạo, vì bà cũng chỉ biết trong sách báo. Nhiều cuộc tranh luận trên báo, lại tổ chức cả ở Nhà Khai Trí Tiến Đức bảo vệ cái đẹp giản dị mang tính dân tộc, thế là áo dài lại có sự thay đổi. Người có tuổi may cổ đúp, còn các cô thì may chân cổ cao từ bốn đến bảy cm. Cổ được dựng bằng vải hồ cứng vạt áo lượn, tà khép. Chất liệu là lụa các mầu. Hà Nội những năm này có một người may rất nổi tiếng là ông Mỹ Trạch quê ở Trạch Xá huyện Ứng Hòa, Hà Tây. Năm 1948, áo lót phụ nữ nhập từ Pháp bán ở các cửa hàng thời trang, lập tức được chị em đón nhận, nhất là lớp trẻ. Khi áo lót trở thành phổ biến ở thành thị thì một cuộc  cách tân áo dài diễn ra, áo được chiết hai ly trước, hai ly sau để làm nổi eo và tôn bộ ngực lên cao. Trước năm 1954, mốt “đầm” tuy không thịnh hành nhưng một số chị em “Tây học”, hay có quan điểm mới hơn đã diện ra phố, vào các vũ trường. Từ năm 1961 đến 1975, hầu như chị em ở Hà Thành không dám mặc đồ “đầm”. Phần vì chiến tranh, phần khác mặc đồ “đầm” bị coi là có lối sống tư sản, giai cấp bị cho là gây ra bất công trong xã hội mà cách mạng quyết xóa bỏ. Năm 1983, một vài vũ trường ở Hà Nội sống lại, lớp người quay trở lại  mặc “đầm” ra sàn nhẩy không phải là thanh niên mà là những người có tuổi. Những chiếc váy sau bao nhiêu năm nằm im dưới đáy tủ nay lại được lôi ra khoe với bạn bè. Năm 1986, sinh viên các trường đại học ở Hà Nội đã mặc váy lên giảng đường, khởi đầu có lẽ là sinh viên Đại học Ngoại ngữ.
Cuối năm 1975, việc đi lại giữa hai miền  dễ dàng hơn nên nhiều kiểu quần áo “tràn từ Nam ra Bắc. Dân chơi thường mặc quần loe, áo hoa may chẽn. Năm 1976, có chỉ thị xử lí những thanh niên tóc dài mặc quần loe. Một trong những nạn nhân của chiến dịch này là TS Lê Xuân Nghĩa (hiện ông là Phó Chủ tịch Hội đồng giám sát Tài chính quốc gia), khi đó mới đi học ở Cộng hòa dân chủ Đức về làm ở Ủy ban Vật giá Nhà nước. Hôm đó ông mặc quần loe, đạp xe chơi phố thì gặp đội thanh niên cờ đỏ (đeo băng đỏ ở cánh tay), họ chặn lại và rạch  tới háng cả hai ống. Tức quá ông định kiện nhưng lãnh đạo cơ quan biết chuyện không những phê bình ông mà còn cho rằng họ làm đúng. Hàng loạt  cơ quan treo biển “không tiếp thanh niên mặc quần loe, tóc dài”, trên đường phố xuất hiện các đội thanh niên cờ đỏ  lập trạm gác ở đầu phố, thấy ai mặc  quần loe, tóc dài  là họ chặn đầu, khóa đuôi, sau đó, ba bốn cờ đỏ cho chai 65ml vào ống quần, nếu chai đút lọt họ sẽ lấy kéo xoẹt vài đường. Có những cờ đỏ tiện tay đưa hai ba đường kéo làm chiếc quần tả tơi. Tóc dài, họ lấy tông đơ đi mấy nhát rồi cho đi. Chấp hành thì chỉ rách quần, lởm chởm tóc còn  lí sự thì vào đồn công an. Không ít thanh niên đang đèo “a mi xinh tươi” (tiếng Pháp là bạn bè, nhưng thời đó hay dùng với nghĩa là người yêu) dạo phố cũng bị xử lý. Có anh chàng đang hồi hộp chở bạn gái mới quen bằng xe đạp Phượng Hoàng, phát hiện thanh niên cờ đỏ liền quay xe đạp thục mạng. Đến khi cảm thấy an toàn dừng xe, nhưng lại hốt hoảng vì không thấy “a mi xinh tươi” đâu, té ra  chàng phóng quá nhanh, “a mi” bám không chắc nên ngã xuống đường. Cũng có người rẽ vào ngõ tối cởi quần ống loe, quần đùi đạp xe