Thật bất ngờ đối với những đồng nghiệp và bạn bè khi họ hay tin Nguyễn Hữu Nhàn sẽ lấy vợ lẽ. Tất nhiên là anh sẽ sống cùng lúc với cả hai bà. Ai cũng kêu lên anh phạm Luật Hôn nhân. Nhưng anh không sợ vì người vợ cả của anh không kiện và chấp nhận chuyện này. Anh đã thỏa thuận trong gia đình như thế. Mọi người đều chia sẻ với tình yêu của anh, nhưng không thể và tất nhiên, các ban ngành, tổ chức Đảng lên án. Nguyễn Hữu Nhàn không chịu, cứ sống với hai bà vợ như thường. Không ngờ khi anh trở thành ủy viên thường vụ Hội Văn nghệ Phú Thọ, phụ trách đặc san Sáng tác mới, năm 1975, thì câu chuyện lấy vợ hai của anh được khui lại như một sự kiện bất thường. Mọi người đang nghĩ cách xử lý vụ việc, với thái độ thật “đao to búa lớn”, thì bất ngờ Nguyễn Hữu Nhàn nộp đơn xin rút khỏi Ban Chấp hành Hội.




NGUYỄN HỮU NHÀN GIỮA NHỮNG HỆ LUỴ KHÔN LƯỜNG

VƯƠNG TÂM

Hẹn hò mãi rồi tôi cũng có dịp lên Việt Trì gặp nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn. Gặp ông, tôi muốn xác nhận một điều: chuyện ông khi mới 12 tuổi lấy cô vợ lên 8, thì ông mím môi, vẻ mặt đần ra, còn đôi mắt đục mờ ở tuổi 75 như ẩn chứa bao điều tâm sự. Ông nói, mình là nạn nhân của tệ tảo hôn xưa còn rớt lại ở quê hương. Và biết bao hệ lụy của đời ông cũng bắt đầu từ đó…

1. 
Chuyện trục trặc đầu tiên là cậu bé Nguyễn Hữu Nhàn thường bị bạn bè cùng lớp học chế giễu, trêu chọc. Ngượng ngùng và chán chường, đồng thời cũng mệt mỏi vì chuyện ứng xử trong gia đình, nên khi vừa tốt nghiệp cấp II, Nguyễn Hữu Nhàn quyết định đi học lớp trung cấp tài chính kế toán, coi như một dịp thoát ly gia đình để đi làm.
Nói là vậy, tuy không có tình cảm gì với người vợ vì tuổi còn nhỏ quá, nhưng dần dà khi tới tuổi mười tám, đôi mươi hai người cũng có tới hai mặt con. Nguyễn Hữu Nhàn coi đó như một nghĩa vụ cho xong với gia đình, vì người vợ này được lấy về chủ yếu lo toan công việc nhà và chăm sóc bố mẹ mình. Từ đó chàng trai Nguyễn Hữu Nhàn chỉ việc tung tảy làm ăn bên ngoài và nuôi mộng văn chương của mình. Bởi lẽ khi mới 15 tuổi, Nguyễn Hữu Nhàn tình cờ được đọc những tác phẩm văn học của Mác-xim Goóc-ky và của nhà văn Nguyên Hồng, với nhiều cảm xúc đặc biệt và luôn luôn ám ảnh tâm hồn mình.
Sau đó vừa đi làm ở Ban Kiến thiết của thành phố Việt Trì, Nguyễn Hữu Nhàn vừa viết truyện ngắn, không ngờ tác phẩm đầu tiên Cô gái ươm bèođược in trên báo Phú Thọ. Sự khích lệ đó càng làm cho Nguyễn Hữu Nhàn nỗ lực tiếp tục ước mơ của mình. Rồi những bài báo, truyện ngắn khác được ra đời, cho đến khi Nguyễn Hữu Nhàn quyết định nộp hồ sơ xin đi học lớp bồi dưỡng viết văn khóa III do Hội Nhà văn Việt Nam chiêu sinh, năm 1968. Có thể nói thời điểm này là cái mốc quan trọng và có tính đổi đời của một cây bút tỉnh lẻ khi được tiếp xúc, học tập với những lớp nhà văn nổi tiếng. Cùng lớp với Nguyễn Hữu Nhàn, còn có những cây bút trẻ hồi đó như Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Phan Hách, Trần Nhật Thu, Lê Điệp, Trần Tự, Hồng Nhu…
Dần dần vài năm sau, Nguyễn Hữu Nhàn đã trưởng thành và là một cây bút có triển vọng chuyên viết về đề tài nông thôn, với tập truyện ngắn Chuyện làng Giành, xuất bản 1975. Và cũng trong thời gian này anh rời khỏi Ban Kiến thiết tỉnh, chuyển công tác, khi được mời vào Ban Vận động thành lập Hội Văn nghệ Vĩnh Phú, cùng với nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi và nhà văn Cao Khắc Thùy.
Nhưng thật bất ngờ đối với những đồng nghiệp và bạn bè khi họ hay tin anh sẽ lấy vợ lẽ. Tất nhiên là anh sẽ sống cùng lúc với cả hai bà. Ai cũng kêu lên anh phạm Luật Hôn nhân. Nhưng anh không sợ vì người vợ cả của anh không kiện và chấp nhận chuyện này. Anh đã thỏa thuận trong gia đình như thế. Mọi người đều chia sẻ với tình yêu của anh, nhưng không thể và tất nhiên, các ban ngành, tổ chức Đảng lên án. Nguyễn Hữu Nhàn không chịu, cứ sống với hai bà vợ như thường. Không ngờ khi anh trở thành ủy viên thường vụ Hội Văn nghệ Phú Thọ, phụ trách đặc san Sáng tác mới, năm 1975, thì câu chuyện lấy vợ hai của anh được khui lại như một sự kiện bất thường. Mọi người đang nghĩ cách xử lý vụ việc, với thái độ thật “đao to búa lớn”, thì bất ngờ Nguyễn Hữu Nhàn nộp đơn xin rút khỏi Ban Chấp hành Hội.
Lẽ dĩ nhiên sau đó, Nguyễn Hữu Nhàn vẫn sống với bà vợ lẽ, rồi chuyển sang làm việc tại Phòng Xuất bản thuộc Sở Văn hóa Phú Thọ. Nhiều người nói ông gàn khi giũ bỏ sự nghiệp vì đàn bà; nhưng lại có người khen ông thế mới là yêu, sẵn sàng hy sinh cho hạnh phúc. Có người chê ông dại vì bỏ bao công sức tạo dựng công danh, chỉ vì tự ái mà vứt bỏ tất cả. Còn ông lại nghĩ khác, ông muốn rời khỏi chốn thị phi, bon chen để tập trung vào việc sáng tác, thế thôi.
Quả vậy, sau khi rời khỏi Hội, năm 1976, ông mải mê viết cuốn tiểu thuyết đầu tay Dốc Nắng (NXB Thanh niên – 1984). Ngay lập tức, cuốn tiểu thuyết này trở thành hiện tượng của văn đàn, tạo dựng cái tên Nguyễn Hữu Nhàn, một tác giả của những câu chuyện về nông thôn có phong cách mới lạ.

