Hoàn thành bản thảo Mùa lá rụng trong vườn, gửi tới Nhà xuất bản Phụ nữ, Ma Văn Kháng đi thực tế nông thôn Hà Nam 6 tháng. 6 tháng xa Hà Nội, tuy yên tâm vì đã ký thác “đứa con tinh thần” của mình cho những bà đỡ tin cậy: Giám đốc Nhà xuất bản Phụ nữ lúc này là nhà văn Nguyệt Tú và người biên tập cuốn sách là cô Mai Quỳnh Giao - một biên tập viên trẻ trung, xinh xắn, giàu năng lực thẩm mỹ, nhưng lòng dạ Ma Văn Kháng vẫn không khỏi bồn chồn. Làm sao mà không bồn chồn lo lắng? Vì lúc này, các xuất bản phẩm đều được kiểm tra, xét nét rất kỹ lưỡng.
Quả nhiên, sau đợt công tác ở nông thôn dài trở về, Ma Văn Kháng được đọc bản thảo của mình vừa biên tập ở NXB, thấy nhiều đoạn bị cắt bỏ thì vô cùng hốt hoảng và vội gọi điện tới ngay Giám đốc – nhà văn Nguyệt Tú.


MAY HƠN KHÔN



- Xin chào chị Nguyệt Tú. Thưa chị, tôi mới đi công tác về, được biết là cuốn sách của tôi bị cắt nhiều đoạn quá, nên quả thực...
- Anh đã xem lại chưa?
- Thưa chị, tôi  đã xem lại. Và quả thực là... nếu cuốn sách bị cắt nhiều đoạn như thế thì có lẽ là nên... thôi, không in nữa chị ạ.
- Anh cứ  bình tĩnh, anh Ma Văn Kháng!
- Vâng, thưa chị. Chị cũng là một nhà văn nên chị hoàn toàn có thể thông cảm với tâm trạng xót xa, thậm chí đau đớn của tôi lúc này...
- Anh Ma Văn Kháng ơi, anh hãy bình tĩnh. Tôi sẽ đọc lại những đoạn bị cắt với tinh thần và ý thức của một nhà văn.
Hai hôm sau, Ma Văn Kháng thở phào. Giám đốc Nguyệt Tú gọi điện cho ông báo tin, đồng ý lấy lại gần hết những đoạn trước đó biên tập viên có ý định cắt bỏ.
Sau chuyện này, khi có người hỏi, Ma Văn Kháng tâm sự:
- Tôi có tài cán thuyết phục gì đâu! Chẳng qua là may hơn khôn. May là tôi gặp Giám đốc Nguyệt Tú, một nhà văn có tài, có tâm, có hiểu biết, chứ nếu không thì... Mà anh biết rồi đấy, nhà văn nước ta như loại tôi, ngoài mấy con chữ ra, còn có tài cán gì đâu; họ yếu ớt lắm!  

HOÀNG AN – Sức Khỏe & Đời Sống