"Huyền thoại 1C" kể về hơn 2.000 ngày đêm bám trụ trên cung đường 1C máu lửa của hơn 800 chiến sỹ thuộc Khu đoàn Thanh niên Tây Nam Bộ, nhằm đưa đón hơn 2 vạn lượt cán bộ, bộ đội thương binh và vận chuyển hơn 13 ngàn tấn vũ khí, lương thực, thuốc men cho chiến trường. Với hơn 200 trận đánh oanh liệt, bộ phim miêu tả sinh động một giai đoạn chiến sự khốc liệt và hào hùng. Nhà văn Nguyễn Thị Diệp Mai, con gái nhà văn Anh Động, tác giả kịch bản nâng cao bộ phim "Huyền thoại 1C" đang phát sóng trên kênh HTV9, đã viết một lá thư dài nói về sự bức xúc và tổn thương của cha mình khi bị xử ép và cướp công. Nhà văn cho rằng, chính cha mình đã viết ra một kịch bản mới cho bộ phim truyền hình 20 tập, nhưng lại chỉ được ghi là kịch bản nâng cao, còn tác giả chính thức lại là nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn. Trong khi đó, một người tự xưng là nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn đã có những thái độ hết sức xấc xược khi trao đổi qua điện thoại, gọi ông là thằng bố láo, khiến ông tổn thương sâu sắc. 


Rắc rối tranh chấp quyền tác giả kịch bản phim truyền hình "Huyền thoại 1C":
NHÀ VĂN ANH ĐỘNG BỨC XÚC VÌ BỊ XÚC XIỂM

Không chấp nhận đề cương cũ, viết mới hoàn toàn
Nhà văn Diệp Mai viết: "Câu chuyện kịch bản phim này bắt đầu từ việc đặt hàng của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch để làm bộ phim "Huyền thoại 1C" theo nguyện vọng của các cô chú Ban Liên lạc Khu đoàn Thanh niên Tây Nam Bộ. Người khởi đầu là nhà thơ Nguyễn Bá và nhà biên kịch phim tài liệu Trần Nhật Thu.
Trong giai đoạn chuẩn bị viết kịch bản thì hai tác giả này rút khỏi dự án. Và sau đó một số người nữa được đặt hàng viết kịch bản, trong đó có nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn. Tôi được biết là sau một số lần lận đận tìm người viết, kịch bản vẫn không thể ra đời được.
Năm 2010, chú Năm Bang (Nguyễn Duy Quờn) và chú Hai Phúc (Nguyễn Minh Phúc) của Ban Liên lạc Khu đoàn Thanh niên Tây Nam Bộ tìm đến nhà tôi vì được biết cha tôi là nhà văn và là chiến sĩ từng tham gia chiến trường 1C, đã có nhiều tác phẩm viết về chiến trường này. Sau vài lần trao đổi với các chú, cha tôi đã chấp nhận tham gia viết kịch bản một phần vì tình cảm với đồng đội đã hy sinh, một phần vì ông thấy trách nhiệm của mình với những người đã ngã xuống.