2. 
Tưởng mọi chuyện xuôi chèo mát mái từ đó, với một tác giả thành danh của đất Tổ, nhưng với bản tính trung thực và kiên định đôi khi mọi người cho là ngang ngạnh, hoặc không thức thời nên nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn không ít phen lao đao, với nhiều sự cố xảy ra.
Ông kể có đận khi chuyển sang phụ trách Hội Văn nghệ Dân gian Phú Thọ, hồi đầu những năm1980, ông suýt bị cho về hưu sớm chỉ vì không chịu làm đề xuất xây dựng trụ sở Hội. Người ta rỉ tai sẽ có màu, nhưng ông cho là Hội Văn nghệ dân gian có ít người; lúc đó chỉ có ông và nhà văn trẻ Nguyễn Tham Thiện Kế, nên không cần trụ sở to để làm gì cả. Phí! Thế là một số người muốn xây dựng phát điên vì mất miếng ăn, nên hùa nhau tìm cớ đuổi ông về vườn. Nhưng chẳng lẽ lại lấy cớ chống lệnh trên, chỉ vì chuyện không chịu xây nhà cho mình. Không có lý nào như vậy được. Vậy là ông vẫn ở lại làm việc và ngồi nhờ ở một cái phòng bỏ không bấy lâu nay, với danh vị Hội trưởng Hội Văn nghệ Dân gian tỉnh Phú Thọ. Vậy mà có người vẫn chê ông là đồ gàn, cho dù sau hơn 30 năm đến nay, trụ sở đó vẫn không được xây dựng, chỉ vì chưa cần thiết mà thôi.
Lại có phen ông bị kiểm điểm vì cho xuất bản sách Bút Tre có vấn đề tế nhị, khi ông còn làm ở Phòng Xuất bản, Sở Văn hóa. Trong cuốn sách sưu tầm có những câu hài hước gây ảnh hưởng không tốt về tư tưởng, nhưng lại không phải của Bút Tre, vậy người biên tập và xuất bản phải làm kiểm điểm và chịu kỷ luật. Một không khí nặng nề ngỡ như tai họa sẽ ập xuống đời ông. May thay, chính nhà thơ Bút Tre lúc đó, cũng đang đương nhiệm một chức trách ở tỉnh không hề có ý kiến phản đối và chỉ cho đây là việc cần lưu ý rút kinh nghiệm. Bởi ông cho là thơ của mình đã được dân gian hóa, tạo nên một xu thế tích cực và có tác dụng đấu tranh và xây dựng một nếp sống mới, một tư tưởng lành mạnh. Thế là nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn thoát nạn. Vậy mà vẫn có người cho là tay Nhàn này thâm, có khi sáng tác ra mà không ai biết, lại đổ cho là thơ dân gian nhặt được.
Nếu kể ra thì nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn có nhiều chuyện ngang lắm, nhất là những chuyện đi viết bài ở cơ sở, hay các hợp tác xã. Khi cấp trên phán xét đây là một hợp tác xã đầy rẫy những tiêu cực như Hợp Thịnh chẳng hạn, nhưng khi xuống khảo sát mà ông không thấy thế, với quan sát và theo dõi của mình, ông lại nhận định ngược lại. Thế là ông trung thực viết đúng như thực tế, rồi cho in báo trung ương hẳn hoi để bảo đảm tính khách quan và chịu trách nhiệm về những đánh giá của mình. Những chuyện như thế hay xảy ra và ông thường bị vu cho là chống lại lãnh đạo chỉ vì cái thói ngang ngạnh, chẳng giống ai.