ngang chốt cười khẩy với thanh niên cờ đỏ. Khi qua chốt lại tạt vào vỉa hè, vội vàng mặc quần rồi đạp thục mạng đến nhà người yêu. Có những cuộc chạy trốn và đuổi bắt còn li kỳ hơn cả phim trinh thám của Hollywood. Nhưng không vì thế mà số thanh niên để tóc dài, mặc quần loe giảm. Trong lịch sử từng có chuyện liên quan đến cấm đoán ăn mặc, đó là Võ Vương Nguyễn Phúc Hoạt (1738-1765) chủ trương cấm phụ nữ Đàng trong mặc váy. Thời  Minh Mạng (1820-1841), ông vua này tiếp tục ban hành lệnh cấm phụ nữ không được mặc váy làm người dân bất bình nên dân gian có câu:
Tháng tám có chiếu vua ra
Cấm quần không đáy người ta hãi hùng
Không đi thì chợ không đông
Đi thì phải mượn quần chồng sao đang
Thực ra, ngay cả trong thời gian Mỹ đánh phá miền Bắc, không ít  thanh niên Hà Nội vẫn chạy theo mốt. Phụ nữ may áo sơ mi cổ cánh sen, cổ Đức vuông. Năm 1970, có mốt mặc quần “ống tuýp” (quần ống chật), quần bò (vải Trung Quốc), áo nhung tăm may xẻ tà. Khoảng năm 1974, chợ trời Hòa Bình đầy dân phe quần áo. Họ vắt trên tay chiếc “quần si” (vải simili) may kiểu “song li, sống nổi, cạp liền”, chưa lên gấu. Ai mua thì tùy theo người cao hay thấp về nhà tự lên gấu lấy, mầu được chuộng nhất là mầu lông chuột và ghi sáng. Mặc quần si, áo popelin trắng, túi cho bao thuốc lá Thăng Long (thuốc lá hạng sang thời đó), túi ngực cài bút máy Kim Tinh (bút mực của Trung Quốc) cho có vẻ trí thức và đi “tông” mầu nõn chuối (hoặc dép nhựa Tiền Phong trắng) thì đích thị là dân chơi. Thanh niên theo mốt này một phần là con cán bộ, xã viên các hợp tác xã cán nhôm, hợp tác xã nhựa hay con nhà “phe phẩy”. Tuy nhiên, vì cuộc sống còn quá nghèo nên ra đường cũng không thiếu gì người mặc quần tích kê, hay miếng vá khâu tay mới chồng lên miếng vá cũ. Vải gì cũng nhuộm mầu tím than, đen hay mầu nâu, mặc mầu sáng mau bẩn và giặt nhiều hết xà phòng của gia đình. Từ năm 1965-1972, người dân ngoại thành mua được thước vải trắng 8-3 (Nhà máy Dệt 8-3 sản xuất) đều phải  nhuộm bằng củ nâu. Khi máy bay Mỹ ném bom người ta còn làm ca dao:
Ngày xưa áo trắng anh yêu
Bây giờ áo trắng mục tiêu quân thù
Khoảng 1973, con cái các sỹ quan quân đội sống ở khu tập thể Nam Đồng, Lý Nam Đế, đường Tầu Bay (nay là đường Trường Chinh) mặc “áo bay”, đội mũ dạ, đi giầy cosughin (chỉ sỹ quan quân đội mới có) ra đường, nên xuất hiện cụm từ “quân khu”. Gặp “quân khu Nam Đồng”, “quân khu Lý Nam Đế” trên phố thì tốt nhất là tránh xa, dù không va chạm nhưng thấy ngứa mắt là đám “quân khu” nhẩy vào đánh hội đồng. Sau đó, nhiều thanh niên cũng theo mốt này, họ mua “áo bay” ở chợ trời, không kiếm được quần dạ, họ mặc quần “dõng” (quần của bộ đội bằng vải gabadin phát cho hạ sỹ quan), đi dép nhựa trắng Tiền Phong hay dép cao su đúc. Mốt này kéo dài hơn thập niên, và cho đến bây giờ, ai mặc như vậy xã hội vẫn  gọi là dân “quân khu”. Đầu thập niên 90, quần áo Trung Quốc tràn qua, giá một chiếc áo vét có tám mươi ngàn đồng nên nhiều hiệu may phải đóng cửa. Cửa hàng may 46 Lê Thái Tổ dường như đã hoàn thành sứ mạng, nên đã cho một người Pháp thuê mở hiệu kem Fanny vào năm 1997. Hiệu may nổi tiếng một thời đã bị xóa sổ.