Thật sự gia đình tôi không muốn ông tham gia vì sức khỏe của ông không tốt. Nhưng vì thấy ông quá tâm huyết nên tôi đứng ra giúp ông hoàn thành tâm nguyện của mình. Nhà biên kịch Nguyễn Hữu Phần mời tôi tham gia phần xây dựng đề cương kịch bản phim.
Hãng phim Tây Nam Phim đã hợp đồng với nhà biên kịch - đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, nhà quay phim Nguyễn Hữu Tuấn đến trao đổi trực tiếp và làm việc với cha con tôi. Hãng phim đưa cho chúng tôi đề cương kịch bản phim của ông Đoàn Minh Tuấn nói là đã được Cục Điện ảnh phê duyệt chấp thuận (có Phó Giám đốc Lê Thanh Bình của Hãng phim cùng tham gia).
Tuy tôi là người không trực tiếp tham gia cuộc chiến tranh như cha tôi nhưng tôi là người Nam Bộ, từ nhỏ đã lớn lên cùng với những cô chú là đồng đội của cha tôi ở chiến trường 1C, khi đọc bản đề cương đó tôi không thể nào chấp nhận được cách dùng từ ngữ, tư duy, hành động của người Bắc Bộ cho một bối cảnh rặt Tây Nam Bộ. Cha tôi từ chối viết theo đề cương này.
Tôi đã đồng ý với ông và thống nhất với nhà biên kịch Nguyễn Hữu Phần, với Hãng phim là chỉ tham gia nếu chấp thuận để cha tôi xây dựng đề cương kịch bản theo ý tưởng của ông. Việc này đã được thống nhất giữa hai bên. Cha tôi đã xây dựng đề cương phim 10 tập gửi cho nhà biên kịch Nguyễn Hữu Phần, Hãng phim và Ban Liên lạc Khu đoàn với tên là "Cung đường 1C".
Khi trao đổi, Ban Liên lạc Khu đoàn và Hãng phim đề nghị là giữ nguyên tên "Huyền thoại 1C" vì Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã duyệt và có đóng góp đề cương của cha tôi, đề nghị ông chỉnh sửa và viết kịch bản văn học nâng cao số lượng là 20 tập phim. Bản góp ý đó là của ông Hồng Quốc Công - Giám đốc Hãng phim.
Nhà biên kịch Nguyễn Hữu Phần chuyển cho cha tôi số tiền là 30 triệu đồng xem như đã thống nhất thực hiện việc viết kịch bản (số tiền này xem như là tiền tạm ứng sau đó Hãng phim đã trừ vào số tiền hợp đồng là 5 triệu/1 tập). Không biết vì lý do gì sau đó nhà biên kịch Nguyễn Hữu Phần đã rút lui không tiếp tục. Hãng phim Tây Nam Phim và Ban Liên lạc thuyết phục cha tôi tiếp tục hợp tác để hoàn thành kịch bản văn học cho bộ phim.
Hợp đồng số 02/HĐTC/TNF ngày 22/8/2011 của Công ty cổ phần Tây Nam Phim do ông Hồng Quốc Công ký thỏa thuận giao cho cha tôi chịu trách nhiệm viết kịch bản văn học nâng cao cho bộ phim "Huyền thoại 1C" với độ dài là 20 tập. Theo hợp đồng, hãng phim chịu trách nhiệm cung cấp thông tin và chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc bản quyền với ông Đoàn Minh Tuấn.

Sau khi kịch bản văn học đã hoàn thành và được đưa vào sản xuất. hãng phim đã mời đạo diễn Nguyễn Thanh Vân làm đạo diễn. Ông Thanh Vân cũng mời cha tôi theo đoàn làm phim trong thời gian quay và dàn dựng như cố vấn hiện trường. Cha tôi rất vui mừng và thỏa nguyện vì như được sống lại những tháng ngày gian khổ. Nhiều lần ông phải trở về nhà nửa chừng vì sức khỏe nhưng ông vẫn quyết tâm theo đến cảnh quay cuối cùng. Chuyện người yêu nghề, tấm lòng của người chiến sĩ đối với trách nhiệm với những đồng đội đã ngã xuống của ông dù thầm lặng nhưng đủ làm cảm động đạo diễn Thanh Vân và các anh chị em diễn viên.
Đến khi dàn dựng hậu kỳ hãng phim đã đề nghị cha tôi đồng ý để tên ông Đoàn Minh Tuấn là tác giả kịch bản và cha tôi đứng tên "Kịch bản nâng cao" với lý do Cục Điện ảnh đã ký bắt buộc như vậy. Cha tôi không chấp nhận vì ông không hề nhận làm việc sửa chữa, nâng cao kịch bản cho ông Đoàn Minh Tuấn.
Theo các văn bản cha tôi hiện giữ thì ông Đoàn Minh Tuấn đã chuyển nhượng bản quyền cho Ban Liên lạc Khu đoàn và sau đó Ban Liên lạc Khu đoàn đã chuyển nhượng lại cho hãng phim. Ban Liên lạc Khu đoàn cử đại diện gặp cha tôi thuyết phục ông hãy vì sự ra đời của bộ phim mà chấp nhận việc để bộ phim có thể phát sóng và cam kết để trên phim cha tôi là "Tác giả kịch bản văn học nâng cao" (có bản cam kết của Ban Liên lạc Khu đoàn ký tên, đóng dấu). Cha tôi đã chấp nhận để bộ phim được phát sóng thỏa lòng mong đợi của các cô chú từng là đồng đội có thể sớm xem được bộ phim về chiến công, sự hy sinh, mất mát của một thế hệ".