Lại có chuyện. Ông là người hay đi về các nơi khó khăn xa xôi trong tỉnh, với vai trò nghiên cứu và sưu tầm văn hóa Dân gian, nên ông thuộc mọi phong tục tập quán văn hóa của đồng bào các dân tộc ít người. Chính vì thế có lần làm một bộ phim truyện Gió thổi qua rừng, ông đã bị người ta kiện về chuyện dám đưa chuyện “ngủ thăm” của dân tộc Dao lên màn ảnh, với ý đồ câu khách, chứ hủ tục đó không còn nữa. Bộ phim đã bị cấm chiếu. Câu chuyện sau đó được nêu ra khá nghiêm trọng Nếu tác giả bịa đặt sẽ phải chịu trách nhiệm với vấn đề chính sách của người dân tộc thiểu sô,ë nghĩa là án kỷ luật đã chờ sẵn. Nhưng sau khi lên “phúc tra” thực tế tại nơi người Dao Tiền sinh sống ở Phú Thọ, thì người ta mới hay, bộ phim rất được người Dao ở đây thích thú, vì đã phản ánh đúng những phong tục tập quán của họ, tại Hợp tác xã Xuân Sơn, thuộc Vườn quốc gia Xuân Sơn, Phú Thọ. Sau đó bộ phim được chiếu đi chiếu lại trên màn ảnh truyền hình. Còn ông thì chỉ nheo mắt cười…
Chưa hết, còn có chuyện ông đến hợp tác xã Vinh Tường, huyện Thanh Sơn, một nơi xa xôi vào loại nghèo và khó khăn nhất tỉnh viết bài. Ông mô tả tỉ mỉ con đường bộ, dài 10 km, vừa xa vừa tồi tệ, phải vừa đi vừa mò đường, cả ngày trời mới vào đến nơi mọi người sinh sống. Rồi nữa, ông còn viết cả những vất vả khó tưởng tượng nổi về đời sống và nếp sinh hoạt lạc hậu của đồng bào thiểu số, chỉ vì con đường khổ ải đã ngăn cản họ giao lưu với xã hội bên ngoài. Đến mức có thanh niên tâm sự nếu ai được một lần đi phố huyện, thì coi như cuộc đời mình đã có chuyến đi sang Mỹ vậy. Khi bài báo hoàn thành ông định đưa cho in lên báo, thì ông chủ tịch xã đã gọi điện xin đừng cho in bài báo đó nữa, sợ xấu mặt lãnh đạo xã. Lập tức nhà văn ra điều kiện, ông sẽ không cho in bài báo với điều kiện là xã phải làm ngay con đường cho bà con đi lại giao lưu, làm ăn với các bản xã xung quanh để thoát cảnh nghèo. Và thế là chỉ năm sau con đường vào hợp tác xã hoàn thành. Hỏi về chuyện đó, ông thấy rất vui và cười tươi như hoa, nom trẻ hẳn ra…
Đang ngồi trò chuyện với tôi bên ấm trà, bất ngờ ông giở tập san Đất Tổ ra khoe, ông mới lên Sơn La và phát hiện ra có Vũ Thị Bích Thủy, một cây bút trẻ viết truyện ngắn rất có triển vọng. Ông đã mang về cho in ở tạp chí. Hiện ông vẫn đang làm biên tập phần văn xuôi của tạp chí và là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn nghệ Phú Thọ; và là Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam ở Phú Thọ. Rồi ông nhẩn nha đọc cho tôi nghe một đoạn truyện ngắn Cánh hoa bạc của Bích Thủy. Giọng ông hiền hòa, chậm rãi theo nhịp điệu câu văn uyển chuyển và giàu cảm xúc của một người con gái miền núi. Ông rất vui vì được những bạn viết đồng hành chia sẻ. Nhưng dường như tôi lại đang nghe chính ông tâm sự về mình, một đời văn gắn bó với người nông dân miền núi. Cho dù lắm truân chuyên, nhưng không bao giờ chán nản, ông mải miết đi, mải miết viết, với cách nhìn hóm hỉnh, lạc quan với cuộc đời, suốt hơn nửa thế kỷ qua.