“Anh Động... là thằng bố láo”?
"…Nhưng thật là tổn thương khi phim phát sóng, hãng phim đã không giữ đúng cam kết và hợp đồng vẫn để "Kịch bản nâng cao: Nhà văn Anh Động". Cha tôi đã làm đơn kiến nghị, gửi thư cầu cứu để mong được chia sẻ. Cách đây không lâu một người tự xưng là Đoàn Minh Tuấn đã gọi điện thoại, lúc đó cha tôi không có mặt, mẹ tôi đã nghe điện thoại. Người này nói giọng rất xấc xược: "Cho tôi nói chuyện với thằng Anh Động. Nó là thằng bố láo…".
Cha tôi và gia đình tôi chưa từng gặp nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn, cũng chưa từng làm việc với ông ấy nên không biết có ai đó giả danh ông ấy hay không. Nếu thật sự là như vậy thì tôi quá thất vọng vì một nhà biên kịch tầm cỡ quốc gia lại có thể nói ra những từ ngữ như vậy. Nếu là ai đó giả danh ông Đoàn Minh Tuấn thì hãy tự xấu hổ vì đã bôi nhọ tư cách của những người cầm bút".
Ngày 3/10 vừa qua, có một người gọi điện cho cha tôi tự xưng là người của Cục Điện ảnh hay thanh tra gì đó được ủy quyền xử lý việc kịch bản phim "Huyền thoại 1C". Ông ấy chỉ nói miệng là: "Tôi đã chỉ đạo cho hãng phim xử lý theo yêu cầu trong đơn kiến nghị của ông". Cha tôi trả lời là ông làm đơn kiến nghị Cục Điện ảnh thì yêu cầu Cục có văn bản trả lời theo đúng qui định và phải có bản cam kết của hãng phim chỉnh sửa trên phim theo đúng yêu cầu. Người này tắt điện thoại với thái độ rất khó chịu.
Dù trên danh nghĩa pháp lý cha tôi không được công nhận là tác giả kịch bản nhưng trên tư cách nghề nghiệp thì ông là cha đẻ của kịch bản phim "Huyền thoại 1C". Lý do rất đơn giản là theo qui trình nếu một bộ phim xây dựng trên nền tảng kịch bản văn học thì bước tiếp theo sẽ là "kịch bản văn học nâng cao", từ kịch bản văn học nâng cao đó mới chuyển thành "kịch bản phim".
Nhưng vì Bộ Văn hóa Thể thao và du lịch đã có các văn bản pháp lý duyệt đề án phim "Huyền thoại 1C" cho ông Đoàn Minh Tuấn nên mới có "qui trình ngược" như vậy. Tôi khẳng định và cam đoan là từ đề cương kịch bản đến kịch bản văn học, đến kịch bản văn học nâng cao cha tôi không hề sử dụng một câu từ nào của ông Đoàn Minh Tuấn ngoại trừ tên phim vì đã được phê duyệt của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, bởi vì cha tôi và tôi chỉ được nhà biên kịch Nguyễn Hữu Phần cho xem đề cương kịch bản sơ lược như một dàn bài viết văn nghị luận và không hề có gì liên quan đến cuộc chiến trên tuyến đường 1C lịch sử.
Cha tôi không quan tâm đến ai là tác giả kịch bản, cũng chẳng nề hà tuổi tác đã cao, bệnh tật do thương tích chiến tranh để lại trên người ông, sức yếu tuổi cao để hoàn thành được 20 tập phim và theo suốt những chặng đường đoàn phim đã đi qua để bộ phim được thành công. Ông chỉ yêu cầu được nhìn nhận đúng công lao đóng góp của mình cho sự thành công của "Huyền thoại 1C". Chuyện đó có gì là không đúng, mà sao khó khăn đến vậy?
Thật buồn thay cho những người tự nhận mình là có công, có đủ tư cách pháp lý đứng tên trong bộ phim. Tận đáy lòng họ có chút nào tự trọng nghề nghiệp hay không hay là họ vì danh tiếng, vì đồng tiền mà thôi?"


Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân: Không phải người trong cuộc thì không viết được"
Khi thực hiện bộ phim tôi chỉ tiếp xúc và làm việc trực tiếp với kịch bản của nhà văn Anh Động và biên tập Phạm Thuỳ Nhân, tôi không biết trước đó kịch bản của anh Đoàn Minh Tuấn ra sao và tôi cũng chưa gặp anh ấy để bàn về bộ phim lần nào. Tuy nhiên, khi làm phim thì tôi thấy, những số phận cảm động của các nhân vật ít nhiều đều gắn với ký ức của nhà văn Anh Động, chính vì thế nó làm tôi rất xúc động và tôi tin khán giả sẽ đồng cảm. Nếu không phải là người trong cuộc sẽ khó có thể viết được kịch bản xúc động như vậy".


Nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn: Kịch bản phim là của tôi
"
Ðể viết được tôi đã phải nhiều lần đi thực tế ở Cà Mau và Kiên Giang, gặp gỡ các nhân chứng còn sống. Kịch bản được hội đồng duyệt kịch bản của Cục Ðiện ảnh thông qua. Và quyết định làm phim Huyền thoại 1C do Bộ Văn hóa - Thể thao và du lịch do Thứ trưởng Lê Tiến Thọ ký là làm phim theo kịch bản của tôi".



Nguồn: Nhóm PV tuần báo Cảnh Sát Toàn Cầu